Năm mươi mốt

 

Giáo lý là sự hiểu biết của một cá nhân.

Giáo lý là đường lối chỉ đạo nêu ra bởi một người nào đó đã đi một con đường trước bạn.

Giáo lý thời lợi ích, nhưng những lời giáo huấn không phải là sự giác ngộ;

Đó chỉ là sự chứng đắc của một cá nhân khác.

Hãy mưu cầu lấy Niết Bàn và có thể quên đi mọi giáo lý.

 

Năm mươi hai

 

Đức Phật dạy rằng vũ trụ nhất tướng, đồng một thể. Thế Đức Phật có giống  như các đệ tử của ngài không? Không, ngài không giống.

Ngài là bậc thầy của họ.

Cái gì tạo ra sự khác biết giữa một đạo sư và những học trò của ngài?

Khi mà người học trò trả lời được câu hỏi này, thời không còn cần đến một ông thầy nào nữa, và đã thấy được nhất tướng rồi.

Nếu bạn chưa giác ngộ thời lỗi tại ai – lỗi tại thầy của bạn hay sao?

 

Năm mươi ba

 

Nếu bạn tự ôm giữ cái khái niệm cho rằng tình trạng tâm trí của mình vui hay buồn là do người khác tạo ra, bạn đã lạc vào ảo tưởng rằng hạnh phúc là một cái gì đến từ bên ngoài mất rồi.

Bên ngoài luôn luôn là bên ngoài.

Một người khác có thể làm cho bạn vui, nhưng họ không là bạn.

Họ ham muốn cái mà họ ham muốn.

Một lúc nào đó họ có thể muốn làm cho bạn vui và cống hiến cho bạn sự thỏa mãn.

Cái gì sẽ xảy ra khi họ không còn muốn nữa đây?

Sẽ có hạnh phúc nội tại nơi nào mà bạn là chính bạn. Nó không đến từ sự tạo tác bên ngoài của một cá nhân khác mang đến cho bạn với những lời kích thích vu vơ.

Cứ vui sướng một cách tự tại, bạn không cần tìm đến những kinh nghiệm bên ngoài bạn.

Đừng tập trung vào ngoại giới, Chân Tánh sẽ hiển lộ.

Chân Tánh là con đường đưa tới Niết Bàn.

 

Năm mươi bốn

 

Từ ngữ Zazen có nghĩa là “ngồi Thiền.”

Đây là một từ ngữ thường được dùng để mô tả tư thế ngồi thiền chính thức.

Ngồi xuống, khoanh hai chân lại. Tập trung cặp mắt khép nửa chừng vào một điểm trên sàn nhà khoảng cách chừng một thước trước mặt bạn.

Mỗi khi thở vào, hãy đếm số, “Một.” Mỗi khi thở ra, hãy đếm số, “Hai.” “Một, Hai,” “Một, Hai,” “Một, Hai.”

Đừng để bạn phải suy tư gì.

Khi một tư tưởng đến trong tâm trí bạn, hãy dõi nhìn nó bay đi như một con chim đẹp đẽ cuối chân trời.

Lại tập trung,

“Một, Hai,” “Một, Hai,” “Một, Hai.”

 

Năm mươi lăm

 

Thiền định thời tốt.

Nhờ thiền định bạn khai triển cho tâm trí được an tịnh và tập trung. Với một tâm trí an tịnh và tập trung, bạn có được một sự an tịnh và tập trung trong tâm trí.

Một tâm trí an tịnh và tập trung có phải là kinh nghiệm về Niết Bàn hay không?

Không, một tâm trí an tịnh và tập trung chỉ đơn thuần là một tâm trí an tịnh và tập trung.

 

Năm mươi sáu

 

Người ta ngồi Zazen (ngồi thiền) vì nhiều lý do sai lầm. Họ ngồi để mong có kết quả – giải thoát.

Họ ngồi mong có kinh nghiệm – những ảo tưởng về vũ trụ. Họ ngồi vì cái ta – “Tôi có thể ngồi không động đậy lâu hơn bạn.”

Họ ngồi để tán chuyện – “Tôi đã thiền định một thời gian lâu rồi, cuối cùng tôi đã hiểu được những chân lý được nói tới trong những bài kinh.”

Họ ngồi để được coi như có vẻ thánh  thiện  – tất cả mọi vị hiền triết vĩ đại đều ngồi thiền, phải không?

Zazen không là chuyện hiểu biết. Zazen không là chuyện đạt thành quả. Zazen không là chuyện nói năng. Zazen không là chuyện thánh thiện.

Zazen không là chuyện làm một cái gì.

