Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Thiền Ngay Bây Giờ

Tác giả: Goenka
Dịch giả:
Pháp Thông


 

Một Cuộc Phỏng Vấn Với Thiền Sư S.N. Goenka

Mặc dù thiền sư S.N.Goenka đã dạy thiền Vipassanā trong hơn ba mươi năm, nhưng nếu bạn hỏi ông có phải là một Phật tử không, câu trả lời sẽ là, “Không”. Goenkaji nói với Buddhadharm[1] về kỹ thuật Vipassanā và quan niệm của ông về Phật giáo và các tôn giáo khác.

Vâng. Lời dạy nguyên thủy của Đức Phật bằng ngôn ngữ Pāḷi và kỹ thuật thiền vipassanā đã được duy trì trong năm trăm năm (sau Đức Phật nhập diệt). Sau đó cả hai đều bị thất lạc ở Ấn Độ. Có mười lăm ngàn trang giấy ghi lại những lời dạy của Đức Phật và khoảng ba mươi ngàn trang chú giải. Nhưng chẳng còn một tờ nào ở Ấn Độ, vì thế kỹ thuật đã hoàn toàn bị thất truyền.

Khi tôi đi đến thầy tôi ( thiền sư U.Ba.Khin), một người Miến, ngài nói với tôi, “Tôi sẽ dạy cho ông một kỹ thuật thiền rất cổ xưa của đất nước ông gọi là ‘Vipassanā’. Thú thật tôi chưa bao giờ nghe nói đến từ đó. Vipassanā, đó là cái gì? Tôi về nhà và đọc kỹ cuốn tự điển Hindi của tôi - chữ ấy không có ở đó. Tôi lại tìm trong tự điển Sanskit cũng không thấy chữ đó. Vì thế ngay cả cái từ “vipasanā” cũng đã mất dấu khỏi xứ sở.

Các vị Phật trước, nói chung ba đời chư Phật, đều thành Phật với việc thực hành Vipassanā. Do vì có một khoảng cách lớn giữa vị Phật trước và vị Phật kế, kỹ thuật Minh sát bị thất lạc đi. Từ (Vipassanā) còn đó và nó tiếp tục trôi chảy với dòng ngôn ngữ trong các truyền thống khác. Tuy thế ý nghĩa của nó lại lạc mất, vì lý do đó kỹ thuật kể như thất truyền.

Ngài nói đến Vipassanā như một khoa học thuần tuý. Tại sao vậy?

Đối với tôi, Đức Phật là một nhà khoa học vĩ đại. Ngài đã khám phá ra cái bị thất lạc, cái mà người ta đã quên. Trong khoa học, không có niềm tin mù quáng, không có sự tin tưởng mù quáng. Bạn thí nghiệm với các mẫu vật. Nếu nhiều người thí nghiệm và có được cùng một kết quả, họ chấp nhận nó. Hơn nữa, Đức Phật vẫn  nói, “Có Đức Phật hay không có Đức Phật, quy luật tự nhiên hay Pháp (Dhamma) luôn luôn thường tại.” Quy luật tự nhiên vẫn như vậy. Nếu bạn phát ra sân hận, nhất định bạn phải bị đau khổ. Nếu bạn phát ra sự bình yên, từ ái và bi mẫn, bạn chắc chắn sẽ có bình yên và hòa hợp. Quy luật này luôn luôn như thế, trước và sau Đức Phật đều vậy.

Ngài có thể giải thích về kỹ thuật Vipassanā mà ngài dạy ,vì dường như rằng những điều ngài dạy có vẻ khác với các văn hoá và truyền thống khác?

Trước khi tôi đưa ra một sự giải thích về những gì tôi đang dạy, có một điểm cần phải được sáng tỏ: Tôi không phải ở đây để chỉ trích bất kỳ một kỹ thuật nào hay để so sánh, đối chiếu với bất cứ một kỹ thuật nào đã được người ta dạy nhân danh Vipassanā. Tôi chỉ dạy những gì tôi nhận được từ truyền thống.

Toàn bộ kỹ thuật là nhằm khảo sát thực tại ở mức kinh nghiệm, trong tự thân. Trong kỹ thuật này, điều hết sức quan trọng  là người ta phải ở lại trong một nơi thích hợp ở đây họ có thể hành thiền với ít sự khuấy động nhất. Nếu người ta liên hệ với những đối tượng bên ngoài, họ không thể nào đi vào chiều sâu của tâm được.

Tính liên tục của việc thực hành cũng rất quan trọng. Ngày nay chúng tôi yêu cầu những người hành thiền phải ở lại tối thiểu là mười ngày trong một nơi mà họ có thể nhận được sự hướng dẫn từ một vị thầy có kinh nghiệm; các thiền sinh trước đây chúng tôi đòi hỏi phải trải qua sáu tuần học kỹ thuật này.

Mọi người phải giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cắp không hành dâm, không nói dối hoặc nói những lời thô lỗ, và không uống bất kỳ một loại chất gây say nào. Các giới này không phải là một hình thức lễ nghi, hay nghi thức; mà chúng là một phần của kỹ thuật Minh sát. Đức Phật nhận ra - và một hành giả vipassanā tốt cũng sẽ nhận ra- rằng khi bạn phạm vào một trong những giới này, bạn chỉ làm vậy sau khi đã phát ra một bất tịnh hay phiền não trong tâm. Những bất tịnh này cũng giống như những sóng cao tần ngăn không cho bạn đi vào chiều sâu của tâm.

