NGÔN VÀ HÀNH (Tài liệu linh tinh)

Tuổi Thơ Của Bankei

Khi bắt đầu đi học, Sư phải học các cổ thư của Khổng giáo ở chùa Dairakuji. Sư không thích học nên luôn luôn về nhà sớm. Bị anh la rầy nhiều lần nhưng chú bé vẫn không bỏ thói trốn học. Trên đường về nhà, chú bé phải qua sông Tibo. Người anh ra lệnh cho người chèo đò: "Nếu nó về sớm, đừng đưa nó qua sông bất cứ vì lý do gì." Một ngày kia chú bé lại bỏ học về sớm. Người chèo đò làm theo lệnh ông anh. Chú bé tuyên bố "ở dưới đáy sông chắc chắn là có đất cứng!" xong nhào xuống đáy, rồi nổi lên thở hào hển lội được qua bên kia bờ.

Một ngày kia sư tự bảo: "Ta không thích học cổ thư đạo Khổng, mà trở về nhà thì lại bị anh la rầy. Ta nên chết quách - sao ta còn bám víu đời sống này?" Nói xong Ngài nuốt một thứ nhện độc mà người ta bảo là có thể làm chết người. Ngài nuốt vào một búng đầy miệng những con nhện độc ấy và vào trốn trong nghĩa địa, thản nhiên đợi cái chết. Tuy nhiên, sáng hôm sau Ngài vẫn thấy mình còn sống.

Vào ngày mồng năm tháng năm, làng có tục lệ cho tất cả những bé trai trong làng chia thành hai đội dàn dọc theo hai bên sông để ném sỏi vào nhau xem bên nào thắng. Mỗi khi sư ở bên nào thì những đối thủ ở bên bờ kia phải chạy trốn. Sư không bao giờ rút lui khi chưa thắng trận.

Tượng Phật Của Vị Trụ Trì

Giảng đường chùa Long Môn tọa lạc bên phải cổng chùa. Vào thời đại Kanei, vị trụ trì ở chùa Saihòji gần đấy có một tượng Phật nhỏ do Kukai điêu khắc (một Thiền sư nổi tiếng về hội họa và viết chữ. ND), pho tượng chỉ có 4 tấc Anh nhưng rất đẹp và có hồn. Bấy giờ sư chừng 14 tuổi, ao ước có được pho tượng mà vị trú trì Juki rất quý, nhất định không chịu rời.

Một ngày kia chú bé nghĩ, "nếu ta cầu nguyện, chắn chắn pho tượng sẽ đến nơi ta. Nếu sự cầu nguyện của ta không có hiệu nghiệm thì thế là đạo Phật không đáng tin, dù ta có chứng đạo cũng không ích gì." Chú bé để ra 30 ngày để cầu nguyện hết sức thành khẩn. Nhưng đến ngày thứ 29 vẫn chưa có kết quả. Chiều hôm ấy tình cờ một người bạn đến thăm. Trong câu chuyện chú bé giải thích lý do sự cầu nguyện của mình, và bảo bạn rằng không thể tin vào đạo Phật. Vừa nói xong thì thình lình vị trú trì đến gõ cửa. Chú bé rất ngạc nhiên khi trông thấy ông. Sau khi chào hỏi, chú nói: "Vì sao Thầy lại đến thăm con vào cái giờ khuya khoắt này?" Vị trú trì nói: "Tôi giao cho cậu pho tượng quý này. Tự nhiên trong tâm tôi cảm thấy rất nôn nóng, nên quyết định đến đây ngay, không chờ đợi được!" Nói xong, ông rút từ trong áo ra pho tượng để tặng chú bé. Ngay trong tâm chú lúc ấy phát sinh một quyết định phi thường là mình phải trở thành tu sĩ.

Tại Trạm Đổi Ngựa

Trong thời kỳ hành cước (tục lệ ngày xưa, các Thiền sư đi khắp nơi để hỏi đạo các Thiền sư khác - ND.) khi Sư đi qua trạm ngựa Mino chân đã mỏi, Ngài thuê một con ngựa để cỡi, nhưng ngay khi đó có một xe hàng quý giá đi đến và người lái ngựa nổi lòng tham, bèn lôi sư xuống khỏi yên để chở số hàng quý giá mang đi. Sư ngồi kiết già dưới trạm ngựa, trông hơi rầu rĩ. Muốn an ủi sư, người phu trạm tiến lại hỏi, "Thầy có giận không?" Sư trả lời, "Vì việc lớn mong cầu giác ngộ mà tôi đã từ bỏ quê nhà, chống lại ước muốn của cha mẹ; thế mà nay tôi lại bất mãn vì chuyện nhỏ nhặt này! Tôi rất hối hận." Nói xong Ngài đứng dậy bỏ đi. Và Ngài thường bảo: "Từ lúc ấy trở đi tôi đã tuyệt gốc giận dữ."

Về sau khi sư ra giảng dạy, mỗi khi Ngài đi qua trạm ấy, tất cả những người địa phương kéo đến thi lễ. Có một người tên Seishitchi dựng một gian chòi để dành cho sư. Mỗi khi sư đến, ông đem đồ cúng dường để chào đón. Ngày nay vẫn còn dấu tích.

Bankei Suýt Chết

Một lần khi hành cước, Sư qua sông ở Thành phố Yamada ở Òmi. Không có hành khách nào khác trên thuyền. Người lái bèn ghé vào bờ và khởi sự chất lên thuyền những chồng củi. Thấy cử động của y có vẻ lén lút như một tên trộm, sư nói: "Có phải ông trộm củi đó không." Người lái thuyền lẩm bẩm: "Im đi!" Sư nói: "Nếu anh ăn trộm củi ấy thì hãy giết tôi trước. Tôi không thể để cho anh thành một kẻ trộm." Vừa nói Ngài vừa ngăn người chèo đò và sẵn sàng chết nếu cần.

