loading
Sống khỏe
Thư giãn đối với Sức khỏe và Tuổi thọ

Sức khỏe và tuổi thọ là mối ưu tư lớn của những người làm công tác khoa học, y học, sinh học trong nước và trên thế giới.

Y học cùng với những ngành khoa học khác đã và đang phát triển cao độ trong thời đại chúng ta. Những hiểu biết về con người ngày càng được nâng cao song song với những hiểu biết về tự nhỉên.

Y học đã chứng minh được rằng: Cơ thể con người không chỉ là một hệ thống hoàn chỉnh, thống nhất bên trong giữa các cơ quan nội tạng, tổ chức tế bào, tổ chức nội tiết, mà còn là sự thống nhất giữa cơ thể và môi truờng sống, trong đó, hệ thần kinh là hệ chỉ huy cao nhất đối với cơ thể. “Hệ thống tinh vi nhất, hoàn chỉnh nhất trong hệ thống cơ thể, là một hệ thống tự điều chỉnh, tự duy trì, tự hồi phục, tự tu sửa và cả tự cải tiến hoàn thiện ở mức độ cực kỳ cao siêu.” (Pavlov)

Hoạt động thần kinh chi phối toàn bộ hoạt động nội tạng, chi phối toàn bộ các hệ khác trong cơ thể. Vì hoạt động thần kinh là nền tảng cho sức khỏe, tuổi thọ và sự tồn tại của cơ thể sống, cho nên, muốn giữ gìn sức khỏe làm tăng tuổi thọ phải biết cách giữ gìn và bảo vệ hệ thần kinh.

Thư giãn là một phương pháp gìn giữ và bảo vệ hệ thần kinh.

Định nghĩa:     Thư giãn          : RELAXATION

                        Thư               : Thư thái thần kinh

                        Giãn               : Giãn mềm cơ bắp

Thư giãn là làm sao cho cơ bắp trong người được giãn mềm để thần kinh được thư thái. Ba bộ phận chính: Thần kinh, nội tạng, cơ bắp có sự tác động qua lại lẫn nhau, tạo thành một tam giác mà các cạnh là những mũi tên 2 chiều.

Nội tạng: Tim, gan, phổi, ruột, dạ dày, thận và các mạch máu.

Cơ bắp: Dùng để vận động

Thần kinh: Kết hợp các tuyến nội tiếp để điều hòa các hoạt động của toàn cơ thể.

Như vậy, qua sự tác động lẫn nhau của ba bộ phận trên, ta hình dung được sự thống nhất của cơ thể, dưới sự chỉ huy cao nhất của hệ thần kinh. Muốn bảo vệ sức khỏe, làm tăng tuổi thọ, ta phải biết cách bảo vệ hệ thần kinh.

SCHULTZ – một bác sĩ điều trị tâm thần người Đức – sau khi nghiên cứu Yoga đã vận dụng phương pháp tập tĩnh, tức là rèn luyện sự tập trung ý nghĩ vào sự  giãn mềm cơ bắp, vào một đối tượng là hơi thở. Làm cơ bắp giãn mềm để thần kinh bớt căng thẳng là nội dung của phương pháp mà Schultz đã áp dụng để chữa bệnh tâm thần, suy nhược thần kinh… Ngày nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng khá rộng rãi phương pháp của Schultz với tên quốc tế là RELAXATION, ta dịch là thư giãn.

Tại sao thư giãn lại chữa được nhiều bệnh nhất là bệnh suy nhược thần kinh?

Trong hai quá trình hoạt động cơ bản của hệ thần kinh, quá trình ức chế là quá trình dễ bị hư hỏng và suy yếu hơn quá trình hưng phấn.

Nguyên tắc chung của ức chế là bảo vệ và tiết kiệm. Bình thường ức chế là yếu tố điều hòa tốc độ và lực phản ứng của thần kinh. Vì thế, khi hệ thần kinh bị suy yếu thì ức chế bị suy yếu trước. Và khi ức chế bị suy yếu thì mức nhạy cảm, mức bị kích thích của tổ chức thần kinh tăng, đồng thời phản ứng thần kinh tăng và mạnh hơn bình thường. Sự tăng tốc độ và lực phản ứng thần kinh đưa đến một sự tiêu hao nhanh hơn và nhiều hơn trong dự trữ năng lượng của các tế bào thần kinh.

Không những thế, ức chế suy yếu dẫn đến không ngủ được. Không ngủ và thiếu ngủ nên sự phục hồi các dự trữ năng lượng không được thực hiện kịp thời và đầy đủ. Vì thế, nhạy cảm tăng, phản ứng nhanh và mạnh thì càng nhanh chóng đi đến trạng thái kiệt quệ của tế bào thần kinh và cơ thể. Do vậy, toàn bộ bệnh lý phát triển.

Vậy, thư giãn là phương pháp rèn luyện sự chủ động việc nghỉ ngơi của vỏ não khi ta còn đang thức. thư giãn rèn luyện ức chế ở vỏ não, để thông qua vỏ não điều chỉnh sự mất cân bằng của hệ thần kinh nói chung và hệ thần kinh thực vật nói riêng, từ đó điều chỉnh những mất cân bằng của nội tạng.