Sau khi thọ trì ngũ giới bạn bắt đầu luyện cho tâm đi vào sự tập trung. Đức Phật nói về tâm tán loạn, vikkhitta - citta, và tâm thâu nhiếp hay nhất tâm, sankhitta - citta. Ngài muốn chúng ta làm việc với tâm thâu nhiếp, và để có được tâm thâu nhiếp chúng ta cần phải tập trung trên một vùng nhỏ. Ngài cũng nói rõ rằng vùng tập trung ban đầu phải là cửa mũi. Nhưng cửa mũi thì có nhiều vùng: phần trước của mũi, vùng giữa mũi và môi trên, v.v… Điều này sau đó đã được các nhà chú giải làm cho rõ thêm rằng chỗ tập trung sự chú ý ban đầu phải là ở phần giữa trên môi trên (uttara-otthassa-vemajjappadese) hay ở chót mũi (nasikagge). Sự chú ý phải là ở trên vùng nhỏ này. Nếu sự chú ý bị phân tán, thì đó là vikkhitta - tán loạn; chứ không phải là sankhitta - thâu nhiếp. Tâm phải được tập trung trên một điểm (nhất điểm tâm).

Đức Phật dạy chúng ta nên tập trung vào sự hay biết (niệm) hơi thở trên vùng nhỏ này. Thực ra có nhiều đối tượng có thể giúp chúng ta tập trung tâm, song ý kiến đưa ra ở đây không phải là sự tập trung đơn thuần thôi. Tập trung là cần thiết cho tất cả các bước chúng ta bước trên đạo lộ, song tập trung không phải là cứu cánh; nó chỉ là một trợ giúp để khởi sự. Mục đích cuối cùng là tịnh hoá toàn bộ tâm.

Nhờ tập trung sự chú ý trên hơi thở, tâm trở nên rất  sắc bén, rất nhạy cảm, đến độ có thể thể nhập, có thể chọc thủng. Nó có thể cảm giác được các cảm thọ nơi phần giữa trên môi trên, và rồi cuối cùng (cảm giác) các cảm thọ ở khắp toàn thân. Trong ba ngày bạn phải làm việc trên vùng nhỏ này chỉ với hơi thở. Giây phút bạn bắt đầu thêm một cái gì vào đó thì liền có một sự nguy hiểm là tâm sẽ hướng  sang một sự niệm thầm hay hình dung hay tưởng tượng đặc biệt nào đó. Những điều này có thể giúp bạn dễ định tâm, song bạn lại mất đi sự tiếp xúc với thực tại gắn liền với các hiện tượng tâm - vật chất hay danh và sắc của chính bạn bởi vì bạn không còn làm việc với sự thực - và Đức Phật muốn chúng ta phải sống với sự thực.

Ở đây không ai yêu cầu chúng ta tập thở. Chúng ta chỉ làm việc với hơi thở thuần túy, chỉ hơi thở - khi nó đi vào, khi nó đi ra. Nếu nó sâu, biết nó là sâu; nếu nó không sâu, biết nó là không sâu. Bạn khám phá sự thực gắn liền với hiện tượng tâm-vật chất hay danh-sắc qua hơi thở. Bạn phải chấp nhận sự thực như nó là, chứ không cố gắng tạo ra sự thực.

Tại sao thiền trên hơi thở lại kết hợp được với sự thực?

Để dùng một đối tượng khác hơn những gì chúng ta có, chúng ta phải tạo ra nó. Chẳng hạn, với một hình ảnh, chúng ta phải mường tượng ra hình ảnh và làm việc trên đó. Nhưng từ lúc chúng ta sanh ra cho đến khi chúng ta chết, cả ngày lẫn đêm, hơi thở luôn có mặt. Hơi thở vừa ý thức lẫn vô thức, vừa chủ động lẫn không chủ tâm. Đây là một hoạt động có thể đóng vai trò như cây cầu, nối chúng ta từ lãnh vực đã biết đến lãnh vực chưa biết, và đến sự thực về chính bản thân chúng ta. Nếu bạn làm việc với hơi thở trần trụi, không có bất kỳ một loại áp đặt nào, không có bất kỳ một loại sáng tạo nào, bạn sẽ thấy trong ba ngày thôi tâm đã trở nên sắc bén đến độ nó bắt đầu cảm giác được các cảm thọ trong cái vùng ngay bên trên môi trên.

Tới điểm nào thì người ta có thể mở rộng sự tập trung của thiền vượt qua cái vùng nhỏ này?

Vào ngày thứ tư của khóa thiền mười ngày, bạn bắt đầu làm việc từ đỉnh đầu đến những đầu ngón chân, trên toàn thân. Lúc đầu bạn không thể cảm giác được các cảm thọ ở khắp mọi nơi, bởi vì tâm vẫn không đủ sắc bén như nó phải là. Hoặc có thể bạn chỉ có được những cảm thọ rất thô giống như đau đớn, sức ép, sự nặng nề,v.v…

Điều quan trọng là phải di chuyển từ đầu đến chân theo thứ tự, không chạy từ thân phần này sang thân phần khác. Nếu mới đầu không có cảm thọ, bạn chỉ lặng lẽ giữ tâm ở đó trong một phút và bạn sẽ cảm giác được cảm thọ. Nếu bạn không cảm giác được một cảm thọ nào, điều đó không thành vấn đề. Bạn không nên cảm thấy lúng túng; bạn tiếp tục di chuyển. Nếu bạn cứ tiếp tục làm việc một cách nhẫn nại và kiên trì, nhất định bạn sẽ cảm giác được các cảm thọ ở khắp nơi, trên mọi phần của thân.