Zazen là nói về chuyện không thực hành chi cả.

Nếu bạn muốn thực tập Zazen, đừng tìm kiếm, đừng tranh cãi, và nhất là đừng suy tư.

Bởi vì suy tư khiến cho bạn muốn mình trở nên quan trọng trong khi sự đơn giản vô ngã là cái tinh túy mà Zazen có chủ tâm muốn nêu ra.

Hãy suy tư và hiện hữu.

Đừng vừa suy tư vừa “Ngồi Thiền.”

 

Năm mươi bảy

 

Khi thiền định, người ta nhắm mắt lại.

Họ tin tưởng rằng để thiền định họ phải tự tách rời họ với thế giới bên ngoài.

Ngồi thiền định trong một vài phút hay ngay cả trong nhiều giờ một ngày có mang lại cho bạn Niết Bàn không?

Niết Bàn là chuẩn nhận mọi sự vật chứ không phải là trốn chạy một cái gì hay chăng?

 

Năm mươi tám

 

Người ngồi thiền luyện tập để không suy tư gì cả.

Cái tư tưởng rằng không nên suy tư vẫn còn là một tư tưởng.

 

Năm mươi chín

 

Thiền định ngăn cách bạn với sự giác ngộ. Tại sao?

Bởi vì thiền định làm cho bạn nghĩ rằng bạn đương làm một cái gì đó để đạt được một cái tương đương – sự giác ngộ.

Làm một cái gì đó không thể tương tự với Niết Bàn được. Niết Bàn chỉ được nhận thấy khi không hành động gì.

Đây là cái ảo tưởng lớn nhất về thiền định. Gài bạn vào “Hành động,”

Tách bạn khỏi sự “Bất động.”

Hãy bất động.

 

Sáu mươi

 

Những tảng đá ngồi lặng yên và không cử động.

Vậy đá có giác ngộ không?

 

Sáu mươi mốt

 

Niết Bàn không thể chứng đắc được bằng cách bắt tấm thân của bạn phải ngồi trong một thời gian dài lâu theo một vài tư thế thiền định không thoải mái. Cách thực hành đó chỉ dạy cho bạn được kỷ luật mà thôi.

Kỷ luật về thể xác và tinh thần thời tốt, bởi vì điều đó khiến cho bạn duy trì được sự kiểm soát chính xác trong đời sống vật chất thực tế. Nhưng kỷ luật về thể xác và tinh thần không phải là Niết Bàn mà chỉ là một thể xác và tinh thần có kỷ luật mà thôi.

Niết Bàn tới một cách tự nhiên.

Hãy để nó thâm nhập vào bạn ngay nơi bạn hiện hữu – Ngay Lúc Này.

 

Sáu mươi hai

 

Một người ngồi xuống để thiền định và bị thất bại vì không thể ngăn chặn được các tư tưởng nảy sinh.

Họ cho rằng mọi người chung quanh họ hiển nhiên là thánh thiện hơn họ – dấn sâu trong thiền định.

Thiền định là cốt để làm tĩnh lặng tâm trí bạn, chứ không làm cho nó rối loạn hơn.

Hãy để tâm trí bạn được thoải mái. Bản thân bạn thế nào thời cứ tự nhiên. Bản thân bạn làm chi thời cứ tự tại.

Hãy để cho tâm trí bạn được tĩnh lặng và bạn sẽ không cần tìm kiếm sự an tịnh này bằng cách thiền định chính thức nữa.

Thiền định là để hiện hữu, không để trở thành một cái gì.

 

Sáu mươi ba

 

Một người đang yêu đương để tâm chăm chú vào người mình yêu thương.

Một nhạc sĩ để tâm chăm chú vào nhạc cụ của mình.

Một người lướt sóng biển để tâm chăm chú vào làn sóng.

Một nhà vật lý học để tâm chăm chú vào các sự tính toán của mình.

Một nhà khoa học để tâm chăm chú vào cuộc thí nghiệm của mình.

Còn bạn, bạn để tâm chăm chú vào Ý Thức Vũ Trụ như thế nào?

 

Sáu mươi bốn

 

Cuộc đời trở nên một loạt liên tục những sự tái diễn bao kinh nghiệm trước đó.

Tại sao? Vì người ta đã biết những cái đó rồi. Biết rồi – không còn gì mới lạ nữa.

Khi không còn gì mới lạ, thời không còn xảy ra những mối xúc cảm và kinh nghiệm gì thêm nữa.

Thiền định là một kinh nghiệm quen thuộc.

