loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 392 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'vô ngã, bản ngã & đại ngã'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 20-10-2019

Câu hỏi:

Bạch sư ông, sư ông cho con hỏi:
ta, của ta và tự ngã của ta khác nhau như thế nào?
Con xin cảm ơn sư ông. Kính chúc sư ông sức khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 14-10-2019

Câu hỏi:

1/ Dạ thưa Sư Ông, trong những câu trả lời cho những vấn đề trong cuộc sống Sư Ông thường không trả lời trực tiếp cho người đó, theo con hiểu là dù làm việc gì, không xen vào hay xen vào những việc mà cảm thấy ngang trái bất công v.v... Nhưng trong tất cả những chuyện đó mình thấy ra lợi ích hay tai hại, thành hay bại, được hay mất, miễn là mình tâm mình vẫn trầm tĩnh ko khổ đau, dao động và sẵn sàng chấp nhận mọi thứ thì mình cứ việc làm. Con hiểu như vậy có đúng ko?
2/ Trong buổi trà đạo chủ nhật hôm qua, có một đoạn Sư Ông nói chỉ thấy thôi không cần tìm kiếm theo dõi ghi nhận và Sư Ông đưa ra ví dụ bằng cách là vỗ tay, con thấy việc nghe này rất tự nhiên không có tham sân si. Nhưng nếu như trong trường hợp ví dụ như bị một người nào đó mắng chửi hay phản bội mình mà chính mình thấy trực tiếp việc đó ngay lúc đó chứ không phải được nghe kể lại. Lúc này thì làm sao trong thấy như nó đang là được. Vì ví dụ của Sư Ông tiếng vỗ tay nó không ảnh hưởng gì đến mình nhưng việc này lại xảy ra bất ngờ và rất ngang trái?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 11-10-2019

Câu hỏi:

Bạch thầy,
Con có một sự chiêm nghiệm về Pháp, con mong có được sự soi sáng của thầy.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật có nhắc đến vị đạo nhân Vô Tu Vô Chứng. Bạch thầy, đó có phải là người nhận ra sự vận hành hoàn hảo của Pháp nên không cần phải làm gì nữa không? Nó chỉ khác với người khi chưa nhận ra sự vận hành của Pháp là Minh hay Vô Minh. Con suy ngẫm về Tham Sân Si. Bản chất của Tham Sân Si là Vô Ngã. Nó cũng chỉ là những yếu tố tự nhiên trong chuỗi vận hành của Pháp. Bạch thầy, có phải sự khác biệt giữa chưa chứng đạo và người đã chứng đạo là sự tạo tác giữa Tâm và đối tượng không? Nếu như mình bỏ danh xưng của ba tâm đó, thì con cảm nhận như nó chỉ đơn giản là những trạng thái năng lượng khác nhau. Khi Minh thì nó đúng, khi Vô Minh thì nó sai. Nhưng Minh hay Vô Minh nó cũng không thuộc quyền kiểm soát của Bản Ngã. Khi Tâm từ bỏ hết cấu nhiễm, như trời trong xanh không gợn mây thì tự nhiên ánh Trăng (Minh) sẽ chiếu tỏ mọi ngóc ngách. Hành xử của mình sẽ luôn đúng ở trong tất cả các Pháp mà nó không cần phải theo bất cứ một lý thuyết, quan niệm hay danh xưng nào.
Con suy ngẫm về những hành xử của các vị thiền sư đã đắc đạo thời xưa. Những vị đó đều có những hành động rất bất ngờ. Có lúc họ lại làm ngược lại những điều mà theo quy chuẩn của thế tục, có lúc lại thuận theo. Nhưng tất cả những hành động đó đều hợp lý. Bạch thầy, đó có phải Giới của Tự Tánh mà thầy thường nhắc tới không?

