Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Tứ Niệm Xứ Giảng Giải

Tác giả: Goenka
Dịch giả: Pháp Thông


NGÀY THỨ TƯ

Ngày thứ tư của khóa thiền Tứ Niệm Xứ - Satipaṭṭhāna đã qua. Chúng ta lại tiếp tục đọc bài kinh và cố gắng hiểu nó trong liên hệ với pháp hành.

Chúng ta vẫn còn trong phần quán thân - kāyānupassanā. Bạn có thể khởi đầu với bất kỳ pháp quán nào trong bốn lĩnh vực: quán thân - kāyānupassanā, quán thọ - vedanānupassanā, quán tâm (cittānūpassanā), hay quán pháp (dhmamānupassanā), và với bất cứ phần quán thân nào, song khi bạn tiến xa hơn chúng sẽ hòa trộn với nhau. Bạn phải đạt đến một vài trạm quan trọng. Bạn phải cảm giác được thân bên trong (ajjhattaṃ) và bên ngoài (bahiddhā), rồi cả bên trong lẫn bên ngoài (ajjhatta - bahiddhā). Bạn phải kinh nghiệm được sự sanh và diệt (samudaya-dhammānupassī viharati - sống quán tánh sanh khởi, vayadhammānupassī viharati - sống quán tánh hoại diệt), rồi cả hai cùng với nhau (samudayavayadhammānupassī viharati - sống quán tánh sanh khởi và hoại diệt). Bạn phải cảm giác được toàn thân như một khối những rung động đang sanh và diệt với vận tốc cực kỳ nhanh, trong giai đoạn hoại diệt (bhaṅga). Sau đó, bạn phải đạt đến giai đoạn thân chỉ là thân ('atthi kāyo’ti), hoặc thọ chỉ là thọ, tâm chỉ là tâm, hoặc pháp chỉ là pháp không có sự đồng nhất với nó. Rồi đến giai đoạn chỉ có niệm (paṭissati-mattāya) và chỉ có tuệ hay trí (ñāṇa-mattāya) thuần tuý không có bất kỳ sự đánh giá hay phản ứng nào.

Khi bạn tiến bộ và đã an lập trong pháp hành, các saṅkhāras (hành) ăn rễ sâu xa xuất hiện lên bề mặt và được tuyệt trừ, với điều kiện bạn phải vineyya loke abhijjhā-domanassaṃ, viễn ly tham - ưu đối với tâm và vật chất hay danh và sắc (thường dịch là để chế ngự tham - ưu ở đời).

Trong một bài kinh khác, Đức Phật đã đưa ra một sự minh họa:

Sabba kamma jahassa bhikkhuno,

Dhunamānassa pure kataṃ rajam

Người hành thiền không tạo tác nghiệp mới, thanh lọc những phiền não cũ khi chúng khởi lên.

Khi người hành thiền ngưng tạo mọi hành nghiệp - kamma saṅkhāra, tức không còn tạo tác những nghiệp mới hay phản ứng mới, thời những bất tịnh cũ - pure kataṃ rajaṃ - được tháo ra. Dhunamānassa nghĩa là tháo ra hay chải ra (bông vải), tách ra thành từng sợi, gỡ sạch mọi nút thắt hay quét sạch mọi bợn nhơ. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào, bất cứ lúc nào bạn không phát tác một hành mới, tuy nhiên những bất tịnh bám rễ sâu xa chỉ bắt đầu trồi lên sau khi bạn đã đạt đến giai đoạn "hoại diệt" - bhaṅga. Nếu bạn cứ tiếp tục tạo tác các hành (saṅkhāra), là bạn đang tiếp tục gia tăng kho (hành) cũ của bạn. Bao lâu bạn tránh không tạo tác bất kỳ một hành mới nào và giữ thái độ xả, thì hết lớp hành này đến lớp hành khác đã bị trừ diệt.

Pháp (dhamma) rất nhân từ. Lúc đầu các hành thô vốn sẽ dẫn bạn vào một đời sống khổ đau, thấp kém mới, trồi lên và bị trừ diệt. Bạn được giải thoát khỏi chúng.

upajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpassamo sukho

… đã sanh lên, nếu chúng bị diệt, sự đoạn trừ này sẽ đem lại an lạc

Khi các hành có khả năng đưa bạn vào một kiếp sống thấp thỏi đã diệt, tâm trở nên quân bình một cách hoàn hảo - thích hợp để vượt qua lĩnh vực của tâm và vật chất (danh - sắc) và có được cái nhìn thóang đầu tiên về Niết Bàn.

Điều này có thể chỉ trong một vài sátna, một vài giây hạnh phúc, nhưng khi trở lại lĩnh vực tâm và vật chất mô thức cư xử thường tình của hành giả đã thay đổi hoàn toàn. Các saṅkhāra (hành) đưa đến một đời sống thấp thỏi giờ đây không thể nào được phát ra. Tộc tánh đã thay đổi - "gotrabhū" (chuyển tộc - từ phàm sang thánh tộc). Phàm nhân (anariyo - phi thánh) trở thành một bậc thánh nhân (ariyo) - một bậc thánh nhập lưu - sotāpanna. Ngày nay chữ 'aryan’ đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy của nó và được người ta dùng để chỉ cho một bộ tộc. Thời Đức Phậtariyo nghĩa là một con người cao quý, thánh nhân, một người đã thực chứng Niết Bàn. Sotāpanna là người đã rơi vào dòng (sota) hay thường gọi là "nhập lưu". Trong tối đa bảy kiếp sống, người này chắc chắn sẽ duy trì việc thực hành để trở thành một bậc Alahán. Không có quyền lực nào trên thế gian này có thể chặn đứng tiến trình ấy được.

Công việc thực hành vẫn tiếp tục theo cách như vậy - nghĩa là với nhiệt tâm (ātāpī), tỉnh giác (sampajāno) và chánh niệm (satimā). Các hành nằm sâu hơn nữa trồi lên bề mặt và diệt (upajjhitvā nirujjhanti) và một kinh nghiệm thâm sâu hơn về Niết Bàn xảy ra. Người hành thiền lại trở lui về lãnh vực sanh - diệt, nhưng với một con người đã thay đổi hoàn toàn, hành giả đạt đến giai đoạn sakadāgāmī - tưđàhàm. Chỉ một kiếp sống duy nhất nữa là có thể trong cõi dục giới. Kế đó, việc thực hành vẫn lại với nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm. Những bất tịnh vi tế hơn, nhưng vẫn là những bất tịnh có khả năng đưa đến những kiếp sống đau khổ, bây giờ được trừ diệt bằng thái độ xả này, và việc nhúng sâu vào Niết Bàn một lần nữa càng sâu hơn. Hành giả kinh nghiệm giai đoạn Anāgāmī hay Anahàm. Giờ đây một kiếp sống duy nhất là khả dĩ nhưng không nằm trong cõi dục, mà trong một cõi phạm thiên rất cao (ý muốn nói đến cõi ngũ tịnh cư dành cho các bậc Anahàm). Khi người hành thiền tiếp tục, các hành (saṅkhāra) vi tế nhất - vốn vẫn cho thêm một kiếp khổ nữa, vì chúng vẫn còn nằm trong vòng sanh - tử - được trừ diệt, và Niết Bàn của một bậc Alahán được hành giả kinh nghiệm, sự giải thoát viên mãn. Điều đó có thể xảy ra ngay trong kiếp hiện tại hoặc có thể trong kiếp tương lai, nhưng việc thực hành vẫn không khác: đó là với ātāpī sampajāno satimā.

Satimā là với chánh niệm. Sampajāno là với trí tuệ (paññā) về sự sanh và diệt, kinh nghiệm trực tiếp các cảm thọ của thân. Một mình thân thì không thể cảm giác các cảm thọ, vì thế tâm đòi hỏi phải có, nhưng trong thân vẫn là nơi chúng được cảm thọ. Đức Phật đã đưa ra một minh họa cho vấn đề này: ví như có nhiều loại gió khác nhau khởi lên trên bầu trời - gió ấm hay gió lạnh, gió thổi nhanh hay gió thổi chậm, gió có bụi hay gió trong sạch - cũng vậy thân này có nhiều loại cảm thọ khác nhau sanh lên và diệt.

Trong một bài kinh khác Ngài nói:

Yato ca bhikhhu ātāpī sampajaññaṃ ca na riñcati,

tato so vedanā sabbā parijānāti paṇḍito.

Thực hành nhiệt tâm, không sao lãng tỉnh giác, người hành thiền kinh nghiệm toàn bộ lãnh vực của thọ và có được trí tuệ.

Có các loại thọ khác nhau cho dù các saṅkhāras (hành) là thô, vi tế, hay vi tế nhất. Như vậy, tỉnh giác (sampajaññaṃ) cả ngày lẫn đêm là cốt lõi của toàn bộ kỹ thuật.

So vedanā pariññāyadiṭṭhe dhamme anāsavo,

kāyassa bhedā dhammaṭṭho saṅkhāyaṃ nopeti vedagū.

Khi toàn bộ lãnh vực của thọ - vedanā đã được vượt qua, thời Pháp (dhamma) cũng được tuệ tri. Người như vậy, không còn những bất tịnh (anāsavā - vô lậu), đã an trú hoàn toàn trong Pháp (dhammaṭṭho), thấu triệt toàn bộ lãnh vực của cảm thọ (vedagū) và sau khi thân hoại mạng chung (kāyassabhedā) không còn trở lui lại lãnh vực của cảm thọ này nữa".

Điều này tóm tắt toàn bộ đạo lộ đi đến giải thoát. Đạo lộ được thành tựu với trí tuệ tỉnh giác - sampajañña, trí tuệ thấy rõ sự sanh và diệt, đồng thời giữ thái độ xả với các cảm thọ. Ātāpi - nhiệt tâm hay chịu khó thực hành và chánh niệm - satimā, ở đây phải nhớ rằng nếu đó là niệm của cô gái hát xiếc, một mình nó sẽ không đủ để giải thoát vì trí tuệ tỉnh giác vẫn là quan trọng nhất.

Paṭikūlamanasikārapabbaṃ - Quán tính chất đáng nhờm gớm - Hay 32 thể trược

Paṭikūla có nghĩa là "đáng kinh tởm" hay "đáng nhờm gớm". Manasikāra là "sự suy xét" hay "quán tưởng". Tự thân pháp quán này sẽ không đưa đến mục tiêu cuối cùng (giải thoát). Đức Phật luôn dạy phải kinh nghiệm trực tiếp, chứ không chỉ có sự tưởng tượng hay tri thức hóa đơn thuần. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, khi tâm còn cùn nhụt hay còn tháo động, trạo cử, nó không thể khởi sự với hơi thở, huống nữa là giữ được thái độ xả với việc cảm giác các cảm thọ. Trong hầu hết các trường hợp, những người như vậy còn có sự tham chấp đối với thân và còn mê đắm trong các dục lạc, bị ám ảnh bởi cái đẹp bề ngoài của thể xác. Họ sẽ không cố gắng hiểu và cũng không thể hành Pháp (dhamma) được, vì thế việc quán tính chất đáng nhờm gớm này được dùng để quân bình tâm ít ra cũng ở mức khá hơn một chút. Những người này được yêu cầu khởi sự với việc suy xét theo cách thích hợp: thân này là gì?

Imameva kāyaṃ uddhaṃ pādatalā adho kesamatthakā tacapariyantaṃ pūraṃ nānappakārassa asucino paccavekkhati…

Từ lòng bàn chân đổ lên và từ tóc trên đầu đi xuống, toàn thân được bao bọc bởi da, hành giả suy xét hay quán sát (paccavekkhati) tính chất bất tịnh của nó (asucino) theo những cách khác nhau (nānappakārassa). Thân này thật là xấu xí. Nó chứa đựng nào là: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, màng ruột, bao tử, phổi, ruột, trực tràng, vật thực chưa tiêu hóa, phân, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước miếng, nước mũi, họat dịch (nước khớp xương), nước tiểu. Đây là bản chất của nó.

Tất nhiên pháp quán này chỉ là một cách khởi đầu cho những người không có khả năng quan sát thực tại bên trong. Vì thế tính chất bất tịnh cứ tiếp tục khuất phục họ. Một khi họ có thể suy tư một cách đúng đắn rồi, họ sẽ sẵn sàng để thực hành, hoặc với hơi thở hoặc trực tiếp với các cảm thọ. Dĩ nhiên, khi việc thực hành minh sát thực sự bắt đầu, sẽ phải không còn sự chán ghét đối với thân uế trược này. Lúc đó chỉ quan sát đúng như nó là hay như thực quán - yathābhūta. Thân được quán như là thân, với hơi thở đang sanh và diệt. Người hành thiền lúc này thực sự mới ở trên đạo lộ (giải thoát).

Đức Phật đưa ra ví dụ về một cái túi lương thực có hai miệng (túi) chứa đầy các hạt giống và ngũ cốc khác nhau, như lúa nếp, lúa tẻ, đậu xanh, đậu đũa, đậu mè và gạo lức. Ví như một người có mắt tốt có thể thấy các loại ngũ cốc khác nhau này, hành giả cũng phải thấy được những vật (uế trược) trong thân được da bao bọc này. Khi thiên nhãn phát triển, ở một giai đoạn cao hơn, việc thấy thân sẽ trở nên rất dễ. Mỗi thân phần - thực ra, mỗi phân tử của thân - sẽ được thấy như thể với mắt mở vậy.

