loading
Suy ngẫm
Còn gì thảm hơn

 

CÒN GÌ THẢM HƠN

Rõ ràng một người trên 18 tuổi không thể ngồi yên chờ thiên hạ bón thức ăn vào miệng mình. Ai cũng phải đi cày để kiếm sống. Nhưng không gì thảm hơn cảnh suốt đời chỉ biết chạy quanh một vòng tròn: Đi làm để sống và sống để đi làm, một ngày lăn đùng ra lạnh ngắt, cứng đơ, vô duyên như một vở kịch dở ẹt!

Một người sống giữa thiên hạ phải có chút hình thức tươm tất, vì ít nhất hai lý do là tự trọng đối với mình và tôn trọng người khác. Nhưng không gì thảm bằng việc suốt đời cứ bận tâm vì vẻ ngoài, sợ bị chê xấu, thích được khen đẹp. Xin vài lần nhìn quanh mình xem, mình ăn mặc trang điểm ra sao thì thiên hạ có ai thèm nhìn đâu, và sau những cái nhìn thoáng qua của họ, có ai về rồi vẫn còn nghĩ đến mình. Trừ phi mình quá sức đặc dị mà thôi. Tin tôi đi!

Làm gì cũng phải có thầy và bạn. Trong chuyện tu học cũng vậy. Nhưng không gì thảm bằng cảnh một người suốt đời nhắm mắt đi theo một pháp môn hành trì mà chính mình chỉ hiểu biết mơ hồ, trong khi lý do của sự đáng tiếc đó chỉ đơn giản là niềm tin hay tình riêng với ai đó. Đời ta rẻ đến vậy hay sao? Trăm năm đâu phải tấm giẻ rách mà coi thường quá vậy!

 Xin làm ơn nhớ giùm chuyện này: Nhẹ dạ, lười suy nghĩ, cuồng tín đều là mẹ ruột của các tín ngưỡng mù quáng. Phật pháp nói chung, hay nói riêng giáo lý A Tỳ Đàm chẳng hạn, hoàn toàn có thể dung nạp được mọi trình độ. Vì vậy không gì thảm bằng việc học đạo theo cách thuộc lòng trả bài rồi đem giới thiệu cho người khác. Đối với một người dạy đạo thiếu Phật duyên và Phật chất thì bằng cấp học vị hay uy tín đối với quần chúng đôi khi chỉ là khối thuốc nổ tăng mức sát thương mà thôi.  

Phật pháp qua cách hiểu nông nổi rất dễ bị xem là ngô nghê buồn cười. Thầy trò khi đó giống hệt đám trẻ lấy ngọc quý đem chơi đánh đáo hay trò ô quan. Tinh hoa tuệ giác của một đức Phật đâu phải tầm thường đến thế. Nghĩ mà đau lòng lắm vậy!

Thiền Quán hay Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát. Toàn bộ kinh điển chỉ có một lý tưởng duy nhất là xác định nhận thức này.

Phật giáo Miến Điện tô đậm nhận thức đó bằng việc dạy và tu Tứ Niệm Xứ. Pháp môn này không phải là đặc sản của riêng họ như cách nói của một phóng viên Tây Phương: Các xứ khác có máy móc hay nông lâm thuỷ khoáng sản để xuất cảng, Miến Điện có thêm pháp môn Tứ Niệm Xứ để đưa ra thế giới bên ngoài.

Người đến Miến Điện tu thiền Quán không giống như kẻ đến Ấn Độ để học Yoga hay qua Tàu học khí công. Ta sang Myanmar để tìm một bối cảnh thích hợp, như ra bờ biển để chạy bộ vậy. Và không gì thảm hơn một người qua đây chỉ vì phong trào: Đi cho sang, cho thỏa tò mò, cho giống người ta.

Ở đâu cũng vậy, tu Quán là để thấy mình là gì và đang ra sao. Đủ duyên thì thành thánh, kém duyên một chút thì cũng được an lạc hiện tiền. Ta khổ vì nhiều hiểu lầm quá, về mình và về người. Tu thiền là để hiểu đúng hơn, về ta và về đời. 

 Chuyện đã hết đâu. Giáo lý chưa thông, ngôn ngữ bất đồng, người ngoại quốc đến thiền viện Miến Điện phải lệ thuộc người phiên dịch để tương thông với thiền sư. May gặp người dịch có trình độ Phật học thì OK, xui mà gặp tay ngang thì cứ như muốn mua mít chín mà nhờ cậy người nghẹt mũi. Vậy mà nghe đâu có khối người sau một hai khóa tu thiền Quán ngắn hạn ở Miến Điện trở về đã mặc nhiên trở thành những hành giả có cầu chứng (marque déposée/ trade mark). Thiên hạ thích thì cứ, nhưng bản thân thiền sinh có lẽ nên quên đi. Nếu không thì còn gì thảm hơn!