Mặc dù ngu dốt, người ấy cũng nhượng bộ lý trí và đẩy thuyền ra vì không thực hiện được ý định lấy trộm.

Giữa Đám Người Ăn Xin

Từ Kaga (ngày nay là quận Yshikawa) trở về, Sư đi qua Edo. Dừng lại ở Komagata (một khu vườn nổi tiếng thuộc phái Thiên Thai ở Tokyo. Pho tượng chính ở đây là một Quan Âm có đầu ngựa. Câu chuyện này xảy ra lúc Bankei được 35 tuổi. Hồi ấy kẻ ăn xin và những người sống ngoài lề xã hội họp thành đoàn thể ở hai quận Asakusa và Shinagawa trong đô thị. Mỗi quận có một ngưòi cầm đầu đám này. Người này sẽ báo cáo cho người đầu đảng tất cả hành khất trong Thành phố. ND), Ngài hòa mình với những đám ăn mày, đào luyện giới và định để nuôi dưỡng trí giác ngộ. Bấy giờ trong lúc sĩ quan trông coi chuồng ngựa của lãnh chúa đang dẫn một con ngựa, nó bỗng bứt dây bỏ chạy. Con ngựa chạy khắp các đường phố, nhiều đám người chạy theo bắt lại nhưng không thành công. Khi thấy thế Sư nhận xét: "Lý do không giữ được con ngựa chỉ là vì người và ngựa rời nhau."

Viên sĩ quan về kể lại những lời ấy cho lãnh chúa nghe. Ông này nói: "Tôi nghe Yotaku (tức Bankei) đã đến vùng này. Còn ai khác ngoài ông ta có thể thốt ra những lời như thế." Vị lãnh chúa liền cho người đi thăm dò, và khi biết quả thật là Sư, ông liền thỉnh về, và dựng cho Ngài một nơi ẩn cư tại đấy.

Những Đồng Tiền Bị Mất

Một thời, Thiền sư Bankei sống hết sức chật vật ở Mino. Những dân làng xung quanh cảm động vì hoàn cảnh thiếu thốn của Ngài đã đến giúp đỡ và tìm chỗ ở cho Ngài. Khi khám phá túi tiền bị mất 10 ryò (đơn vị tiền tệ đương thời), ông lý trưởng nghi ngay là Bankei lấy trộm. Từ đấy sự giúp đỡ Sư dần dần giảm sút.

Một năm trôi qua, khi đến thăm nhà người con rể, ông lý trưởng mới biết một người đàn bà trong cơn tuyệt vọng đã lấy trộm số tiền nói trên. Ông liền cho gọi Bankei, giải thích những gì đã xảy ra, tỏ ý hối hận và xin lỗi. Bankei trầm tĩnh nói: "Tốt lắm, tốt lắm. Nhưng việc này không dính đến tôi, dù ông nghi tôi hay tôi bị nghi ngờ - ngay từ đầu đã không nghĩa lý gì. Toàn thể sự việc chỉ là do những ý tưởng khởi lên."

Nhà Nho

Khi Sư viếng chùa Saniyùji ở Bijen, tất cả những nhà Nho ở đấy chống Phật giáo nên ghét danh tiếng Sư, tìm cách hạ nhục. Họ đến tranh luận với Ngài suốt gần 3 tháng.

Vào buổi thảo luận cuối cùng, Nakagawa người thủ lãnh trong đám nhà Nho nói những người theo Phật Thích Ca là kẻ ăn bám.

Sư hỏi: Còn những người theo đạo Khổng thì thế nào?

Nakagawa trả lời: Giữ gìn trật tự trong vương quốc và bảo vệ quần chúng. (Trị quốc, bình thiên hạ.)

Sư bảo: Tôi nghe người nào muốn làm sáng cái đức sáng thì trước hết phải xếp đặt việc nhà (tề gia). Người nào muốn tề gia trước hết phải tu thân. Người nào muốn tu thân thì trước hết phải sửa tâm cho ngay thẳng (chánh tâm). Người nào muốn chánh tâm thì phải có ý định thành thực (thành ý). Thế mà về phần ông, ông muốn làm cho "thành thật" cái ý định gì, và với cái tâm nào ông làm việc đó?

Người kia không trả lời được. Sư cười lớn bảo: Nếu ông chưa hiểu được văn tự của bậc hiền nước Lỗ ở phương đông, thì làm sao ông có thể hiểu được ý nghĩa của Bồ Đề Đạt Ma từ phương Tây đến?

Nakagawa hoàn toàn bối rối, rút lui.

Từ đấy các nhà Nho đem đệ tử đến học đạo với sư, lại còn theo sư tọa Thiền.

Một trong những người này trình sư một bài kệ:

Con diều bay trên trời

Con cá lội dưới biển (1)

Thiền của tổ sư!

Sư nói: Thiền của ông thì sao?

Nhà Nho không thể trả lời.

(1) Câu mở đầu sách Trung dung của Khổng tử, ý chỉ mọi loài thích thú biểu hiện bản chất tự nhiên của chúng. ND

Vợ Người Nhà Giàu

Vì những lý do nào đó, lúc nhỏ sư chấm dứt liên hệ vớí người anh Tadayasu. Tadayasu rất thân với ông nội tôi Sukeyasu, xem như ruột thịt. Sukeyasu xây một cái chòi trên núi, phía trên nhà chúng tôi, và mời ông đến ở. Tại đây sư đã có được một nơi để tu Thiền. Sư đích thân viết tên am thất đặt ở lối vào. Hồi đó Sư là một người khách thường lui tới gia đình chúng tôi như người nhà. Sau khi ông xuất gia làm Tăng, gia đình tôi cũng thường làm tiệc chay mời Sư đến.