Vì là một kinh nghiệm quen thuộc nên sau khi thực hiện những giai đoạn tập trung tư tưởng sơ khởi thời chẳng còn gặt hái thêm được điều chi mới lạ từ đó nữa.

Đây là lý do mà người ta thiền định cả đời vẫn không thể giác ngộ được – họ tự giam hãm mình vào trong một kinh nghiệm giới hạn mà họ đã quá tinh thông.

Thiền định không cần phải quen thuộc.

Nó có thể là điều mới lạ mỗi lần bạn ngồi thiền.

Bạn có thuận tình để nó được mới lạ hay không?

Bạn có tự cho phép mình làm quen với những kinh nghiệm mới phía sau những bức vách tường thiền định hay không?

Cuộc đời là sự lựa chọn của bạn. Thiền định là sự lựa chọn của bạn.

Hãy thực hiện những cái mà bạn sẽ chọn lựa.

 

Sáu mươi lăm

 

Niết Bàn không phải là một cái “tôi” chủ thể.

Đó là lý do tại sao có nhiều người suốt bao thế kỷ qua đã kiếm tìm Niết Bàn nhưng không đạt được hạnh phúc đó.

Bạn không thể ham muốn Niết Bàn. Đó là tham dục. Bạn không thể quyết định theo đuổi Niết Bàn.

Đó là làm một việc không thể đạt được.

Bạn không thể xứng đáng đạt Niết Bàn. Như thế là thói tự cao tự đại.

Bạn không thể đòi hỏi Niết Bàn. Như thế là lòng tham mãnh liệt.

Niết Bàn sẽ có, khi không có bạn.

Ngưng hiện hữu thì sẽ đạt được Niết Bàn.

 

Sáu mươi sáu

 

Bạn có thể tìm đường tới Niết Bàn bằng cách suy tưởng hay không?

 

Sáu mươi bảy

 

“Bạn” không bao giờ có thể đạt đến Niết Bàn.

Bởi vì “Bạn” là một khái niệm của Cái Tâm Suy Tưởng của bạn.

Cái Tâm Suy Tưởng suy nghĩ.

Cái Tâm Suy Tưởng là cái minh họa ra ảo tưởng.

Hãy ngưng nghĩ đến Niết Bàn. Và Niết Bàn sẽ đến với bạn.

 

Sáu mươi tám

 

Bạn là gì?

Bạn có phải là cái tấm thân của bạn mà nó trở nên già lão và sau cùng là chết đi không?

Bạn có phải là cái tâm trí của bạn mà nó bị chi phối bởi những xúc cảm và tham dục đổi thay chẳng ngừng hay không?

Có lẽ bạn là một cái linh hồn, ẩn tàng sâu ở dưới tất cả các hình tướng bên ngoài và tham dục chăng? Hay là một tia sáng năng lực tâm linh thuần khiết mà bạn chưa hề nhận thấy?

Nếu bạn hiện hữu, làm sao bạn nhận biết được?

Không phải đơn thuần chỉ vì có người nào khác đã nói với bạn rằng có một thực thể thanh khiết không trần tục tồn tại trong bạn, mà điều đó phải là một sự thật.

Khi mà bạn còn nhìn vào cái “Tôi” của bạn thời khó mà có sự liễu ngộ được.

Hãy nhìn vượt lên trên cái “Tôi” và bạn sẽ ngộ được Niết Bàn.


Sáu mươi chín

 

Tất cả Vũ Trụ này, từ hạt nguyên tử nhỏ nhất tới hành tinh to lớn nhất đều dao động bằng một năng lực. Bạn cũng rung động bằng cái năng lực này.

Những người tu hành du già thời xưa đặt tên cho cái năng lực này là “Prana.”

Người Trung Hoa thời xưa gọi nó là “Chi.”

Hãy nhìn chung quanh bạn, cảm nghiệm nhịp đập của năng lực trong mọi vật hiện ra trong tầm nhìn của bạn.

Hãy nhìn sự di chuyển của mây. sự mơn chớn của làn gió vô hình, sự vuốt ve của giọt nước mưa, ánh nắng rực rỡ của mặt trời, ánh sáng của một cái bóng đèn, sự chuyển động của chiếc xe chạy qua.

Mọi vật, do người tạo ra hay không, đều dao động bằng cái năng lực vô hình này.

Hãy bỏ cái rung động cá nhân của bạn đi. Hãy hội nhập vào cái dao động của vũ trụ. Sẽ gặp được Niết Bàn.

 

Bảy mươi

 

Ngưng lại!

Ngay bây giờ, ngay tại nơi bạn đang hiện diện.

Đừng nghĩ đến chuyện ngưng lại – chỉ việc ngưng ngay lại!

