loading
Suy ngẫm
Khó nói


Cách đây đã lâu lắm, tôi đọc được trong tập san của Trường Quốc Học Huế một câu chuyện ngắn. Đại để, chuyện kể về một thằng bé đi xe đạp từ trên dốc Nam Giao xuống. Đến ngõ vào nhà gần cuối dốc, nó quặt xe vào với tốc độ khá nhanh không kiểm soát được. Không may cho thằng bé, đúng lúc đó, con gà mái dầu của mẹ nó nuôi chạy ra trước đầu xe.

Có hai phần kết:

Thứ nhất, thằng bé hoảng hốt quẹo tay lái theo phản ứng để tránh con gà và phải đâm vào một gốc cây, té xuống gần bất tỉnh. Bà mẹ chạy ra, thấy con bị thương hoảng hốt ẵm con vào nhà vừa khóc vừa nói:

“Con ơi, sao mà con ngu thế! Con gà nó đáng bao nhiêu mà con phải tránh nó để ra nông nỗi nầy hả con? Mẹ có một con gà, chứ phải mười con gà mà con có cán chết hết để khỏi bị như thế nầy thì mẹ cũng chẳng tiếc gì. Trời ơi là trời, sao mà con ngu thế!”

Phần kết thứ hai:

Thằng bé không có cách gì tránh được con gà của mẹ nó, đành phải cán chết. Bà mẹ chay ra, thấy con gà nằm chết dưới bánh xe của thằng con, tru tréo lên:

“Ôi là cái thằng chết tiệt này, sao mà mày ngu thế! Con gà to chình ình thế này mà mày không có mắt sao mà lại cán chết nó? Mày có biết tao đã tốn bao nhiêu công sức để nuôi nó lớn như thế này không? Trời ơi là trời, sao mà mày ngu thế hả con?”

Cả hai trường hợp, thằng con của bà đều ngu cả, nhưng một cái ngu thì được thương yêu, một cái ngu thì bị chửi rủa.

Hồi đó còn trẻ tuổi, thấy câu chuyện đó cũng hay hay, nhưng chưa đến mức làm cho mình phải suy nghĩ. Bây giờ thì lại thấy thấm thía câu chuyện kia. Đi cùng với một người bạn ngoài đường, chỉ một cái kéo tay người bạn đồng hành đôi khi có thể tránh cho người bạn khỏi bị đụng xe. Dĩ nhiên là vì không bị đụng xe, nên bạn mình chẳng thấy giá trị của cái kéo tay đó. Ngược lại nếu nhỡ kéo mạnh quá, làm bạn mình vấp té, hay đau tay, chưa chừng lại bị trách là đàng khác.

Ở đời lạ lắm. Làm cho người ta chín điều tốt, người chịu ơn thực ra cũng biết, nhưng nếu điều thứ mười không được vừa ý thì chín điều kia sẽ có thể bị quên đi một cách vô tư. Cho một người bạn mượn tiền chẳng hạn. Năm ba lần được vừa ý, đúng là bạn mình tốt thật. Nhưng lần sau cùng lỡ túi kẹt phải từ chối, thì thế nào cũng bị trách là tệ, không tốt với bạn bè.

Nhưng từ chối với bạn, bị trách oan thì đôi khi cũng vẫn còn người bạn đó cho đến khi họ hiểu được sự thật. Có khi lòng tốt của mình lại gây ra lắm chuyện dở khóc dở cười. Cho bạn mượn một số tiền, bạn mình chưa có khả năng hoàn lại, ngại phải gặp nhau, đành tránh mặt luôn. Số nợ lớn, không thể nào trả nổi, thì không muốn gặp mình, dù trong thâm tâm họ không muốn bỏ quên số nợ trên. Thế là mất một người bạn vì một lý do thật khó nói.

Người có lòng lúc nào cũng dễ mắc vào chuyện thị phi: Thấy có một người tốt, muốn giới thiệu với con cái bạn mình để họ lập gia đình. Nếu hạnh phúc thì không sao, ông mai bà mối sẽ được biết ơn mãi mãi. Nhưng nếu nhỡ vợ chồng không hợp nhau, mọi chuyện gãy đổ thì trăm dây đều đổ đầu tằm, mọi chuyện chỉ tại ông mai bà mối mà ra cả. Thấy bà con của bạn mình khó khăn, muốn gợi ý để bạn mình giúp đỡ họ. Gặp người có lòng tốt thì không sao, họ sẽ cảm ơn đã nhắc điều mà họ không để tâm đến. Chẳng may gặp người ích kỷ, anh ta lại mắng thầm trong bụng rằng mình là kẻ lắm chuyên, không phải việc của mình cũng xâm lo vào. Nghe một người nói một chuyện không đúng về bạn mình, nghĩ thế nào cũng cho bạn mình biết để giải quyết chuyện hiểu lầm nhau. Không nói lại thấy không yên tâm, nhưng nói lại có thể bị hiểu lầm là chính mình nhiều chuyện. Thật là tiến thoái lưỡng nan.