Con xin tri ân sự chỉ bảo của thầy,

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-10-2019

Câu hỏi:

Con kính bạch thầy cho con hỏi.
Linh hồn chính là cái ngã chân thật thường hằng bất biến phải không ạ?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 01-10-2019

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con đã có trải nghiệm như thế này, xin Thầy khai thị cho con.
1. Đêm qua con đã có một giấc ngủ dài và sâu, nhưng lúc rạng sáng khi vẫn còn trong giấc ngủ, bỗng khởi lên tình cảm luyến ái, liền sau đó là trạng thái mơ màng ngủ không sâu nữa. Trong lúc mơ màng đó lại có một cái tâm khác chống đối lại tâm luyến ái kia, nó liên tục nói "không luyến ái nữa, không câu thông với ma vương nữa"; rồi lại một cái tâm thứ 3 (con tạm gọi như vậy) thấy biết rõ ràng sự giằng co, tranh đấu giữa 2 tâm kia, có cả cảm thọ mệt mỏi trong sự giằng co đó. Và cuối cùng tâm không luyến ái đã chiến thắng. Thưa Thầy, có phải tâm thứ 3 chính là tánh biết không ạ. Và hiện tượng đó là sao vì con không hề có những suy nghĩ đó khi thức hoặc cả ngày.
2. Qua trải nghiệm này, con thấy được sự thâm thúy trong câu nói của Thầy :"Pháp rất từ bi"._ Pháp đã nhiều lần đến thật đúng lúc và đập cho con bừng tỉnh để rồi biết thận trọng và cảnh giác hơn với ma vương trong con.
Con mong mỏi thọ nhận những chỉ giáo từ Thầy. Con cảm ơn Thầy và cầu nguyện Thầy luôn an vui.
Kính thư.
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 24-09-2019

Câu hỏi:

Con thưa thầy. Con đang nghe pháp của thầy và thực tập chú tâm quan sát để phát hiện ra sự tạo tác của bản ngã thì con thấy đúng thật là bản ngã ko ngừng biến đổi, khi bản ngã này bị phát hiện thì ngay lập tức bản ngã khác xuất hiện. Ví dụ khi con nghe pháp của thầy con có chia sẻ cảm nghĩ và những câu nói của thầy mà con tâm đắc trên facebook. Khi con được một vị thầy mà con kính trọng khen ngợi con có sự tiến bộ trong nhận thức về pháp. Khi được khen như vậy tâm con khởi lên niềm vui lâng lâng và tự hào. Con suy nghĩ là mình nên ko nên nói gì mà chỉ im lặng mỉm cười thì có lẽ sẽ tốt hơn là cố tỏ ra khiêm cung trong lời nói hay tự mãn... Nhưng khi khởi niệm như thế con chợt nhận ra mình đang làm giàu cho bản ngã. Mình đang muốn hình ảnh của mình trở nên đẹp hơn thôi. Và con nghĩ thôi kệ đi không nghĩ nữa. Thấy thế biết thế thôi. Nhưng con lại thấy trong cái câu thấy thế biết thế của con là sự nhận thức chưa rõ ràng nên cố tình bỏ qua. Con bắt đầu rối não và thấy sự biến hình của bản ngã thật đáng sợ. Đáng sợ hơn khi bản ngã quá thông minh và man trá khi nó núp sau những tư tưởng được cho là tốt đẹp. Thưa thầy con quan sát như vậy có bị cho là làm quá vấn đề không. Con nên điều chỉnh thế nào ạ.
Con xin cảm ơn thầy và con chúc thầy mạnh khỏe ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-09-2019

Câu hỏi:

Dạ thưa Thầy!
Nhờ Thầy trả lời về cái thấy của con, con càng hiểu hơn những lời Thầy đã dạy, về 4 điều phát hiện của người Ấn Độ:
1. Bất cứ người nào ta gặp trong đời cũng đều là người ta cần phải gặp
2. Bất cứ chuyện gì xảy ra bởi vì tất yếu nó phải xảy ra
3. Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đều đúng thời điểm, không thể sớm hơn hay muộn hơn.
4. Chuyện gì đã qua, hãy để nó đi qua.