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati…'atthi kāyo’ti… na ca kiñci loke upādiyati.

Sau đó tiến trình tu tập lại hoàn toàn giống nhau. Mặc dù điểm khởi đầu có khác tuỳ theo trình độ căn bản và khả năng tinh thần của mỗi người, song những trạm cuối cùng đều giống như nhau. Thân được quan sát ở bên trong, và bên ngoài, ajjhatta - bahiddhā. Quan sát sự sanh và sự diệt - samudaya - vaya. Rồi 'atthi-kāyo’ti, "Đây là thân hay có thân đây". Chánh niệm được thiết lập, và không có bất kỳ sự hỗ trợ nào trong cái thế gian của tâm và vật chất này, không có gì để nắm giữ, chấp trước (na ca kiñci loke upādiyati) trong giai đoạn giải thoát viên mãn.

Dhātumanasikārapabbaṃ - Quán sát tứ đại

Dhatu nghĩa là yếu tố hay đại. Ở đây cũng vậy, với loại người còn tham chấp thân và đắm mê các dục lạc, lúc bắt đầu thực hành đòi hỏi phải có sự suy xét:

Imameva kāyaṃ yathāṭhitaṃ yathāpaṇihitaṃ dhatuso paccavekkhati: 'athi imasmiṃ kāye pathavīdhātu āpodhātu tejodhātu vāyodhātū’ti

Dù cho thân được đặt hay được sắp xếp như thế nào (kāyaṃyathāṭhitaṃ yathāpaṇihitaṃ), các giới hay các đại trong đó cũng phải được quán sát (paccavekkhati) đó là: đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo).

Đức Phật đưa ra một ví dụ khác. Ví như một người đồ tể hoặc người học việc của ông ta giết một con bò, xẻ nó ra thành từng phần nhỏ và ngồi ở chợ bán những miếng thịt ấy như thế nào, thời thân cũng phải được hiểu là như vậy: chỉ có bốn đại này. Nó gồm: chất cứng như thịt, xương v.v…; chất lỏng như máu, nước tiểu v.v…; chất gió hay hơi; và nhiệt. Ví như "bò" là một từ quy ước chỉ sự cấu hợp của các bộ phận như thế nào, thân cũng như thế không là gì khác ngoài bốn đại này và không có đại nào trong đó là "thân" cả. Như vậy người hành thiền đạt tới điểm ở đây tâm ít nhất cũng đã được quân bình một cách đáng kể.

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati… 'atthi kāyo’ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Kế tiếp công việc bắt đầu như cũ, bởi vì chỉ thuần tư duy hay quán sát thôi thì không đủ. Hành giả phải trải qua các trạm giống như đã đề cập ở trên. Giai đoạn hành giả đạt đến 'atthi kāyo’ti, "Đây là thân hay có thân đây", cái mà trước đây bao nhiêu tham chấp hành giả đặt vào đó, và giờ buông bỏ qua một bên mọi tham chấp ấy hành giả đạt đến mục tiêu cuối cùng.

Navasivathikapabbaṃ - Chín pháp quán tử thi (hay Mộ địa quán)

Đôi khi một số người tham chấp thân mãnh liệt đến độ ngay cả sự tư duy đúng cũng không thể thực hiện được. Bởi thế một điểm khởi đầu thô hơn, bạo hơn đã được Đức Phật đưa ra: Họ phải vào một nghĩa địa. Đây là chỗ các tử thi không được chôn cất hay thiêu đốt, mà chỉ quăng bỏ đó cho các loài chim, thú v.v… ăn thịt. Do không thể thực hành với sự chú ý của họ xoay vào bên trong tự thân, nên những người này được yêu cầu khởi sự bằng cách nhìn vào một tử thi. Kế đó họ có thể suy xét đến thân của họ theo cùng cách như vậy:

So imameva kāyaṃ upasaṃharati: 'ayaṃ pi kho kāyo evaṃdhammo evaṃbhāvī evaṃnatīto’ti.

Họ suy nghĩ (upasaṃharati) về thân của chính mình: "Thân của ta đây cũng có cùng bản chất như vậy, nó sẽ không tránh được phải trở thành như thế này". Có chín cách quán tử thi:

Hành giả nhìn vào tử thi đã chết một ngày, hai ngày, hoặc ba ngày, trương phình, xanh đen, và lở loét. Hành giả suy xét và hiểu ra rằng thân của hành giả cũng có cùng bản chất, cuối cùng rồi sẽ phải chết với kết quả giống như thế này.

Lại nữa, hành giả nhìn vào một tử thi quăng bỏ trong nghĩa địa đã bị các loài quạ, diều hâu, kên kên, chó, dã can, hay các loài sâu bọ khác rỉa rói, đục khoét, ăn thịt. Và hành giả sẽ suy xét đến thân của mình theo cách như vậy.

Hành giả nhìn vào một tử thi chỉ còn là bộ xương dính chút thịt và máu, ràng lại với nhau bởi mấy sợi gân. Rồi hành giả suy xét đến thân của chính mình.

Hành giả nhìn vào một tử thi chỉ còn là bộ xương không có chút thịt nào, nhưng vấy bẩn với máu và ràng lại với nha­­u bởi những sợi gân.

Hành giả nhìn vào một tử thi chỉ còn lại một bộ xương không dính chút thịt và máu, ràng lại với nhau bởi những sợi gân.

Lúc này hành giả nhìn thấy chỉ còn những khúc xương rời ra nằm rải rác khắp nơi: xương tay, hay xương chân, xương đầu gối, xương đùi, xương chậu, xương sống, hay xương sọ v.v…

Bây giờ, sau một thời gian, những khúc xương được tẩy trắng, sạch sẽ.

Hành giả nhìn vào những khúc xương mà, sau hơn một năm, nằm thành đống.

Hành giả nhìn vào những khúc xương đang mục nát và tan tành thành cát bụi.

Mỗi lần, sau khi nhìn như vậy, hành giả phản tỉnh hay suy xét theo cách đã nói về chính thân của mình.

Nhất thiết phải bắt đầu với việc chỉ nhìn theo cách này bởi vì thiền Minh sát (vipassanā) - quan sát và kinh nghiệm đúng bản chất của thực tại - là một công việc rất tinh vi, tế nhị. Những người đang sống một cuộc sống thô tháo, tầm thường, còn hệ luỵ trong những phiền não thô, không thể làm được điều này. Do đó, những trường hợp đặc biệt phải đi đến một tha ma mộ địa, chỉ là để thấy, để duy trì việc quán tưởng, và để hiểu được rằng những gì họ thấy là kết quả cuối cùng dành cho mọi người. Họ được yêu cầu phải khởi sự tư duy như vậy. Với cảm giác nhờm gớm này và với sự hiểu biết mà bây giờ họ đã có này, tâm được quân bình một cách đáng kể, nó có thể thực hành (minh sát).

Iti ajjhattaṃ vā kāye kāyānupassī viharati… 'atthi kāyo’ti… na ca kiñci loke upādiyati.

Giờ đây hành giả khởi sự thực hành (minh sát) qua những giai đoạn tương tự. Tức là hành giả sẽ đạt đến giai đoạn 'atthi kāyo'ti, "Đây là thân hay có thân đây", cái mà bao nhiêu tham chấp hành giả đã dành cho nó. Rồi hành giả tiếp tục cho đến khi mọi tham chấp được từ bỏ ở giai đoạn giải thoát viên mãn.

Đạo lộ là như nhau ở mỗi phần. Chỉ có điểm khởi đầu là khác. Ở mỗi phần bạn phải cảm giác được sự sanh và diệt, thể hiện ra như những cảm thọ, vốn là sự kết hợp của tâm và vật chất hay danh sắc. Đầu tiên bạn cảm thấy nó tách rời (sanh riêng, diệt riêng), rồi hợp cùng nhau khi nó sanh và diệt tức thời. Lúc đó khắp mọi nơi trong toàn bộ cấu trúc này đã tan ra, chỉ có sự sanh, diệt, sanh diệt liên tục không ngừng. Bạn chỉ việc quan sát. Theo cách này bạn phát triển khả năng chánh niệm (sati) và trí tuệ tỉnh giác (sampajañña) của bạn - trí tuệ vốn phát triển thành xả.

Có thể có một loại xả thậm chí không cần phải có sự hiểu biết về tính chất vô thường (anicca). Xả này được thành tựu bằng cách ám thị liên tục sự không phản ứng và bình tĩnh trong tâm. Nhiều người đã phát triển được khả năng này và dường như không phản ứng hay bị đảo lộn bởi những thăng trầm của cuộc đời. Họ đã được quân bình, nhưng chỉ ở mức bề mặt. Một phần sâu thẳm của tâm vẫn tiếp tục phản ứng bởi nó luôn luôn tiếp xúc với các cảm thọ của thân ở chiều sâu chỗ mà họ đã không vào đến được. Không có sampajañña hay trí tuệ tỉnh giác, gốc rễ của mô thức phản ứng theo thói quen - saṅkhāra (hành) - vẫn còn.

Đây là lý do tại sao Đức Phật lại hết sức xem trọng thọ - vedanā. Dứt bỏ tham và sân là lời dạy có tính truyền thống ở Ấn Độ xưa cũng như nay. Ở Ấn Độ có những bậc đạo sư trước và sau thời Đức Phật, và những bậc đạo sư cùng với Đức Phật đã từng dạy như thế và các đệ tử của họ cũng đã hành theo lời dạy này. Tuy sự buông bỏ ấy chỉ liên hệ đến những đối tượng bên ngoài: đó là những gì được thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng hay tư duy. Đức Phật đã đi sâu hơn. Sáu giác quan và các đối tượng của chúng được gọi là saḷāyatana - lục nhập hay lục xứ. Ngài khám phá ra rằng sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng chắc chắn sẽ sinh ra cảm thọ, và rằng tham hoặc sân chỉ khởi lên sau khi thọ đã sanh mà thôi.

Saḷā yatana paccayā phasso,

Phassa paccayā vedanā,

Vedanā paccayā taṅhā.

Lục nhập làm duyên cho xúc,

Xúc làm duyên cho thọ,

Thọ làm duyên cho ái.

Đây là sự giác ngộ của Đức Phật.

Lỗ hổng hay mắt xích bị bỏ quên là thọ "vedanā". Không có nó người ta vẫn chỉ đang nói tới các đối tượng giác quan, và phản ứng của họ đối với những đối tượng ấy mà thôi. Có thể nhờ đó họ chỉnh sửa được trí hiểu biết và bề mặt của tâm của họ. Tuy nhiên ở mức sâu xa nhất, nối tiếp theo xúc, bộ phận của tâm vẫn đang đánh giá xúc này là tốt hay xấu. Sự đánh giá ấy sẽ cho ra một cảm thọ dễ chịu (thọ lạc) hay khó chịu (thọ khổ). Rồi thì sự phản ứng mang tính chất tham hoặc sân bắt đầu. Từ kinh nghiệm cá nhân của mình Đức Phật tiếp tục dạy mọi người giữ thái độ xả đối với các cảm thọ, để thay đổi mô thức cư xử theo thói quen của tâm ở mức thâm sâu nhất, và để thoát ra khỏi sự ràng buộc của nó.

Đây là những gì bạn đang khởi sự thực hành ở đây. Bạn phát triển thái độ xả hay tâm lý quân bình không chỉ đối với các đối tượng giác quan - sắc, thinh, hương, vị, xúc hoặc ý niệm - mà còn đối với các cảm thọ bạn cảm giác, dù cho đó là lạc, khổ hay trung tính (không lạc không khổ). Sampajañña - trí tuệ tỉnh giác - được khởi sự với trí hiểu biết về đặc tính sanh và diệt trong những cảm thọ của thân. Sau khi đã làm việc (thực hành) với niệm hơi thở (ānāpāna) bạn sẽ dễ dàng kinh nghiệm được các cảm thọ và bạn cũng đang phát triển thái độ xả với sự hiểu biết này. Như vậy, bạn đã hành đúng theo những lời dạy của Đức Phật. Bạn nỗ lực để duy trì satimā (chánh niệm) và tỉnh giác (sampajāno) - ātāpī sampajāno satimā. Đây là bức thông điệp của toàn bài kinh Niệm xứ - Sampaṭṭhāna Sutta.