Điều gì sẽ xảy ra ở giai đoạn này, khi người ta bắt đầu cảm giác được những cảm thọ này trên khắp toàn thân?

Lúc đầu có thể bạn không cảm giác được những cảm thọ rất vi tế. Có thể bạn chỉ gặp những cảm thọ thô, kiên cứng. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm việc và không áp đặt bất cứ một cái gì lên sự thực tự nhiên,  quy luật tự nhiên sẽ là tâm trở nên sắc bén hơn, nhạy cảm hơn, và sự rắn chắc tan ra. Sau đó bạn bắt đầu cảm giác được những rung động rất vi tế ở khắp toàn thân. Như vây bạn kinh nghiệm được toàn thế gian như những rung động trong cơ cấu của thân. Sự thực tối hậu của vật chất hay sắc chẳng qua  chỉ là sự rung động. Sự thực tối hậu của tâm và những nội dung tâm trí (tâm sở) cho thấy chúng cũng chỉ là sự rung động. Cả danh lẫn sắc hay tâm và thân này chỉ là sự rung động.

Đức Phật nói rất rõ ràng rằng bạn cảm giác thực tại đang sanh và diệt. Có thể bạn chỉ kinh nghiệm một cái đau hay sức ép rất kiên cứng. Nó khởi lên và dường như dừng lại một lúc, nhưng không sớm thì muộn, nó sẽ diệt. Nó không vĩnh cửu; nó sẽ không dừng lại vĩnh viễn. Nó sanh như thế nào, nó diệt như vậy.

Điều này có nghĩa là đôi khi bạn cảm giác thấy dường như cảm thọ thô dừng lại trong một khoảng thời gian nào đó, song thực sự không có giai đoạn dừng như vậy. Một sự rung động có mặt - sanh và diệt, sanh và diệt liên tục. Trong đó, có những giai đoạn rất quan trọng của kỹ thuật. Giai đoạn đầu tiên là uppadavāya-sanh riêng, diệt riêng. Giai đoạn thứ hai bhaṇga, hay tan hoại. Nó sanh như thế nào, nó diệt như vậy. Nó không dừng lại. Nó cứ liên tục sanh - diệt, sanh - diệt.

Điều này làm cho bạn hiểu được toàn bộ hiện tượng tâm - vật chất (các pháp danh và sắc) và cách chúng vận hành. Khắp mọi nơi chỉ có sự sanh diệt, sanh diệt. Bạn di chuyển tới đâu -dù đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, hay ý căn- tất cả chỉ thuần có sự rung động. Bất kỳ đối tượng bên ngoài nào tiếp xúc với căn môn tương ứng của chúng cũng là sự rung động. Căn (giác quan) là sự rung động; đối tượng giác quan cũng là sự rung động. Chỉ có sự rung động tiếp xúc với sự rung động, và nó không phát ra cái gì khác ngoài sự rung động.

Việc kinh nghiệm thế gian như những rung động này nói đến cái gốc căn bản của khổ như thế nào?

Thánh Đế Thứ Nhất nói rằng bạn phải đi vào chiều sâu nơi diễn ra sự tương tác giữa tâm và vật chất (danh - sắc). Thánh Đế Thứ Hai nói rằng bạn phải thấy nhân sanh của khổ này là gì, đó là thấy được rằng bạn đang phản ứng với sự xúc chạm. Do tiếp xúc với cảm thọ bạn bắt đầu phát ra tham và sân. Nếu bạn thích cảm thọ, bạn bắt đầu tham muốn thêm nữa và nếu bạn không thích cảm thọ bạn bắt đầu phát ra sân.

Kỹ thuật của Đức Phật đưa chúng ta vào chiều sâu của tâm, nơi chúng ta bắt đầu phản ứng với các cảm thọ. Khi bạn đi vào được chiều sâu đó, việc luyện tâm trở nên dễ dàng. Dừng lại mọi phản ứng. Các cảm thọ chắc chắn có mặt ở đó, bao lâu bạn còn đang sống. Vì thế khi xúc có mặt, thì thọ có mặt, chỉ việc quan sát. Quan sát một cách khách quan, không tự đồng nhất mình với cảm thọ này, và cũng không đồng nhất mình với thân hoặc tâm, hoặc sự kết hợp của cả hai. Chỉ quan sát. Nó sanh và sớm muộn gì nó cũng diệt.

Đây là trạng thái vô thường, và vô thường này không phải là một triết lý của Đức Phật. Nó là quy luật của vũ trụ. Việc tu tập là để cho chúng ta khả năng kinh nghiệm tính chất vô thường ấy. Một cái tâm bình thường, một cái tâm tán loạn, không thể cảm giác được những dao động rất vi tế của sanh và diệt này. Việc tu tập tâm rất là quan trọng cho mục đích này.

Trong khoá thiền Vipassanā mười ngày đầu có thể bạn không đủ khả năng để cảm giác nhiều loại cảm thọ. Nhưng sớm muộn gì bạn cũng đạt đến được giai đoạn ở đây bạn có thể cảm giác được các cảm thọ vi tế. Khi bạn nhận biết được cảm thọ vi tế, tâm an tịnh; bạn chỉ việc quan sát các cảm thọ mà thôi.

