Kết quả Tìm Kiếm: Có 47 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'giới định tuệ'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 14-07-2015
Câu hỏi:
Kính thưa sư! Hôm nay con ngồi nghe sư giảng qua youtube về đề tài Giới Định Tuệ, Sư nói, Thận trọng, chú tâm, quan sát là một cách tu mà theo đó mình đang sống trong thực tánh chân đế (sống trong cái thực hoàn toàn, tức là sống trong đạo đế và diệt đế). Thưa Sư! Như vậy, so sánh khi một người ăn trộm họ cũng thận trọng khi đi bước chân nhè nhẹ, chú tâm nghe ngóng, và quan sát hoàn cảnh khi đột nhập vô nhà người ta... thì có gì khác hoàn cảnh tu thưa Sư? Xin Sư Từ Bi chỉ dạy! Con xin đảnh lễ và cám ơn Sư!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thận trọng chú tâm quan sát thực tại chân đế (thực tánh pháp) với tánh biết tự nhiên vô vi vô ngã của người sống thiền so với thận trọng chú tâm quan sát qua ý thức tục đế của bản ngã trong hành động thiện đã khác nhau rất xa, huống hồ hành động qua vọng thức của bản ngã trong điều ác, chẳng hạn như hành động của người ăn trộm.
Trong Kinh Tăng Chi Phật dạy: "Thận trọng là một pháp dẫn đầu tất cả thiện pháp, không thận trọng là một pháp dẫn đầu tất cả bất thiện pháp". Người ăn trộm với tâm bất thiện là do không thận trọng mới đúng, bởi nếu anh ta thật sự thận trọng trong hành động thì đã không bao giờ đi ăn trộm được. Vậy khi rón rén từng bước với sự phập phồng lo sợ đầy căng thẳng có thể gọi là thận trọng được không hay đó chỉ là sự e dè trong run rẩy?
Chú tâm là tâm an tịnh không tán loạn nên luôn trọn vẹn với thực tại một cách an nhiên tự tại, còn người ăn trộm có chú tâm được không khi vừa cố gắng tập trung vừa bị phân tâm dao động bởi lo sợ ai đó đang theo dõi? Người ta thường hiểu lầm từ chú tâm - tâm không dao động - trọn vẹn với thân (gọi là thân tâm nhất như), không lệ thuộc vào đối tượng, với các từ chú ý, chú mục, tập chú, tập trung có ý đồ vào một đối tượng nhất định.
Quan sát trong thiền được gọi là minh sát (vipassanà) tức thấy biết thực tánh chân đế (thân thọ tâm pháp) với tâm (tánh biết) thanh tịnh trong sáng không bị che lấp bởi bất cứ ý niệm nào. Còn người ăn trộm với tâm mê muội đang láo liên dòm ngó đối tượng tục đế (vàng bạc châu báu) nên tâm hoàn toàn bị che lấp bởi ý đồ chiếm hữu đầy khát khao thèm muốn, con không thấy khác nhau sao?
Có lẽ con chưa bao giờ ăn trộm mà cũng chưa thực sự sống thiền nên so sánh hai thái độ đó với nhau hoàn toàn trên những khái niệm ngôn ngữ. Phải không? Hi hi!
Ngày gửi: 06-03-2015
Câu hỏi:
Kinh thưa sư, con nghe sư giảng là trong định có tuệ và trong tuệ có định, giới định tuệ luôn đi với nhau, con không hiểu câu này lắm, xin sư chỉ dạy và cho con ví dụ ạ.
Con kính sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mặc dù định, tuệ đều có tướng và dụng khác biệt nhưng trong thể tánh chúng không tách rời nhau. Ví dụ: Mặt hồ tĩnh lặng là định và phản chiếu rõ cảnh vật là tuệ, khi cảnh hiện rõ (tuệ) thì đương nhiên mặt hồ đứng yên (định) như vậy trong tuệ có định, và khi mặt hồ đứng yên (định) thì đương nhiên cảnh vật hiện rõ (tuệ), như vậy trong định có tuệ. Định và tuệ là hai yếu tính của tâm, như hai mặt của một bàn tay, trong cái này có cái kia nên tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Ngày gửi: 02-03-2015
Câu hỏi:
Kinh thưa Thầy. <p>
Con thưa Thầy là thường Thầy hay dạy chúng con là : Thận trọng - chú tâm - quan sát. Nhưng đôi khi tùy công việc chúng con có thể đổi lại là: Chú tâm - quan sát - thận trọng. Nói chung là có thể thay thứ tự ba hành động đó được không ạ? <p>
Con xin được kính chúc Thầy thân tâm thường an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi thầy nói thận trọng, chú tâm, quan sát là nói theo thứ tự giới định tuệ, nhưng thực ra cả ba hoạt động chung gần như không trước không sau, nên không có thứ tự nhất định nào, chỉ là tùy lúc mà con thấy yếu tố nào ứng trước trong thực tế tự nhiên thuận pháp mà thôi chứ không cần thay đổi thứ tự theo ý mình.