Hãy nhìn chung quanh bạn.

Hãy nhìn mọi vật như là bạn mới gặp gỡ nó lần đầu tiên. Hãy nắm lấy giây phút này và thực sự khảo sát các vật thể chung quanh bạn, dù cho bạn biết rằng mình từng nhìn thấy chúng cả ngàn lần trước đây.

Hãy tạm quên sự hiểu biết của bạn và hãy nhìn ngắm cái vẻ đẹp sâu xa của từng vật thể dù nhỏ nhặt trần tục nhất của cái thế giới vật chất này.

Từ cách tập luyện đơn giản như vậy bạn sẽ bắt đầu

tự huấn luyện lại mình để nhận ra được cái đẹp không ngờ của Ngay Tại Đây và Ngay Lúc Này.

Bạn sẽ kinh ngạc vì sự nhận thức này của bạn.

 

Bảy mươi mốt

 

Nhiều người tin rằng họ có một cái gì đặc biệt và duy nhất để biếu tặng cho thế gian.

Nếu họ có thể thoát ra khỏi sự cơ cực của công việc làm ăn hàng ngày và những nghĩa vụ gia đình thời họ có thể trao tặng cái đó cho đời.

Đời sống là đời sống.

Đó là một sự tác dụng hỗ tương toàn hảo của năng lực và mối tương quan.

Bạn đang dâng hiến cho thế gian một cái gì đó rất quan trọng và duy nhất ngay bây giờ rồi – bởi vì bạn đang làm cái mà bạn đang làm.

Khi bạn đang làm cái mà bạn đang làm, thế gian chuyển vận một cách toàn hảo.

Hãy lưu giữ sự toàn hảo.

Hãy buông xả mọi tham dục.

Và hiến dâng cho đời một cái gì đặc biệt – phát sinh ra một cách tự nhiên.

 

Bảy mươi hai

 

Đối với quảng đại quần chúng, Niết Bàn là một trò đùa. Đối với bậc đã giác ngộ, Niết Bàn cũng là một trò đùa.

Cùng một quan niệm – khác biệt quan điểm. Hãy suy nghĩ về điều này...

 

 Bảy mươi ba

 

Người có niềm tin tôn giáo coi những lúc gian truân như một cuộc thử thách và lúc tốt lành như một tặng phẩm.

Nếu bạn buông xả dục vọng bạn sẽ không phân biêt tốt với xấu nữa, bởi vì bạn sẽ hiểu được ra rằng tất cả cái đó chỉ là một quan điểm.

Làm sao mà những lúc gian truân lại là một cuộc thử thách  khi mà bạn yêu thích chúng?

Làm sao mà những lúc tốt lành lại là một tặng phẩm khi mà bạn yêu thích chúng với cùng một cường độ như là bạn yêu thích lúc gian truân?

Hãy để đời sống của bạn trở nên đơn giản.

Hãy xem mọi tình huống như những biến cố dị thường trên con đường của bạn tiến đến Niết Bàn.

 

Bảy mươi bốn

 

Nguyện cầu tương đương với thèm muốn.

Không thèm muốn gì cả.

Cầu nguyện không cần thiết.

 

Bảy mươi lăm

 

Những người có niềm tin tôn giáo thích tranh luận về giá trị của tôn giáo, môn phái, đạo sư và giáo lý của họ – cho rằng đó là con đường tối hảo và độc nhất đưa tới  Ý Thức Thanh Tịnh.

Những người đã giác ngộ không tranh biện.

Bởi vì những người đã giác ngộ không có chi cần minh chứng cả.

Bởi vậy, những người đã giác ngộ không phải là những người có niềm tin tôn giáo.

 

Bảy mươi sáu

 

Nhà hiền triết không ham muốn giàu có,

quyền lực, danh vọng, tình yêu,

sự giác ngộ.

Hết ham muốn, Niết Bàn sẽ mau chóng đến với người đó.

 

Bảy mươi bảy

 

Chữ Ku trong tiếng Nhật Bản có nghĩa là “Không”.

Thông hiểu tiếng Ku sẽ thấy được ra rằng:

Nếu bạn nghĩ là bạn hiểu, bạn không bao giờ hiểu cả.

Ku là nền tảng của Niết Bàn.

 

Bảy mươi tám

 

Không thể hiểu được Ku (Không). Không thể định nghĩa được Ku.

Không có kỹ thuật  nào có thể thực hành để khiến cho bạn nắm bắt được Ku.

Vậy, Ku là gì?

Ku cũng trừu tượng như Thiền.

Ku không thể xác định đặc điểm được như là gió vậy.

