• Kinh Chuyển Pháp Luân
  • Soạn giả: Hộ Pháp

Mục Lục

 

  


THERAVĀDA

 

PHẬT-GIÁO-NGUYÊN-THUỶ

 

   Phật-Lịch 2557

 

 

 

DHAMMACAKKAPPAVATTANASUTTA

 

KINH CHUYỂN-PHÁP-LUÂN

 

 

Tỳ-Khưu Hộ-Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)

 

Dhammapaṇṇākāra

Món Quà Pháp

 

 

Kính biếu:

 

Nhân dịp ngày lễ Āsāḷhapūjā Rằm Tháng Sáu gọi là Ngày Đức-Pháp-Bảo, con xin kính dâng bản dịch bài Kinh Chuyển-Pháp-Luân có phần giải thích tóm tắt nầy gọi là “Pháp thí”. Con xin thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ông bà, Cha mẹ, Thầy tổ và những bậc ân nhân từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, cùng tất cả chúng-sinh nhất là phụ thân, mẫu thân, bà con thân bằng quyến thuộc, bạn hữu,… Kính xin quý vị phát sinh thiện tâm hoan hỷ phần pháp thí thanh cao này, cầu mong cho tất cả quý vị thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài, nhất là tạo duyên lành để mong giải thoát khổ tư sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

 

                                              Phật-Lịch 2557/2013

                               Chùa Tổ Bửu-Long

                     Dhammanandā Upāsikā

 

 

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, Đức A-ra-hán, Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác ấy.

 

Bài kệ lễ bái nơi Động tâm Isipatana Migadāya nơi Đức-Phật GOTAMA thuyết bài kinh Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên.

 

Saṃvejanīyathānaṃ taṃ, idha cakkaṃ pavattitaṃ.

Garuṃ karomi pūjemi, āgantvāna idāni’haṃ.

Hotu me kusalaṃ etaṃ, Saccadassanakāranaṃ.

 

Nơi đây Đức-Phật Chuyển-Pháp-Luân,

Gọi nơi xăng-vê-gá động tâm.

Nay con có duyên lành đến đây,

Xin thành kính lễ bái cúng dường.

Do nhờ phước thiện thanh cao nầy,

Làm duyên lành chứng ngộ chân-lý.

 

 

Lời Ngỏ

 

 

Ba Ngày Lịch Sử Trọng Đại Trong Phật-Giáo

 

Theo truyền thồng Phật-Giáo-Nguyên-Thuỷ có 3 ngày lịch sử trọng đại như sau:

 

1- Ngày rằm tháng tư (âm-lịch) có 3 sự kiện lịch sử trọng đại trùng hợp theo thời gian khác nhau:

 

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha  đản-sinh kiếp chót,

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama,

* Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn. 

 

2- Ngày rằm tháng sáu (âm-lịch), Đức-Phật Gotama lần đầu tiên thuyết pháp bài kinh Dham-macakkappavatanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân,

 

3- Ngày rằm tháng giêng (âm-lịch), Đại-hội chư Thánh-A-ra-hán  1.250 vị lần đầu.

 

1- Ngày rằm tháng tư (âm-lịch) có 3 sự kiện lịch sử trọng đại theo thời gian như sau:

 

* Ngày rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đản-sinh kiếp chót, tại khu vườn Lumbinī (nay thuộc phần đất nước Nepal),

 

* Ngày rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha tròn 35 tuổi, chứng đắc thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, tại khu rừng Uruveḷā, (nay gọi là Bodhgayā, nước Ấn Độ). 

 

Đức-Phật Gotama có sự tinh tấn không ngừng ngày đêm thuyết pháp tế độ chúng sinh: nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên ròng rã tròn 45 năm.

 

* Ngày rằm tháng tư, Đức-Phật Gotama tròn 80 tuổi, tịch diệt Niết-bàn gọi là Khandha-parinibbāna: Ngũ-uẩn-Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới, tại khu rừng Kusinārā (nước Ấn Độ). 

 

2- Ngày rằm tháng sáu (âm-lịch), tròn đúng 2 tháng sau khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác, chấp thuận lời thỉnh cầu của vị Đại-Phạm-thiên Sahampati, Đức-Phật Gotama ngự đi đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh thành Bāraṇasī, nơi có nhóm 5 tỳ-khưu là Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Đại-đức Vappa, Ngài Đại-đức Bhaddiya, Ngài Đại-đức Mahānāma, Ngài Đại-đức Assaji.

 

Vào buổi chiều ngày rằm tháng 6 ấy, mặt trời  sắp lặn hướng Tây, mặt trăng mọc hướng Đông, Đức-Phật Gotama lần đầu tiên thuyết pháp bài kinh Dhammacakkappavatanasutta: Kinh Chuyển- Pháp-Luân, để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu ấy.

Sau khi nghe Đức-Phật Gotama thuyết giảng xong bài kinh Chuyển-Pháp-Luân này xong, nhóm 5 tỳ-khưu phát sinh thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời dạy của Đức-Phật.

 

Trong nhóm 5 tỳ-khưu ấy, chỉ có Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña là vị đầu tiên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama, có tên mới là  Aññāsikoṇḍañña”.