Bất cứ phiền não nào bạn phát ra trong tâm đều sẽ làm khuấy động tâm. Sự bình an đã bị khuấy động. Lời dạy của Đức Phật về giới rất rõ ràng. Bạn không thể sát sanh mà không phát ra sân hận, ác ý hay thù nghịch. Trong thiền Minh Sát, bạn hiểu rằng ngay khi bạn phát ra bất kỳ một tiêu cực nào, bạn sẽ là nạn nhân đầu tiên của tiêu cực đó. Bạn trở nên rất đau khổ - có một cảm thọ thiêu đốt, tim đập nhanh, căng thẳng tăng trưởng. Bạn đang tạo ra khổ não cho chính mình và không ai muốn làm như vậy.

Lời dạy về giới, về tránh làm những điều bất thiện như một con người sống trong xã hội, đã hiện hữu trước Đức Phật. Sự đóng góp của Đức Phật là ở chỗ dạy cho chúng ta làm việc với các cảm thọ của thân, và để hiểu rằng chúng ta đang phản ứng với các cảm thọ của thân. Nếu chúng ta quên các cảm thọ của thân này, chúng ta đang đi lạc ra khỏi lời dạy của Đức Phật.

Tôi thu thập từ một số bài nói chuyện của ngài và thấy rằng ngài không chấp nhận việc dùng các từ “Phật Giáo” (Buddhism) hoặc “Phật tử” (Buddhist). Vì sao?

Khi người ta hỏi tôi, “Ngài đã cải hóa được bao nhiêu người sang đạo Phật rồi?” Tôi trả lời, “Không một người nào cả. Chính bản thân tôi cũng không cải đạo.” Họ nói, “Vậy ngài không dạy đạo Phật? Ngài không phải là Phật tử sao?” Tôi nói, “Không, tôi không dạy đạo Phật. Tôi không phải là một Phật tử.” Ở Miến Điện ( Myanmar ), quê hương của tôi, các vị sư mới đầu cũng rất bực tức về chuyện này, Họ nói, “Cái ông này đã học (thiền) nơi chúng ta thế mà bây giờ ông lại muốn dạy cái riêng của ông ấy. Ông ta không phải là một Phật tử. Ông quả là con người vô ơn.” Họ thực sự bị sốc.

May thay, vị tổng thống trước đây (của Miến Điện) đã đến dự một khóa thiền ở Ấn Độ và ông thấy rằng mọi điều tôi dạy đều hợp theo lời của Đức Phật. Ông ta rất thỏa mãn và nhất là đã đạt được một kết quả khả quan từ việc thực hành đến nỗi không cầm được những giọt nước mắt. Khi ông trở về nước, ông nói với nội các, “Người ta đã nói những lời chống đối ông Goenka, nhưng những gì ông đang dạy lại là lời dạy thuần túy của Đức Phật.”

Chính phủ Miến đã mời tôi đến để bàn luận với các vị chức sắc trong giáo hội lý do tại sao tôi không dùng chữ “Phật Giáo”. Tôi nói với họ rằng những từ “Phật giáo”“Phật tử”  không có trong kinh điển Pāḷi. Trong toàn bộ những lời dạy của Đức Phật và cả trong chú giải, chữ Boddh – tương đương với chữ “Phật giáo” -  không có. Đức Phật chỉ dạy Pháp - Dhamma. Dhamma có nghĩa là quy luật tự nhiên, là sự thực. Những ai theo pháp đó thì được gọi là dhammiko (người hành theo chánh pháp - chánh pháp giả). Nếu Đức Phật chưa từng bắt một ai làm Phật tử (Buddhist), tôi là ai mà lại bắt người khác làm Phật tử? Nếu đức Phật không dạy Đạo Phật (Buddhism) tôi là ai mà dám dạy đạo Phật? Đức Phật dạy Pháp - Dhamma, Tôi cũng dạy pháp. Đức Phật làm cho người ta thành người hành theo chánh pháp - dhammiko; tôi cũng gọi người ta là dhammiko.

Trong hai ngày đầu, họ nói, “Không, chúng tôi không thể tin chuyện đó. Để chúng tôi thẩm tra lại. Chắc chắn phải có một từ để chỉ Phật Giáo - Buddhism.” Sau hai ngày, họ nói, “Không, không có chữ ấy; ông đúng.”

Ngài nói rằng người ta ai cũng có thể thực hành Vipassanā bất kể họ là người Thiên Chúa hay người Hồi giáo, hay Phật giáo. Nhưng trong thực tế liệu tôn giáo có thể là một trở ngại cho việc trao dồi pháp hành này không?

Một số người rất cố chấp vào tín ngưỡng của họ, và nếu tôi nói, “Trước tiên hãy thay đổi tín ngưỡng của bạn đi đã rồi hãy đến với tôi,” ai mà chịu đến với tôi? Sẽ không một ai đến với tôi cả. Do đó, tôi nói, “Cứ giữ lấy tín ngưỡng của bạn và làm việc (thực hành).” Khi họ thực hành, họ nhận ra, “Đây là sự thực (chân lý) và tín ngưỡng của ta còn rất xa sự thực.” Lúc đó, họ tự động thoát khỏi sự cố chấp ấy. Họ có thể không chỉ trích tín ngưỡng cũ, và tôi cũng không muốn một ai làm điều này, vì tôi không chỉ trích một tín ngưỡng nào cả. Nhưng sự thực vẫn là sự thực, nó trở nên rõ ràng: “Đây là sự thực.” Vì thế vấn đề đã được giải quyết.