3 điều trên thì quá rõ rồi. Nhưng còn điều thứ 4. Theo con thấy thì ý nghĩa thật sự của điều này là vì mọi chuyện trong cuộc đời này đều là sự vận hành của Pháp, không phải do mình hay người (phải thật sự THẤY như vậy bằng chính sự trải nghiệm và chiêm nghiệm chứ không phải chỉ trên lý thuyết). Thấy được như vậy thì sẽ không còn tiếc nuối trách cứ bản thân mình vì đã làm sai, và chính vì thấy ra nơi mình nên cũng không còn trách cứ người khác khi họ chưa đúng tốt hay khi họ gây đau khổ cho mình nữa.
Cuối cùng là con nhận ra rằng tuy nói “chọc gậy bánh xe Pháp” nhưng thực chất là mình tưởng mình chọc đó thôi chứ nào đâu có thể chọc được!
Rốt cuộc mỗi một sinh nghiệp có mặt trong cuộc đời này vẫn với mục đích duy nhất là thấy ra chính mình trong sự tương giao với vạn pháp để học bài học giác ngộ.
Càng trải nghiệm càng thấm thía lời Thầy khai thị.
Con xin quỳ lạy đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-08-2019

Câu hỏi:

Bạch thầy,
Lâu lâu con lại có vướng mắc nên lại làm phiền thầy ạ.
Thầy cho con hỏi giữa tánh thấy và bản ngã là gì thưa thầy? Người đang hỏi thầy này có phải là ai đó không thưa thầy? Ví như khi có cơn sân thì có 1 cái tâm nó hoặc bị cuốn theo cơn sân, hoặc nó chọn quay về với tánh biết để nhìn vào cơn sân đó. Cái tâm đó nó là ta phải không thầy? Như Đức Phật thì người sẽ chỉ còn cái ta đó và tánh biết luôn hiện tiền mà không còn bản ngã, có phải không thưa thầy? Mong thầy chỉ bày cho con, con cảm ơn thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 01-08-2019

Câu hỏi:

Thưa thầy,
Con tự thấy xấu hổ nên không dám trình pháp. Nhưng đọc các nội dung trong mục Hỏi đáp mấy ngày qua, con xin phép thầy cho con hôm nay được viết thư cho thầy với hai nội dung:

1. Trình pháp.
Thưa thầy, 1 năm qua có chuyện xảy ra làm con bị tổn thương đau đớn. Đêm đến con gào thét vật vã, sáng dậy thì trầm uất. Nghĩ lại mình có mắt cũng như mù vì chuyện xảy ra ngay bên cạnh mà chẳng hay biết. Đủ loại cảm giác… Vì vậy mà gần 1 năm qua con sống với nỗi đau mà không nghe pháp thoại của thầy cũng như không vào mục Hỏi đáp hàng ngày như trước đây. Mùng 4 tết được đảnh lễ thầy, chỉ hỏi được câu “Thầy khỏe không ạ” mà nước mắt nghẹn ngào cứ tuôn ra. Cho đến hai tháng trước, con bắt đầu mỗi sáng đều mở nghe “Tuyển tập thư thầy” và “Thư thầy trò”. Rồi cách đây 1 tháng, sau buổi cơm trưa, ngồi một mình thì những chuyện xưa, chuyện nay ùa về giúp con thấy rõ mình như thế nào. Con thấy bản ngã của mình thật dữ dội và luôn cầm đèn chạy trước ô tô; thấy những sai lầm nối tiếp sai lầm cũng đều do thiếu chánh niệm tỉnh giác; thấy mình đã cẩu thả thế nào trong thân khẩu ý; thấy bản ngã đã hành mình mệt mỏi rã rời; thấy ánh sáng khi bị dồn vào cuối đường hầm... Cùng lúc với cái thấy mở ra thì trong đầu con các ý thơ cứ bật ra như tái diễn lại tất cả. Con xin phép được trình thầy:

Thì ra là bản ngã
Trong nỗ lực vô cùng
Rủ chơi trò bịt mắt
Dẫn ta vào mê cung
Nội tâm phút bất giác
Cuốn vòng xoáy trò chơi
Quên mình điểm xuất phát
Cùng bản ngã khóc cười
Lênh đênh theo phiền não
Hòa mình suốt cuộc vui
Vẫn là tâm trống trải
Giữa cuộc sống đầy vơi
Tạp niệm rồi thất niệm
Đến phóng dật buông lung
Đúng ý đồ bản ngã
Dồn tâm đến đường cùng
Tham sân si đủ cả
Chao ôi mệt lắm rồi
Trò chơi thế là đủ
Gỡ bịt mắt buông xuôi
Chợt vỡ òa bản ngã
Cũng là pháp muôn màu
Chảy trong dòng tục đế
Để ta biết hồi đầu
Lắng lòng cười bản ngã
Gây tội hóa lập công
Vì ta nó vất vả
Nhìn nó ta thong dong

Sau lúc đó nội tâm con có sự bình lặng, nhẹ nhàng (không phải là sự dễ chịu, khoan khoái) mà trước giờ con chưa có. Con không biết đây có phải là tâm khinh an không. Sau đó thì lần đầu tiên nội tâm có sự mát mẻ, lúc này con đột nhiên hiểu thế nào là rải tâm từ. Trước đây con không biết làm sao rải được tâm từ khi mà nhìn tâm mình luôn bất an, nóng nảy, khó chịu.
Vào sáng hôm sau, khi ngồi một mình thấy tâm nhẹ nhàng ngắm mây bay, nghe gió thoảng mà vẫn hay biết xung quanh, trong đầu con lại bật ra bài thơ:

Khi duyên chưa đầy đủ
Đừng hòng nụ nở hoa
Khi giác còn ngái ngủ
Buông được hãy còn xa

Hơn 3 năm liên tục nghe pháp của thầy, hiểu được mà do tập khí sâu dày nên con vẫn không chánh niệm tỉnh giác được. Con cũng không cố gắng rèn luyện để được chánh niệm tỉnh giác. Sau sự việc này như đến lúc mà con bắt đầu có sự chuyển biến ở pháp hành. Có lúc chánh niệm tỉnh giác, có lúc thất niệm, phóng dật nhưng nhận ra và quay trờ về, sân vừa khởi thì thấy ngay và hết sân, có lúc mắt thấy tai nghe chứ không phải ta thấy ta nghe. Vì thấy mình vẫn còn nhiều thất niệm, tạp niệm, chưa nhìn rõ được hết cái kho vô thức nên con xấu hổ không trình pháp cho đến ngày hôm nay.

2. Các câu hỏi về gia đình
Thưa thầy, con không biết mình đã gieo duyên lành gì mà ngay trong kiếp này con được nghe các lời khai thị của thầy. Gia đình con bao người đều là Phật tử, rồi bạn bè con có ai đã nghe pháp thầy giảng và biết đến trang Trungtamhotong này đâu tuy con vẫn hữu ý gieo duyên. Vì vậy con thấy rằng ai theo dõi mục Hỏi đáp và gửi câu hỏi đến thầy thật là hữu duyên. Đọc 2 ý kiến của hai bạn Phật tử góp ý những bạn nêu câu hỏi về hôn nhân gia đình, làm ăn…, con xin mạo muội được có ý kiến đa chiều như sau:

Nghĩ đến câu Phật pháp bất ly thế gian pháp, con nghĩ rằng những vấn đề bức bách trong cuộc sống là những sự kiện thật. Đọc câu chuyện của bạn bị động thai và muốn tự tử mấy ngày trước, con thật sự ngậm ngùi. Ai đã nếm đau khổ trong hôn nhân sẽ thật sự thương cảm với bạn. Nhưng tại sao bạn lại hỏi thầy? Theo con là do một trong các lẽ sau: thứ nhất bạn có thể đã tư vấn chuyên gia tâm lý nhưng vẫn không giúp ích gì nhiều. Thứ hai con biết nhiều phật tử gặp điều gì bức bách đều hướng đến sự chỉ dạy của Quý thầy vì chúng con nghĩ lời dạy của thầy là rốt ráo, có đầy đủ trí tuệ và từ bi, nếu hướng đến lời dạy của ai khác e tốt đời mà không đẹp đạo trong khi mình là phật tử.