 

  Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành Sa-di, tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật.

 

Đức-Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ truyền dạy rằng: “Ehi bhikkhū! Svākkhāto dhammo, cara brahmacariyaṃ sammādukkhassa antakariyāya.”

Thật kỳ diệu thay! Khi Đức-Phật vừa chấm dứt câu, ngay khi ấy, hình tướng cũ của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña biến mất, thay vào tăng tướng mới, đạo mạo là một vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu được thành tựu do quả phước thần thông. Vị Tỳ-khưu có tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như một vị tỳ-khưu có 60 hạ.

Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña trở thành vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama. Ngay khi ấy, Tam-Bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo trọn vẹn 3 ngôi Tam-Bảo đầu tiên xuất hiện trên thế gian vào ngày rằm tháng 6 âm-lịch.

 3- Ngày rằm tháng giêng (âm-lịch), tròn đúng 9 tháng sau khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama.

 Trong khoảng thời gian 9 tháng, Đức-Phật ngự đi mọi nơi thuyết pháp tế độ chúng sinh: nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, có số chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu; có số chứng đắc đến Nhất-lai-Thánh-đạo, Nhất-lai-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-Nhất-lai; có số chứng đắc đến Bất-lai-Thánh-đạo, Bất-lai-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-Bất-lai; có số chứng đắc đến A-ra-hán-Thánh-đạo, A-ra-hán-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-A-ra-hán. 

 

Trở thành Thánh-nhân thấp hoặc cao, bậc nào là hoàn toàn tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh Ba-la-mật và nhất là tuỳ theo năng lực của 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị Thánh-thanh-văn đệ-tử.

 

Có số Thánh-thanh-văn đệ-tử xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.

 

Đức-Phật xem xét về tiền kiếp của mỗi vị Thánh-nhân nếu đã từng phát nguyện xuất gia theo cách gọi “Ehi Bhikkhu” thì Đức-Phật cho phép xuất gia theo cách Ehi Bhikkhūpasampadā.

 

Theo cách này, Đức-Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ mà dạy rằng:

 

“Ehi Bhikkhu!  Svākkhāto dhammo cara brahma-cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.”

 

- Này con hãy lại đây! Con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng, hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên thực hành phạm-hạnh cao thượng đúng đắn dẫn đến chứng đắc thành bậc Thánh-A-ra-hán cuối cùng giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.

 

Nếu vị Thánh-nhân nào không từng phát nguyện xuất gia theo cách gọi “Ehi Bhikkhu” thì Đức-Phật không  gọi “Ehi Bhikkhu”được.

 

Vào ngày rằm tháng giêng (9 tháng sau khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác), Đức-Phật Gotama đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, có 1.250 vị Thánh-A-ra-hán, mỗi vị đều phát sinh ý nghĩ giống nhau rằng: “Ta nên đến hầu Đức-Thế-Tôn tại ngôi chùa Veḷuvana, vào ngày rằm tháng giêng này.”

 

Đại-hội chư Thánh-A-ra-hán lần đầu này gọi là “Sāvakasannipāta” có đủ 4 chi:

 

1- Ngày rằm tháng giêng,

 

2- Chư Thánh-A-ra-hán gồm có 1.250 vị, mỗi vị đều tự đến hầu Đức-Thế-Tôn mà không có báo tin cho nhau biết. (1.250 vị Thánh-A-ra-hán gồm có nhóm 1.000 vị của 3 huynh đệ Kassapa và nhóm 250 vị của 2 vị Tối-thượng-Thanh-văn: Ngài Trưởng-lão Sāriputta và Ngài Trưởng-lão Mahāmoggallāna).  

 

3- Chư Thánh-A-ra-hán gồm có 1.250 vị chỉ xuất gia theo cách Ehi Bhikkhūpasampadā với Đức-Phật mà thôi.

 

4- Chư Thánh-A-ra-hán gồm có 1.250 vị đều chứng đắc lục-thông.

 

Khi ấy Đức-Phật thuyết dạy ovādapatimokkha.

 

Ba ngày lịch-sử trọng-đại của Phật-giáo này trở nên 3 ngày Đại-lễ quan trọng trong Phật-giáo.

 

Cho nên hằng năm, theo truyền thống Phật-giáo, các nước có Phật-giáo, mỗi chùa, mỗi nhà, mỗi hàng thanh-văn đệ-tử là bậc xuất gia hoặc hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ đều làm lễ kỷ niệm rất long trọng với mọi hình thức, để tỏ lòng tôn kính nơi ngôi Tam-Bảo, bởi vì  3 ngày Đại-lễ quan trọng này có ý nghĩa đặc biệt:

 

 

* Ngày rằm tháng tư là ngày Đức-Phật-Bảo,

* Ngày rằm tháng sáu là ngày Đức-Pháp-Bảo,

*Ngày rằm tháng giêng là ngày Đức-Tăng-Bảo.

 

 

Rằm tháng sáu,

 Phật-Lịch 2557/2013

Chùa Tổ Bửu-Long,

Q.9, Tp. Hồ-Chí-Minh.

 

 

 Soạn-giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita)

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024