Ku không thể sờ mó tới được.

Ku không thể nhận biết được.

Tuy nhiên, Ku là cốt tủy của Niết Bàn

Hãy buông xả mọi suy nghĩ của bạn. Hãy buông xả mọi hiểu biết của bạn. Hãy buông xả mọi định nghĩa của bạn. Hãy đón nhận cái hư không thần thánh. Và Ku sẽ trở thành chính là bạn.

 

Bảy mươi chin

 

Ku (Không) là yếu tố chủ yếu của Thiền.

Ku tách biệt bạn với đường lối mà bạn thường nghĩ rằng mọi vật phải là như vậy.

Bạn có thể nghĩ về Niết Bàn.

Bạn có thể mường tượng ra Niết Bàn thời như thế nào. Bạn có thể thử đưa ra một định nghĩa về Niết Bàn. Nhưng nếu bạn nghĩ đến Niết Bàn, bạn không hiểu đươc Niết Bàn rồi.

Ku là vô niệm, không còn suy nghĩ gì nữa.

Không suy nghĩ đến việc gì cả, bạn là Niết Bàn.

 

Tám mươi

 

Phần lớn dân số trên thế giới trải qua cuộc sống của họ trong một tình trạng vô ý thức. Họ biến chuyển từ lúc sinh ra cho tới lúc qua đời, đi từ một cái xúc cảm nhất thời này tới cái kế tiếp, lôi cuốn bởi tham dục. Khi đời sống của họ sắp trôi qua, họ thầm hỏi: “Cuộc đời đi về đâu?”

Ku (Không) đâu phải là sự thiếu ý thức.

Ku là sự nhận thức sâu xa, đạt được bằng sự tiếp cận một cách tỉnh thức với cái Tâm Không.

Tâm Không là gì? Buông thả tín tâm.

Tại sao bạn  phải từ bỏ tín tâm đi?

Vì lòng tin trói buộc bạn vào sự tin tưởng.

Sự tin tưởng là một cái gì mà bạn nghĩ rằng bạn hay biết. Sự nghĩ suy đó không có liên hệ gì tới Thiền cả.

Thiền là sự thuận nhận Vô-Niệm, không tư tưởng.

Vô-Niệm là nơi mà bạn gặp được Niết Bàn.

 

Tám mươi mốt

 

Có ý thức trở nên hư không thời rất khác với chung cuộc thành hư không.

Thế nhân săn đuổi sự giàu sang, quyền lực, địa vị, và ngay cả sự quang minh nữa.

Khi họ không hoàn thành được điều đó, họ khinh miệt toàn thể nhân loại và trách cứ Nghiệp cùng Trời.

Việc gì sẽ xảy ra nếu họ không có ý theo đuổi cái gì cả? Nếu họ không ham muốn cái gì, thời họ sẽ phải trách cứ ai đây vì không đạt được điều đó?

Hãy tồn tại. Hãy hiện hữu.

Và bạn như thế đấy.

Khi bạn thoải mái như thế đấy, Niết Bàn sẽ có mặt.

 

Tám mươi hai

 

Những suy tư phát sinh ra các xúc cảm. Các xúc cảm phát sinh ra tham dục.

Tham dục đưa tới các hành động. Các hành động phát sinh ra Nghiệp.

Nghiệp, luật nhân quả:

bạn gieo gì, bạn sẽ gặt cái đó.

Ku (Không) giải thoát cho bạn khỏi Nghiệp vì nghiệp là do hành động tạo ra, hành động là do tham dục tạo ra, tham dục bắt nguồn từ cảm xúc.

Hãy buông xả. Hãy tìm hiểu Ku.

 

Tám mươi ba

 

Từ khi sinh ra chúng ta được huấn luyện để tiếp cận với thế gian, sự suy tư, mối xúc cảm và các tình cảm.

Cá tính và văn hóa cung ứng cho chúng ta một số những tiêu chuẩn.

Bạn có thích như vậy không? Bạn cảm thấy thế nào?

Các mối xúc cảm không phải là Thiền. Các tình cảm không phải là Niết Bàn.

 

Tám mươi bốn

 

Một số cha mẹ tỏ ra có ý thức ở bậc cao hơn nên toan tính truyền thụ sự am hiểu của họ lại cho con cái.

Nhưng sự hiểu biết không thể truyền lại được.

Sự hiểu biết chỉ có thể tự bản thân mình nhận thức.

Khi bạn nghĩ rằng mình đã hiểu, như thế là bạn chẳng hiểu biết gì cả.

Khi bạn toan tính truyền dạy những điều bạn thông hiểu cho những người không muốn lắng tai nghe,

thì bạn thật sự chẳng bao giờ hiểu biết gì cả.