Hãy tận dụng bất kỳ chút thời gian nào còn lại của khóa thiền nghiêm túc này. Đọc và hiểu kinh (suta) ở mức tri thức sẽ cho bạn rất nhiều cảm hứng, sự hướng dẫn và tin chắc rằng bạn đang làm đúng những gì Đức Phật muốn (bạn phải làm): tất nhiên sự hiểu biết thuộc trí năng này tự nó không giải thoát được cho bạn. Tận dụng bài kinh Niệm xứ này và những buổi giảng mỗi chiều ở đây, nhưng trên hết vẫn phải là thực hành. Bạn phải làm việc cả ngày lẫn đêm, sampajaññaṃ na riñcati (không xao lãng 1 giây tỉnh giác). Trong giấc ngủ sâu bạn bất lực, nhưng bù lại bạn không nên sao lãng một giây sampajañña (tỉnh giác) nào cả, dù bạn đang làm gì - ăn, uống, đi, đứng hoặc nằm cũng vậy. Dĩ nhiên, ở giai đoạn này tâm vẫn lang thang và bạn sẽ quên. Bạn bắt đầu suy tưởng, hình dung hay tư duy, nhưng hãy xem bạn nhanh chóng nhận ra chúng như thế nào, và bạn khởi sự trở lại với các cảm thọ ngay ra sao. Hãy luôn tự nhắc nhở mình. Hãy phát triển trí tuệ của bạn, sự giác ngộ của bạn. Bạn phải thay đổi được thói quen cũ là chạy trốn các cảm thọ; bạn phải ở lại với thực tại sâu xa hơn của sự sanh diệt, samudaya-vaya, của tính chất vô thường - anicca. Hãy thoát ra khỏi vô minh, thoát ra khỏi mọi ràng buộc. Hãy tận dụng những ngày kỳ diệu này của đời bạn để đi ra khỏi mọi khổ đau. Cầu mong các bạn được sự bình an chân thực, hòa hợp chân thực và hạnh phúc chân thực.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

NGÀY THỨ NĂM

Ngày thứ năm của khóa thiền Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) đã qua. Chúng ta đã đi hết phần quán thân - kāyānupassanā.

Quán thân sẽ không hoàn tất nếu không quán thọ - vedanānupassanā, bởi vì "tùy quán" - anupassanā có nghĩa là thể nghiệm liên tục sự thực, điều này hàm ý phải cảm giác được thân. Thực sự ra vedanā hay thọ là trọng tâm trong cả bốn niệm xứ - saṭtipaṭṭhāna. Tâm và Pháp hay các nội dung tâm trí cũng phải được cảm nhận. Không cảm nhận được, việc thực hành chẳng qua chỉ là trò chơi của tri thức. Truyền thống này nhấn mạnh đến thọ vì nó cho chúng ta một sự hiểu biết cụ thể về tính chất vô thường - anicca, của sanh và diệt - samudaya, vaya. Sự hiểu biết ở mức cảm thọ này là tuyệt đối quan trọng vì không có nó sẽ không có tỉnh giác - sampajañña. Không có sampajañña sẽ không có trí tuệ - paññā. Không có trí tuệ sẽ không có minh sát - vipassanā. Không có minh sát sẽ không có Niệm xứ - satipaṭṭhāna, và cũng không có sự giải thoát.

Có thể dùng bất kỳ đối tượng của sự tập trung nào để đạt đến định sâu. Chẳng hạn hơi thở vô - ra, như đã giới thiệu ở đoạn đầu của phần niệm hơi thở - Ānāpāna, có thể được dùng để đạt đến sự an chỉ của sơ thiền (jhāna), rồi an chỉ của nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Cùng với niệm hơi thở, cảm thọ cũng được cảm nhận là điều hoàn toàn khả dĩ; nhưng nếu không tuệ tri tính chất sanh - diệt của nó, đó không phải là minh sát - vipassanā. Rồi từ thiền thứ năm đến thiền thứ tám (các bậc thiền vô sắc) thân đã bị quên đi. Các thiền này chỉ làm việc với tâm, và do đó sự tưởng tượng được sử dụng.

Trước khi đạt đến giác ngộ, Đức Phật đã học thiền thứ bảy (vô sở hữu xứ thiền) và thiền thứ tám (phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền) từ Āḷāra kālāmaUddaka Rāmaputta và chắc chắn ở các thiền chứng này ngài đã có được sự thanh tịnh rất nhiều. Tuy nhiên ngài vẫn thấy còn những bất tịnh ăn rễ sâu xa ở bên trong, những bất tịnh mà ngài gọi là phiền não tùy miên hay phiền não ngủ ngầm anusaya kilesa. Saya có nghĩa là ngủ. Anu chỉ ra rằng chúng (phiền não) đi theo với tâm từ kiếp này sang kiếp khác. Tựa như những ngọn núi lửa đang ngủ chúng có thể phun lên bất cứ lúc nào, và một trong những tùy miên phiền não ấy luôn luôn khởi lên vào lúc chết.

Những phiền não còn lại cũng tiếp tục đi theo vào đời sống kế. Vì lý do này, mặc dù ngài đã hoàn thiện tám thiền chứng, Đức Phật vẫn không chấp nhận là mình đã giải thoát.

Hành hạ thân xác (khổ hạnh) cũng không đem lại kết quả. Ngài tiếp tục khảo sát. Từ niệm hơi thở ngài bắt đầu quan sát cảm thọ, và từ đây ngài có được sự hiểu biết về tính chất sanh - diệt. Chiếc chìa khóa đi đến giải thoát đã được tìm ra. Các bậc thiền mà ngài đã hành trước đây bây giờ có minh sát - vipassanā, cộng thêm vào. Trước đây các bậc thiền này được gọi là lokiya jhānas - các thiền hiệp thế bởi vì chúng vẫn còn đưa đến một sanh hữu mới và vì thế còn phải xoay lăn trong thế gian - loka, còn luân chuyển trong các cảnh giới của vũ trụ. Giờ đây chúng được gọi là lokuttara jhānas - các thiền siêu thế, vì với sự kinh nghiệm tính chất sanh - diệt này chúng sẽ cho quả Niết Bàn, vượt ra ngoài thế gian - loka. Đây là sự đóng góp vô song của Đức Phật cho nhân loại, và nó được đạt đến với cảm thọ - vedanā, đó là lý do vì sao thọ lại rất quan trọng đối với chúng ta.

Vedanānupassanā - Quán các cảm thọ

Vedanāsu vedanānupassī viharati - sống quán thọ trong các cảm thọ.

Thọ được quán hay quan sát trong các cảm thọ như thế nào?

Ở đây không dính líu gì đến sự tưởng tượng, vì điều đó chẳng khác gì người hành thiền đứng ở bên ngoài và đang khảo sát các cảm xúc của mình vậy. Không có ai đứng ở ngoài cả. Bạn phải tự mình kinh nghiệm trực tiếp. Đối với quán thân (kāya) và sau đó quán tâm (citta) và pháp (dhamma) cũng áp dụng như vậy. Việc quan sát phải không có bất kỳ một sự tách rời nào giữa người quan sát và (hành động) quan sát, hoặc không có một sự tưởng tượng về bất kỳ một người khảo sát ở bên ngoài nào cả.

…sukhaṃ vā vedanaṃ vedayamāno 'sukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti…

Kinh nghiệm hay cảm giác một cảm thọ lạc (sukhaṃ vedanaṃ vedayamāno) người hành thiền tuệ tri (pajānāti) đây như là sự cảm giác về một cảm thọ lạc.

…dukkhaṃ vā vedanaṃ vedayamāno 'dukkhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti; adukkhamasukhaṃ vā vedanaṃ vedayamāno 'adukkhamasukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti.

Đối với cảm thọ khổ (dukkha vedanā), như đau đớn; và cảm thọ trung tính hay không khổ không lạc (adukkhamasukha vedanā) cũng áp dụng như vậy. Những chữ sukha (lạc hay dễ chịu) và dukkha (khổ hay khó chịu) nói đến những cảm thọ về thân. Đối với những cảm xúc tâm lý dễ chịu (lạc) hay khó chịu (khổ), Đức Phật dùng somanassa (hỷ) và domanassa (ưu). Sukhadukkha vedanā vì thế nói đến cảm thọ trên thân. Mặc dù thân tự nó không thể cảm giác (lạc, khổ), mà chúng được cảm giác bởi một phần của tâm; tuy thế thân vẫn là nền tảng (phát sinh cảm thọ).

Sāmisaṃ vā sukhaṃ vedanaṃ vedayamāno 'sāmisaṃ sukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti; nirāmisaṃ vā sukhaṃ vedanaṃ vedayamāno 'nirāmisaṃ sukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti.

Một cảm thọ lạc được tuệ tri hay hiểu đúng như đang đi kèm với tham ái (sāmisa) hay không đi kèm với tham ái (nirāmisa). Ở Ấn Độ ngày nay chữ nirāmisa có nghĩa là thực phẩm chay và sāmisa có nghĩa là thực phẩm không phải chay (tức mặn). Song ở đây, ý nghĩa của chúng lại là thanh tịnh hay bất tịnh.

Một cảm thọ lạc phát sinh do hành thiền minh sát đúng, nếu nó được quan sát không có tham ái hoặc chấp thủ, sẽ dẫn đến sự thanh tịnh. Cũng cảm thọ lạc, có thể bắt gặp do dính líu đến dục lạc, nếu nó được phản ứng với ái và thủ, hay với một cố gắng muốn làm tăng trưởng nó, là bất thiện và sẽ dẫn đến bất tịnh. Cảm thọ này sẽ dẫn đến sự luân chuyển trong khổ đau. Theo nghĩa này, một cảm thọ lạc có thể là tịnh hay bất tịnh. Một cảm thọ đi kèm với tham ái (sāmisa) chỉ cần quan sát, nhờ thế sự phản ứng sẽ yếu đi và dừng lại.

Một cảm thọ không đi kèm với tham ái (nirāmisa), đối với cảm thọ ấy chỉ có thái độ xả, và không phản ứng, cũng chỉ cần quan sát. Tất nhiên theo quy luật, khả năng quan sát khách quan này sẽ tăng trưởng. Bạn không phải làm gì cả. Pajānāti (tuệ tri) là sự quan sát thuần túy, dựa trên trí tuệ.

Sāmisaṃ vā dukkhaṃ vedanaṃ …nirāmisaṃ vā dukkhaṃ vedanaṃ… pajānāti.

Sāmisaṃ vā adukkhamasukhaṃ vedanaṃ… nirāmisaṃ vā adukkhamasukhaṃ vedanaṃ vedayamāno 'niramisaṃ adukkhamasukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti.

Tương tự, thọ khổ (dukkha vedanaṃ) được kinh nghiệm là bất tịnh do có hay không có sự phản ứng với nó. Thọ ấy cũng chỉ được quan sát, tuệ tri và chấp nhận đúng như nó là. Đối với thọ không khổ không lạc hay trung tính cũng hiểu theo cách như vậy.

Iti ajjhattaṃ vā vedanāsu vedanānupassī viharati,bahiddhā vā vedanāsu vedanānupassī viharati, ajjhattabahiddhā vā vedanāsu vedanānupassī viharati.

Cũng như trong mỗi đoạn, những trạm tương tự giờ đây được nối tiếp theo sau. Các cảm thọ được cảm giác ở bên trong và trên bề mặt của thân, và rồi cảm giác cả bên trong lẫn bề mặt cùng một lúc ở khắp toàn bộ cấu trúc vật lý (thân).

Truyền thống khác giải thích ajjhattaṃ này là sự cảm giác trên thân mình, bahiddha là cảm giác trên thân người khác, còn ajjhatta-bahiddhā là lúc thì cảm giác trên thân mình và lúc thì cảm giác trên thân người khác. Như trước, truyền thống (thiền) của chúng ta không chấp nhận điều này. Người hành thiền đang hành thiền một mình, hoặc trong rừng, hoặc dưới một gốc cây, hay trong một căn phòng. Người ta lý luận rằng, khi đi khất thực vị sư gặp những người khác và có cơ hội cảm giác hơi thở và cảm thọ của họ này. Tuy nhiên, phải nhớ rằng khi đi ra ngoài mắt của người hành thiền nghiêm túc luôn luôn ngó xuống (okkhitta-cakkhu) và quá lắm họ cũng chỉ thấy được chân của người khác khi họ đi mà thôi: vì thế sự giải thích này dường như không hợp lý. Dĩ nhiên, ở một giai đoạn rất cao của sự quan sát người hành thiền cũng sẽ rất nhạy cảm đối với các cảm thọ của người khác, với những rung động của môi trường chung quanh và của những vật hữu tình và vô tình khác. Có thể hiểu ý nghĩa của đoạn kinh theo cách này cũng được. Ngoài ra thì để thực hành trên hơi thở hay cảm thọ của người khác là điều không thể làm được. Bởi thế tốt hơn hết hãy xem ajjhattaṃ như "bên trong" và bahiddhā như "trên bề mặt của thân bạn".

…Samudayadhammānupassī … vayadhammānupassī … samudayavajadhammānupassī vā vedanāsu viharati…

Trạm này và những trạm sau, được thấy ở mỗi đoạn kinh, rất là quan trọng. Người hành thiền phải trải qua những trạm ấy. Sự sanh khởi của thọ, sự diệt của thọ, và sự sanh và diệt tức thời của thọ phải được cảm giác.

…'atthi vedanā’ti vā panassa sati paccupaṭṭhitā hoti.

Trong phần quán thân - kāyānupassanā - giai đoạn 'atthi kāyo’ti – “ đây là thân ” xảy đến khi thân trở thành chỉ thuần một khối các hạt hạ nguyên tử hay kalapas (tổng hợp sắc), không có sự đánh giá hay phán xét; tưởng (saññā) không còn nhận thức nó (thân) như người hay thú, giống đực hay giống cái, đẹp hay xấu nữa. Thân chỉ là thân, không có sự phân biệt nào cả. Tương tự, thọ - vedanā - giờ đây được thấy chỉ như thọ, không lạc cũng không khổ. Không có sự phán xét, không có sự đánh giá, không có tưởng tri (saññā). Niệm lúc này được thiết lập về thọ kể như các cảm thọ. Sau đó các trạm tương tự cũng diễn ra cho đến mục tiêu cuối cùng.

Yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati.

Vai trò của thọ - vedanā được xem là khám phá vĩ đại của Đức Phật cho nhân loại. Nó là giao lộ quan trọng từ đó hai con đường khởi sự: hoặc dukkha-samudaya-gāminī paṭipadā - khổ tập đạo, con đường trong đó khổ đau được tạo ra liên tục, hoặc dukkha-nirodha gāminī paṭidanā - khổ diệt đạo, con đường trong đó khổ đau hoàn toàn bị diệt trừ. Ngài đã khám phá ra rằng mọi phản ứng, mọi hành (saṅkhāra) chỉ có thể phát sinh với việc cảm giác một cảm thọ - dù cho đó là lạc, khổ hay bất khổ bất lạc thọ. Ở mức thâm sâu tâm luôn luôn phản ứng lại với cảm thọ ở khắp toàn thân, trong từng phân tử, bất cứ chỗ nào có sự sống. Trừ phi thọ - vedanā - được kinh nghiệm, bằng không bất kỳ sự giái thoát nào khỏi tham ái hay sân hận cũng chỉ là ở bề mặt của tâm. Đó chẳng qua là ảo tưởng về sự không phản ứng mà thôi bởi vì nó chỉ liên quan đến các đối tượng bên ngoài, đến ngoại trần - sắc, thinh, hương, vị, xúc. Cái bị bỏ quên là thực tại về phản ứng của bạn bởi vì mỗi xúc chạm của đối tượng với một căn môn chắc chắn phải tạo ra một cảm thọ trên thân, có thể đó là lạc, khổ hay trung tính. Điều này đã bị bỏ quên.

Bạn phải đi vào chiều sâu, nơi mà bạn cảm giác các cảm thọ và vẫn chưa phản ứng đó. Chỉ khi bạn chánh niệm về các cảm thọ và giữ thái độ xả đối với chúng, bạn mới có thể thay đổi được lề thói quen của tâm ở mức thâm sâu nhất. Các hành - saṅkhāra ăn rễ sâu xa giống như những đường khắc trên đá do búa và đục tạo ra vậy - các phiền não tùy miên (anusaya kilesa) này lúc đó có thể trồi lên và diệt. Ngược lại tiến trình sinh sôi nảy nở (của tùy miên phiền não) sẽ tiếp tục. Do đó, thọ (vedanā) đóng một vai trò rất quan trọng trong niệm xứ - sati paṭṭhāna.

Cittānupassanā - Quán tâm

citte cittānupassī viharati

Người hành thiền thực hành quán tâm trong tâm như thế nào?

"Trong tâm" (citte) có nghĩa là bằng kinh nghiệm trực tiếp, như "trong thân" và "trong thọ" vậy. Để tránh bất kỳ một sự tưởng tượng nào có thể có về tâm thì một điều gì đó phải xảy ra trong tâm bởi vì khi một điều gì xảy ra và rồi diệt, nó có thể được cảm giác như một cảm thọ.

Sarāgaṃ vā cittaṃ 'sarāgaṃ cittaṃ’ti pajānāti, vītarāgaṃ vā cittaṃ 'vītarāgaṃ cittaṃ’ti pajānāti.

Sarāgaṃ nghĩa là với tham hay có tham, sa-rāga. Nếu tham ái đã khởi lên trong tâm, tham ái này chỉ được quan sát. Khi nó diệt, và tâm thoát khỏi hay không có tham ái (vīta-rāgaṃ) điều này cũng chỉ được quan sát, tham ái sanh lên và diệt.

Sadosaṃ vā cittaṃ … vītadosaṃ vā cittaṃ 'vitadosaṃ cittaṃ’ti pajānāti.

Samohaṃ vā cittaṃ 'samohaṃ cittaṃ’ti pajānāti, vītamohaṃ vā cittaṃ 'vītamohaṃ cittaṃ’ti pajānāti.

Thực tại của một cái tâm có hay không có sân (dosa) được quan sát và khi sân diệt tâm thoát khỏi nó. Tương tự moha (si, ảo tưởng, lầm lẫn, vô minh) được quan sát: khi si diệt tâm thoát khỏi nó.

Saṅkhittaṃ vā cittaṃ … vikkhittaṃ vā cittaṃ …

mahaggataṃ vā cittaṃ … amahaggataṃ vā cittaṃ …

sa­-uttaraṃ vā cittaṃ … anuttaraṃ vā cittaṃ …

samāhitaṃ vā cittaṃ … asamāhitaṃ vā cittaṃ …

vimuttaṃ vā cittaṃ … avimuttaṃ vā cittaṃ 'avimuttaṃ cittaṃ’ti pajānāti.

Dù cho tâm được tập trung và thâu nhiếp (saṅkhitta) hay tán loạn (vikkhitta) điều này chỉ được quan sát và chấp nhận. Trong các bậc thiền sâu hơn khi tâm được mở rộng ra, bằng cách dùng sự tưởng tượng, đến một vùng không giới hạn, nó được gọi là đại hành tâm (mahaggata). Dù đại hành hay không đại hành - tâm cũng chỉ được quan sát đúng như nó là. Sa-uttara nghĩa là có những tâm cao thượng hơn, hoặc có những phạm vi cho sự phát triển. Anuttara là khi không có gì cao hơn (vô thượng): tâm đã đạt đến giai đoạn cao tột nhất. Điều này cũng được quan sát. Dù tâm có định (samādhita) hay không có định cũng được quan sát. Dù tâm được giải thoát (vimutta) hay trong trói buộc cũng được quan sát.

Iti ajjhattaṃ vā…bahiddhā vā…ajjhattabahiddhā vā citte cittānupassī viharati.

Cũng những trạm tương tự tiếp theo sau. Tâm được quan sát bên trong và bên ngoài. Ở đây một lần nữa, truyền thống này không chấp nhận bahiddha như tâm của một người khác. Tất nhiên ở một giai đoạn thanh tịnh cao hơn người hành thiền phát triển năng lực thần thông có thể đọc được tâm của người khác, song đây không phải là trạm cuối cùng.

Tâm bên trong (ajjhattaṃ) là tâm đang kinh nghiệm một điều gì đó trong cơ cấu của thân. Tâm được xem như bên ngoài khi nó kinh nghiệm một đối tượng từ bên ngoài, tức là khi nó cảm nhận một âm thanh tiếp xúc với tai, một hình thể với mắt, một mùi với mũi, một vị với lưỡi, một cái gì đó xúc chạm với thân, hoặc một tư duy về điều gì ở bên ngoài. Tuy nhiên toàn bộ tiến trình vẫn nằm trong cơ cấu của thân. Tâm tự nó luôn luôn ở trong thân, ngay cả khi đối tượng của nó là ở bên ngoài.

Sau đó hành giả kinh nghiệm sự sanh - diệt và đạt đến giai đoạn 'atthi cittam’: chỉ có thức (viññāṇa), chỉ có tâm, không có "Tôi" hay "tâm của tôi". Niệm được thiết lập theo cách này. Rồi chỉ có trí tuệ hay chỉ có sự hiểu biết thuần túy, chỉ có sự quan sát thuần túy. Không có gì để xác nhận hay để nắm giữ.

'atthi cittaṃ’ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Người hành thiền Minh sát (vipassanā) hiểu vì sao và khi nào chỉ thuần có chánh niệm, chỉ thuần có sự nhận thức vận hành. Không có tiến trình sinh sôi nảy nở của khổ. Hãy nhớ lại những lời Đức Phật đã nói với vị đạo sĩ già, người đã đi suốt chặng đường xa từ Bombay đến Sāvatthi để gặp Đức Phật. Những lời này là đủ: diṭṭhe diṭṭhamattaṃ bhavissati… "Trong cái thấy chỉ có cái thấy", không có gì ngoài nó, vì không có sự đánh giá hay phản ứng ở đây. "Nghe chỉ là nghe, ngửi chỉ là ngửi, nếm chỉ là nếm, xúc chạm chỉ là xúc chạm, và …viññāte viññātamattaṃ… nhận thức chỉ là nhận thức". Dĩ nhiên để đạt đến giai đoạn cao này phải có thời gian. Nhưng nó phải đạt đến để kinh nghiệm Niết Bàn.

Việc thực hành là để hiểu tiến trình này. Tất cả các giác quan hay căn môn đều ở trên thân, vì thế thân là trung tâm. Có một sự xúc chạm với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hoặc tâm. Thức (viññāṇa) nhận biết rằng có một cái gì đó đã xảy ra. Rồi tưởng (saññā) đánh giá nó là tốt hoặc xấu, và thọ trở thành lạc hay khổ. Hành (saṅkhāra) phản ứng lại, và mối ràng buộc đã trở nên rất mạnh. Việc thực hành là để làm yếu đi hành (saṅkhāra) và tưởng (saññā) đồng thời làm cho thức (viññāṇa) mạnh thêm, cho đến khi không có cái gì khác ngoài trí hiểu biết và chánh niệm thuần túy - yāvadeva ñaṇamattāya paṭissati-mattāya.

Đức Phật, trước khi giác ngộ, đã hành tám thiền chứng. Thiền thứ tám gọi là nevasaññāsaññāyatana - phi tưởng phi phi tưởng - trong thiền này, tưởng (saññā) không thể nói là có hiện hữu hay không hiện hữu. Mặc dù tưởng đã trở nên rất yếu, nó vẫn hiện hữu, vì thế Đức Phật vẫn chưa tự gọi mình là một bậc giải thoát. Sử dụng minh sát (vipassanā) ngài phát triển các thiền siêu thế (lokuttara jhānas), dẫn đến Niết Bàn, và đã giới thiệu "thiền thứ chín", mà Ngài gọi là "diệt thọ tưởng" (saññā-vedayita-nirodha). Ở đây tưởng (saññā) và thọ (vedanā) dừng hẳn. Bao lâu tưởng còn vận hành, dù yếu ớt, nó vẫn sẽ tạo ra một phản ứng - saṅkhāra. Để kinh nghiệm được giai đoạn thức (viññāṇa) chỉ là thức, tưởng phải hoàn toàn đoạn diệt.

Dhammānupassanā - Quán Pháp (Quan sát các nội dung tâm trí)

dhammesu dhammānupassi viharati

Sống quán pháp trong các pháp

Cũng giống như quán thân (kāyanupassanā) sẽ được xem là chưa hoàn chỉnh nếu không quán thọ (vedanānupassanā) thế nào thì quán tâm (cittānupassanā) cũng sẽ chưa hoàn chỉnh nếu không quán pháp (dhammānupassanā) như vậy. Để cảm giác được tâm và thân, một điều gì đó phải phát sinh trên tâm và thân, nếu không thì việc thực hành chỉ là sự tưởng tượng. Do đó tâm chỉ có thể được kinh nghiệm khi có điều gì phát sinh và diệt ở đó, chẳng hạn như tham (rāga), sân (dosa), hoặc si (moha).

Những gì tâm chứa đựng là dhamma (pháp).

Nhiều từ Đức Phật dùng rất khó dịch, bởi vì chúng không có những tương đương trong các ngôn ngữ khác. Trong số đó, từ Dhamma là khó nhất. Tầm ý nghĩa của pháp rất rộng lớn. Nghĩa gốc của nó là dhāreti’ti dhammo: cái được chứa đựng. Đó là những gì được chứa đựng trong tâm.

Theo một nghĩa khác, pháp trở thành tính chất hay đặc tính của bất cứ những gì phát sinh trong tâm.

Attano sabhāvaṃ attano lakkhaṇaṃ dhāreti'ti dhammo.

Dhamma ở đây là tự tính (seft nature), đặc tính riêng được chứa đựng (trong nó).

Đôi khi trong cách diễn đạt ở Ấn Độ ngày nay, người ta nói rằng pháp (dhamma) của lửa là đốt cháy. Đốt cháy là đặc tính của lửa, nếu không thì nó không phải là lửa. Pháp (dhamma) của nước đá là làm cho mát, nếu không nó không phải là nước đá. Tương tự, tham ái (rāga) chứa đựng pháp (dhamma) riêng hoặc đặc tính riêng của nó, đặc tính ấy là để tạo ra sự kích động và khổ đau. Pháp của từ ái và bi mẫn là an tịnh, hòa hợp và bình yên. Như vậy, pháp trở thành bản chất hay tính chất của một vật.

Sau một vài thế kỷ, từ Pháp (dhamma) hay bản chất, đã chia thành thiện (kusala) và bất thiện (akusala), nói đến quả của nó. Những bất tịnh chứa trong tâm - như nóng giận, sân hận, thù hận, dục vọng, sợ hãi, tự kỷ, vốn cho quả bất thiện - được gọi là akusala (bất thiện). Những phẩm chất đáng khen của một người và những phẩm chất đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn - như lòng bi mẫn, thiện chí và vị tha phục vụ - được gọi là kusala (thiện). Như vậy, trong văn chương cổ chúng ta thấy Dhamma đã chia thành "tịnh" và "bất tịnh" rồi.

Dần dần, akusala (bất thiện) trở thành adhamma - phi pháp hoặc pāpa - ác pháp hay tội, những gì khiến cho phải xoay lăn trong đau khổ. Khi đó, Dhamma (pháp) được dùng để chỉ bất cứ điều gì thuộc về thiện, chứa đựng trong một người, vốn đưa đến giải thoát.

