Vô hành (non-doing) có thể phát xuất từ hành động cũng như từ sự tĩnh lặng. Một nội tâm tĩnh lặng có thể biểu hiện ra trong hành động, khiến như là hành động ấy tự nó làm lấy vậy. Không dụng sức. Không cố gắng. Không dụng tâm. Cũng không có một tiểu tâm của cái Tôi nhỏ bé nào để dành nhận kết quả. Nhưng cũng không vì vậy mà ta lại bỏ sót bất cứ một việc gì, dù là nhỏ nhặt đến đâu, đó là nền tảng của sự tinh thông trong bất cứ một công việc nào.

 

Tiếp xúc với sự sống

Vô hành, không-làm-gì, không phải một thái độ làm biếng và thụ động, mà còn ngược lại! Nó đòi hỏi một sự can đảm và năng lượng lớn để biểu lộ được sự vô hành, trong tĩnh lặng cũng như trong hành động. Có được một thái độ không-làm-gì trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, việc ấy không phải là dễ.

Thật ra đối với những người bận rộn, luôn có những công việc cần phải hoàn tất, vô hành lại là một phương cách rất hữu hiệu. Vì họ sẽ khám phá ra rằng, thái độ vô hành còn giúp cho họ làm được nhiều việc hơn, đạt được kết quả tốt đẹp hơn. Vô hành chỉ có nghĩa là hãy để cho sự việc được như-là và cho phép chúng tự khai triển theo sự vận hành của chúng. Dĩ nhiên là bạn cũng vẫn dụng công khi cần thiết, nhưng đó sẽ là một thái độ khéo léo, có ý thức rõ ràng, một sự dụng sức tự nhiên. Là một hành động nhưng không có người hành.

Những hành động làm-nhưng-không-làm này thường biểu hiện ra trong các điệu vũ, trong những môn thể thao, khi người thể hiện hoàn toàn quên đi chính mình. Nhưng thật ra, việc ấy cũng xảy ra trong mọi sinh hoạt hằng ngày của ta, từ hội họa, sửa xe cho đến dạy dỗ con cái. Với sự trải nghiệm sâu sắc, chúng ta có thể phát triển được một khả năng mới, cho phép hành động của ta biểu hiện ra tự nhiên, thoát ra ngoài nỗ lực, ra ngoài kỹ thuật, ra ngoài mọi toan tính. Và khi ấy mỗi hành động sẽ trở thành một sự diễn đạt hồn nhiên của nghệ thuật, của sự sống, của sự buông bỏ hết mọi cố gắng - một sự chuyển động hòa hài của thân tâm.

Mỗi khi xem một biểu diễn nào, của một nhà thể thao hoặc một nghệ sĩ, chúng ta thường cảm thấy rung động, xao xuyến và nâng cao tâm hồn, vì nó cho phép ta tham dự vào sự kỳ diệu ấy, dù chỉ trong một giây phút. Và có lẽ nó cũng nhắc nhở rằng, mỗi chúng ta, tùy theo một cách riêng, đều có thể tiếp xúc được với những giây phút nhiệm mầu ấy ngay trong sự sống của chính mình.

 

Thiền là không-làm-gì

Ông Thoreau nói, "Ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày, đó mới là một nghệ thuật cao nhất." Martha Graham, nói về nghệ thuật vũ, diễn tả như sau: "Trong một điệu vũ, cái quan trọng nhất bao giờ cũng là ngay chính giây phút này. Hãy làm cho giây phút ấy toàn vẹn và đầy sự sống. Đừng bao giờ để cho nó trôi qua không hay biết và không dùng đến."

  Tôi nghĩ, không còn thiền sư nào diễn tả đúng hơn thế. Đây là sự trải nghiệm của cả đời người. Vì thói quen lăng xăng hành động đã ăn sâu vào gốc rễ của chúng ta, nên bây giờ muốn có được một thái độ vô hành sẽ đòi hỏi nơi mình một sự buông xả rất lớn.

Thiền quán đồng nghĩa với vô hành. Chúng ta tu tập không phải vì muốn cho sự việc được hoàn chỉnh hơn, hoặc muốn hành động của ta được hoàn hảo hơn. Mà chúng ta thực tập là để nhận thấy rõ được sự thật là mọi việc tự chính nó đang hoàn mỹ rồi. Vì vậy, ta hãy tiếp xúc với sự toàn vẹn của giây phút hiện tại này, mà không áp đặt lên đó bất cứ một sự dư thừa, hay thêm bớt nào khác, thấy rõ được giây phút tươi mới đang là của nó.

  Khi ta biết những gì mình biết, thấy những gì mình thấy, nhận thức rõ những gì đang xảy ra, chúng ta sẽ trở nên tự tại hơn, từ đó ta hành động, xử sự, tiến tới, dừng lại, hoặc sẵn sàng chọn lấy cơ hội.

  Đôi khi người ta ví đó như là một dòng nước chảy, giây phút này nhẹ nhàng thong thả lướt sang giây phút kế tiếp, hoàn toàn không có chút nỗ lực nào. Và tất cả đều được nâng niu, ôm ấp bởi một lòng sông tỉnh thức.

(Trích “Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây”Nguyễn Duy Nhiên dịch)

 

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024