Ngày gửi: 28-02-2015
Câu hỏi:
Kinh thua Thay, <p>
Truoc tien con xin kinh chuc Thay luon doi dao suc khoe, than tam thuong an lac. Sau day con xin co doi dieu thac mac kinh xin Thay giai dap gium con. Trong bai chia se thien quan Thay co giang la 3 phap Gioi, Dinh, Tue luon ho tro lan nhau. Vi vay khi lam viec gi con cung luon than trong chu tam quan sat de sang suot nhan biet cai nao dung nen lam, do la luc thuc hanh cong viec, con luc ngoi thien thi phai quan sat than, tho, tam, phap va chi biet thoi chu khong xen tư y vao. Nhu vay co dung khong thua Thay? Xin Thay giang ro cho con biet la giua Gioi, Dinh, Tue va Than, Tho, Tam, Phap co lien quan voi nhau khong? Luc ngoi thien co ap dung Gioi, Dinh va Tue vi theo con nghi thi di, dung, ngoi, nam cung la thien ca phai khong Thay? Con kinh chao Thay!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới định tuệ liên quan đến mọi lãnh vực đời sống biểu hiện cụ thể qua thân-thọ-tâm-pháp (bao hàm tất cả mọi phương diện của đời sống chứ không giới hạn trong thân tâm như nhiều người lầm tưởng). Khi tâm con thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại là đang thể hiện giới định tuệ (thận trọng là giới, chú tâm là định, quan sát là tuệ). Khi tâm con trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại cũng vậy (trở về là giới, trọn vẹn là định, tỉnh thức là tuệ). Khi tâm con trong lành, định tĩnh, sáng suốt là giới định tuệ phát huy toàn diện (trong lành là giới, định tĩnh là định, sáng suốt là tuệ). Và khi tâm con rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng là giới định tuệ đã hoàn hảo trong chính tự tánh của nó (rỗng rang là giới, lặng lẽ là định, trong sáng là tuệ) đó chính là cái Tâm Chói Sáng (Pabhassara Citta) mà đức Phật nói đến trong bộ Kinh Tăng Chi, và là cái không sinh, không hữu, không tác, không thành trong Udāna, Tiểu Bộ Kinh.
Ngày gửi: 12-12-2014
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ sư. Con có những điều chưa rõ trên đường tu học. Kính xin sư giải thích cho con: <p>
1- Nếu tu theo phép chỉ có cái Biết quan sát mọi sự mọi việc đến rồi đi thì GIỚI (sát, đạo, dâm, vọng) trong đạo Phật có cần đề ra và tuân thủ không? <p>
2- Con thấy vọng tâm cứ sinh, diệt rồi lại sinh. Nếu không dùng cách để ngưng dứt mà chỉ Biết thì biết bao giờ tâm mới được an? <p>
3- Mỗi người nhìn mọi sự mọi việc theo lăng kính riêng của mình. Họ bị chi phối bởi giống loài, giới tính, nghề nghiệp, học thức, địa vị xã hội, tuổi tác. Như vậy con thấy vẫn còn chưa nhìn và sống bằng sự thật, do đó vẫn còn như trong mơ. <p>
Thành tâm kính xin sư giải đáp và dạy cho con cách làm sao để được nhìn vạn vật bằng cái nhìn chơn thật và sống với tánh giác vốn có. Con mong sư luôn khỏe mạnh. Kính thư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi chỉ còn tánh biết quan sát rõ ràng mọi sự thì cái ngã lăng xăng tạo tác không còn, lúc đó làm sao còn có sát đạo dâm vọng được, không những vậy mà lúc đó mọi hành vi cử chỉ đều là giới, nên Phật gọi đó là giới vô lượng. Có lần một vị Tỷ kheo bạch Phật rằng giới luật nhiều quá con không nhớ hết để giữ, Phật dạy vị ấy chỉ cần giữ tâm thôi là được. Giữ tâm chính là trở về với tánh biết để thấy thân tức là giữ giới, thấy thọ, tâm tức là thiền định, thấy pháp tức là thiền tuệ vậy. Như vậy chỉ khi thấy biết chân thực thì giới định tuệ mới hoàn hảo được.
