loading
Sống khỏe
Mộc Nhĩ (Nấm Mèo): Món Ăn, Vị Thuốc Quý Cho Người Bệnh Tim Mạch


Mộc nhĩ còn gọi là nấm tai mèo. Nấm mọc trên cây gỗ mục, hình giống tai người (mộc là gỗ, nhĩ là tai). Thường chọn nấm mọc trên cây lành như dâu, hòe, sung, mít, dướng, so đũa... Nếu không biết chọn, hái nấm trên cây lạ có độc tính cao, ăn gây ngộ độc có thể chết người. Các công trình nghiên cứu khoa học cho biết trong 100g mộc nhĩ có chứa 10,6g protid, 0,2g lipid, 65,5g gluxid xơ, chất  thô 5g, Ca 35,7mg, Fe 185mg, caroten 0,03mg, vitamin B1 0,15mg, vitamin B2 0,55mg, vitamin PP 2,6 mg.

Theo y học cổ truyền thì mộc nhĩ tính ngọt bình, đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, can, thận. Tác dụng làm mát máu, làm ngừng chảy máu do va đập, bị thương. Chủ trị các bệnh trường phong hạ huyết, nhuận táo, lợi trường vị, lỵ ra máu, đái rắt, đái ra máu, trị lở, bổ khí, bền cơ, hoạt huyết.

Người ta thấy ăn mộc nhĩ có tác dụng phòng bệnh tốt. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cho biết ăn mộc nhĩ ngăn chặn được bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu ở người tăng huyết áp, hạn chế tai biến nhồi máu cơ tim; mộc nhĩ giúp máu lưu thông toàn thân, đưa máu lên não đầy đủ hơn nên duy trì trí nhớ tốt.

Ngoài ra, mộc nhĩ có tác dụng hạ mỡ máu, chống nghẽn mạch, dùng tốt cho người bệnh tim mạch bằng món ăn – bài thuốc đơn giản mà hiệu quả:

10g mộc nhĩ đen, 50g thịt lợn nạc, 5 quả táo tàu đen, 3 lát gừng, đổ vào 6 chén nước, sắc như sắc thuốc bắc, chỉ còn 2 chén, thêm vào ít muối, tí bột ngọt, rồi ăn như canh, mỗi ngày 1 lần, ăn liên tục hằng ngày. Nếu dùng mộc nhĩ đen 15g, đường phèn 15g, nấu với lượng nước vừa đủ để uống trong ngày, có thể trị được chứng ho hen, đờm suyễn, miệng khô, sắc mặt tái xanh, tay chân lạnh.

Như vậy mộc nhĩ đen là thức ăn, vị thuốc bổ dưỡng cho người khí huyết suy kém và chữa trị được  nhiều bệnh nan y về tim mạch. Liều dùng mỗi ngày từ 15-20g bằng hình thức: xào, nấu ăn, sắc nước hoặc nghiền nhỏ uống.

Sau đây là một số bài thuốc có vị mộc nhĩ:

Trị mới mắc tiết tả: Mộc nhĩ khô 40g (sao), lộc giác giao 10g (sao, nghiền nhỏ. Mỗi lần uống 12g với rượu ấm, ngày uống 2 lần.

Trị lỵ ra máu không ngừng, bụng đau ngầm, tâm buồn phiền: Mộc nhĩ đen 40g, nước vừa đủ, nấu chín mộc nhĩ, trước khi ăn mộc nhĩ chấm tí muối, sau uống nước, ngày 2 lần.

Trị băng huyết, máu rò rỉ luôn: Mộc nhĩ 500g, sao thấy khói, nghiền nhỏ, tóc rối 500g, đốt cháy nghiền thành tro. Mỗi lần dùng 8g bột mộc nhĩ và 2g tro tóc, uống với rượu.

Trị mắt chảy nước mắt lạnh: Mộc nhĩ 40g, sao tồn tính, mộc tặc 40g, nghiền nhỏ, mỗi lần uống 8-10g với nước cháo gạo.

Trị các loại đau răng: Mộc nhĩ, kinh giới đều bằng nhau từ 12-15g, sắc nước ngậm. Hết đau thì thôi.

Sử dụng mộc nhĩ làm sao cho đúng?

Mộc nhĩ là loại gia vị thực phẩm quý, giúp món ăn thêm ngon miệng và có giá trị dinh dưỡng, lại là vị thuốc chữa các bệnh: xuất huyết, băng lậu, và bệnh đại tiểu tiện ra máu rất có hiệu quả. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ làm mộc nhĩ mất ngon, thậm chí còn gây tác hại. Vì vậy khi chế biến người tiêu dùng cần chú ý mấy điểm sau:

- Tuyệt đối không ngâm mộc nhĩ khô bằng nước nóng. Bởi mộc nhĩ là một loài nấm sống nhờ vào những thân gỗ mục, khi sinh trưởng có hàm lượng nước cao. Sau khi khô sẽ quắt lại và cứng như gỗ, nên khi ngâm với nước lạnh mộc nhĩ sẽ nở từ từ, và trở lại trạng thái như trong thời kỳ sinh trưởng. Nếu ngâm mộc nhĩ bằng nước lạnh, thì mỗi kg mộc nhĩ khô có thể nở ra được từ 3 - 3,5 kg. Hơn nữa như vậy sẽ giữ được độ giòn vốn có của nó. Trong trường hợp ngâm bằng nước nóng thì mỗi kg mộc nhĩ khô chỉ nở được từ 2 - 2,5kg, mà lại làm cho mộc nhĩ mềm nhũn, quánh lại, rất dễ hỏng khi bảo quản.

- Tuyệt đối không ăn mộc nhĩ tươi. Trong mộc nhĩ tươi có chứa một chất cảm quang loại Porplyrin. Loại chất này rất mẫn cảm với tia sáng. Vì vậy nếu ăn vào dễ gây ra các chứng bệnh như: Chứng viêm da ở những vùng cơ thể hở ra ngoài, rất dễ gây ngứa, sưng phù đau đớn. Thậm chí có thể gây viêm da hoại tử, cá biệt có người còn bị sưng phù ở cổ họng dẫn đến hô hấp khó khăn.

Do đó xưa đến nay người ta thường phơi khô mộc nhĩ vừa dễ bảo quản, vừa làm cho chất cảm quang Porplyrin tự mất đi, không còn độc tính nữa.

(Tổng hợp)

 
Trở lại     Đầu trang