Làm thế nào để thực hiện thư giãn?

1. Biểu hiện thư giãn:

- Thần kinh: Xóa bỏ các tạp niệm, chỉ chọn một đối tượng là điểm hưng phấn.

- Cơ bắp: Buông xuôi, thả lỏng

- Nội tạng: Thở sâu, đều nhịp, hoạt động êm dịu

2. Hình thức thư giãn:

- Tự nhiên: (thụ động) do nhu cầu bình thường của cơ thể sau hoạt động đòi hỏi một sự nghỉ ngơi để hồi phục, dự trữ năng lượng.

- Do tập luyện: (chủ động) thư giãn là chọn một điểm hưng phấn để các trung khu khác của não bị ức chế, để chủ động việc nghỉ ngơi của vỏ não khi ta còn tỉnh thức.

Như vậy:

- Ngủ là một ức chế lan tỏa khắp vỏ não

- Mất ngủ là một hưng phấn khắp vỏ não

- Thư giãn là hưng phấn một điểm, các điểm chung quanh được ức chế.

Cách thực hiện các bước:

1. Giai đoạn chuẩn bị: Buổi sáng sớm hoặc tối trước khi đi ngủ dễ tập hơn vì yên tĩnh. Nên tập trong một phòng thoáng mát, ngồi trên ghế dựa hoặc nằm trên giường, hai tay buông xuôi theo đùi và nhắm mắt tự nhiên không gượng ép. Khống chế các tín hiệu làm phân tán tư tưởng (mắt không nhìn, tai không nghe, mũi không ngửi…), lấy khăn che mặt, nếu nằm.

2. Giai đoạn buông lỏng cơ bắp: tự mình ra lệnh cho cơ bắp tay chân, đầu mặt, lưng bụng giãn mềm ra.

3. Xóa bỏ các tạp niệm: các suy nghĩ không liên quan đến vấn đề tập luyện cần gác lại, chỉ chú ý vào một đối tượng là điểm hưng phấn.

4. Chọn điểm hưng phấn chủ động: tập trung tư tưởng vào phần bụng dưới rốn một thốn rưỡi (vùng Khi hải), thấy rõ điểm bụng và biết rõ khi bụng phình, bụng xẹp.

5. Giai đoạn theo dõi hơi thở: theo dõi hơi thở của mình. Hít vào bụng phình, thở ra bụng xẹp là một lần thở. Điều chỉnh hơi thở với mấy yêu cầu sau đây:

- Thở nhẹ nhàng, là thở không gắng sức

- Thở êm ái, tức là thở mà người ngồi bên cũng không nghe thấy hơi thở của mình.

- Thở đều đặn, là lần thở nào cũng đều nhau.

- Thở thong thả, là không vội vàng, cần thở chậm hơn bình thường một chút (bình thường thở 16-18 lần trong một phút thì nay rèn luyện thở 10-12 lần trong một phút).

- Thở tương đối sâu hơn bình thường một chút. Bình thường mỗi lần thở là nửa lít không khí thì nay mỗi lần thở là 0,6-0,8 lit. Kinh nghiệm cho thấy khi tập trung chú ý vào hơi thở, dù là thở nhẹ nhàng, hơi thở vẫn sâu hơn bình thường nên không phải cố gắng thở sâu.

Mỗi tối trước khi đi ngủ nên tập, khi căng thẳng thần kinh nên tập. Bước đầu tập trung tương đối khó khăn, điều chỉnh hơi thở chưa quen. Kiên trì tập luyện ta sẽ thể nghiệm được một sự thật, đó là điều mà triết gia cổ Hy Lạp có nói: “Nơi ta là nguồn suối trong bất tận, nếu biết đào sâu thêm mãi thì sẽ gặp.” (Heraclite 537-480 BC). Khi thực hiện tốt ta sẽ có một giấc ngủ tốt, một hệ thần kinh nhạy bén có nhiều khả năng điều chỉnh trước những biến động bên ngoài và bên trong cơ thể.

Ứng dụng của thư giãn

- Chữa bệnh về tim mạch, dạ dày, hen suyễn, suy nhược thần kinh,…

- Giúp chống mệt mỏi

- Làm tăng trí nhớ như trong việc học ngoại ngữ…

- Tăng cường thể lực cho các vận động viên thể dục, thể thao cũng như các nhà du hành vũ trụ…

Kết luận;

Thư giãn là một phương pháp bảo vệ sức khỏe và làm tăng tuổi thọ. Thư giãn phòng và trị một số bệnh mãn tính, tăng năng lực công tác, làm việc dẻo dai. Đối với người làm việc trí óc, thư giãn có tác dụng lớn lao trong việc chủ động nghỉ ngơi cho hệ thần kinh và cơ thể để có thể làm việc bền bỉ, minh mẫn, đem lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ Phạm Văn Nam

Các bài khác
 
Trở lại     Đầu trang