2) Nếu không thấy biết sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của những vọng tâm mà chỉ muốn ngưng dứt tâm thôi thì không những không ngưng dứt được mà còn dồn nén chúng vào vô thức để chúng ngày càng lớn mạnh thêm, như vậy muôn đời không thể giác ngộ giải thoát được. Nhưng nếu biết thận trọng chú tâm quan sát mọi sự thì vọng không thể nào khởi được, mà có khởi thì liền thấy sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó nên mới có thể xuất ly. Do đó đức Phật dạy: "Không nên chế ngự ý, hoàn toàn về mọi mặt" (S1,14) mà chỉ khi thấy biết trung thực thì mới thoát ly được chúng.
3) Trong thấy chỉ thấy thôi, trong nghe chỉ nghe thôi, ... trong biết chỉ biết thôi không xen "cái ta" tư tưởng, quan niệm, thành kiến, tình cảm chủ quan (thức tri, tưởng tri) vào thì liền thấy như thật, tức thấy pháp thực tánh. Đó là thấy biết của trí tuệ (tuệ tri). Biết thận trọng chú tâm quan sát thực tại, biết trở về trọn vẹn tỉnh thức ngay đây và bây giờ chính là cách mà đức Phật gọi là tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác với thân-thọ-tâm-pháp vậy.
Ngày gửi: 30-12-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con thường làm theo lời Thầy dạy là sống tỉnh thức hoặc rỗng lặng trong sáng mọi lúc. Con nhận thấy con chỉ rỗng lặng trong sáng lúc không gặp được việc gì hay điều gì đó đột xuất xảy ra thôi. Còn khi có chuyện vui hay gặp gỡ bạn bè, đi chơi ngắm phong cảnh hay chụp hình gì đó thì con thường không kiểm soát được tâm mình, con vẫn thấy mình còn lăng xăng nhiều lắm. Xin Thầy chỉ dạy cho con làm thế nào để khỏi chạy theo cảnh như thế. Con cám ơn Thầy và xin đảnh lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tỉnh thức chứ không phải kiểm soát tâm mình như con nói. Tỉnh thức và rỗng lặng trong sáng nhưng cần phải biết:
1) Khi hữu sự thì ứng ra thận trọng chú tâm quan sát sự việc một cách tự nhiên, như khi con chụp hình nếu không thận trọng chú tâm quan sát sao có thể chụp hình rõ nét được.
2) Khi buông lung thất niệm con trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm đang là, như khi đang ngắm cảnh tâm con tham đắm nơi cảnh thì cứ ngắm nhưng đồng thời nhận ra tâm đang tham đắm, mắt đang nhìn, cảm xúc hào hứng... thì vẫn là tỉnh thức.
3) Khi con thấy-nghe-xúc-biết mọi sự vật đến đi một cách tự nhiên với tâm sáng suốt định tĩnh trong lành thì đó là tỉnh thức rồi đâu cần kiểm soát gì nữa.
4) Khi vô sự tâm con tự buông xả, thân thư thái tự nhiên, thoải mái, không bận tâm chuyện gì, không nhớ nghĩ tính toán, không dừng lại ở đâu... thì đó là rỗng lặng trong sáng rồi không cần phải kiểm soát, phải không?
Tóm lại, khi hữu sự thì tâm biết ứng ra thận trọng chú tâm quan sát trong hành động, nói năng, suy nghĩ, đó là tỉnh thức; khi vô sự thì tâm trở về tự tại hồn nhiên thì đó chính là tâm rỗng lặng trong sáng.
Ngày gửi: 20-02-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,<p>
Khi nói “thận trọng, chú tâm, quan sát”, vậy ai là người chú tâm, ai là người quan sát? Có sự tham dự của cái Tôi trong đó hay không? Hay có phải đó chỉ là “tánh biết” đứng ngoài bản ngã như một “nhân chứng” để nhận biết về thực tại đang là?<p>
Kính Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thận trọng, chú tâm, quan sát chính là giới, định, tuệ. Nếu là giới định tuệ tự tánh thì xuất phát từ tánh biết vô ngã. Nếu là giới định tuệ chế định thì vẫn còn ý thức hữu ngã. Vì vậy tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà thận trọng, chú tâm, quan sát thể hiện một cách hữu ngã hay vô ngã. Nếu thận trọng chú tâm quan sát với bản ngã thì chưa thấy được thực tánh, tuy nhiên nếu đúng mức thì bản ngã sẽ tự biến mất, lúc đó chỉ còn tánh biết thấy thực tánh pháp.