Người vợ của một nhà giàu ở Ikaba thuộc tỉnh Shiso (nay là Yamasaki - ND) có thói tham lam tàn tệ và luôn luôn lợi dụng người khác. Tướng bà ta như một con quỷ dạ xoa; gia đình bà đều khiển trách bà về thói tham lam nhưng không làm bà lung lay. Cả nhà đều giục bà ta đi nghe Sư giảng, cuối cùng bà chịu đi Amosi.

Ngày hôm ấy Sư nhận lời mời dự tiệc chay tại gia đình chúng tôi, và khi xong tiệc Ngài đã giảng một bài pháp cho tất cả mọi người. Người đàn bà này đến lắng nghe một cách cung kính. Gương mặt bà dần trở nên hiền dịu, thành một con người khác hẳn. Trước khi bài giảng kết thúc, bà ấy đã biến cải hoàn toàn. Mắt bà đẫm lệ, bà bày tỏ niềm hối hận và bao nhiêu tội lỗi của bà trong quá khứ đều tan ra như sương. Lập tức bà xin ghi danh vào chùa làm ni cô, và bà đã tu suốt những ngày còn lại của bà. Bà dựng một nơi ẩn cư đơn giản, cúng dường cho Tăng ni, và luôn hoạt động cho đến ngày nay.

Ông bà tôi, vú nuôi tôi, đã chứng kiến tận mắt những điều này và thường lập lại với tôi không bao giờ chán. Họ bảo: "Phòng giảng của sư thì hẹp nhưng không khác gì cảnh thuyết pháp tại đỉnh núi Linh thứu ngày xưa."

Chó Sói

Vào một buổi chiều khi Sư đi từ Shisò đến Abòsi, có một con chó sói đứng ngay giữa đường ngoác hàm ra chờ sư đến. Nhìn vào trong miệng con chó sói, sư thấy có một cái xương lớn chặn ngang cổ họng. Sư thò tay vào rút ra giúp nó. Hết sức mừng rỡ con chó sói ngoan ngoãn cụp tai vẫy đuôi và bỏ đi. Từ đấy về sau khi sư đi ngang qua con đường ấy, chó sói luôn đi ra hộ tống Ngài...

Lời Mời Của Người Hầu

Khi ở Oju sư nhận lời mời của Phurioka, một nhân viên trong cửa hàng tạp hóa. Vào đúng ngày đã hẹn lại có một lời mời khác từ viên tỉnh trưởng. Sư từ chối vì đã hứa trước với nhân viên cửa hàng. Mọi người đều sợ phản ứng của vị tỉnh trưởng, nhưng Sư bảo: "Làm sao tôi có thể chia tâm tôi thành cao và thấp? Nhất là khi một tiểu viên chức đã mời tôi? Ông ta đã phải bận tâm về việc này, đích thân xem xét việc nấu nuớng dọn dẹp và chuẩn bị. Ý định của ông ta biểu lộ sự tử tế sâu xa. Tỉnh trưởng thì có thể vừa ra lệnh là có ngay tức khắc, vậy tại sao phải mời đúng ngày hôm nay?"

Tỉnh trưởng vô cùng cảm động và thán phục khi nghe những lời ấy.

Thiên Đường Địa Ngục

Một lần một vị Tăng hỏi: Ngài thường dạy rằng thiên đường Địa ngục, Ngạ quỷ, A tu la,... tất cả đều ở trong tâm không hiện hữu ở ngoài. Nhưng trong kinh đức Phật dạy rằng: Nếu đi về phương Tây trải qua vô số cõi Phật sẽ có một miền gọi là Cực lạc do đức Phật A-di-đà biến hóa ra. Như vậy thì Phật nói dối sao?

Sư nói: Ai quyết định về phương hướng ấy?

Từ chính miệng ngươi

Một người đến hỏi về lời nói của cổ đức. Sư nói: "Hiểu được câu này lại thắc mắc về câu khác, cứ thế cho đến một triệu lời không bao giờ dứt. Nếu ông thực chứng những gì tôi nói thì từ chính miệng ông sẽ tuôn ra những lời, câu kỳ diệu. Ngoài ra, chữ nghĩa ấy có ích gì cho sự học đạo?"

Ngàn vị Phật

Sư viếng Katada và đến lễ nơi thờ một ngàn vị Phật. Những tượng Phật này do Hòa thượng Genshin Tịnh độ tông điêu khắc. Những người trong vùng ấy đều sống bằng nghề chài lưới. Khởi đầu Genshin dựng một tòa nhà và đặt vào đó một tượng Phật. Ngài dạy dân trong vùng ấy như sau: "Nếu miệng các ngươi niệm Phật A-di-đà trong khi tay các ngươi quăng lưới, thì chắc chắn các ngươi sẽ được nhiều cá." Bây giờ, trải qua bao thế kỷ, sự việc vẫn không đổi khác, điều này đã biến thành tập tục của địa phương. Khi trở về Yamasina, sư nói: "Genshin quả có tâm bi mẫn của Bồ tát Nhất Xiển đề. Thật đáng thán phục." Mọi người tán thán: "Sư quả thật là linh hồn anh em với hòa thượng Genshin sinh vào một thời đại khác!"

Tôi đã nghe ở Kawachi có 7 nghĩa địa do bồ tát Jioghi sáng lập. Khắp nơi bốn phía nghĩa trang ấy đều có những tảng đá khắc tên chư Phật và thần chú. Lời cuối cùng của Jioghi là: "Bất cứ người nào được chôn trong đất này dù đã phạm năm trọng tội và 10 bất thiện đều sẽ được sinh lên trời và thành Phật. Hành vi giác ngộ này, lòng từ bi vĩ đại này không khác gì của hòa thượng Genshin".