Ý nghĩa của Pháp (dhamma) tiếp tục được mở rộng ra. Theo đó, Pháp bắt đầu được hiểu như kết quả của việc quan sát một nội dung tâm trí - chẳng hạn những gì xảy ra như kết quả của sân hận hay kết quả của lòng bi mẫn - quy luật của nhân và quả hay quy luật của tự nhiên. Do đó, dhamma có thể là bất cứ những gì được chứa đựng trong tâm, hay đặc tính của cái được chứa đựng, hay quy luật của tự nhiên - đó là, quy luật của vũ trụ.

Người hành thiền quán pháp như thế nào?

Nīvaraṇapabbaṃ - Các triền cái

dhammesu dhammānupassī viharati pañcasu nīvaranesu

Sống quán pháp trong các pháp dưới hình thức năm triền cái.

Nīvaraṇa có nghĩa là "bức màn" hay "vật che phủ", tức cái ngăn không cho thấy thực tại. Trong những khóa thiền mười ngày chúng tôi thường nói về năm triền cái này như năm kẻ thù: tham, sân, hôn trầm, trạo cử, và nghi. Xin nêu ra một ví dụ. Vào cái thời không có gương soi, người ta thường nhìn hình ảnh phản chiếu của mặt mình trong một lu nước trong có đủ ánh sáng. Nếu như nước đó dơ bẩn, có màu, hay xao động, bạn không thể thấy hình ảnh trung thực của mình được. Tương tự, năm triền cái (nīvaraṇa) này là những kẻ thù đối với tiến bộ của bạn trên con đường quan sát thực tại bởi vì chúng làm méo mó hay ngăn không cho bạn thấy thực tại.

Ở đây cũng vậy, không liên quan đến sự tưởng tượng: pháp (dhamma) phải được kinh nghiệm trực tiếp trong các pháp (dhammesu). Nó cũng không liên quan đến bất kỳ sự suy tưởng nào. Vậy những triền cái này được quán như thế nào?

santaṃ vā ajjhattaṃ kāmacchandaṃ 'atthi me ajjhattaṃ kāmacchando’ti pajānāti,

asantaṃ vā ajjhattaṃ kāmacchandaṃ 'nathi me ajjhattaṃ kāmacchando’ti pajānāti

Khi một khát khao dục lạc hay tham dục (kāmacchanda) có mặt ở trong tâm, điều này chỉ cần chấp nhận. Chỉ có chánh niệm về sự kiện này. Khi tham dục không có mặt, điều này được tuệ tri: chỉ chánh niệm về thực tại đúng như nó là; từ sátna này sang sátna khác.

yathā ca anuppannassa kāmacchandassa uppādo hoti tañca pajānāti, yathā ca uppannassa kāmacchanda pahānaṃ hoti tañca pajānāti, yathā ca pahīnassa kāmacchandassa ayatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti.

Rồi những tham dục (kāmacchandas) vốn nằm sâu bên trong ấy trước đây chưa trồi lên (anuppanna) nay trồi lên (uppāda). Điều này cũng cần hiểu rõ hay tuệ tri (pajānāti). Các pháp sanh, không sớm thì muộn sẽ diệt, samudayavaya; tương tự tham ái này sanh và sẽ diệt. Khi hết lớp này đến lớp khác sanh lên và được quan sát, chúng sẽ bị đoạn trừ (pahāna). Các lớp (tham dục) đã bị đoạn trừ (pahāna) không còn khởi lên trở lại (āyatiṃ anuppādo). Tất cả sự kiện này chỉ được quan sát và tuệ tri (pajānāti) đúng như nó là.

Khi tất cả tham dục tích luỹ đã bị đoạn trừ, sự giải thoát viên mãn được đạt đến. Thói quen phát ra tham ái đã chấm dứt, và giờ đây không một hành (saṅkhāra) nào như vậy có thể được tạo thêm nữa.

santaṃ vā ajjhattaṃ byāpādaṃ …

santaṃ vā ajjhattaṃ thinamiddhaṃ …

santaṃ vā ajjhattaṃ uddhaccakukkuccam …

santaṃ vā ajjhattaṃ vicikicchaṃ … tañca pajānāti.

Cũng theo cách ấy, người hành thiền tuệ tri sân (byāpādaṃ) có mặt hay không có mặt. Toàn bộ tiến trình minh sát (vipassanā) được mô tả trong những đoạn này. Bất cứ sân tùy miên nào (sân ngủ sâu trong tâm thức), giống như ngọn núi lửa ngủ ngầm bên trong phát sinh. Sự kiện này cũng được quan sát và đoạn trừ. Nếu lề thói quen này không hoàn toàn thay đổi, các hành (saṇkhāra) thuộc sân hận cùng loại sẽ phát sinh trở lại. Khi tất cả đã đã được đoạn trừ tận gốc rễ, không sân nào có thể trở lại. Đây là mục tiêu cuối cùng. Đối với một vị Alahán, việc phát ra tâm tham hay sân mới là điều không thể có.

Tương tự, hôn trầm - thụy miên hay trạng thái buồn ngủ của tâm và thân (thīna - middha); trạo cử, hối quá hay sự giao động không yên (uddhaca-kukkucca) và hòai nghi, do dự (vicikicchā) được đoạn trừ.

Hiển nhiên rằng mọi Pháp (dhamma), hay bất cứ điều gì phát sinh trong tâm - ngay cả một ý tưởng thóang qua - cũng bắt đầu chảy cùng với một cảm thọ trong thân: vedanā samosaraṇā sabbe dhammā (tất cả pháp phát sinh trong tâm đều kèm theo bởi cảm thọ). Quy luật tự nhiên này được Đức Phật thực chứng chứ không phải tạo ra nó. Bất cứ điều gì phát sinh, dù đó là sân hận, tham dục hay một trạng thái tâm nào khác - nếu cảm thọ được quan sát thì người hành thiền đang đam làm việc đúng. Bằng không, đó chỉ là một trò chơi của tri thức. Ở trên bề mặt sân hận có thể đã ra đi, nhưng tận sâu bên trong cảm thọ vẫn còn, và tâm tiếp tục phản ứng lại cảm thọ ấy với sân hận mà người hành thiền thậm chí không biết được. Do đó, đối với truyền thống (thiền niệm thọ) này, cảm thọ trong thân không thể bị bỏ quên. Những lời dạy của Đức Phật đã quá rõ ràng: sampajaññaṃ na riñcati. Mỗi sátna phải là (sátna) chánh niệm về cảm thọ đang sanh diệt.

Dù bạn đang thực hành bất cứ phần nào của quán thân, hay quán thọ, hay quán tâm hay quán pháp, nếu không có sự tuệ tri tính chất sanh - diệt của cảm thọ, bạn chẳng thể nào đi vào cũng như đoạn trừ những bất tịnh đã tích luỹ ở tận sâu trong tâm. Việc thực hành của bạn sẽ chỉ là một trò chơi trên bề mặt.

Những trạm tương tự tiếp nối theo sau:

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassī viharati …'atthi dhammā’ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Quan sát bên trong và trên bề mặt, rồi quán sự sanh và diệt, giai đoạn 'atthi dhammā’ti (đây là Pháp, hay có pháp đây), đã đạt đến: không tốt cũng không xấu, không của tôi cũng không của anh, (pháp) chỉ là quy luật của tự nhiên, chỉ là những nội dung tâm trí và tính chất của chúng thuần túy mà thôi. Những trạm y như trước diễn tiến theo nhau cho đến khi không còn gì để chấp thủ.

Khi tham ái đã khởi, bạn không thể đẩy nó ra với sân hận; nếu không bạn sẽ phát ra một hành (saṅkhāra) thuộc sân hận mới. Nếu bạn chỉ chấp nhận rằng có tham ái trong tâm, và quan sát nó, lúc đó phản ứng, vốn là bản chất của tham ái, sẽ không sanh sôi nảy nở được. Nó sẽ yếu đi và biến mất. Bất cứ bất tịnh nào trong tâm cũng được quan sát như thế. Ngay cả việc thực hành quán thân bất tịnh, như trong những đoạn mở đầu của phần kāyanupassanā (quán thân), cũng đã được Đức Phật giới thiệu chỉ như một bước đầu để mang người hành thiền vào trong đạo lộ chân chính mà thôi. Một khi việc minh sát (vipassanā) đã khởi sự, phải không còn ác cảm hay tâm sân đối với tấm thân xấu xí này nữa; lúc đó thân chỉ được quan sát đúng như nó là với trí tuệ (thấy rõ) sự sanh và diệt - yathābhūta-ñāṇa-dassanaṃ. Chữ ñāṇa (trí), như trong pajānāti (tuệ tri), chỉ là chánh niệm hợp với sự hiểu biết về tính chất vô thường (anicca). Bất cứ cái gì sanh dù tốt hay xấu, tịnh hay bất tịnh - cũng chỉ có sự quan sát, không cố gắng ngăn chặn hay đẩy nó ra. Đây là đạo lộ chân chánh đi đến mục tiêu cuối cùng.

Đạo lộ dù dài, nhưng nó khởi sự với bước chân đầu tiên. Đừng thối chí nếu như mục tiêu cuối cùng còn xa xăm vạn dặm. Trên đạo lộ (giải thoát) này không có nỗ lực nào uổng phí cả. Bất cứ nỗ lực nào bạn bỏ ra đều đem lại cho bạn sự lợi ích. Bạn đã khởi sự bước đi trên đạo lộ chân chánh hướng đến mục tiêu cuối cùng. Từng bước, từng bước một, khi bạn càng lúc càng đến gần hơn, chắc chắn bạn sẽ đạt đến mục tiêu cuối cùng.

Cầu mong các bạn giữ vững từng bước, từng bước đi trên đạo lộ này. Hãy tận dụng thời gian và phương tiện. Hiểu rõ những lời dạy trực tiếp của Đức Phật, khai thác triệt để kỹ thuật tuyệt diệu này. Cho đến mức có thể hãy cố đừng quên tỉnh giác (sampajaññā) trong bất kỳ tình huống nào. Ngoại trừ lúc ngủ say, còn ra hãy cố gắng chánh niệm với trí tuệ tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân, vì sự tốt đẹp, sự lợi ích và giải thoát của bạn. Cầu mong tất cả các bạn được giải thoát khỏi mọi ách phước, mọi khổ đau.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

NGÀY THỨ SÁU

Ngày thứ sáu của khóa thiền Tứ Niệm Xứ - Satipaṭṭhāra - đã qua. Chúng ta tiếp tục quán pháp - Dhammānupassanā. Dhamma (Pháp) là những nội dung tâm trí và bản chất của chúng, là quy luật phổ quát của tự nhiên. Đức Phật, một con người đã giác ngộ, không màng đến việc thiết lập một bộ phái hay một tôn giáo. Sau khi đã khám phá ra sự thực tối hậu ở mức thâm sâu nhất, Đức Phật dạy quy luật này để giúp mọi người hiểu được thực tại và chấm dứt khổ đau của họ, bất kể bộ phái, cộng đồng, xứ sở, màu da hay giới tính của họ là gì. Toàn thể vũ trụ, hữu tình và vô tình, mọi người và mọi vật, đều bị quy luật (tự nhiên) này chi phối. Có hay không có (sự xuất hiện của) Đức Phật, quy luật này vẫn chi phối sự tác động qua lại bất biến giữa tâm và thân, giữa những dòng chảy, dòng cắt và dòng ngầm (của tâm thức) đang diễn tiến trong mỗi cá nhân. Tuy thế người ta vẫn tiếp tục chơi những trò chơi trên bề mặt của tâm, vẫn tiếp tục tự dối mình trong tăm tối vô minh và làm tăng trưởng khổ đau của họ bằng những hệ luỵ do chính họ tạo ra.

Khandhapabbaṃ - Các uẩn

Dhammesu dhammānupassī viharati pañcasu upādānakkhandhesu

(Sống quán pháp trong các pháp dưới hình thức năm thủ uẩn)

Khandha có nghĩa là một tập hợp, hay một đống của cái gì đó. Chúng ta được gọi là những con người. Đây là một sự thực bề ngoài hay sự thực chế định: nhưng ở mức sâu hơn, mọi cá nhân - Tôi, anh, nó - chỉ là năm uẩn (pañca khandhā). Đức Phật muốn bạn đi vào chiều sâu của thực tại này, ở đây bạn không còn phân biệt hay xác nhận (con người) theo danh tánh, ở đây tất cả chỉ là năm uẩn thuần túy mà thôi.

Trong năm uẩn, một là vô số các hạt hạ nguyên tử hay tổng hợp sắc - kalāpa, kết hợp lại với nhau kể như phần vật chất (sắc). Tâm được chia làm bốn uẩn khác: thức (viññāṇa); tưởng (saññā); thọ (vedanā); và hành hay phản ứng (saṅkhāra). Khi năm uẩn này kết hợp lại thì được gọi là một thực thể, một cá nhân. Ở mức cùng tột chúng chỉ là năm uẩn và toàn bộ tiến trình minh sát (vipassanā), toàn bộ tiến trình niệm xứ (satipaṭṭhāna) là để kinh nghiệm sự thực này. Bằng không thì ảo tưởng xem đó như là "Tôi", "của tôi", hay "tự ngã của tôi" với bất kỳ uẩn nào hay cả năm uẩn này - vốn là vô minh - sẽ tạo ra tham ái và chấp thủ, dẫn đến khổ đau cùng cực. Đây không phải là một tín điều cần phải được chấp nhận do lòng sùng đạo, chỉ vì một bậc giác ngộ đã nói như thế, cũng không phải là một triết lý phải được chấp nhận trên phương diện tri thức vì tính hợp lý và lôgic của Nó. Đây là một sự thực cần phải được kinh nghiệm và thực chứng ở đúng mức trong cơ cấu của thân. Khi sự thực này trở nên rõ ràng, lề thói quen ở tận sâu trong tâm thay đổi, và sự giải thoát được đạt đến. Đây là Dhamma (pháp).