Ku (Không) là đừng biết chi tới những điều bạn đã hiểu biết.

 

Tám mươi lăm

 

Bạn có thể bị chi phối bởi những ngoại cảnh hay bạn có thể vẫn nguyên là chính mình.

Nếu bạn để chính mình bị chi phối bởi những sự vật vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn sẽ mãi mãi ước vọng rằng các hoàn cảnh sẽ đổi khác đi.

Cái gì ở ngoài tầm kiểm soát của bạn? Cuộc đời.

Tuy nhiên chấp nhận cái tình trạng chưa chắc đã toàn hảo của thế giới bên ngoài  có thể khiến nó trọn vẹn và đầy đủ.

Hãy buông xả đi và sẽ hiểu.


Tám mươi bảy

 

Người ta viện dẫn đủ loại lý do để bào chữa cho những việc mà họ đang làm, không cần đếm xỉa đến các hậu quả có thể xảy ra cho chính họ hay cho những người khác.

Tại sao?

Bởi vì cấu trúc của cái thế giới vật chất cho phép chuyện đó xảy ra.

Tôi phải kiếm tiền, đúng không?” “Tôi cần một chỗ để ở, đúng  không?”

“Tôi không thể bị người khác coi thường, đúng không?”

Những yếu tố bào chữa thông thường này chỉ nhắm để biện minh cho những việc làm mà bạn muốn làm với bất cứ giá nào – không cần xét xem là ai sẽ gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực ra sao vì hành động của bạn.

Công ăn việc làm của bạn đã ảnh hưởng đến cõi đời chung quanh bạn như thế nào?

Những cái mà bạn đang làm để thỏa mãn tham dục của bạn ảnh hưởng ra sao tới năng lực của vũ trụ này?

Nếu bạn không thể trả lời những câu hỏi này một cách có ý thức, làm sao mà bạn lại mong cầu tìm gặp được Niết Bàn?

Niết Bàn không thể nào chứng được khi còn trong trạng thái biện bạch về mặt luân lý hay phủ nhận về mặt tâm lý.

 

Tám mươi tám

 

Nghiệp thời hoặc thiện hay bất thiện.

Không có nghiệp chung chung không tốt cũng chẳng xấu. Động cơ thúc đẩy trên thế gian là khởi điểm của Nghiệp.

Cho tới khi mà bạn còn làm gia tăng thêm Nghiệp của bạn, dù là tốt hay xấu, bạn không thể chứng đắc Niết Bàn.

Tại sao?

Bởi vì Nghiệp ràng buộc bạn vào lề thói nhân gian.

Ở nơi nào có tác động, có phản tác động. Người ta có thể yêu bạn.

Người ta có thể ghét bạn.

Chủ yếu, cũng như nhau thôi.

Nếu bạn bị giam hãm trong chu kỳ vô tận của nghiệp, dù nghiệp của bạn tốt hay xấu, tác động cũng chỉ tương ứng như phản tác động mà thôi. Cái này cũng chỉ tương ứng như cái kia.

Như thế, chu kỳ sẽ không bao giờ bị phá vỡ.

Hãy ngưng lại. Hãy hiện hữu.

Hãy buông xả mọi lề thói trần gian.

Nghiệp dứt.

Niết Bàn thuộc về bạn.

 

Tám mươi chín

 

Nghiệp là điểm khởi nguồn của một đời sống tan vỡ.

Một cuộc sống tan vỡ khiến bạn không thể chứng ngộ được

Niết Bàn.

“Tôi đã từng xấu xa, nên tôi phải khổ đau.”

Cứ như vậy, bạn tự đưa bạn xuống đường đời đầy những kinh nghiệm tiêu cực và cảm thấy việc đó là đúng đắn.

 “Tôi đã từng làm tốt, nên tôi xứng đáng đươc hưởng những điều tốt lành.”

Nếu không được hưởng như ý muốn, bạn cảm thấy như bạn bị dối lừa vậy.

Nghiệp không phải là con đường dẫn tới Niết Bàn. Nghiệp là con đường đưa tới công lý.

Công lý không dính dáng gì tới chứng ngộ cả.

Công lý liên hệ tới văn hóa, xã hội, và cái nhìn của thế nhân dựa trên sự phán xét tốt và xấu.

Hãy làm những việc thiện nhưng đừng mong cầu kết quả. Đừng cầu mong gì thời bạn sẽ tự do, không vướng mắc.

Không vướng mắc bạn lập tức chứng ngộ được Niết Bàn.