Sự thực (chân lý) là như nhau đối với mọi người, dù chọ họ là một người Thiên Chúa hay Tin Lành hay một người Hồi giáo. Điều đó không làm khác đi được. Sự thực là sự thực.

Liệu tôn giáo có tổ chức có thích hợp với sự thực mà ngài đang nói về không?

Lúc đầu, đứa trẻ nào cũng có thể gặp khó khăn trong việc tự đi vì thế chúng cần dựa vào một vật gì đó để tập đi. Nhưng khi chúng đã tự mình đi được rồi thì chúng liền  quăng những vật ấy đi. Tất cả những cái vỏ (tôn giáo) là cần thiết đối với con người, bởi vì họ không thể đi mà không có chúng. Nhưng, khi họ có được sức mạnh trong Pháp, họ quăng bỏ cái vỏ ấy đi. Tôi không bảo họ, “Quăng nó đi,” Họ tự ý quăng nó. Những cái vỏ ấy chỉ thích hợp lúc ban đầu, khi họ còn là những đứa trẻ thơ ở lớp mẫu giáo.Nhưng sau đó, họ không cần chúng nữa.

Tôi nghĩ một số người sẽ phản ứng mạnh mẽ khi ngài nói rằng tôn giáo của họ giống như là lớp mẫu giáo.

Đó là lý do vì sao tôi không thể đi quanh và la lớn rằng tôn giáo của các ông là lớp mẫu giáo. Tôi không la lên như thế. Tôi không nói, “Hãy chấp nhận điều này bởi vì tôi nói vậy.” Khi họ thực hành, họ sẽ thấy, “Ồ, cái này giúp ích cho tôi thật, nhưng bây giờ nó không còn cần thiết nữa.” Một đứa bé bú sữa, và còn phải có người dỗ dành. Tất nhiên khi còn là một đứa bé, phải để cho nó bú như vậy nhưng  không phải suốt cả đời.

Như vậy, theo quan điểm của ngài, Đạo Phật là gì?

Dhamma (Pháp), lối sống, quy luật tự nhiên, là phổ quát. Bản chất của lửa là đốt cháy. Đây là Pháp; đây là điều tự nhiên của lửa. Liệu bạn có thể bảo rằng đây là Phật Pháp (Buddhist Dhamma) hay Thiên Chúa Pháp được không? Pháp là tự nhiên. Nếu lửa không đốt cháy, thì nó là một cái gì khác, chứ không phải lửa. Tương tự, bản chất của bất kỳ một tiêu cực nào mà bạn phát ra trong tâm bạn là để thiêu đốt, để làm cho bạn khổ não. Nó làm cho mọi người khổ não. Nếu bạn phát ra tình yêu thương, bi mẫn, thiện chí, với môt cái tâm thanh tịnh, bạn sẽ có bình yên và hoà hợp. Mọi người sẽ có giống như nhau. Đây là Pháp.

Quy luật tự nhiên áp dụng chung cho mọi người. Mặt trời không chiếu sáng và chỉ soi sáng cho người này, không cho người khác. Khi gió thổi, nó không chỉ thổi cho người này mà không thổi cho người khác. Pháp là chung, là phổ quát.

Ở đây tôi không chỉ trích một truyền thống nào cả, tất nhiên không cả bất cứ truyền thống Phật giáo nào. Những người chưa đi vào chiều sâu để hiểu rõ được quy luật phổ quát của tự nhiên ở mức kinh nghiệm ít ra cũng có thể làm việc ở mức bề mặt và có được một vài sự lợi ích.

Khi tôi nói điều này, nhiều người bị chạm tự ái. Họ nghe tôi nói, “Các bạn còn ở mức bề mặt, Goenka này đã vào chiều sâu.” Không chỉ Goenka đi vào được chiều sâu; nếu các bạn thực hành, các bạn cũng sẽ tìm thấy nó. Tôi được rất nhiều lợi ích từ nó. Tôi cũng được nhiều lợi ích từ kỹ thuật khác mà tôi đã học. Tôi không chỉ trích các kỹ thuật ấy. Làm thế nào tôi có thể chỉ trích nó? Nó cho tôi rất nhiều lợi ích và nó cũng đem lại lợi ích  cho rất nhiều người. Nhưng tôi nói rằng có những bước thêm nữa. Tại sao các bạn lại không bước thêm? Cuộc sống có ra cho chúng ta để dấn thân tiến bước. đừng chấp nhận nó bởi vì Goenka nói như vậy hay vì đức Phật nói như vậy hoặc vì kinh điển nói như vậy. Hãy thực hành nó, khám phá nó, rồi bạn sẽ chấp nhận nó.

Nếu tôn giáo, như ngài nói, chỉ là một người dỗ dành hay một người xoa dịu, liệu như thế nó có là một trở ngại cho việc thực hành pháp (dhamma) không?

Nó có thể trở thành một chướng ngại. Mỗi tôn giáo xứng đáng với tên gọi phải có cùng một bản chất nội tại như nhau. Không chỉ tôn giáo của đức Phật, mà mọi tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều nói, sống một cuộc đời đạo đức với một cái tâm đã khép vào kỷ luật, với một cái tâm trong sạch, đầy từ ái, bi mẫn, thiện chí, khoan dung. Đây là tinh tuý của mọi tôn giáo.