Người sống ích kỷ, bàng quang với mọi chuyện bên cạnh mình, không cần biết đến người khác có thể bị chê là sống ích kỷ. Nhưng vì không tự ý đề xướng chuyện giúp đỡ người khác, nên lại ít bị trách móc hoặc dính vào những thị phi. Trái lại thấy ai có chuyện khó khăn cũng muốn nhảy vào giải quyết giùm, nếu được thì quý hóa quá, nhưng nhỡ không được thì chắc chắn là  sẽ không được yên thân.

Có những chuyện đời rất oái ăm. Một người anh bảo lãnh cho gia đình người em ruột qua định cư ở Mỹ. Lúc được đi thì rất hào hứng, tràn đầy hy vọng. Nhưng qua Mỹ một thời gian, thấy cuộc sống khó khăn, con cái không thành đạt, thế là đâm ra oán trách người anh, nhất là khi thấy những bạn bè ở lại Việt Nam lại thành công, con cái sau đó cũng được qua du học Mỹ dễ dàng. Người em này chỉ biết oán trách mà không bao giờ nghĩ ra nếu anh ta ở lại Việt Nam mà không phấn đấu được với cuộc sống thì anh ta cũng chỉ thất bại thôi.

Anh bạn thân của tôi bỗng nhiên cắc cớ mê một cô gái trẻ. Thấy chưa đến nỗi nên tôi tìm mọi cách ngăn cản, để giữ gìn hạnh phúc cho bạn mình, vì nếu để đến tai vợ anh ấy thì không biết lôi thôi đến đâu. Tuy là bạn tôi cuối cùng cũng chia tay cô gái, nhưng trong lòng hận tôi không biết bao nhiêu mà kể, suốt mấy tháng không thèm nói chuyện với tôi, tránh gặp mặt tôi. Báo hại suốt một thời gian dài, mỗi khi có dịp gặp vợ bạn, tôi phải tìm cách nói dối với chị ấy để khỏi lộ chuyện.

Thường nói: “Làm ơn mắc oán”, là thế.

Trong đời sống hằng ngày, có nhiều chuyện rất bình thường nhưng thật sự rất khó giải quyết. Tôi có một người bạn bị ung thư đang nằm bệnh viện ở bên Mỹ và đang ở trong thời kỳ rất khó khăn chưa biết còn được bao lâu. Có người mách ở Việt Nam có một loại thuốc Đông y có thể chữa khỏi, hoặc ít nhất là cầu may cho cơn bệnh thập tử nhất sinh, nên em ruột anh ta yêu cầu tôi gửi qua. Vẫn biết ung thư là loại bệnh gần như khó lòng chữa khỏi được, nhưng dẫu sao anh bạn tôi vẫn còn sống. Giả thử thuốc gửi qua cứu sống được anh ta thì công ơn của tôi chắc bằng cả biển Đông, nhưng đúng lúc anh ta phải ra đi thì ôi thôi! Ô hô, ai tai. Chưa kể là anh bạn tôi đang ở Mỹ, thuốc ta thì không có nguồn gốc, không có cân lượng chính xác, nếu phải gửi qua, chẳng biết trách nhiệm sẽ như thế nào.

Ngay cả con cái mình, bậc cha mẹ nào cũng chọn cho con cái dâu hiền rể thảo, đôi khi còn muốn ép duyên con cái vì thấy mối đó hợp ý mình quá, nhưng con cái có cuộc đời của con cái, nhỡ như chúng vì vâng lời cha mẹ mà sau này không được hạnh phúc thì có phải mình sẽ ân hận không?

Chuyện tương lai mấy ai biết trước. Nếu có thể biết được chuyện gì sắp xảy ra thì cuộc đời này lại quá đơn giản. Cho nên tư vấn chuyện gì cho người khác cũng là chuyện rủi may. Được thì có ơn, ngược lại đôi khi còn bị mắc oán. Quyết định thế này hay thế khác để giải quyết một vấn đề, chưa biết cách nào vẹn toàn. Chuyện của riêng mình chẳng nói làm gì, có liên hệ đến những người khác mới là vấn đề. Âu là cứ lấy cái tâm của mình mà xử lý vậy.

(Hoàng Tá Thích)

 
Trở lại     Đầu trang