loading
Suy ngẫm
Vô thường

 

Gửi anh – Người thầy tâm linh,

 

Cái gọi là niềm vui mãi mãi thầy ơi,
Con cứ tìm hoài tìm hoài sao chẳng thấy

Ở chốn nhân gian
Các cuộc vui rồi cũng tan theo thời gian năm tháng…
Những người bạn, người thân – một ngày họ cũng giận hờn rồi lại rời bỏ ta đi…
Tất cả chỉ còn trong ký ức…
Ký ức rồi cũng nhạt nhòa theo dòng thời gian…

Ở tự thân…
Này thì mua quần áo đẹp, này thì đầu tóc bóng lộn rộn ràng…
Này thì kiến thức cao siêu, này thì tiền nhiều rủng rỉnh đầy túi…
Tất cả tất cả có sá là gì
Khi một ngày nhìn vào gương thấy bản thân vẫn ôi xấu xí
Thấy những sân hận, rầu lo, những hờn ghen những đố kỵ vẫn cuồn cuộn chảy về như bão lớn đang qua…

 

Mệt mỏi và chán nản quá thầy ạ, hai hôm nay con tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống thế tục nhưng tìm mãi không thấy. Những niềm vui thoắt đến lại thoắt đi, rồi sự chán nản lại tới —> Niềm vui/ nỗi buồn/sự chán nản cứ thay thế nhau chảy vào tâm liên tục.

Rồi con nghĩ và nhớ những người bạn cũ, những người thân cũ. Con thấy không ai ở với mình lâu cả, người ta rời xa mình bằng rất nhiều cách khác nhau. Có người hiểu lầm giận hờn rời xa mình, có người không hiểu lầm không giận hờn cũng rời xa mình… Họ rời xa con với muôn ngàn lý do, có những lý do con biết, có những lý do con lờ mờ biết, có những lý do con không biết bao giờ… Kết cục lại họ không ở bên mình.

Tìm mãi tìm mãi, chỉ thấy cái gì cũng biến đổi, vậy mà tại sao con vẫn đau khổ khi thấy sự thay đổi thầy nhỉ??? Lạ thật!

H., Hà Nội

Con yêu quý
Con hỏi thầy rằng: Biết mọi thứ là biến đổi sao con vẫn khổ,
Khi chứng kiến trong đời những sự thay đổi liên tục xảy ra?

Vì con ạ,
Đau khổ của con đến từ kỳ vọng
Vào những thứ vô thường, biến đổi luôn luôn
Ngày nào trong con vẫn còn kỳ vọng vào những thứ vốn vô thường
Thì dù tu tập và hiểu biết nhiều như một học giả uyên thâm
Con vẫn chỉ như một đứa bé bị bỏ quên, trên một chiếc bè giữa biển cả mênh mông
Chỉ đợi những cơn sóng dữ của vô thường cuộn lên và nuốt chửng

 

Có ích gì đâu khi con thực hành Phật Pháp
Mà trong lòng không thực sự nổi lên nỗi sợ vô thường
Trên đường tu hành thầy đã đi và gặp những bậc tiếng tăm
Thượng toạ, đạo sư, ghese, rinpoche, pháp vương, tôn giả…
Than ôi, gần như không có ai trong số họ
Cảm thấy sợ vô thường là điều quan trọng tối cao
Cho một người muốn bước chân đúng đắn vào con đường

 

Vì thế ngày nay hầu hết mọi người tu hành trong ảo tưởng
Thích được học về thiền chỉ, quán, thần chú, các phép du già …
Thích dịch sách và ca ngợi về Vô ngã, Bồ đề tâm, Phật tính, Thân cầu vồng, Giác tánh nguyên sơ…
Trong khi nỗi sợ vô thường vẫn chưa thực sự nổi lên trong tâm họ
Điều này chẳng khác nào xây một ngôi nhà cao tầng nhưng không xây móng
Không chóng thì chày sự sụp đổ sẽ phải xảy ra

 

Dù thầy chỉ là một người nhỏ bé, cũng đang tu
Nhưng nếu con muốn lắng nghe, thì đây là những lời tâm huyết:
Đừng đi xa hơn vào con đường thực hành Phật pháp
Nếu trong lòng con chưa thường trực nổi lên nỗi sợ vô thường
Điều đó chỉ làm con tu hành trong ảo tưởng và chắc chắn sẽ dừng lại giữa đường!

 

Có ích gì những việc con đang làm?
Khi chúng chỉ tích tập thêm duyên nghiệp để con trôi lăn trong luân hồi sinh tử
Rồi con sẽ phải xa rời tất cả của cải, tiếng tăm, gia đình, bè bạn… vào một ngày nào đó
Tại sao con còn kỳ vọng vào những gì con đang cố gắng tạo ra trong cuộc đời này?