Bây giờ ta hãy nói đến những Thiền sư giỏi thịnh hành ngày nay. Khi những vị này giảng, họ chê Phật mắng tổ, coi thường những giá trị ngày xưa. Rồi họ lợi dụng tình cảm của những người thế tục ngu dốt để đưa ra 8 Địa ngục nóng, 8 Địa ngục lạnh, gây sự kinh hoàng trong tâm họ. Hoặc là họ nói về chuyện lên trời và thành Phật, dụ dỗ những người nghe bằng những câu chuyện về phần thưởng của sự tích lũy công đức, hệt như một diễn viên vuốt ve trẻ nhỏ. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận cái gì thực sự đang ở trong tâm họ, thì chỉ là mong được lợi dưỡng danh tiếng cho bản thân. Nếu có ai nghi ngờ điều này, họ sẽ bảo: "Đấy là phương tiện để giảng dạy Phật Pháp." Sự thật là họ trở thành những người đưa đường xuống Địa ngục, kéo theo quần chúng ngu dốt. Họ thật đáng thương!

Quà Tặng

Sư muốn gởi một quà tặng 50 cây nến, bảo người ta gói vào trong một chiếc hộp. Cái hộp rất lớn nhưng khi sư mở ra thì thấy đáy hộp lót một lớp rơm khá dày. Ngài sai lấy hết rơm ra, đặt thêm 50 cây nến cho đầy hộp. Ngài dạy: "Quà tặng là để bày tỏ lòng thành. Nếu ham bày biện một cách huênh hoang trống rỗng, thích bề ngoài giả dối, đấy là hoàn toàn trái ngược với ý định của Thầy tu già này. Từ đây về sau các ông không được làm như thế." Ngày nay khi dự tang lễ người ta thường chồng chất những lễ vật thật lớn thật cao mà lại độn rơm ở dưới đáy rồi trên đỉnh trang hoàng đầy bông hoa sặc sỡ và yêu cầu người chủ lễ đến xem. Khi tổ chức một tang lễ khác họ chỉ cứ việc đưa cùng một đồ cúng này ra bày biện, ngoài ra không cần thay đổi gì. Họ có thể tiếp tục như thế với trăm ngàn tang lễ khác cho đến khi những đồ cúng ấy thay đổi mầu sắc và tan rã.

Chỉ Khi ấy Họ Mới Thay Cái Mới.

Đức Khổng tử ghét những người làm bộ mặt đau khổ (mà thực sự trong lòng không có gì) nhưng chuyện này hiện nay lại càng tệ hơn, những tín đồ của Sư không bao giờ làm như thế. Theo thường lệ, dù vào ngày kỷ niệm chư Phật chư tổ hay vào dịp cúng giỗ người chết, mỗi khi dự lễ cúng, Sư luôn xem xét các thứ đựng đồ cúng trong buổi lễ có thực đầy ắp và tươi tốt không. Vào những dịp như thế, Ngài không phân biệt thực phẩm dành cho người sống và đồ cúng cho người chết.

Đếm

Thị giả Jin hỏi: Ngày xưa khi Thầy tọa Thiền, Thầy ngồi bao nhiêu cây hương?

Sư đáp: Khi ngồi suốt ngày, ta không đếm số những que hương. Ta chỉ xem một cây hương là một ngày, một cây hương là một đêm.

Vị thị giả vô cùng kinh ngạc.

Giảng Dạy Đặc Biệt

Trong số những đệ tử của Sư có Tăng sĩ tên Soen. Ông có tính giản dị chất phác, độc lập, chân thành, không ai có thể tìm thấy lỗi nào trong cách hành xử của ông. Trên chiến trường Pháp, Soen là một người anh hùng dũng cảm. Nhưng Sư luôn luôn khiển trách ông ta vì thói thẳng thừng dễ động chạm. Soen luôn xung phong về mọi sự, nhưng Sư thường rầy ông và đẩy ông trở lui; điều này chỉ làm cho Soen quyết định xông tới trước. Cuối cùng ông ta bị đuổi. Nhiều lần ông trở lại sám hối, và xin nhập chúng trở lại. Không ai hiểu được lý do hành động của sư, nhưng người ta nghĩ rằng có lẽ Sư muốn làm cho tính tình của Soen dịu bớt, đó là một cách giáo huấn đầy từ bi.

Trong kỳ đại kiết thất ở Long Môn tự, Soen bị ốm sắp chết. Sư thăm viếng ông tại nhà an dưỡng và thân mật bảo ông ta: "Này A-xà-lê, mỗi ngày ông sống là một ngày ông phải làm việc cho người khác."

Soen gật đầu và từ trần. Những người khác không bao giờ nhận chân được lòng từ bi bao la trong lời dạy của Sư.

Tích Cực Và Tiêu Cực

Một vị Tăng thuộc phái Chân ngôn hỏi Sư: Theo trường phái của tôi, có hai cách Thiền quán về cái Bất sinh trong khi quán tưởng chữ A: Cách quán tích cực và cách quán tiêu cực. Có phải Ngài dạy lối tích cực hay không?

Sư bảo: Đến đây.

Vị Tăng đến gần.

Sư hét: Đây là phương pháp gì?

Vị Tăng câm miệng. Toàn thể chúng hội ở đấy đều ngạc nhiên.

Lỗ mũi cư sĩ Jesso

Mỗi khi cư sĩ Jesso nổi giận thì nước mũi chảy. Có lần ông đến hỏi sư về điều này.

Sư bảo: "Nước mũi có khác gì nước mắt không?"

Từ đó về sau, cư sĩ ấy không còn để lộ ra ngoài sự mừng giận của mình.