Upādāna là chấp thủ. Thủ này phát triển đối với năm uẩn kể như đối tượng của nó; hoặc có thể nói năm uẩn được sanh ra và kết hợp lại với nhau do thủ - upādāna - vì thế chúng được gọi là năm thủ uẩn.

Một lần nữa, người hành thiền quán pháp trong pháp (Dhamma), ở đây là năm uẩn. Người hành thiền thực hành như thế nào đối với năm uẩn?

… 'iti rūpaṃ, iti rūpassa samudayo, iti rūpassa atthaṅgamo…

Đây là sắc, đây là sự sanh khởi của sắc, đây là sự hoại diệt của sắc: tất cả điều này phải được kinh nghiệm. Rūpa có nghĩa là sắc hay vật chất, samudaya là sự sanh khởi, atthaṅgamo là sự hoại diệt.

iti vedanā, iti vedanāya samudayo, iti vedanāya atthaṅgamo;

iti saññā, iti saññāya samudayo, iti saññāya atthaṅgamo;

iti saṅkhārā, iti saṅkhārānaṃ samudayo, iti saṅkhārānaṃ atthaṅgamo;

iti viññāṇaṃ, iti viññāṇassa samudayo, iti viññāṇassa atthaṅgamo’ti.

Đây là thọ, đây là sự sanh khởi của thọ, đây là sự hoại diệt của thọ;

Đây là tưởng, đây là sự sanh khởi của tưởng, đây là sự hoại diệt của tưởng;

Đây là hành, đây là sự sanh khởi của hành, đây là sự hoại diệt của hành;

Đây là thức, đây là sự sanh khởi của thức, đây là sự hoại diệt của thức;

Khi các danh uẩn - thọ, tưởng, hành, thức - đã được thực nghiệm, toàn tiến trình của những gì đang xảy ra bên trong (tự thân) cũng được thực chứng.

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassī viharati, … 'attha dhamma’ti….

Các trạm tương tự tiếp nối theo sau, bên trong, bên ngoài, cả bên trong lẫn bên ngoài. Rồi "atthi dhamma’ti" - "Ô, đây là Pháp (dhamma)". Chánh niệm được thiết lập trong hiện thực rằng năm uẩn này tất cả đều có mặt. Ở một giai đoạn quan sát hay quán cao hơn (hành giả) chỉ thấy danh và sắc, không có gì khác nữa - không có "tôi", "của tôi" hay "tự ngã của tôi".

Ở mức quy ước, bề ngoài, những từ "tôi" và "bạn" phải được dùng, nhưng ở mức tối hậu, đích thực chỉ có năm uẩn. Tương tự, vì mục đích quy ước, chúng ta gọi những vật kết hợp lại với nhau là một chiếc xe, nhưng nếu chúng ta tháo rời và tách riêng nó ra thành từng phần, bộ phận nào là cái xe? ruột xe? bánh xe? chỗ ngồi? động cơ? bình điện? khung (xe)? Thực chất một chiếc xe chỉ là những bộ phận khác nhau kết hợp lại mà thôi.

Tương tự, thứ hai, ba, tư, năm, sáu, bảy và chủ nhật khi kết hợp lại với nhau thì làm thành một tuần; ba mươi ngày hợp lại thành một tháng; và mười hai tháng hợp lại thành một năm, cũng chỉ vì những mục đích quy ước. Thiền minh sát (vipassanā) chia tách, mổ xẻ, làm rời ra và quan sát thực tại đúng như nó là. Lúc ấy chấp thủ ra đi. Các uẩn còn lại, tiếp tục sanh và diệt, nhưng chúng (bây giờ) chỉ là các uẩn thuần túy, vì thủ - upādāna đã ra đi. Đây là pháp (dhamma) của các uẩn.

yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati.

Cũng như trước, đến đây "chỉ có" mattā" trí tuệ, chỉ có tri kiến, chỉ có sự quan sát. Cho đến mức độ này (yāvadeva) không có người tri, không có người biết, hoặc người kinh nghiệm. Rồi, anissita ca viharati: không có gì để nương tựa vì không còn tham ái; không còn chấp thủ.

Āyatanapabbaṃ - Các căn xứ (12 xứ)

dhammesu dhammānupassī viharati chasu ajjhattikabāhiresu āyatanesu

Sống quán pháp trong pháp dưới hình thức sáu nội - ngoại xứ.

Āyatana là sáu căn hay sáu môn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, và ý môn. Cả sáu môn này đều ở bên trong (ajjhatta) vì chúng nằm trên hay trong thân. Các đối tượng của chúng nằm ở bên ngoài (bāhiresu): đối với con mắt (nhãn), đối tượng là một cảnh sắc, mầu, hình dáng, hay ánh sáng; đối với lỗ tai, âm thanh; đối với mũi, mùi; đối với lưỡi, vị; đối với thân, vật xúc chạm; đối với ý hay tâm, một ý nghĩ, cảm xúc, ảo tưởng hay mơ mộng. Mặc dù gọi là các căn xứ bên ngoài (ngoại xứ), song chỉ khi tiếp xúc với các căn xứ bên trong (nội xứ), trên cơ cấu của thân, chúng mới trở thành những đối tượng. Đối với một người mù bẩm sinh không có thế giới của màu sắc, ánh sáng, hình dạng hay tướng trạng và do đó không cách nào hiểu được thế giới ấy. Sáu nội xứ và sáu ngoại xứ tạo thành mười hai xứ tất cả, và ngoại xứ chỉ thực sự hiện hữu đối với chúng ta khi nó tiếp xúc với căn môn tương ứng của nó.

Công việc thực hành với sáu nội ngoại xứ như thế nào?

cakkhuṃ ca pajānāti, rūpe ca pajānāti, yañca tadubbhayaṃ paṭicca uppajjati saṃyojanaṃ tañca pajānāti …

Sự thực của con mắt hay nhãn căn (môn) - cakkhu - và đối tượng của nó hay sắc (rūpa) phải được tuệ tri (pajānāti). Yañca tadubhayaṃ paticca, với căn bản của hai xứ này (tức con mắt và sắc), do sự tiếp xúc của chúng, uppajjati saṃyojanaṃ - một kết sử (trói buộc) khởi lên.

yathā ca anuppannassa saṃyojanasa uppādo hoti tañca pajānāti…

Người hành thiền làm việc với kiết sử (saṃyojana) hiện đã khởi lên ấy: saṃyojanasso uppādo hoti yañca pajānāti. Sự thực là với mỗi xúc chạm đều có một sự rung động hay cảm thọ (vedanā), phassa-paccayā vedanā - xúc duyên thọ. Tưởng (saññā) bắt đầu đánh giá: đàn ông, đàn bà; đẹp, xấu; dễ chịu, khó chịu. Với sự đánh giá này thọ (vedanā) trở thành lạc hay khổ, và lập tức hành (saṅkhāra), phần phản ứng của tâm, bắt đầu phát ra tham ái hay sân hận. Như vậy toàn bộ tiến trình của sự trói buộc (kiết sử) này khởi động và sinh sôi nảy nở.

Việc thực hành quán pháp đối với sáu căn môn nằm trong ranh giới của tâm và vật chất (danh - sắc). Đó là công việc phân tích và tuệ tri liên tục mọi sự xảy ra (trong thân - tâm) như thế nào. Nếu bạn không hay biết điều gì bạn sẽ thắt những thắt nút mới và làm tăng trưởng thêm hết trói buộc này đến trói buộc khác mà thôi. Khi bạn không phản ứng, vì bạn đã kinh nghiệm và quan sát sự trói buộc bằng trí tuệ, nó sẽ suy yếu đi. Lề thói quen của phản ứng bắt đầu thay đổi. Những trói buộc (kiết sử) cũ có thể trồi lên bề mặt: yathā ca anuppannassa saṃyojanassa uppādo hoti tañca pajānāti. Bạn quan sát sự sanh (uppāda) của kiết sử (saṃyojana) trước đây chưa sanh (anuppanna)

…yathā ca uppannassa saṃyojanassa pahānaṃ hoti tañca pajānāti, yathā ca pahānassa saṃyojanassa āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti

Khi bạn quan sát, các kiết sử lần lượt bị đoạn trừ: yathā ca uppannassa saṃyojannassa pahānaṃ ho ti tañca pajānāti. Khi tất cả các kiết sử đã trồi lên bề mặt và diệt chúng không còn sanh khởi trở lại (āyatiṃ anuppādo). Giai đoạn vượt qua kiết sử, giải thoát hoàn toàn, đã đạt đến.

Có ba loại đoạn trừ. Ngay cả khi bạn chỉ giữ giới (sīla), do ở bề mặt của tâm bạn không phản ứng thái quá với tham hoặc sân, đã có sự đoạn trừ nhất thời những kiết sử của bạn. Khi bạn đi vào sâu hơn với năng lực định (samādhi); sự đoạn trừ sẽ được nhiều hơn: gốc rễ (các kiết sử) đã lung lay. Và khi bạn hành minh sát (vipassanā) những gốc rễ này được tuyệt trừ ở mức sâu nhất của tâm - pahānaṃ. Chẳng hạn, một người khát nước tìm đến uống nước nơi một cái hồ phủ đầy rong rêu trên mặt. Để tạm thời uống được, họ phải dùng tay vét đám rong rêu qua một bên tạo thành một vùng nhỏ. Nhưng sau đó đám rong rêu sẽ phủ kín vùng nhỏ ấy lại. Đây là sự đoạn trừ nhất thời. Đây là giới - sīla. Để được quyền sử dụng lâu hơn, bốn cây cọc có lưới giăng phải được dựng lên để ngăn chặn đám rong lại. Đây là định (samādhi), khi nó đi vào sâu hơn, sẽ vét sạch một vùng tương đối lớn, song gốc rễ vẫn còn. Tuệ (pañā) loại trừ tất cả để cho không một phân tử (rong rêu) nào còn lại. Đây là sự đoạn trừ (pahāna) đích thực ở mức căn để, và là những gì muốn nói tới ở đây: yathā ca pahānassa saṃyojanassa āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti. Sự đoạn trừ hoàn toàn hay sự trừ tuyệt các kiết sử (saṃyojanas) được tuệ tri; chúng không thể nào sanh khởi (auppādo) trở lại. Đây là giai đoạn Alahán, sự giải thoát hoàn toàn.

sotañca pajānāti, sadde ca pajānāti, yañca tadubhayaṃ paṭicca uppajjati saṃyojanaṃ tañca pajānāti …

Tương tự, nhĩ căn (lỗ tai), âm thanh và sự trói buộc hay kiết sử khởi lên do chúng (tai và âm thanh) được quan sát.

… yathā ca anuppannassa saṃyojanassa uppādo hoti tañca pajānāti, yathā ca uppannassa saṃyojanassa pahāhaṃ hoti tañca pajānāti, yathā ca pahānassa saṃyojanassa āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti.

Khi xả phát triển, những kiết sử này trước đây chưa từng khởi lên trên bề mặt nay đã khởi và được đoạn trừ. Điều này cũng được quan sát (pajānāti).

Ghānañca pajānāti, gandhe ca pajānāti …

Jivhañca pajānāti, rase ca pajānāti …

Kāyañca pajānāti, phoṭṭhable ca pajānāti …

Manañca pajānāti, dhamme ca pajānāti … āyatiṃ anuppādo hoti tañca pajānāti …

Tương tự thực tại của mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và bất cứ vật xúc chạm nào, và thực tại của tâm (ý) và những nội dung tâm trí hay pháp (dhamme) phải được quan sát (pajānāti). Trong mỗi trường hợp, những kiết sử sẽ khởi lên, bị đoạn trừ, và không khởi lên trở lại. Trong mỗi trường hợp, giai đoạn giải thoát viên mãn của một vị thánh Alahán không chỉ được chấp nhận một cách thuần túy trên phương diện triết lý, mà phải được kinh nghiệm, được thân chứng: pajānāti.

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassā viharati … 'atthi dhammā’ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Cũng tiến trình như trước tiếp nối theo sau. "Đây là pháp - dhamma". Tất cả sáu căn môn và đối tượng của chúng chỉ là pháp (dhamma) thuần túy không có "tôi", "của tôi", "nó" hay cá nhân nào ở đó. Chia chẻ, mổ xẻ, làm rời ra, và làm tan ra, phân tích mỗi căn môn riêng biệt, cá nhân trở thành chỉ một khối, một tiến trình, một sự vận hành tương tác của tất cả các xứ (āyatana) kết hợp lại với nhau. Với sự hiểu biết tri thức thuần túy, vô minh sẽ ngăn không cho chứng kiến (tuệ tri) pháp này, tiến trình  này, và ngăn không cho thoát khỏi trói buộc này.