 

Có ích gì những lời con nói hay không?
Rồi còn ai sẽ thực sự nghe lời con nếu đủ duyên cho việc vô lường xảy đến
Đáp lại những lời ôn hoà và ý tốt của con là sự sân hận, coi thường hay ghen tị
Tại sao con còn kỳ vọng vào kết quả những gì con nói ra trong cuộc đời này?

 

Có ích gì những suy tư và toan tính của con?
Đã bao đời nay và ngay cuộc đời này con cũng không ngừng toan tính
Nhưng có kế hoạch nào đủ làm cho con không còn đau khổ khi sự vô thường kéo đến?
Tại sao con còn kỳ vọng vào sự an toàn của những phương án con vạch ra trong cuộc đời này?

 

Thầy không bảo con đừng làm, đừng nói, đừng toan tính nữa hay không
Thầy chỉ nhắc, con chắc chắn sẽ phá sản ở bất cứ cái gì con đang kỳ vọng
Sức khoẻ, tiền tài, tình cảm, danh dự hay thể diện…
Muốn giữ hoặc muốn có cái gì, con sẽ mất cái đó đi thôi
Bởi thế con ơi,
Hãy bỏ đi ảo tưởng rằng: con có thể kỳ vọng vào những thứ vốn vô thường

 

Trong thời đại của máy tính, lập trình, và những kế hoạch kinh doanh
Người ta có ảo giác rằng sẽ kiểm soát được việc mình làm miễn là cố gắng
Thầy cũng là doanh nhân, sống giữa chỗ của chỉ tiêu, phương án và kế hoạch
Nơi người ta kỳ vọng sẽ thành công, làm nên những “doanh nghiệp trường tồn”
Nhưng hãy tự hỏi rằng, có cái gì trường tồn thực sự hay không?
Khi thực tế mọi việc luôn sẵn sàng vượt ra ngoài kiểm soát
Đã bao doanh nghiệp thành công hôm qua rồi hôm nay phá sản
Bởi thế con ơi,
Hãy bỏ đi ảo tưởng rằng: con có thể kiểm soát những thứ vốn vô thường

 

Mỗi năm ở nước ta, có 10.000 người chết vì tai nạn giao thông
Cứ mỗi ngày, có 30 gia đình chào nhau vào buổi sáng và buổi tối về không còn cha, con, anh, em, chồng, vợ..
Con có lý do gì để nghĩ mình chắc chắn sẽ không nằm trong số đó?
Tại sao con còn chưa sợ rằng,

Con sẽ không  kịp sống để tiếp tục đi hết con đường?

 

Bao nhiêu người viết sách ca tụng những tấm gương
Của những bậc đại giác ngộ, nào là thần thông và trí tuệ…
Nhưng hầu như không ai nhớ các vị có chung một điều đơn giản:
Là tu hành khi trong tâm thực sự nổi lên cảm giác sợ vô thường

 

Con hãy nghĩ xem,
Điều gì khiến Đức Phật không thể ngủ và bỏ nhà đi vào lúc giữa đêm?
Điều gì khiến Ngài Milarepa chịu đựng 9 năm khổ sở để chờ ngày được thầy dạy dỗ?
Điều gì khiến Lục tổ Huệ Năng bỏ cả mẹ già đơn côi để đi tìm đường giác ngộ?
Điều gì khiến  Đức Longchenpa không muốn dành một phút cúi xuống nhổ cây gai, dù chân rướm máu mấy năm trời?

 

Trong thời đại ngày nay, có mấy người sánh được với các vị ấy hay không?
Dù có bao nhiêu người tự xưng là tu hành đắc đạo và đi truyền pháp!
Nhưng không có mấy người thực sự sợ vô thường, và giúp người khác thấy sợ vô thường là vô cùng quan trọng
Hãy nghĩ kĩ về điều trên, và kinh sợ khi thấy cơ hội hiếm hoi gặp được chánh Pháp, giữa thời mạt pháp này

 

Có thể con nghĩ rằng “Vô thường ư, có gì đâu mà phải nhắc đi nhắc lại thế”, phải không?
Nhưng ngoài những điều vừa nói trên, thầy không có gì hơn để truyền cho con cả
Trong thực tế, thầy là một người bình thường đang cố tu hành sao cho đúng đắn
Nên hãy nhận lời xin lỗi của tôi,
Nếu ai đó đọc và thấy nó không phù hợp với trí thông minh và sự  tu hành khéo léo của mình
Nếu không phải là một người như vậy, xin hãy nhớ lời của đức thánh Atisha dành cho đại đệ tử trước lúc ra đi:
“Hãy từ bỏ cuộc đời này, trong tâm trí của con”, đó là thực hành quan trọng nhất !

 

Đây là những lời tâm huyết gửi tới con, mong cho con cố gắng
Đi được bước đầu tiên: “sợ vô thường”, trên con đường nhận ra bản tính trong suốt đích thực của mình

Thật tốt lành, mọi thứ thật tốt lành!

 

 
Trở lại     Đầu trang