Thưa thầy, không phải chúng con không nghĩ đến sức khỏe của thầy. Nhưng cuộc đời có nhiều đau khổ khi còn chưa được khai sáng và khi đó chúng con cần người chỉ lối soi đường. Việc tu – như thầy dạy – đâu phải là rèn luyện để sở đắc mà là luôn sáng suốt biết mình trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, từ đó nhận thức và hành vi sẽ được điều chỉnh cho đúng tốt. Vì lẽ đó mà mục Hỏi đáp này đã được mở rộng ra rất nhiều nội dung – mà cũng là pháp hành ngay trong cuộc sống.
Mỗi câu trả lời của thầy là một bài pháp ngắn cho chúng con trong từng tình huống cụ thể; và giúp ích thêm cho các trường hợp tương tự khác vẫn theo dõi mục Hỏi đáp thường xuyên; hoặc sẽ là sự dẫn dắt cho người thân, bạn bè vào tham khảo cho vấn đề của mình rồi từ đó họ được gieo duyên đến thiền Vipassana. Đúng như bạn nào đó vừa chia sẻ, chúng con xúc động và trân quý từng lời dạy của thầy.
Cá nhân con bây giờ khi đọc những câu hỏi như thế tuy biết làm bận lòng thầy nhưng con vui vì càng nhiều người biết đến trang Trungtamhotong này, càng nhiều người muốn ứng dụng lời thầy dạy vào cuộc sống và tình huống cụ thể. Như vậy, nơi đây là Phật pháp ứng dụng vào cuộc sống chứ không phải sự cao siêu, huyền bí; và ngày càng nhiều người đã tìm thấy nơi đây là sự nương tựa, là nơi được khai sáng.
Nếu được, con chỉ xin được lưu ý đối với những ai hở tí là hỏi mà chưa tìm kiếm trong mục Hỏi đáp; hoặc là mới nghe vài bài pháp có thắc mắc liền nêu câu hỏi, mà lẽ ra nên tiếp tục hoặc tuần tự nghe các bài giảng khác của thầy, suy ngẫm nhiều hơn, nhìn lại mình trong từng giây phút và hãy thực hành đi đã.
Hãy quán thân thọ tâm pháp hoặc luôn nhìn tâm mình trong từng phút giây. Khi có một “cặp mắt” luôn quan sát tâm thì bản ngã cũng lặn luôn mất dạng (xin chia sẻ với bạn nêu có thể thuyết pháp nhưng không vào được pháp hành).
Con đang bắt đầu giới thiệu cho con trai 10 tuổi của mình vào đọc trang web này, bắt đầu từ các mục “Chia sẻ”, “Suy ngẫm” trong “Góc thư giãn”. Sau này, nếu bé bị vướng mắc vấn đề gì mà đã được thầy giải đáp trong mục Hỏi đáp, con có thể hướng dẫn bé tìm đọc lời chỉ dạy của thầy. Thầy ơi, vậy có phải lợi ích của trang Trungtamhotong đã lan tỏa đến các đối tượng, đến mọi vấn đề ngóc ngách trong cuộc sống.
Con tin rằng rất nhiều người đều hướng đến thầy với lòng tri ân. Vì nếu không được thầy khai sáng thì không biết mãi đến kiếp nào chúng con mới tự thấy ra, mới tự chiêm nghiệm được.
Và con tin rằng rất nhiều học trò của thầy và nhiều phật tử vẫn âm thầm nguyện cầu thầy được khỏe mạnh, nguyện cầu chúng con được có thầy lâu, lâu nữa. Con vững tin có lực của Tam bảo, của chư thiên hộ pháp hộ trì cho thầy - bậc chân tu mà chúng con tôn kính.
Con xin được khấu đầu đảnh lễ thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-07-2019

