loading
Chia sẻ
Stress và Sự kiểm soát

Cuộc chuyện trò giữa ba người bạn gái đang lúc vui vẻ thì cô bạn nhỏ tuổi nhất có giọng cười sảng khoái bỗng chùng giọng nói: “Hai chị có tin rằng cách đây hai năm em phải đi điều trị tâm lý không? Bây giờ ngồi đây cười vui như vầy em cũng không tin rằng mình đã vượt qua được thời gian ấy”. Hai cô bạn ngưng ngay nụ cười còn đang nở trên môi và nhìn sững vào người bạn nhỏ. Có tin được không khi bạn mình là người có cuộc sống sung sướng và đầy đủ nhất trong 03 đứa? Nhưng đó lại là sự thật. Cô bạn nhỏ cởi mở tấm lòng cho hai bạn vì họ đã không thể hiểu được hoàn cảnh của cô khi cả ba sống xa nhau về không gian và cả thời gian. Gần 05 năm không gặp lại nên giờ đây họ thật có nhiều điều để nói.

Trong sự tất bật của cuộc sống hàng ngày, chúng ta ít có thời gian nhìn lại mình. Vì vậy bất chợt khi đang vội vã trên đường phố hoặc trong cửa hiệu, nơi công sở hay trong thang máy, v.v... bất cứ nơi nào có gắn kiếng soi gương chúng ta hầu hết đều vô tình có cùng một thái độ: tranh thủ “nghía” mình một chút và đa phần đều phải điều chỉnh lại tác phong, vuốt tóc, kẻ chỉnh lại áo quần, có khi lại thử điệu bộ trước gương… đó là vì do chúng ta thường quên tự nhìn lại mình hay nói chính xác là quên kiểm soát mình thường xuyên mà chỉ khi có điều kiện nào đó chúng ta mới nhận ra và bắt buộc phải chỉnh đốn lại.

Cô bạn nhỏ khi lập gia đình theo chồng xuất cảnh sau đó không lâu và tất cả mọi người đều nghĩ cô sẽ có hạnh phúc vì người chồng Châu Âu tài giỏi và rất mực cưng chiều cô. Thế nhưng nơi đất khách quê người xa lạ khác hẳn môi trường sống quê nhà đã vậy công việc khiến cô và chồng thường xuyên di chuyển lúc ở Đức, khi lại Trung Quốc. Dù cô được mọi người yêu thương và ủng hộ, dù hai vợ chồng đều đi làm và được công ty chu cấp nhà riêng với mọi phương tiện thuận lợi đảm bảo cuộc sống tốt đẹp nhưng cô đã không nhận ra được sự tích tụ những điều không như ý đang lớn dần từng ngày trong cô.

Có lúc cô cảm thấy mệt mỏi nhưng không nhận ra căn nguyên chỉ nghĩ là do công việc đang cao điểm. Thế nhưng qua cao điểm rồi cô cũng vẫn thấy mình thật khó thở và mệt mỏi. Cho đến ngày cô sanh em bé trong sự mong chờ suốt mấy năm của gia đình hai bên. Cô rơi vào trạng thái không kiểm soát được bản thân. Có lúc cô hoảng loạn khi nghe tiếng con khóc vì đói nhưng lại nghĩ đứa bé có bệnh. Thỉnh thoảng cô nổi giận vì những chuyện vặt vãnh và thậm chí còn quăng ném đồ đạc, có lúc cô tự thấy mình như một cái máy bị bỏ rơi vì cổ lỗ… Cô lao vào học thêm đủ thứ. Học cả nấu ăn nơi trời Tây, học thêm tiếng địa phương ngoài vốn tiếng Anh, tiếng Hoa đã có...

Và đến một ngày nhìn vào gương cô không còn nhận ra mình. Đâu rồi hình ảnh cô lúc nào cũng nở nụ cười tươi, nhanh nhẹn, duyên dáng và tài giỏi? Con người đang ở trong gương với khuôn mặt bơ phờ, tóc luộm thuộm, áo quần nhăn nhúm là cô hiện tại đây sao? Dần dần cô dễ cáu giận vô cớ hơn và thường cảm thấy bất lực trước mọi cố gắng của mình và cô trút mọi nỗi buồn, giận lên chồng. Cô nghĩ anh là nguyên nhân khiến cô nhìn thảm hại như ngày nay. Đứa trẻ hoảng sợ khi người mẹ chăm sóc luôn có thái độ kích động nên hay khóc ré.