Kẻ Cắp

Trong đám đông người đến tham dự kỳ kiết thất có một vị Tăng ở Mino nổi tiếng là kẻ cắp. Bất cứ đi đâu, ông cũng gây xáo trộn trong chúng. Trong vùng ấy có 7, 8 vị Tăng biết rõ việc này, nên đã đến yêu cầu viên chức chính quyền địa phương: "Vị Tăng này là một kẻ xấu, mọi người đều biết. Xin cho người nào đến lôi ông ta ra khỏi đại chúng để tiệt sự ác ngay trong mầm mộng." Viên chức nói lại cho Sekimon vị Tăng tri sự và vị này đã chuyển lời nói của viên chức ấy đến tai Sư.

Sư nổi giận tuyên bố: "Vào thời gian tôi đang hướng dẫn một kỳ kiết thất - theo yêu cầu mọi người, ông biết tại sao tôi làm việc này không? Chính là để thay đổi thói tệ của những người xấu, khuyến khích đức hạnh của những người tốt, và để mọi người đều nhận ra được pháp thân của mình. Bây giờ mà ca tụng người ngay thẳng và chối bỏ người lạc hướng là chuyện hoàn toàn ngược lại với mục đích thực sự của tôi."

Sekimon không thể nói gì, đầy xấu hổ và ân hận. Lời ấy được bàn tán khắp trong đại hội, tất cả mọi người đều khóc vì xúc động trước lòng từ bi của Sư. Khi ấy vị Tăng đương sự lên tiếng: "Hôm nay tôi đã thâm cảm lòng từ bi của một bậc đại sư! Từ đây cho đến mãi mãi về sau tôi sẽ cắt đứt mọi tư tưởng xấu và chuyên tâm đào luyện hành vi giác ngộ."

Từ đấy về sau bất kỳ đi đâu vị Tăng ấy luôn luôn nổi tiếng về đức tinh tấn.

Với những bậc Thầy dạy pháp ngày nay, khi có người học nào mà họ không ưa, họ sẽ gia công tìm lỗi để đuổi đi không cần thông báo, xem như kẻ thù tệ nhất dù cho đó là em ruột của họ! Ngược lại, nếu có người nào xem ra ích lợi cho họ lập được tài sản và danh tiếng, thì dù thuộc môn phái khác họ cũng ôm vào, tự khen mình là khôn khéo. Nếu không có tâm từ bi, người ta sẽ kiêu ngạo như một A tu la hay quỷ dạ xoa. Những điều như vậy cần phải tẩy trừ và xem là đáng ghét. Mặc dù đã trụ trì chùa Ryojan 20 năm nay, tôi chưa hề áp bức những người học, vì lời cảnh cáo của bậc Thầy vẫn còn vang dội bên tai tôi...

Bankei Và Vị Tăng Hà Tiện

Trong số những đệ tử của Sư có Tsuyò. Ông ta là người rất tỉ mỉ, để ý những việc vụn vặt, đi lượm thóc lúa đổ trong nhà xay và vớt lên những cọng rau xanh nào ông ta thấy trôi nổi trên giòng nước. Sư cấm ông ta làm việc ấy. Ông ta thường đi rảo khắp nhà kho và hành lang để tìm kiếm đồ đạc, không nơi nào mà ông không đi. Cuối cùng sư trục xuất ông ta. Tsuyò nhờ bạn là Tairyò (Tairyò Sokyò 1638 - 1688, đệ tử trưởng của Bankei. ND) can thiệp giùm và xin sám hối, song Sư vẫn không tha. Nhiều năm sau, cuối cùng Tsuyò mới được nhập chúng trở lại. Ông đến quỳ trước Sư. Sư mỉm cười bảo: "Đã lâu tôi không thấy ông. Ổ, ông đã già đi nhiều đấy!" Mọi người hết sức xúc động.

Nghĩ lại chúng ta có thể thấy rằng Sư chỉ muốn giáo dục Tsuyò vì những khuyết điểm của ông ta, nhưng chung quy lòng từ bi của Sư không bao giờ thay đổi.

Cái Quạt Của Hiệp Sĩ

Khi Sư ở chùa Korinji, một hiệp sĩ đến viếng. Đưa quạt lên ông ta nói: Vật này khi xuất hiện trong cõi hữu hình thì được gọi là một cái quạt; nhưng từ khởi thủy nó là phi hữu. Ngài có biết nó là vật gì vào cái lúc nó mới sinh ra chăng?

Sư nói: Tôi biết.

Hiệp sĩ hỏi: Ngài biết cái gì?

Sư bảo: "Tôi biết rằng tôi không biết."

Hiệp sĩ thở phào tán thán và tuyên bố: Chính đức Thánh cũng dạy rằng biết thì nói rằng biết, không biết thì nói rằng không biết, ấy gọi là biết vậy.(Một câu của Khổng tử dạy cho học trò Ngài là Tử Lộ, 542 - 480 trước Tây lịch. ND.)

Sư lắc đầu bảo: Hoàn toàn không phải thế.

Không Quy Luật

Vào một kỳ đại kiết thất ở chùa Long Môn, có trên mười ngàn người tham dự. Mọi người bảo: "Trong kỳ hội này, chắc người ta sẽ phải lập ra những quy luật sách tấn mọi người khiến cho toàn thể phải sợ run!"

Nhưng sau đó chẳng có một bản quy luật nào được đặt ra, mà mọi người vẫn an tịnh.