Việc thực hành dẫn qua những trạm tương tự đến mục tiêu cuối cùng.

Bojjhaṅgapabbaṃ - Các chi phần giác ngộ

dhammesu dhammānupassī viharati sattasu bojjahṅgesu.

Sống quán pháp trong pháp dưới hình thức thất giác chi (7 chi phần giác ngộ).

Bojjhaṅga là bảy chi phần của sự giác ngộ hay bảy phẩm chất phải được phát triển (tu tập) để đạt đến mục tiêu cuối cùng.

Tâm tự nó rất thanh tịnh: thức - viññāna - rất là thanh tịnh, nhưng do các hành (saṅkhāra) quá khứ, làm duyên cho tưởng (saññā)  luôn luôn đưa ra những đánh giá sai lầm, và khi thọ (vedanā) sanh thì hết hành này đến hành (saṅkhāra) khác lại được tạo ra. Do toàn bộ tiến trình này, tâm mất đi tính chất thanh tịnh tự nhiên của nó và trở nên rất kích động. Các chi phần giác ngộ (bojjhaṅga) sẽ phục hồi lại sự thanh tịnh này: khi các chi phần giác ngộ được quan sát như một thực tại, chúng sẽ tăng trưởng để trở nên hoàn hảo và khi mỗi chi phần được hoàn hảo, sự giác ngộ sẽ hoàn hảo. Đây là toàn bộ tiến trình vipassanā.

Chi phần giác ngộ hay giác chi thứ nhất là niệm (sati). Không có niệm, các bước khác trên đạo lộ không thể thực hiện được. Niệm (sati), sự quan sát thực tại một cách khách quan, là yếu tố quan trọng nhất bởi vì nó phải có mặt liên tục từ sátna này đến sátna khác cùng với mọi giác chi khác.

Thứ hai là trạch pháp - dhamma-vicaya. Trong ngôn ngữ Pāḷi chữ caya hay cayana có nghĩa là "hợp nhất" hay "kết hợp". Sự thực bề ngoài, kiên cứng, hợp nhất, tạo ra quá nhiều ảo tưởng và lầm lạc: mọi quyết định và hành động của con người đều sai lầm. Vicaya hay vicayana nghĩa là chia chẻ ra, mổ xẻ ra, làm rời ra, tách bạch ra, như thiền minh sát muốn bạn phải làm. Mới đầu dhamma-vicaya là sự hiểu biết thuộc tri thức. Thân được phân tích chỉ như bốn yếu tố (tứ đại), với không có cái "tôi" nào ở đó. Tâm chỉ là bốn (danh) uẩn. Sáu căn môn và những đối tượng tương ứng của chúng, sự xúc chạm và tiến trình sinh sôi nảy nở được quan sát. Tính minh bạch trên phương diện tri thức có được này sẽ cho hành giả sự hướng dẫn để bắt đầu thực hành minh sát (vipassanā) và nghiên cứu sự thực ở mức đích thực.

Giác chi thứ ba là tinh tấn - viriya, giống như chánh tinh tấn - sammā vāyāmo trong Bát Thánh Đạo. Trong thiền minh sát nỗ lực lớn được đòi hỏi, song nỗ lực không phải để phản ứng, không phải để cho các pháp cứ việc xảy ra (mà không quan sát). Cho dù bạn đã từng chiến thắng trong cả ngàn cuộc chiến chống lại cả ngàn người, cuộc chiến không phản ứng trong nội tâm này còn khó khăn hơn nhiều vì thói quen cũ của bạn là phải làm một cái gì đó, phải phản ứng. Đừng lao vào cuộc chiến như ngài Ānanda - "Ta phải trở thành một bậc Alahán", "Ta phải" đoạn trừ những bất tịnh của ta - nếu bạn làm thế, tâm trở nên mất thăng bằng. Cực đoan khác là không làm việc, không quan sát hoàn toàn, cứ để cho mọi việc xảy ra. Để cho mọi việc xảy ra, nhưng cũng phải biết thực tại đúng như nó là. Cần phải có một mức độ căng thẳng tối thiểu nào đó: quá nhiều, hay không (căng thẳng) hoàn toàn, sẽ không hiệu quả. Chẳng hạn, để khoan một cái lỗ trên một viên ngọc quý, một sức ép nào đó là cần thiết, nhưng sức ép quá nhiều sẽ làm bể nó. Đó là trung đạo.

Tinh tấn - viriya là chỉ để quan sát, tuệ tri tính chất vô thường của sanh - diệt: thực hành mà không phản ứng. Sự giải thoát được thực hiện bởi pháp (dhamma), bởi quy luật tự nhiên.

Khi bạn duy trì liên tục việc thực hành với niệm (sati) trạch pháp (dhamma-vicaya) và tinh tấn (viriya), phiền não ra đi, đồng thời hỷ (pīti) sẽ đến và tăng trưởng; pīti ở đây là cảm thọ lạc trong thân, một trạng thái sung sướng và hạnh phúc. Bạn phải cẩn thận. Nếu bạn sanh tâm chấp trước vào trạng thái an lạc phát sinh do cái dòng chảy tự do của những rung động vi tế ở khắp toàn thân này, nếu bạn chờ đợi nó và dính mắc vào nó, thời đó không còn là một giác chi (bojjhaṅga) nữa. Nếu sự hiểu biết về tính chất vô thường (anicca) còn lại - tức bạn biết rằng đây vẫn là lãnh vực của tâm (danh) và vật chất (sắc) - lãnh vực của sanh và diệt - thì phiền não ra đi, và pīti hay hỷ phát triển để trở thành một chi phần của sự giác ngộ.

Khi hết đợt sóng này đến đợt sóng khác của cảm thọ lạc này đổ đến và được quan sát, giai đoạn quan trọng của passaddhi, sự an tịnh sâu lắng xuất hiện. Bây giờ ngay cả một âm thanh nhỏ nhiệm cũng là một quấy động lớn. Ngay cả hơi thở vốn đã trở thành giống như một sợi dây tinh tế,tạo thành một vòng xoay ngược vi tế ở lối vào lỗ mũi, cũng là một sự quấy rối. Tâm vô cùng bình an, yên lặng, thanh tịnh. Một lần nữa sự nguy hiểm lại đến: cảm giác sai lầm cho rằng sự bình an sâu lắng, chưa từng kinh nghiệm trước đây, là giải thoát. Cũng như hỷ (pīti) có thể trở thành một trói buộc nếu không dùng đúng như thế nào, ở đây tịnh (passaddhi) cũng có thể trở thành một trói buộc hay kiết sử y như vậy. Đó chỉ là một quán trọ giữa đường; mục tiêu cuối cùng vẫn còn xa lắm. Bạn có thể kiểm tra bằng cách mở mắt, hay lắng nghe, để thấy rằng sáu căn vẫn còn hoạt động. Bạn vẫn còn trong lĩnh vực của sinh và diệt. Bạn chưa vượt qua được lĩnh vực của tâm và vật chất hay danh và sắc.

Mặc dù ở giai đoạn cao này rất khó nắm bắt, song một sự dao động vi tế vẫn còn, và cảm thọ này được gọi là adukkhaṃasukhaṃ (bất khổ, bất lạc hay xả thọ). Trong hỷ (pīti) nó là lạc hay cảm giác dễ chịu; giờ đây nó chỉ là sự bình yên, mà cái nguy nằm ở chỗ vô thường (anicca) không còn được kinh nghiệm nữa. Xả ly ái đối với cảm thọ lạc hoặc xả ly sân đối với cảm thọ khổ còn dễ dàng hơn xả ly cái cảm giác bình yên này. Phải rất chú ý: với một cái tâm sắc bén, cảm giác những dao động vi tế, kiểm tra sáu căn, và duy trì sự hiểu biết rằng kinh nghiệm này vẫn là vô thường (anicca).

Luôn có một câu hỏi được đặt ra về cảm thọ trung tính. Đức Phật không có ý định nói tới cảm thọ ở bề mặt, lúc ban đầu vốn là bất lạc bất khổ. Thọ đó hoàn toàn khác. Nó liên quan đến tham và sân vì người ta cảm thấy chán nó, mất sự thích thú với nó, và muốn một cái gì khác hơn. Kinh nghiệm của họ đã trở nên cũ kỹ tẻ nhạt. Họ muốn một cái gì đó khác hơn và mới hơn, một cái gì mà họ không có. Đây là lề thói quen cũ của họ.

Đối với những người từ các bộ phái khác, những cộng đồng khác, xứ sở, tôn giáo, tín ngưỡng, và tín điều khác đã đến sông Hằng (Ganges) minh sát này để dập tắt cơn khát của họ, để chấm dứt vô minh và khổ đau của họ. Ngay cả khi cái cấu trúc tâm - vật lý hay danh và sắc này được họ chấp nhận như đang sanh và diệt (vô thường) và không cốt lõi (vô ngã), song do bối cảnh (xã hội) của họ cái cảm thọ trung tính, sâu lắng này lại tạo cho họ một ảo tưởng về sự bất diệt và vì thế trở thành một trói buộc (kiết sử). Đối với một người mà đức tin truyền thống của họ đặt nơi linh hồn thường hằng, pasaddhi (tịnh) dường như là cái (linh hồn) ấy. Đối với người khác đặt niềm tin nơi một đấng sáng tạo vĩnh cửu sống bên trong chúng ta, nó dường như là đấng sáng tạo không đổi đó. Đây là một ảo tưởng nguy hiểm. Khảo sát toàn diện trạng thái passaddhi (an tịnh) này, khảo sát toàn diện kinh nghiệm yên tĩnh sâu lắng này. Nếu như bạn duy trì chánh niệm đối với sự dao động rất vi tế đang sanh diệt ấy, lúc đó nó sẽ trở thành một giác chi (bojjhaṅga) và cho bạn sức mạnh để tiến tới thêm. Kinh nghiệm của bạn sẽ tăng trưởng.

Giác chi kế tiếp là samādhi - hay định giác chi. Trước khi Đức Phật trở thành một vị Phật, cũng như ngày nay có các loại định (samādhi) khác nhau. Khi tám thiền chứng (jhāna) được đạt đến, có một điều nguy hiểm là hành giả cảm giác như rằng mục tiêu (giải thoát) đã đạt đến, song đây chỉ là định thế gian (lokiya samādhi), đưa đến sự xoay vần hết kiếp sống này đến kiếp sống khác, hết cảnh giới này đến cảnh giới khác (luân hồi trong tam giới). Chánh định (sammā-samādhi) đưa chúng ta ra khỏi mọi cảnh giới và đến chỗ giải thoát viên mãn khỏi ràng buộc của sanh và tử, và khỏi mọi loại khổ đau. Nó được thực hành với trí tuệ tỉnh giác (sapajañña), với chánh niệm về các hiện tượng tâm - vật lý hay danh - sắc và sự thực chứng tính chất sanh diệt của nó. Lúc đó samādhi (định) trở thành định siêu thế (lokuttara). Khi thiền siêu thế được đạt đến, quả của Niết Bàn cũng đồng thời được đạt đến. Với định (samādhi), theo từng bậc, hành giả đạt đến quả tuđàhoàn (sotāpanna), tưđàhàm (sakadāgāmī), anahàm (anāgāmī), và Alahán (arahant). Định, khi đó trở thành định giác chi.

Upekkhāhay xả là giác chi thứ bảy. Giống như niệm (sati), nó phải có mặt từ đầu cho đến cuối, ở mỗi bước (tu tập thất giác chi). Nói chung bất cứ giác chi nào được quan sát, niệm và xả phải luôn luôn có mặt ở đó.

Một cái tâm thanh tịnh phải có cả bảy giác chi này. Những bất tịnh, khi được quan sát, sẽ trồi lên bề mặt và bị đoạn trừ; song các chi phần giác ngộ này, khi được quan sát, từng giác chi một, cũng trồi lên bề mặt, được phát triển, tăng trưởng và trở thành sung mãn. Phần này như vậy đã giải thích làm thế nào mục tiêu cuối cùng của sự giác ngộ viên mãn được đạt đến.

santaṃ vā ajjhattaṃ satisambojjhaṅgaṃ 'atthi me ajjhattaṃ satisambojjhaṅgo’ti pajānāti, asantaṃ vā ajjhataṃ satisambojjhaṅgaṃ'natthi me ajjhataṃ satisambojjhaṅgo’ti pajānāti.

Khi niệm (sati) giác chi có mặt (santaṃ) người hành thiền tuệ tri (pajānāti) - 'Atthi me ajjhattaṃ…' ("lúc này niệm có mặt trong ta") Khi nó không có mặt (asantaṃ) người hành thiền cũng chấp nhận thực tại này - 'Natthi me ajjhattaṃ …' ("lúc này niệm không có mặt trong ta").

yathā ca anuppannassa satisambojjhaṅgassa uppādo hoti tañca pajānāti, yathā ca uppannassa satisambojjhaṅgassa bhāvanāya pāripūrī hoti tañca pajānāti.

Tất cả các chi phần giác ngộ của niệm (sati) ở quá khứ giờ đây sẽ trợ giúp. Lúc này chúng (những niệm giác chi ấy) sẽ trồi lên bề mặt (anuppannassa uppādo hoti) và người hành thiền tuệ tri (tañca pajānāti). Sau khi đã khởi lên liên tục (uppannasa) các niệm giác chi ấy được tuệ tri và tăng trưởng cho đến khi chúng trở nên hoàn hảo - tức được đạt đến một cách trọn vẹn sung mãn (bhāvanāya pāripūrī).

santaṃ vā ajjhattaṃ dhamma vicaya sambojjhaṅgaṃ…bhāvanāya pāripūrī hoti tañca pajānāti.