Cô cũng cảm nhận trong mình có sự đổ vỡ nào đó tận sâu kín trong lòng nhưng không rõ đó là gì nên lo buồn không biết phải làm sao. Cô cảm thấy xấu hổ với chồng và người thân trước hình ảnh xấu người xấu tính như hiện tại và dần dần cô tránh né tiếp xúc họ. Chồng cô và gia đình đã tìm cách đưa cô đi khám bệnh và dĩ nhiên họ đã phải thật khéo để cô theo họ đến bệnh viện kiểm tra. Kết luận của bệnh viện tuy khả quan nhưng vẫn làm cô giật mình: “Cô bị trầm cảm mức độ nhẹ vì còn biết rõ bản thân đang thay đổi và sớm đi kiểm tra. Một hội chứng có liên quan đến thần kinh và cần phải điều trị tâm lý. Dù sao cô có sự cảm nhận tốt và thần kinh tương đối mạnh nên khả năng hồi phục nếu cố gắng sẽ nhanh chóng. Tất cả tùy ở cô”. Đó là tất cả của một “toa thuốc” lần đầu tiên trong đời cô nhận được.

Cô bạn nhỏ kể về thời gian khủng hoảng đã qua của mình với khuôn mặt xúc động. Cả hai người bạn ngồi  lắng nghe cũng thấy thương cảm vô cùng. Cô bạn ngồi kế bên choàng người sang ôm bạn vào lòng. Cô kia chồm sang nắm chặt bàn tay của bạn và vỗ nhè nhẹ: “Thôi qua rồi. Thật đáng mừng em đã vượt qua!”… Cả ba bạn trẻ đều rớm nước mắt nhưng họ vẫn nhoẻn miệng cười với nhau. Nụ cười hạnh phúc khi bạn bè gặp lại vẫn bình an vô sự.

Nhịp sống ngày nay vội vã đôi khi thật khắc nghiệt và nhiều áp lực rất dễ cuốn chúng ta vào vòng xoay của nó. Nếu bạn không đủ mạnh mẽ để luôn kiểm soát và làm chủ mình bạn sẽ rất dễ bị rơi vào những  bệnh lý về thần kinh và nếu không kịp thời điều trị bệnh sẽ nặng hơn và trở thành chứng bệnh tâm thần khó trị. Trong số những người bị rơi vào các căn bệnh trầm cảm có mấy ai có được sự may mắn tìm được đúng “thầy” và tự giúp mình thoát được căn bệnh nhanh chóng như cô bạn nhỏ kia?

Theo số liệu thống kê hiện nay trên thế giới có trên 100 triệu người bị mắc các chứng bệnh về trầm cảm và chưa thống kê được số liệu người bị bệnh vừa và nhẹ là bao nhiêu nhưng chắc chắn là hơn số 100 triệu kia rất nhiều. Ngày nay, vào các bệnh viện tâm thần từ tỉnh lẻ đến thành thị số lượng các bệnh  nhân là thành phần trí thức, có học vị, có chức phận trong xã hội càng lúc tăng! Trầm cảm đã trở thành căn bệnh của thời hiện đại và nhất là ở các nước đang phát triển.

Cô bạn nhỏ kể về hành trình “vượt lên chính mình” như một sự chia sẻ vì cô hiểu rõ hơn ai hết rằng việc truyền lại “kinh nghiệm” của mình là điều tốt nhất cho hai bạn.

Người có thể làm chủ mình sẽ dễ dàng kiểm soát được bản thân, chẩn đoán bệnh được sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng hồi phục. Chúng ta thường có thói quen hay “nhìn người và nghĩ đến ta”. Nếu khi “soi” người rồi “thấy” ra mình thấp kém hơn, chúng ta lại có thái độ ganh tỵ, tủi phận, buồn bã… thì thật là tai hại. Từ suy nghĩ tiêu cực, chúng ta dễ dàng hướng mình đến những hành động gắng sức hoặc ngược lại tự ti, mặc cảm... Đôi khi sự “cạnh tranh” là động lực để phát triển nhưng cũng có khi nó là nguyên nhân gây ra sự thất bại thảm hại hơn chỉ vì không lượng được sức mình. Tự ti đánh giá thấp bản thân khiến chúng ta dẫn đến việc thiếu tự tin và luôn sợ thất bại, v.v... Thái độ bình tĩnh của chúng ta khi đối diện với mọi diễn biến chung quanh sẽ giúp chúng ta không những được “tại ngoại” với các hiệu ứng xấu sẽ xảy đến do bị tác động tiêu cực của các hành vi mà còn giúp ta có được sự sáng suốt để đưa ra những hành động đúng đắn và phù hợp.