Thỉnh thoảng Sư thăng pháp tòa bảo đại chúng: "Cái Bất sinh có từ khởi thủy - tất cả mọi người hãy bảo đảm là quý vị không làm nó ẩn mất trong quý vị! Cái Bất sinh ấy giống như một quả bóng lớn bằng lửa: động vào nó bạn sẽ bị đốt cháy. Tôi có thể nói với quý vị về nó ngay bây giờ, nhưng nói không hết lời; tôi có thể sử dụng nó, nhưng dùng không bao giờ hết. Với tôi, muốn sách tấn người khác mà la lối um sùm khiến cho họ sợ hãi phải tuân hành, thì chỉ là một sự lừa dối vô ích. Không bao giờ nên làm vậy."

Khi những người trong chúng hội nghe điều này, tất cả hoài nghi của họ điều tiêu tan.

Bảy Cái Tọa Cụ Của Chokei

Khi Sư ở chùa Phật môn thuộc quận Hirado, vị Thiền sư trú trì chùa Kòdaiji ở Nagasaki đến thăm Ngài. Trong buổi nói chuyện, vị trú trì nhận xét: "Trong khi giảng dạy, Ngài chỉ giáo một cách rõ ràng trực tiếp, cắt đứt mọi quan điểm sai lầm và không bận tâm gì đến khổ hạnh trong việc tu tập. Tuy nhiên câu chuyện về vị Tăng Chokei (854 - 932, đi tu năm 13 tuổi, tham học rất nhiều nơi mà vẫn không giải nghi được. Sau nhiều năm nỗ lực ngồi mòn 7 tấm tọa cụ mà vẫn chưa ngộ, một hôm bất thần trong lúc cuốn rèm trúc, ông hoát nhiên đốn ngộ và kế thừa giáo pháp của Thầy là Khuê Phong, 822 - 908) với 7 tấm tọa cụ thì sao?

Sư nói: "Thượng tọa nhớ lầm rồi. Chokei trải qua 12 năm đi khắp nơi học đủ các bậc Thầy, ngồi mòn 7 tấm tọa cụ, mà vẫn không phá được khối nghi. Bỗng một ngày kia, ông cuốn rèm trúc và hoát nhiên đốn ngộ. Lúc ấy ông đã làm bài thơ:

Kỳ thay, diệu thay!

Cuốn rèm lên tôi thấy cuộc đời.

Nếu ai hỏi tôi đã học được gì

Tôi sẽ tát phất trần vào miệng!

Thưa thượng tọa, xin Ngài hãy tham cứu về điều này thêm nữa!"

Vị trú trì đầy thán phục, cúi đầu đồng ý.

Võ Sư

Sư ở chùa Korinji. Khi Ngài thăng tòa, một võ sư tiến đến nói: Tôi đã học võ từ lâu. Một khi tôi muốn, tay tôi hoàn toàn ăn ý với đầu tôi, và khi gặp một đối thủ, tôi đâm trúng xương tủy của y ngay cả trước khi cầm kiếm. Việc ấy cũng như Thầy có con mắt pháp.

Sư bảo ông ta: Bạn chắc chắn đã đạt đến tuyệt đỉnh về võ thuật. Nào, hãy tấn công tôi đi!

Hiệp Sĩ Chưng Hửng.

Sư nói: Tôi đã ra một cú đấm rồi đấy.

Hiệp sĩ cúi đầu thán phục thốt lên: Tuyệt hảo! Sự tấn công của Ngài nhanh như chớp, xẹt qua như lửa bắn lên từ thuốc súng. Ngài đã vượt hơn tôi. Cúi xin Ngài giảng dạy cho tôi những yếu chỉ của Thiền.

Càng ngày ông ta càng tăng thêm kính phục đối với bậc Thầy.

Thường mỗi khi Sư đến Edo, nhiều hiệp sĩ thuộc nhiều kiếm phái khác nhau đến gặp Ngài. Tất cả đều nhận cú đánh độc nhất của Sư, và không ai là không kính trọng và thờ Sư làm Thầy.

Chỗ của Nanryu

Khi Sư ở chùa Gyokuryjuji ở Mino, cư sĩ Nanryu thuộc Tào Động tông cầm cái quạt chỉ vào chỗ ngồi của Sư mà hỏi: Thưa Ngài, làm sao Ngài lại lên chỗ này?

Sư nói: Thế thì chỗ này là chỗ gì?

Nanryu trả lời: Bất sinh bất diệt.

Sư nói: Anh đã sai lầm vướng vào danh từ chữ nghĩa.

Nanryu lên giọng nói lớn: Càng ngày càng già, chạy đông chạy Tây, sao mà ông đi khắp nơi bỏ bùa cho nam nữ cư sĩ như thế?

Sư trả lời: Khi bạn sử dụng một con mắt xấu xa thì tất cả những gì bạn thấy đều xấu.

Nanryu bỏ đi, nhưng sau một lúc lại đến quỳ dưới chân Sư bày tỏ sự cám ơn sâu sắc.

Hào Quang

Trong kỳ đại kiết thất ở chùa Long Môn, có một vị Tăng bước ra nói: Tôi đang tụng chú Ánh Sáng. Tôi hành trì miên mật ngày đêm, nên thân tôi tỏa hào quang...

(Có lẽ vị Tăng này theo Chân ngôn tông. Sự hành trì thần chú Ánh sáng được xem là giúp cho hành giả được một vừng hào quang thần bí có năng lực trừ tà ma và các chướng ngại khác. ND)

Sư bảo: Hào quang của ông chỉ là ngọn lửa dục vọng xấu xa đang đốt cháy thân ông.

Vị Tăng rút lui êm.

Như Ông Bây Giờ

Khi Sư ở chùa Nyoroshi, Ngài dạy chúng: Tất cả các ông quả thật may mắn đã gặp được bậc Thầy! Không cần phải đi mòn dép cỏ, phí sức theo đuổi hoa đốm giữa hư không, hay dấn mình vào những khổ hạnh đau đớn, các ông vẫn có thể đi thẳng vào chánh giáo. Thật là may mắn! Đừng phí thì giờ!