Nhưng cái vỏ bên ngoài của tôn giáo lại khác với nhau. Cái vỏ bề ngoài là những lễ nghi, nghi thức,… và một niềm tin mang tính triết lý mà vốn mỗi tôn giáo mỗi khác. Bao lâu người ta dù có những hình thức lễ nghi riêng của họ nhưng vẫn xem bản chất nội tại là quan trọng, nó sẽ không có gì nguy hại. Nhưng ngay khi họ quên cái bản chất nội tại, và xem trọng cái vẻ bề ngoài, chấp chặt vào nó, họ liền biến thành những kẻ cuồng tín hoặc thậm chí những kẻ khủng bố: “Hãy chấp nhận tôn giáo của tôi nếu không tôi sẽ giết ông. Toàn thế gian này sẽ được giải thoát chỉ khi nào mọi người cải đạo sang tôn giáo của tôi.” Cho nên chỉ chú trọng đến cái vỏ bề ngoài, chấp chặt vào đó, quên hết bản chất đạo đức nội tại, sẽ rất là nguy hiểm.

Có những lễ nghi hay nghi thức nào trong cộng đồng của ngài không?

Cộng đồng gì? Đối với những ai hành thiền, lễ nghi duy nhất đó là họ phải hành thiền và quan sát những gì đang xảy ra ở bên trong. Ngoài ra không có hình thức lễ nghi nào khác.

Ngài sẽ minh xác thế nào là một con người giác ngộ?

Một con người như vậy phải hiểu được sự thực ở mức kinh nghiệm. Họ phải  giải thoát khỏi mọi bất tịnh, không chỉ ở mức bề mặt mà trong toàn bộ tâm. Lúc đó, theo bản chất, họ sẽ tràn đầy lòng từ ái, bi mẫn, và thiện chí. Chúng ta có thể nói rằng một con người như vậy đã giác ngộ. Giác ngộ là một sự thăng tiến. Bạn bắt đầu với một sự soi sáng  nào đó và cuối cùng thì giác ngộ viên mãn. Người ta càng giác ngộ được nhiều bao nhiêu, họ càng là con người tốt hơn bấy nhiêu - tốt đối với bản thân họ và tốt đối với mọi người.

Ngài thấy việc tu tập theo chế độ tu viện có cần thiết chút nào không?

Tất nhiên, bởi vì người tu có cơ hội để học hỏi sâu rộng hơn về Pháp. Họ cảm thấy rằng đời người rất quý và muốn tận dụng tối đa nó. Là những người gia chủ, họ có quá nhiều trách nhiệm và không có đủ thời gian. Vì thế họ từ bỏ cuộc sống của người gia chủ và sống như một nhà sư hay tu nữ.

Nếu một người nào quyết định sống cuộc đời như một vị sư hay tu nữ, và không được luyện tập thích hợp về cách làm thế nào để sống như một người xuất gia, thời sẽ có những vấn đề. Đức Phật muốn họ phải có một sự tu tập thích hợp. Ngài không nhận hết những người đến và thỉnh cầu được thọ y (xuất gia). Ngài thường yêu cầu các vị đệ tử lớn của ngài trước hết phải xem xét một người. Nhiều lần, ngài nói, “Ông hãy sống trong Tăng chúng trong ba tháng, sau đó chúng Tăng sẽ quyết định xem có nhận ông hay không.” Những lần khác ngài lại nói, “Hãy về xin cha mẹ ông cho phép xuất gia đã. Nếu không thì ta sẽ không nhận ông.”

Người ta cần phải thực sự phù hợp để làm một nhà sư hay tu nữ, chứ không chỉ xuất gia vì cảm tình. Và ngay cả sau khi đã trở thành một vị sư hay tu nữ, họ còn phải thực hành liên tục và nghiêm túc hơn một người gia chủ nữa. Tu tập rất là quan trọng đối với những người xuất gia từ bỏ cuộc sống gia chủ.

Khoá thiền mười ngày cũng giống như đời sống tu hành vậy. Mặc dù những người tham dự không cạo tóc đắp y, họ sống một cách giản dị và yên tịnh. Không phải trả tiền cho thức ăn thức uống và những thứ khác. Giống như các nhà sư hay tu nữ, các thiền sinh đi thành hàng để nhận phần ăn của họ. Được cho thức ăn gì, họ ăn thức ăn đó. Nếu như họ phải trả tiền, thì họ có thể nói, “Tôi trả năm mươi đôla cho bữa ăn này? Món này quá nhiều gia vị, món này quá nhiều dầu ăn.” Lúc đó  sẽ không còn là đời sống của một nhà sư nữa. Trong cuộc sống của một nhà sư, bất cứ món gì được bỏ vào bình bát ăn xin, họ thọ dụng những món ấy. Trong mười ngày, những người tham dự học cách làm thế nào để sống giống như một nhà sư hay tu nữ.

Ngài đã huấn luyện được hơn bảy trăm vị thầy trợ tá. Theo như tôi hiểu, họ trợ giúp khoá thiền bằng cách tổ chức chúng. Nhưng những bài giảng thực sự lại được ngài giới thiệu qua băng video hay băng cát-sét. Tại sao những vị thầy trợ tá không tự mình đưa ra những bài giảng?

Toàn bộ mục đích là ở chỗ người ta phải nhận được bức thông điệp đích thực của Pháp (Dhamma). Và nó phải đồng bộ. Nếu một bức thông điệp đến từ một vị thầy và bức khác từ một vị thầy khác, tất có những sự khác nhau và các thiền sinh sẽ trở nên bối rối. Người ta lắng nghe bài giảng từ băng video và những hướng dẫn trên video, và nếu họ không hiểu điều gì, vị thầy trợ tá ở đó sẽ giải thích.