Làm thế nào để có thể kiểm soát làm chủ được mình và làm sao để luôn giữ được sự bình thản? Đó là điều không đơn giản có ngay được mà phải qua một quá trình luyện tập và chú ý quan sát. Hằng ngày cố gắng dành thời gian từ vài phút đến khoảng 30 phút trong ngày (nhất là thời gian trước khi đi ngủ) hoàn toàn tĩnh lặng với tâm thư thái nhẹ nhàng, không suy nghĩ, quên đi mọi việc lo âu… như một cách làm “sạch tâm” rất hữu ích.

Chúng ta thường có thói quen không ngại khó khăn trước mọi thử thách của cuộc đời nhưng chúng ta lại rất ngại khi đối diện với bản thân và ngại vượt qua những trở ngại do chính mình tạo ra. Rất nhiều người không thể chấp nhận được cũng như không thể thuận theo ngay được khi gặp một sự thay đổi hoàn cảnh sống, sự mất mát, chia ly, sự vui quá hoặc buồn quá… khiến tâm lý bị tác động mạnh gây shock và sau đó thật khó trở về lại bình thường như trước. Tình trạng này các bác sĩ gọi chung là bệnh lý thần kinh.         

Nếu có cái nhìn thoáng hơn, sống cởi mở hơn với chính bản thân mình, với người thân, bạn bè và những người chung quanh chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng “chịu đựng” và vượt qua được những cuộc “khủng hoảng” bất chợt đến trong cuộc đời.

Cô bạn nhỏ nhìn nhận rằng do bản thân mình luôn cố gắng muốn làm cho tốt mọi việc. Nhưng cuộc sống xứ người vốn dĩ không thuận tiện và cuộc sống gia đình có thêm những công việc không tên nhất là cuộc đời không phải lúc nào cũng có màu hồng. Cô cũng nỗ lực để mong được hoàn thiện mình nhưng rốt cục những cố gắng ấy không đem lại kết quả như ý mà trái lại còn làm cô trở nên chán ghét bản thân, cảm giác cuộc sống thật nặng nề. Người chồng ngoại quốc đã quen với suy nghĩ tôn trọng sự tự do và cũng thường xa nhà nên đã hoàn toàn không biết cô vợ trẻ “bơi” trong mớ hỗn độn của chính mình cho đến khi anh ta thấy được sự thay đổi theo hướng xấu của vợ nên can thiệp kịp thời.

Điều quan trọng và tuyệt vời nhất đó là cô bạn đã nhận ra tình trạng không tốt của mình. Biết mình có “vấn đề” và tìm cách thoát ra nó. Việc hiểu rõ và làm chủ bản thân mình để kịp thời có sự điều chỉnh, tháo gỡ những gút mắc sẽ giúp chúng ta vượt ra những trở ngại, khó khăn. Cô đã nhận dần ra rằng tất cả những rối ren khó khăn đến với cô chỉ vì từ do cô đã tự tạo áp lực cho chính mình trở thành một người vợ hoàn hảo trong mắt gia đình chồng cũng như là một nhân viên gương mẫu nơi công sở trong khi cô chỉ là người mới nhập cư ở một nơi hoàn toàn xa lạ không quá 03 năm. Cô được khuyển khích để giải bày tâm sự với chồng, với nhân viên tư vấn tâm lý và một thời gian để tập buông xả mình trở về trạng thái tâm không chịu bất kỳ sự áp  lực nào.

Nếu chúng ta biết rõ những mặt ưu, khuyết điểm của mình và thuận theo đó để sống chúng ta sẽ cảm thấy thật nhẹ nhàng và thư thái. Đừng cứng ngắt và đồng hóa mọi thứ diễn biến chung quanh là thuộc về ta, là của ta và luôn bất biến thì ắt hẳn bất kỳ sự thay đổi hay khó khăn nào cũng không tác động gây xáo trộn tâm thức khiến chúng ta rơi vào sự khủng hoảng của mất mát và đổ vỡ…

Cô bạn nhỏ đã nhận ra việc sống thật với chính mình như đang là, sống thật trong hoàn cảnh hiện tại, không với cao và không kỳ vọng quá vào bản thân và nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của gia đình nên dần dần cô đã lấy lại nhũng nụ cười rạng rỡ tưởng đã tắt trên môi. 

(Trúc Như)

 

 
Trở lại     Đầu trang