Một vị Tăng hiện diện nói: Duy chỉ có điều này. Ví dụ một người muốn qua sông để ra khỏi Thành phố, mà nếu không dùng một con thuyền, cũng không đi một bước nào, thì anh ta sẽ không bao giờ đạt đến đâu cả.

Sư nói: Cũng như ông đang ở đây lúc này, phải không? Không có cái sự đi đến đâu hay không đi đến đâu. Đây là ý nghĩa đốn giáo. Bạn do dự thì nó tuột mất; chần chờ thì nó càng ngày càng xa.

Thuốc của Settei

Trong kỳ kiết thất ở chùa Long Môn, có nhiều vị Tăng bị ốm. Nhiều tu sĩ được phân công chăm sóc người bệnh, Settei đệ tử của Sư là điều dưỡng trưởng. Có người nói: "Mấy ông ấy chỉ là những kẻ làm biếng giả bộ ốm để được nghỉ. Đáng lẽ Thầy nên trừng phạt họ và tống ra khỏi chùa!"

Settei nói: "Chính vì chán ngồi Thiền mà họ đi đến nông nỗi này. Đây quả thật là một trọng bệnh, và tôi đang điều trị bằng thứ thuốc kiên nhẫn và từ bi. Nhờ cách ấy một ngày kia chắc chắn họ sẽ lấy lại sức khỏe."

Chọn Cái Tốt Nhất

Khi Sư ở chùa Jizòji ở Yamashina, Ngài bảo một vị Tăng đi phố mua một ít giấy tốt. Vị Tăng này có tính tình giống như Tử Cống đệ tử của đức Khổng, ông ta đắn đo cân nhắc nhiều thứ giấy khác nhau trước khi mua về. Sư bảo ông: "Không tốt." Và sai đi chọn nữa. Vị Tăng vẫn chưa bỏ cái thói cò kè, và sau khi khó nhọc cân nhắc giá trị từng món, ông lại đi mua và trở về. Sư vẫn bảo ông: "Chưa được." Lần thứ ba cũng thế, vị Tăng nhận ra lỗi lầm của mình và quỳ sám hối. Sư bảo: "Cái ông đem về lần đầu là tốt."

Câu Hỏi Của Nhà Nho

Một người theo đạo Khổng hỏi: Nếu tất cả mọi người trên thế giới theo Phật đi tu hết thì tôi e rằng nhân loại sẽ không tồn tại. Ngài nghĩ sao?

Sư nói: Chờ đến khi ấy tôi sẽ nói cho nghe.

Giấy Lộn Và Giấy Sạch

Vị Tăng Rozan có thói hà tiện bẩm sinh. Mỗi khi lau những ngọn đèn dầu trong chùa ông thường dùng giấy loại. Trông thấy thế Sư bảo: "Tại sao ông không dùng giấy sạch?" Có lẽ Sư muốn sửa ông ta vì thói hà tiện. Từ đấy trong những tự viện do Rozan sáng lập, người ta vẫn dùng giấy sạch để lau đèn dầu...

Khi Sư viết chữ lớn, Ngài thường trải một tờ giấy sạch lót ở dưới cho mực khỏi thấm qua. Sau khi tờ giấy đã được sử dụng một lần, nếu có người nào muốn sử dụng nó một lần nữa, thì Sư không cho phép và bảo: "Đừng dùng lại, nếu không sẽ có người khác nữa cũng làm như thế."

Phương Pháp Tự Nhiên Của Bankei

Trong một kỳ kiết thất, có trên một ngàn ba trăm người tham dự, chưa kể Tăng và tục từ ngoài đến chùa hàng ngày để nghe pháp. Những ngưòi tham dự chia nhau ở trong các phòng, nơi thì tọa Thiền, nơi thì đọc tụng. Không cần lập ra quy luật, mỗi người theo đuổi hoạt động của mình một cách tự nhiên, tu tập một cách tinh cần và lặng lẽ đến nỗi dường như không có ai ở trong phòng.

Ngày nay, các Thiền viện khắp nơi quy tụ năm ba trăm tu sĩ, đặt ra thời gian biểu cho đến từng phút, hạn chế khu vực lui tới, gần như trói tay chân người ta không khác gì ở tù. Nếu có ai phạm dù một lỗi nhỏ cũng bị đánh và ném ra khỏi chùa không bao giờ tha thứ. Sự rình rập và độc ác còn tồi tệ hơn những viên chức nhà nước! Mỗi khi xong các kỳ thất, có nhiều người ngã bệnh, nhiều người khác hoàn toàn suy kiệt. Thế là những mầm non chưa ra đã bị nổ tung, khiến cho cha mẹ và Thầy đâm chán.

Đấy là hành động của những người tự xưng chuyên môn dạy Thiền ngày nay. Than ôi! Những ông Thầy theo phong trào ấy không thể vượt trên đám đông tầm thường, thật đáng thương. Người xưa dựng ra tấm ngăn là cái chết, mở ra cái hố để chôn sống những người học đạo Thiền (1). Tất cả những điều này ngày xưa được làm là nhắm một mục tiêu đặc biệt, nhưng ngày nay người ta bắt chước một cách mù quáng, với hy vọng sai lầm là sẽ phát sinh cùng một hậu quả. Nếu một người thợ vụng cầm lấy cái cưa của người thời nhà Chu, thì tất nhiên nhiều người sẽ bị đứt mất chóp mũi! (Một chuyện trong chương 24 sách Trang tử. Trang tử kể, một người thợ hồ có chót mũi bị dính một mẩu hồ trát vách, bèn nhờ thợ mộc bạn gọt giùm vết hồ với cái bào của anh ta. Thợ mộc bào khéo tới nỗi chỉ để lại một vết trầy trên chót mũi thợ hồ. ND.)