Ngài có muốn nói thêm điều gì nữa không?

Một điều được xem là rất quan trọng, theo những lời Đức Phật dạy trong Dhamma na vanim care là, “Chớ biến Pháp thành chuyện mua bán. Chớ biến nó thành một kế sinh nhai.” Giây phút bạn biến Pháp thành một món hàng mua bán, nó sẽ mất hết cả tính hiệu quả của nó, mất hết cả sự thanh tịnh của nó. Nếu như bạn muốn kiếm tiền, tại sao bạn không làm nghề nghiệp gì khác? Có rất nhiều công việc làm ăn bạn có thể dự vào. Tại sao lại biến Pháp thành một công việc mua bán?

Đó là lý do tại sao truyền thống này lại rất thận trọng. Bao lâu người ta còn là một nhà sư hay tu nữ, thì không có vấn đề kiếm tiền. Những nhu cầu căn bản của họ đã được đầy đủ. Nhưng người tại gia có quá nhiều trách nhiệm và nếu họ dạy mà không có tiền, họ sẽ bắt đầu hỏi xin tiền. Vì thế chúng tôi rất cẩn thận. Một khi chúng tôi thấy rằng một người nào đó về mọi phương diện được xem là phù hợp để làm một vị thầy trợ tá, chúng tôi cũng còn phải điều tra xem người này có một phương tiện sinh nhai tự lập tốt hay không. Nếu người ấy có phương tiện sinh nhai ổn định, lúc đó chúng tôi sẽ huấn luyện cho người này trở thành một thầy trợ tá, và sau đó thành một thầy trợ tá thâm niên hoặc một vị thầy hoàn hảo. Đó là lý do vì sao chúng tôi không trả tiền cho việc giảng dạy. Nói chung truyền thống không trả cho ai một điều gì cả. Giây phút bạn bắt đầu tính giá, nó đã hỏng.

Bạn có thể nói, “Tôi trả tiền chỉ để giúp cho việc điều hành khoá thiền.” “Không! phải để cho người ta tự nguyện cống hiến cho khoá thiền. Nếu người ta muốn học kỹ thuật này, nếu người ta muốn kỹ thuật này được truyền bá cho biết bao nhiêu con người đang đau khổ, họ sẽ phát tâm hiến cúng. Nếu họ không thỏa mãn với lời dạy, họ sẽ không hiến cúng. Nếu người ta không được lợi ích gì từ những lời dạy, đừng dạy. Bạn sẽ không được chút  tiền trợ cấp nào bằng việc giảng dạy này. Những ai cần có những lời dạy, và khi họ ao ước những lời dạy, sẽ có người ủng hộ cho họ.

Nó phải là sự hiến cúng hoàn toàn tự nguyện. Không người nào được phép yêu cầu. Và chỉ một ít người biết được những gì người ta hiến cúng. Nếu không thì, sẽ có sự ganh đua. “Ồ, anh ta đã cúng 100 đôla; ta phải cúng 101 đôla.” Sự tệ hại ấy chắc chắn sẽ có. Do đó hãy cho những gì bạn có thể, theo khả năng của bạn, theo thiện ý của bạn.

Xin cảm ơn ngài rất nhiều.

Dịch từ: The Practitioner’s Quarterly, Spring 2003 http://www.thebuddhamma.com

 Giới Thiệu Kỹ Thuật Và Giới Luật Dành Cho Các Khóa Thiền Niệm Thọ 

Vipassanā hay Minh sát là một trong những kỹ thuật thiền cổ xưa nhất của Ấn Độ. Kỹ thuật này đã thất truyền từ lâu và được Đức Phật Gotama (Cồ Đàm) khám phá ra lại hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Vipassanā (minh sát) nghĩa là thấy các pháp (mọi sự, mọi vật) đúng như chúng thực sự là. Có thể nói thiền minh sát là một tiến trình tự thanh tịnh, tự quán chiếu hay quan sát. Người hành thiền hay hành giả bắt đầu bằng cách quan sát hơi thở tự nhiên để tập trung tâm. Sau đó, với chánh niệm đã được mài bén (bằng niệm hơi thở), hành giả tiến hành quan sát tính chất luôn thay đổi hay vô thường của thân và tâm và kinh nghiệm những sự thực phổ quát của vô thường, khổ và vô ngã. Sự thực chứng bằng kinh nghiệm trực tiếp này là tiến trình thanh tịnh. Toàn bộ đạo lộ của pháp (Dhamma) là một biện pháp chữa trị chung cho những vấn đề phổ quát của nhân loại và không liên quan gì đến bất kỳ một tôn giáo hay một bộ phái nào. Vì lý do này, mọi người ai cũng có thể thực hành minh sát một cách tự do, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mà không bị xung đột chủng tộc, truyền thống hay tôn giáo, và nó sẽ chứng tỏ một sự lợi ích như nhau cho mọi người.

Những gì không phải là minh sát (vipassanā):

- Minh sát không phải là một lễ nghi hay nghi thức dựa trên niềm tin mù quáng.

- Minh sát không phải là thú tiêu khiển trên phương diện tri thức cũng như triết lý.

- Minh sát không phải là một cách chữa bệnh bằng sự nghỉ ngơi hay một dịp để nghỉ hoặc một cơ hội để hoà nhập với xã hội.