 

Chín mươi

 

Đời sống ngẫu nhiên diễn tiến.

Lúc một cái gì đó lộ vẻ tiêu cực xảy đến, người ta thường tập trung mọi sự nhận thức của họ vào việc thử tìm hiểu xem nguyên do gì đã gây ra biến cố đó.

Bạn đã từng bao lần tự hỏi, “Sao lại tôi?”

Người ta hay viện dẫn đến khái niệm Nghiệp để biện minh. “Việc đó đã xảy ra vì khi ấy tôi đã làm cái đó?”

“Có thể vì tôi đã hành động như vậy với người đó?” Hay, “Tại sao thế? Tôi không đáng bị như vậy!”

Bạn có thể ngồi quanh khắp nơi để tìm hiểu xem tại sao. Bạn có thể thắc mắc về lý do biện minh cho cái đó.

Hay, bạn có thể chấp nhận rằng cuộc đời là cuộc đời, rằng việc gì đó đã phải xảy ra, và tiếp tục hướng tới.

Đường nào bạn nghĩ rằng sẽ dẫn bạn tới giác ngộ?

 

Chín mươi mốt

 

Các tư tưởng phát sinh ra những ý kiến. Những ý kiến nảy sinh ra các sáng tạo.

Các sáng tạo khiến cho mọi sự việc xảy ra. Mọi sự việc xảy ra tạo thành Nghiệp.

Nếu bạn không có tư tưởng để làm phát sinh ra ý kiến sáng tạo một cái gì thời bạn đã không đem thi hành cái đó. Vì thế, người ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi cái đó và bạn không phải hứng chịu Nghiệp với các chúng sinh liên hệ.

Trong Thiền, mỗi ngày bạn dấn bước vượt trên tư tưởng. Không có tư tưởng, không có sự việc gì mới được sáng tạo. Khi không có sự việc gì mới được sáng tạo, sẽ không có Nghiệp mới.

Khi không có Nghiệp mới thời bạn tự trọn vẹn với bản thân. Bản thân trọn vẹn, vũ trụ sẽ an lạc đúng như nguyên thủy.

Bạn không cần phải sáng tạo để hiện hữu.

 

Chín mươi hai

 

Người ta đánh đổi sự hưởng thụ Ý Thức Giây Phút Hiện Tại của họ với sự thỏa mãn giác quan.

Bạn có thể theo đuổi điều gì bạn muốn và đạt được cái đó. Điều này dễ thôi.

Bạn có thể tìm kiếm và sẽ thấy. Điều này cũng dễ thôi.

Bạn có thể nói, “Tôi chẳng cần cái gì cả và tôi cũng không muốn chi hay cần ai.”

Điều đó cũng dễ.

Bởi vì tất cả những điều này đều nằm trong địa hạt tham dục mà bạn ham muốn với đủ mọi lý do.

Hãy buông xả những cái mà bạn ham muốn là bước đầu hiểu được về Thiền.

Thiền dạy Mushin, “Vô Tâm.”

Vô Tâm là nơi độc nhất ở đó có thể tìm được Niết Bàn.

 

Chín mươi ba

 

Mushin no Shin, “Cái tâm vô thức.”

Cuộc đời dạy rằng có ý thức.

Thiền dạy rằng có ý thức trong sự vô thức.

Cái tâm tin tưởng rằng chính nó có ý thức thời thật ra lại vô ý thức nhất.

Nó tự tách biệt ra khỏi cái toàn vẹn của sự đồng nhất, nhất tướng hỗ tương.

Bạn tự giam mình vào trong tâm của bạn là bạn tự giam mình vào trong cái ngã của bạn.

Giam hãm trong bản ngã, bạn nhìn cuộc đời đầy hận thù;

tràn đầy những tham dục không được thỏa mãn, những vật bạn không thể có được,

những con người bạn không thể kiềm chế được, và những việc bạn phải làm,

bởi vì kết quả biện minh cho phương tiện.

Hãy buông xả tất cả mọi lời biện minh vô nghĩa. Hãy tham Thiền.

 

Chín mươi bốn

 

Tư tưởng đặt ra những vật cản trở trên con đường tới chứng ngộ của bạn.

Tại sao?

Bởi vì tư tưởng là niềm tin.

Từ niềm tin xuất phát ra quan niệm về cái đúng và cái sai. Từ đúng  và sai mới xuất phát ra sự tranh chấp.

“Tôi biết. Bạn thời không biết.”

“Con đường tôi đi là đúng bởi vì những kinh điển và đạo sư của tôi đã dạy như thế.

Vậy có nghĩa là con đường của bạn sai lầm.”