(1) Từ ngữ này để diễn tả yêu cầu bức thiết của vị Thầy đặt ra cho môn sinh, để họ phá trừ cái bản ngã mê vọng. Thiền sư Lin - chi nói: Ở các nơi khác, người ta hỏa táng người chết, nhưng tại đây tôi thiêu sống người. Ở Nhật, Thiền sư phái Tào Động Tsugen Jakyryo 1322 - 1391 tương truyền đã cho đào một cái hố ở lối vào Thiền đường. Mỗi vị Tăng nào xin gia nhập đều phải qua một cuộc sát hạch, ai không trả lời được sẽ bị ném xuống hố được mệnh danh là hố chôn sống người. ND)

Bài Pháp Ban Đêm

Vào những năm giữa đời, khi Sư đang trú tại Chikurinken, Ngài giảng pháp về đêm cho hai, ba Thiền sinh. Sau thời pháp, giữa cảnh vật hoàn toàn yên tĩnh, thình lình một con báo hoang từ sau gốc cây anh đào vọt ra cất tiếng kêu, làm các vị Tăng giật mình. Sư cười lớn.

Gốc Thông Già

Sư định xây chùa Kaiganji trên một nền chùa bỏ hoang. Trong khi khai quang vùng đất, có một cây thông già nằm ở vị trí chuớng ngại cho việc xây cất. Mọi người đều muốn đốn, nhưng Sư dạy: "Có thể xây chùa chỗ khác. Cây thông già này không dễ gì cao lớn xum xuê như thế này. Hãy để cho nó sống, đừng chặt!"

Ôi! Ý nghĩa đích thực về lòng từ của Sư đối với một vật cũ kỹ, làm sao những vị Tăng thông minh láu cá có thể hiểu được. Những cổ vật như những gốc thông già thường làm đẹp cảnh chùa. Tục ngữ có câu: "Cái đẹp của Thiền viện là những vị sư già và những cây cổ thụ." Những thế hệ tu sĩ về sau nên rút bài học từ những hành vi của Sư để lấy đó làm gương.

Bankei Và Người Mù

Ở Harima trong Thành phố Himeji, có một người mù chỉ cần nghe giọng nói của người nào cũng đọc được những ý nghĩ thầm kín của họ. Một ngày kia, nghe một người vừa đi vừa hát ngang qua con đường gần đấy, ông ta nhận xét: "Không có đầu mà hát cũng khá đấy." Vợ ông và những người trong nhà đều bật cười: "Cái miệng nằm nơi cái đầu, ông nói sai rồi!"

Người mù bảo: "Hãy đợi chốc lát."

Người vừa đi vừa hát kia bỗng trở lại. Thình lình có tiếng một cái đầu bị chặt đứt. Kẻ tấn công nói: "Ta muốn chém đầu nó từ trước, nhưng vì thấy nó đang đi có việc cho chủ, nên ta đã đợi."

Người mù ấy thường nói: "Mọi người, khi thốt lời ca tụng ai, tôi nghe trong giọng nói họ luôn có điệu buồn. Trong những lời chia buồn của họ, tôi lại luôn luôn nghe có âm hưởng niềm vui. Tất cả mọi người đều vậy. Thế nhưng khi tôi nghe giọng nói của Sư Bankei, thì âm hưởng không bao giờ thay đổi: đối với được hay mất, khen hay chê, cao hay thấp, trẻ hay già, luôn luôn chỉ là một giọng nói ấy, an tịnh và trầm tĩnh. Chắc chắn đây là con người đã giải thoát khỏi cái tâm phàm tình!"

Hachiroemon

Trong khoảng giữa đời Sư, tại làng quê của Ngài có một nông dân tên Hachiroemon sống giữa bụi trần. Ông ta thường đến chùa và đối với Sư rất thân Mật. Những người trong làng coi thưòng ông vì ông có lối hành xử kỳ quái. Nhưng cái cách cư xử lạ lùng của ông đối với sư Bankei khiến họ hoàn toàn ngạc nhiên.

Một ngày nọ, Sư khởi hành xuống phố, và trên đường đi hai người gặp nhau. Hachiroemon nói: Thầy đi đâu vậy?

Sư đáp: Tôi đi xuống làng của anh.

Hachiroemon hỏi: Có phải Ngài đi mua thuốc đau bụng không?

Sư đáp: Đúng như thế.

Hachiroemon bèn chìa tay ra: Con xin Thầy cho tiền đi mua thuốc.

Sư nhổ toẹt vào lòng tay ông ta. Cả hai cùng cười khoái trá rồi bỏ đi. Những cuộc trao đổi thông thường của họ đại loại là như thế. Không ai nói được Hachiroemon hiểu biết được bao nhiêu.

Khi người nông dân ấy sắp chết, anh ta gối đầu lên đùi Sư mà nói: Con đang chết trên chiến địa của Pháp, bởi thế chắc Ngài không có lời gì dành cho con.

Sư bảo ông ta: Chỉ cần giật xuống kẻ tự vệ.

Hachoromon hỏi: Xin Thầy làm chứng cho chỗ ngộ của con?

Sư trả lời: Tôi thấy không có gì sai.

Người vợ ông ta vừa khóc vừa nói: "Ông ôi, ông đã giác ngộ! Sao không lập tức cứu vớt sự vô minh khốn khổ của tôi?"

Người nông phu nói: Việc ấy đã tỏ bày trong tất cả mọi hành vi cử động của tôi. Nói hay im, động hay tĩnh, không lúc nào tôi không chỉ cho bà tinh túy của tâm này. Tôi có thể làm gì được nếu bà không hiểu?





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024