Câu hỏi:

Thầy kính!
Hôm nay trên đường đi làm về con chợt nhìn vào 1 chiếc ô tô hạng sang và thấy ra: Cái xe này được rập một cái khuôn, do con người dùng ý chí cá nhân để tạo ra nó, nhưng thực chất đó chỉ là khái niệm do con người đặt ra thôi. Chứ nó bản chất cũng chỉ là tập hợp những phân tử sắt, kim loại, cao su… do con người thổi ý chí vào nó nên mới ra cái xe. 10 năm hay 100 năm hay 1000 năm nữa những thành phần cấu thành cái xe đó không thay đổi, chỉ có ý niệm của con người ta tự cho cái ô tô được sinh ra - được sử dụng nên bạc màu, rỉ sét, hỏng hóc – và cuối cùng là hết date. Thực chất nó chỉ là sự vận hành của Pháp, tất cả chỉ là các phản ứng hết sức tự nhiên của các hợp chất tự nhiên, và con mắt của ta nhìn nó bạc màu, hỏng hóc lại ảo tưởng rằng do thời gian trôi đi làm chúng bị như thế. Chúng ta ảo tưởng cái xe được chế tạo theo cách này thì sẽ là sang trọng, theo cách kia thì bình dân. Như vậy thời gian dường như không phải là sự thật, mà thời gian chỉ là khái niệm do con người đặt ra với nhau để giúp cuộc sống dễ dàng hơn thôi, con nghĩ thật sự chỉ có những sự kiện của pháp đang rốt ráo xảy ra mà thôi.
Từ đó con mới thấy rằng: Toàn bộ thế giới vật chất do con người tạo ra thực tế nó chỉ thật trong cái tưởng tượng của chính con người, và con người bị dính mắc vào chính cái mình tạo ra. Qua đó bắt đầu khái niệm được đặt ra, xe đẹp-xe xấu, xe rẻ tiền-xe mắc tiền, xe nhà giàu-xe nhà nghèo… bắt đầu sự phân biệt đẳng cấp được tạo ra, xã hội phân chia giai cấp và đẻ ra nhiều luật lệ, nhiều dính mắc và nhiều tâm sân sinh khởi từ chính cái ảo tưởng này.
Sau đó con nhìn lại chính mình, cái cơ thể mình đang sống ở đây, cũng chỉ là tập hợp của đất-nước-lửa-gió-không khí-và tánh biết. Và con chợt hiểu ra rằng xác thân này cũng là tập hợp từ những đơn vị phức tạp trong tự nhiên, là tập hợp những Pháp liên tục xảy ra rốt ráo, chứ con người cũng chỉ là 1 khái niệm do cái ta ảo tưởng dựng nên mà thôi. Sinh ra-trưởng thành-già và chết đi, các mức đo lường số tuổi sống cũng chỉ là do cái ta ảo tưởng nghĩ ra. Làm gì có người trẻ, người già, làm gì có người hay kẻ dở, làm gì có người ngu kẻ khôn. Trẻ hay già, ngu hay khôn cũng chỉ là khái niệm được dựng lên thông qua mắt nhìn, tai nghe và được đánh giá qua cái ta bản ngã thôi mà. Đó chỉ là Pháp đang vận hành và mình không thể can thiệp vào quá trình đó được, tự nhiên cho ta cái tánh biết để ta học hỏi quá trình đó mà thôi. Đúng là đôi lúc con tự hỏi mình: Vì sao mình lại xuất hiện một cách trơ trẽn trên cuộc đời này như vậy? Cách đây 10 năm con từng mơ mình làm ông nọ, bà kia, giúp ích một kỹ năng gì đó cho đời. Và đến tận bây giờ con mới tìm được câu trả lời cho chính con: Đó là sinh ra để tìm về tự tánh, tìm về cái thật nhất đang diễn ra, cái đang là. Học trọn bài học của chính mình. Mà người giúp con nhận ra chính là Thầy, con biết ơn Thầy nhiều lắm.

Xem Câu Trả Lời »