Ngày gửi: 14-06-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi khi thông qua một phương pháp thì đó là giới định tuệ chế định, còn nếu trực tiếp sáng suốt định tĩnh trong lành thì đó là giới định tuệ tự tánh. Thầy có thể giải thích thêm cho con hiểu rõ được không ạ! Con cảm ơn Thầy và chúc Thầy sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Về phương diện chân đế, bản tánh của tâm là biết pháp nên gọi là tánh biết. Khi tánh biết không bị gì che lấp thì tự nó có phẩm chất trong lành, định tĩnh, sáng suốt một cách tự nhiên, không do rèn luyện mà có, do đó gọi là giới định tuệ tự tánh, hoàn toàn vô ngã (trong lành là giới, định tĩnh là định, sáng suốt là tuệ). Giới định tuệ chế định là phương tiện đưa hành giả trở về với giới định tuệ tự tánh và khi đã vào được giới định tuệ tự tánh thì vị ấy không còn chấp thủ giới định tuệ chế định nữa. Đó là lý do vì sao nhiều vị Phật quá khứ không cần thiết lập giới định tuệ chế định khi tứ chúng thời ấy có thể sống trong giới định tuệ tự tánh.
Về phương diện tục đế, khi có vị Tăng làm điều sai trái bị người đời chê trách đức Phật mới chế định ra một giới điều; khi tâm một vị Tăng loạn động bất an đức Phật chế định một pháp môn thiền định phù hợp với vị ấy để giúp vị ấy ồn định; khi một vị Tăng nhận thức sai lầm đức Phật chế định cho vị ấy cách lắng nghe, suy nghĩ, và chiêm nghiệm để thấy ra sự thật. Đó là giới định tuệ chế định cho từng trường hợp riêng hoặc chung để đem lại lợi ích thiết thực trong đời sống.
Vào được giới định tuệ tự tánh thì mới thấy ra thực tánh chân đế, còn giới định tuệ chế định chỉ có công năng đối trị tà kiến và tham ái (phiền não). Ví như một ngọn đèn điện bị vật che phủ, khi lấy vật che đi thì ngọn đèn chiếu sáng. Bản chất chiếu sáng mà ngọn đèn tự có ví như giới định tuệ tự tánh, lấy đi vật che ví như giới định tuệ chế định. Đó là lý do tại sao đức Phật ví giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh v.v... của giới định tuệ chế đinh như những trạm xe chứ không phải là cung thành. Và Ngài còn xác định rằng pháp (mà Ngài chế định) như thuyền đưa người qua sông chứ không phải là bờ kia. Vì vậy nếu cứ bám vào thuyền thì cũng không thể nào lên bờ kia được.
Ngày gửi: 09-06-2012
Câu hỏi:
Con cám ơn thầy đã cho con câu trả lời. Giờ thì con đã hiểu rằng giới hương, định hương, tuệ hương mới là quý. Thưa thầy, thầy cho con hỏi thêm bao dung, độ lượng và nhu nhược khác nhau như thế nào? Con xin cám ơn và mong giải đáp của thầy. Con kính chúc thầy sức khoẻ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bao dung độ lượng thuộc về tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả... vì vậy đó là tâm vô cùng rộng lớn và mạnh mẽ. Nhu nhược là tâm yếu đuối, co rút, thiếu quyết tâm và đầy sợ hãi. Một người biết nhẫn nhịn, khiêm nhường, bao dung, không tranh chấp là người có lòng tự tin rất vững chắc. Trái lại, người thiếu những đức tính đó thì mới lo âu nhu nhược.
Ngày gửi: 27-04-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi:<p>
1. Thầy dạy hành thiền là quay lại chánh niệm tỉnh giác trong từng sát-na nơi thân thọ tâm pháp là để thấy thực tánh phải không?<p>
2. Thưa thầy con vẫn không hiểu nếu như mình chánh niệm tỉnh giác như vậy thì làm sao phát sinh Tuệ để có thể diệt trừ tất cả khổ đau? <p>
3. Thầy có thể giải thích cho con quan trọng của việc giữ Giới được không ạ?<p>
4. Thưa Thầy có phải khi sáng suốt định tĩnh trong lành thì sẽ phát sinh sát-na định trong thiền minh sát không?<p>
Mong Thầy hoan hỉ trả lời giúp con. Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đúng vậy, trở về trọn vẹn trong sáng với thân thọ tâm pháp trong từng sát-na chính là để thấy thực tánh chân đế.
2) Chánh niệm tỉnh giác đúng mức thấy được thực tánh chân đế chính là trí tuệ thuộc đạo đế có thể diệt trừ tập đế, khổ đế và chứng ngộ Niết-bàn
3) Giới vừa hạn chế hành động bất thiện, vừa là điều học giúp thận trọng, tinh tế và đưa đến thanh tịnh, trong lành trong hành động đạo đức, nhờ đó tâm được ổn định và trí tuệ được sáng suốt.
4) Trong lành là giới, định tĩnh là định và sáng suốt là tuệ, vậy đó không phải chỉ là sát-na định trong thiền minh sát mà còn là giới định tuệ hoàn hảo nhất của đạo đế.