Các tư tưởng không bao giờ đưa lối tới chứng ngộ. Không có tư tưởng, không còn xung đột.

Không xung đột, con đường đưa tới Niết Bàn mới được hiển lộ ra.

 

Chín mươi lăm

 

Hiện hữu trong Mushin, “Vô Tâm”, bạn chẳng cần lưu tâm rằng bạn đúng hay sai.

Bạn không lưu tâm tới những kinh điển hay những lời mà một bậc đạo sư đã nói.

Bạn hiện hữu, như vậy là có bạn.

Chỉ đơn thuần hiện hữu thôi,

bạn đã đạt được sự viên mãn rồi.

 

Chín mươi sáu

 

Ushin no Shin, “Cái tâm tự ý thức được tâm.”

Với một cái tâm có ý thức, bạn muốn những điều mà bạn muốn, cách thức mà bạn muốn những cái đó.

Bạn tính toán, bạn hoạch định, bạn trù liệu một phương cách để thành đạt điều bạn muốn.

Đây là ý thức về bản ngã.

Bất kể xã hội tân tiến hứa hẹn là bạn sẽ đạt được những điều bạn mong muốn trong lòng nhiều hay ít, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ được mãn nguyện, bởi vì bản ngã không vĩnh cửu. Nó bị lạc lõng trong giới hạn của khát vọng và tham dục tạm thời.

 Với tâm tập trung vào tâm, đời sống mất đi cái tính tự nhiên và tự phát.

Không có tính tự nhiên, vẻ toàn hảo của vũ trụ bị che lấp, vì những tham dục vượt trội cái không thể giải thích được.

Với tâm tập trung vào bạn, bạn sẽ không bao giờ buông xả bạn được.

Bám chặt vào bạn, bạn có thể đạt được cái gì mà bạn nghĩ là bạn muốn, nhưng bạn sẽ không tìm được sự giác ngộ.

Sự giác ngộ không thể tìm thấy được trong một cái tâm chỉ chú trọng lo cho chính nó.

Hãy buông xả đi.

 

Chín mươi bảy

 

Cái tâm suy nghĩ không thể hiểu được Vô Tâm. Cái tâm suy nghĩ có thể nói về Vô Tâm.

Cái tâm suy nghĩ chỉ có thể cố thử mô tả Vô Tâm.

Nhưng, Vô Tâm chỉ hiện hữu trong bạn.

Hãy buông xả những kỹ thuật và giáo điều và sẽ chợt dễ dàng tìm thấy Vô Tâm ngay.

 

Chín mươi tám

 

Trong Mushin (Vô Tâm), không có chướng ngại. Tại sao?

Bởi vì bạn để mặc mọi thứ diễn tiến y theo nguyên trạng.

Bạn không chống lại con đường chuyển biến tự nhiên của kiếp nhân sinh của bạn.

Trong Mushin, những tư tưởng về chính mình và những điều mà bạn khát khao không thể được phép tước đoạt đi cái toàn hảo của giây phút này.

Mushin thời dễ dàng.

Hãy nhìn sâu vào chính mình.

Xác định tất cả mọi tham dục của bạn.

Khi bạn bắt đầu quan sát chúng thật kỹ bạn sẽ khám phá ra được là chúng thật sự vô nghĩa đến mức nào.

Hãy chứng kiến chúng lìa xa bạn, tiêu tan một cách tự nhiên trong không gian.

Khi không có tham dục, bạn không cần bận tâm gì cả. Bạn sẽ thấy mọi sự vật đều toàn hảo biết là bao.

Chứng kiến sự toàn hảo, bạn hiểu ngay được Mushin.

 

Chín mươi chín

 

Bạn được sinh ra. Bạn sống. Rồi bạn qua đời. Khái niệm của bạn về bản ngã chỉ tồn tại trong thời gian chuyển tiếp từ lúc sinh tới lúc chết.

Như thế, bản ngã không bất diệt.

Nếu cái tôi chỉ là nhất thời, tại sao bạn lại đặt nhiều tầm quan trọng vào việc phục vụ những nhu cầu của nó?

Hãy buông xả cái tạm thời và sẽ chứng ngộ Niết Bàn.

 

 Một trăm

 

Một khi mà bạn còn ở trên Con Đường Đạo bạn chưa thể chứng ngộ Niết Bàn.

Một con đường chỉ đơn thuần là một lối đi. Nó dẫn dắt bạn vào một hướng.

Con đường dẫn bạn, nhưng chính bạn là người phải đi tới.

Bạn có đang ở trên Con Đường Đạo không

       Hay bạn đang gặp gỡ Niết Bàn?



[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024