Tương tự, trạch pháp hay nghiên cứu phân tích về sự thực - dhamma-vicaya, được tuệ tri là có mặt hay không có mặt. Trạch pháp giác chi quá khứ, trước đây chưa từng khởi lên, đã liên tục khởi lên từ sâu thẳm của tâm và được quan sát: nó sẽ phát triển đến sự hoàn hảo và đạt đến mục tiêu cuối cùng. Tất cả điều này được tuệ tri.

…vīriyasambojjhaṅgaṃ…

…pītisambojjhaṅgaṃ…

…passaddhisambojjhaṅgaṃ…

…samādhisambojjhaṅgaṃ…

Santaṃ vā ajjhattaṃ upekkjāsambojjhaṅgaṃ …bhāvanāya pāripūrī hoti tañca pajānāti.

Các chi phần giác ngộ tinh tấn (vīriya), hỷ (pīti - sự đê mê, sung sướng trong lúc cảm giác thọ lạc trong thân), tịnh (passaddhi), định (samādhi) và xả (upekkhā) được tuệ tri theo cùng cách (như trên) và phát triển hay tu tập cho đến sự viên mãn (pāripūrī).

Iti ajjhattaṃ vā dhammesu dhammānupassī viharati … 'atthi dhammesu'ti … na ca kiñci loke upādiyati.

Các pháp (dhamma) được quan sát bên trong, bên ngoài, và cả bên trong lẫn bên ngoài; sự sanh, sự diệt, và cả sanh lẫn diệt. Người hành thiền thấy rõ, "Đây là các pháp" và chánh niệm được thiết lập với thực tại này. Không có gì để nắm bắt hay chấp thủ. Như vậy, quán pháp - dhammānupassanā đã được thực hành.

Hỏi và đáp

Hỏi: Hướng sự chú tâm của chúng ta phải chăng là sự tự do duy nhất chúng ta có, còn các việc khác là do pháp (dhamma) điều khiển?

Đáp: Mọi việc đều do pháp điều khiển. Hướng sự chú tâm của bạn là cách duy nhất để tự giải thoát bản thân bạn thôi. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, song nếu bạn phản ứng, pháp - dhamma - sẽ trói buộc bạn. Nếu bạn chỉ quan sát, pháp chắc chắn sẽ giải thoát bạn. Đây là quy luật của tự nhiên.

H: Đâu là lằn ranh phân chia giữa sự nghiêm túc thực hành (hành nghiêm mật) và lòng khao khát (tham)?

Đ: Đây là một câu hỏi hay. Nếu bạn khao khát muốn làm việc một cách thật nghiêm túc (hành miên mật), bạn đang khao khát chóng đạt kết quả, hay ít nhất cũng đang phát triển một sự dính mắc vào việc thực hành nghiêm túc ấy. Nếu bạn thấy bản thân mình hành không được nghiêm túc và rồi bạn trở nên thất vọng, đó cũng là tham. Chỉ chấp nhận sự kiện rằng bạn đang không hành nghiêm túc và bắt đầu trở lại, biết rằng bạn phải làm việc một cách nghiêm mật. Lúc đó bạn mới thực sự tiến bộ.

H: Phải chăng những cảm thọ trung tính (trạng thái lạc khổ không rõ rệt) xuất phát từ những phản ứng trung lập, và chúng ta có hy vọng thay đổi được điều này bằng sự quán sát thuần túy không?

Đ: Những cảm thọ trung tính có mặt do vô minh. Vô minh sẽ mất khi chúng được quan sát chỉ như một hiện tượng đang thay đổi - vô thường. Một sự hiểu biết trên bề mặt về tính chất vô thường - anicca, được xem như hữu ích, sẽ đến khi một cảm thọ khổ rất thô và vững chắc mất đi sau một lúc. Một sự hiểu biết sâu hơn, dựa trên chánh niệm về dòng chảy của những rung động vi tế ngấm ngầm bên trong, cho thấy rằng cảm thọ này sanh và diệt trong từng sátna.

H: Khi một người hành thiền bị kích thích và dồn dập với những ý nghĩ tham dục trong một lúc nào đó trước khi sự quan sát xảy ra, liệu họ có làm tăng trưởng các hành - saṅkhāras - đến một tình trạng tồi tệ hơn thay vì tịnh hóa chúng không?

Đ: Trước đây, tiến trình làm sinh sôi nảy nở (các hành) cứ diễn ra liên tục. Giờ đây, một vài sátna quan sát của bạn sẽ chuyển thành một vài giây, một vài phút, một vài giờ, đi vào năng lực của bạn. Thực hành minh sát, bạn hiểu rằng mỗi lần bạn lăn quay trong tham dục, bạn đã làm tăng thêm khổ đau của bạn, và bạn quan sát được nhiều bao nhiêu, bạn đi ra khởi khổ đau được bấy nhiêu.

H: Những lời dạy của Đức Phật (trong kinh) dường như muốn nói đến việc di chuyển hay quét sự chú ý liên quan đến hơi thở. Vậy thì nguồn gốc và tầm quan trọng của việc quán từ phần này sang phần khác (của cơ thể) trong pháp hành này là gì?

Đ: Khi Đức Phật nói sabba-kāya-paṭisaṃvedī assasissā-mī’ti sikkhāti,( cảm giác toàn thân tôi sẻ thở vào, vị ấy tập) chữ "sikkhāti" có nghĩa là "học tập". Ở chỗ khác "tuệ tri" (pajānāti: biết đúng) được dùng. Bạn phải học cách quét toàn thân với một hơi thở, và việc học này là - quan sát hết phần này sang phần khác, để cho tính rắn chắc của nó tan ra. Khi toàn thân tan ra và bạn có thể quét toàn khối. Lúc đó bạn lại phải đi từ phần này sang phần khác vì mặc dù toàn thân dường như đã mở toang ra, có thể vẫn còn những vùng nhỏ không biết… Bạn học (sikkhati) để đạt đến giai đoạn "hoại diệt - trí" (bhaṅga-ñāṇa).

H: Kinh đưa ra bốn pháp quán và rất nhiều pháp hành, tuy thế Ngài chỉ dạy niệm hơi thở và cảm thọ trên thân, không có sự xếp loại các pháp hành theo thứ tự quan trọng. Sao Ngài không dạy các pháp hành khác như thiền hành (đi kinh hành) và ghi nhận các tạp niệm?

Đ: Có những truyền thống khác nhau, và Đức Phật, một con người giác ngộ, cũng đưa ra những đối tượng ban đầu khác nhau cho những người khác nhau tùy theo hoàn cảnh, khả năng và khuynh hướng của họ. Tuy nhiên, khi họ tiến lên, các trạm đều như nhau. Truyền thống đang tồn tại này xuất phát từ pháp hành hơi thở ban đầu, từ đó người hành thiền tiếp tục kinh nghiệm cảm thọ, và như vậy họ cũng kinh nghiệm được sự sanh và diệt. Niệm hơi thở và cảm thọ cùng nhau sẽ dẫn đến mục tiêu cuối cùng. Bạn không bị cấm thử các pháp hành khác nhau, song nếu bạn đang tiến bộ ở đây, chỉ vì tò mò mà thử những pháp khác sẽ phí thì giờ của bạn đi. Nếu bạn đã cảm giác được các cảm thọ ở khắp nơi (trên toàn thân) và bây giờ ở một chỗ khác nào đó bạn cố gắng quan sát bước đi - mỗi bước chân dở lên và đạp xuống, nhưng không có cảm thọ - khả năng cảm giác các cảm thọ của bạn ở mức vi tế sẽ bị cùn đi. Trở lại với kỹ thuật (niệm thọ) này bạn sẽ không thể cảm giác được những cảm thọ ở chiều sâu đó nữa. Dĩ nhiên có những người tâm còn thô tháo quán hơi thở vi tế rất khó với họ, và đi (kinh hành) có thể thích hợp với họ hơn.

Cảm giác hơi thở vi tế trong một vùng nhỏ cũng rất khó. Nếu bạn đã cảm giác được nó một cách rõ ràng và rồi lại cố gắng cảm giác nó bằng cách đặt tay trên bụng - đây vốn là một kỹ thuật thô - thời bạn đang thóai bộ. Đức Phật muốn bạn di chuyển từ thô vào tế - oḷāriko đến sukhuma. Nếu ở một giai đoạn nào đó một pháp thô phát sinh từ những chiều sâu (của tâm), điều không thể tránh được, song chỉ do tò mò bạn lại không thể khởi sự làm việc một cách chủ ý với một đối tượng thô, như những câu mở đầu của kỹ thuật khác, hãy quên hết mọi thực tại vi tế của vị trí mà bạn đã đạt đến được. Nếu một kỹ thuật nào đó thích hợp hơn với bạn, hãy bám vào đó và cố gắng để đạt đến mục tiêu cuối cùng: song thời gian là vô cùng quan trọng. Đừng phí cuộc đời quí giá của bạn để chạy đông chạy tây (tìm kiếm những cái khác).

H: Cái "tôi" không có chứ?

Đ: Đúng vậy - không có "tôi".

H: Vậy thì cái gì cần giác ngộ?

Đ: Vô minh cần giác ngộ, trói buộc cần giải thoát, không có gì khác.

H: Ngài định nghĩa thế nào về tâm bi? Chúng ta có thể sử dụng tâm bi cùng với chánh niệm khi đối phó với khổ đau của chúng ta?

Đ: Khi bi có mặt trong tâm, hãy chấp nhận tâm bạn (lúc đó) là một tâm bi. Tất nhiên bạn phải có lòng nhân ái đối với chính bạn, bạn phải thương yêu chính bạn, phải là đối tượng đầu tiên của tâm bi của bạn. Mỗi lần bạn phát sinh các hành - saṅkhāra, ngay cả tham và sân đối với một người nào khác, bạn đã giáng khổ đau lên chính bạn một cách tàn nhẫn. Cơn giận của bạn sẽ không làm hại được một hành giả vipassanā có trình độ - nó có thể hoặc không thể làm tổn hại người khác - song chính bạn đã bị hại và trở nên đau khổ. Hãy tránh nó. Hãy có lòng từ ái và bi mẫn với chính bạn.

H: Có thực rằng sự giải thích về thọ (vedanā) của truyền thống thiền này hầu như đã phân biệt hình thức vipassanā (minh sát) của chúng ta với những hình thức thiền minh sát khác trong truyền thống Phật giáo? Và các truyền thống khác định nghĩa vedanā (thọ) là thế nào, nếu nó không phải là những cảm giác thuộc về thân?

Đ: Đúng thế. Các truyền thống khác xem thọ (vedanā) chỉ như những cảm giác của tâm (thọ là một trong bốn danh uẩn thuộc tâm). Chúng ta không phải không tán đồng các truyền thống khác và đúng sự thực thì thọ là một trong bốn uẩn thuộc tâm. Tuy nhiên, chúng ta phải giải thích thay vì chỉ dịch thôi bởi vì một số từ Đức Phật dùng đã được Ngài giải thích trước đó rồi. Chẳng hạn, từ sampajañña (trí tuệ tỉnh giác) đã được Ngài giải thích như việc cảm giác các cảm thọ đang sanh và diệt. Cũng vậy, nhiều từ ngày nay hoặc đã thất lạc hoặc đã mang một  nghĩa hoàn toàn khác, vì thế chúng ta phải đi vào (nghiên cứu) Tam Tạng - Tipiṭaka để tìm sự định nghĩa nguyên thuỷ của Đức Phật về chúng. Đức Phật đã giải thích rằng sukha vedanā (thọ lạc) và dukkha vedanā (thọ khổ) liên quan đến thân, và Ngài dùng somamassa (hỷ) và domanassa (ưu) để nói về tâm. Trong thọ quán niệm xứ - vedanā nupassanā Ngài không dùng somanassa (hỷ) và domanassa (ưu), mà dùng sukha (lạc) và dukkha (khổ), vì thế chúng ta phải làm việc với các cảm thọ trong thân.

Bất luận điều gì bạn đã hiểu trên phương diện tri thức và bất luận điều gì bạn đã kinh nghiệm được, hãy tận dụng nó. Tận dụng Pháp - dhamma - không chỉ trong khóa thiền này thôi mà cả trong đời sống hàng ngày nữa. Sự phản ứng luôn luôn mang đầy tính tiêu cực. Hãy sống cuộc sống đúng pháp. Bất cứ điều gì xảy ra ở bên ngoài, hãy quan sát thực tại của các cảm thọ ở bên trong (thân) và giữ thái độ xả, lúc đó mọi quyết định của bạn và mọi hành động của bạn sẽ lành mạnh - không phải là những phản ứng, mà là những hành động tích cực, đem lại tốt đẹp cho bạn và tốt đẹp cho mọi người.

Mong cho tất cả các bạn có thể sống một cuộc sống lợi ích cho chính bản thân mình và cho mọi người. Cầu mong các bạn hưởng được những thành quả lợi ích nhất của Pháp: bình an, hòa hợp và hạnh phúc.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về Mục Lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007