 

TRÁI MÍT XỨ NGƯỜI

 Hôm rồi từ Pyin Oo Lwin về Mandalay, trên đường thấy có bán mít nhiều quá, bèn động lòng trần ghé mua một trái để gọi là không ngược đãi bản thân.

 Mười mấy năm xa xứ, gần trăm phần trăm thức ăn có xuất xứ Á Châu mà tôi ăn được đều là hàng đông lạnh, chẳng đi đến đâu.

 Trái mít tôi mua không tệ, chỉ bị thối một góc nhỏ. Trái mít không to lắm, tôi tiếc của lấy dao khoét gọn chỗ hư rồi coi như không có gì xảy ra. Ăn hết trái mít, cầm lên miếng hư vừa cắt bỏ để dọn dẹp, tôi bỗng ngộ ra một điều mà lẽ ra phải thấy ở thiền viện mới đúng.

 Thì ra cái gọi mùi thơm của trái chín chỉ đơn giản là mùi tử khí của nó ở giai đoạn bắt đầu. Thêm chút thời gian, sẽ ngửi không vô nữa. Từ trái cây, tôi bỗng dưng nghĩ đến con người.

 Danh tiếng sự nghiệp chính là tử khí của họ. Bởi hầu như ai lên được đến đỉnh điểm danh lợi kha khá một chút thì tuổi đời khó mà dưới năm bó. Cứ cho họ thưởng thức thả dàn cái mình có lúc năm mươi tuổi, thì đến tuổi 70 có ông cụ bà lão nào còn hơi sức nữa đâu. Đi đứng, ăn uống, âm thanh, hình ảnh gì cũng lạt thếch.

 Ngược dòng thời gian một chút, một em bé thơ ngây bỗng dưng biết buồn ngẩn ngơ, biết ngồi một mình tư lự, biết tự động cư xử phải phép với người chung quanh, nghĩa là em đang lớn, đang trưởng thành để giã biệt tuổi mộng, giai đoạn đẹp nhất trong một đời người. Tôi muốn gọi sự dậy thì đó của em là một thứ tử khí. Bởi em đang chuẩn bị làm cha mẹ, chuẩn bị dấn thân để từng ngày trong hai mươi năm tiếp theo bước vào tuổi trung niên. Nghe buồn lắm phải không? Nhưng chẳng lẽ em muốn mình cứ mãi hoài là một em bé, một cô cậu hồn nhiên và không bao giờ có thêm một thay đổi nào khác? Không, em phải đi tới, vạn vật phải chuyển động để tồn tại. Dù đó là những bước chân đi về cõi chết.

 Nhan sắc chín muồi của một thiếu nữ, sự chững chạc của một thanh niên, rồi thì giai đoạn hồi xuân của tuổi trung niên, sự già dặn của một người đứng tuổi, theo tôi đều là tử khí. Nói trừu tượng một chút thì kiến thức, kinh nghiệm, và mọi thứ ta có được đều là tử khí. Chúng càng nhiều thì tử khí càng mạnh, càng nồng. Hồi bé không có, bây giờ lại có, rõ ràng chúng là biển báo cho biết ta đang sắp đến chỗ cuối đường của hành trình dâu bể.

Nhớ lại mấy hôm đi tìm chỗ trọ học ở các chùa Miến Điện, nhìn lên di ảnh của các vị sayadaw đã mất được treo trên tường, tôi từng ngậm ngùi một nỗi riêng. Hồi nào còn trẻ, chắc chắn các vị cũng từng phải bôn ba trầy trật như tôi bây giờ. Đến khi thỏa được nguyện lớn, dự hàng long tượng tăng- già, thậm chí ngồi chiếu trên của bậc quần long chi thủ, thì tóc bạc da mồi, buông hết mà đi. Nếu nguyện xưa chưa dứt, biết đâu hôm nay các vị lại tiếp tục là những tiểu sa-di gầy gò thiếu ăn ở một chùa quê hẻo lánh nào đó để làm lại từ đầu mọi thứ.

Đại khái, trái ngã màu nhìn ngon mắt hơn và bắt đầu thơm thì coi như đang chuẩn bị về đất. Người có được chút gì để gọi là sự nghiệp thi coi như đang sắp xuôi tay. Ai lại không hiểu được chuyện này, nhưng mỗi người một cách nghĩ. Có kẻ không đành lòng bỏ lại thứ đang có, có kẻ ngán cảnh làm lại từ đầu, có người thì tới đâu hay tới đó.

 Viết đến chỗ này, tôi chợt nhớ đến danh từ Hoa ngữ được dùng để gọi trái mít là Ba La Mật. Cái tên gọi đó có vẻ như được vay mượn từ một ngôn ngữ khác, nhưng thú vị ở chỗ nghe giống như một thuật ngữ Phật học. Ở tuổi này, tôi bỗng một ngày ngộ ra được một vấn đề tu học thú vị từ trái mít, trái mít xứ người, coi như chút Ba La Mật của một ngày lưu lạc ven trời.

(Tâm bút by Toại Khanh)

 

 
Trở lại     Đầu trang