- Minh sát không phải là một cách đào thoát khỏi những thử thách cam go và những nỗi tai ương của cuộc sống hàng ngày.

Những gì là minh sát:

- Minh sát là một kỹ thuật chắc chắn sẽ đoạn trừ được khổ đau.

- Minh sát là một phương pháp thanh tịnh tâm trí cho phép người ta đương đầu với những căng thẳng và những vấn đề của cuộc sống theo cách điềm tĩnh và quân bình nhất.

- Minh sát là một nghệ thuật sống mà người ta có thể dùng để thực hiện những đóng góp tích cực cho xã hội.

Thiền minh sát nhắm vào những mục đích tinh thần cao cả nhất, đó là sự giải thoát hoàn toàn và sự giác ngộ viên mãn, mục đích của nó không chỉ đơn giản để chữa bệnh thể xác. Mặc dù, như một sản phẩm phụ của sự thanh tịnh tâm , nhiều chứng bệnh do tâm lý gây ra đã được loại trừ. Thực sự, thiền minh sát nhằm diệt trừ ba nguyên nhân chính của mọi bất hạnh là tham, sân và si mê. Với sự thực hành liên tục, thiền sẽ giải phóng những căng thẳng tích tụ trong cuộc sống hàng ngày, tháo mở những gút thắt do thói quen phản ứng cũ cột lại theo cách mất quân bình trước những tình huống vừa lòng và không vừa lòng hay vui, buồn trong cuộc đời.

Mặc dù thiền minh sát được Đức Phật phát triển như một kỹ thuật, việc thực hành minh sát vẫn không giới hạn chỉ cho những người theo đạo Phật thôi. Tuyệt đối không có vấn đề cải đạo ở đây. Mọi người cùng chia sẻ những vấn đề cơ bản hay khổ đau của cuộc sống, cũng như sẽ cùng áp dụng chung một kỹ thuật vốn có thể loại trừ những vấn đề ấy. Bằng chứng là nhiều người thuộc các giáo phái khác đã kinh nghiệm được những lợi ích của thiền minh sát và thấy nó không có gì xung đột với việc tuyên xưng đức tin truyền thống của họ.

Thiền và Kỷ luật tự giác

Tiến trình thanh tịnh tự thân bằng sự nội quan (minh sát) tất nhiên không phải là dễ - các thiền sinh phải làm việc rất vất vả với nó. Bằng những nỗ lực cá nhân của mình, người hành thiền đạt đến sự thực chứng của họ, không ai khác có thể làm điều đó thay cho họ. Do đó, thiền sẽ chỉ thích hợp đối với nhứng ai có thể thực hành một cách nghiêm túc và giữ gìn giới luật trong sạch, điều mà vốn sẽ đem lại sự lợi ích và bảo vệ cho người hành thiền và được xem là một phần không thể thiếu của việc thiền tập.

Mười ngày chắc chắn sẽ là một thời gian rất ngắn để có thể đi vào những mức sâu kín nhất của tâm vô thức và học cách loại trừ những phức cảm nằm ở đây. Tính liên tục của việc độc cư thực hành là bí quyết đưa đến thành công của kỹ thuật này. Giới luật và phép tắc điều hành đã được khai thác để duy trì phương diện thực tiễn này trong tâm. Những luật tắc ấy chủ yếu không phải vì lợi ích của người thầy hoặc vì sự quản lý khoá thiền, chúng cũng không phải là sự biểu lộ tiêu cực của đức tin chính thống hay đức tin mù quáng như trong một vài tôn giáo có tổ chức nào đó. Đúng hơn, chúng được dựa trên kinh nghiêm thực tiễn của hàng ngàn người hành thiền qua nhiều năm tháng và còn mang cả tình khoa học lẫn sự hợp lý nữa. Sống theo những giới luật này chắc chắn sẽ tạo ra một bầu không khí rất thuận lợi cho việc hành thiền, phá giới sẽ làm ô nhiễm môi trường ấy.

Các thiền sinh sẽ phải ở lại cho đến hết khoá thiền. Các điều luật khác cũng cần phải được đọc và xem xét cẩn thận. Chỉ những người cảm thấy rằng họ có thể tuân thủ một cách chân thành và thận trọng kỷ luật mới nên xin nhập khoá thiền. Những ai chưa chuẩn bị để thực hiện nỗ lực quyết tâm ấy sẽ chỉ phí thời giờ vô ích và, hơn nữa, còn làm quấy động các thiền sinh khác mong muốn thực hành một cách nghiêm túc. Một thiền sinh tương lai cũng cần phải hiểu rằng việc rời bỏ khoá thiền giữa chừng do thấy giới luật quá khó sẽ là điều vừa bất lợi và vừa không nên. Cũng vậy, sẽ là điều thật đáng tiếc nếu, dù đã được nhắc nhở nhiều lần, một thiền sinh vẫn không tuân theo luật tắc ở đây và phải bị mời ra khỏi trường thiền.

Tóm Tắt Một Số Điều Cần Nhớ Khi Hành Thiền Ở Trường Thiền Cũng Như Khi Ở Nhà.  

Một khoá thiền minh sát chỉ thực sự có giá trị khi nó tạo được một sự thay đổi trong cuộc đời bạn và một thay đổi như vậy sẽ chỉ đến nếu bạn biết duy trì việc thực hành trên căn bản cuộc sống hàng ngày. Những tóm tắt sau đây sẽ giúp bạn nắm vững căn bản ấy.

Giới (Sīla)

Trong đời sống hàng ngày, người hành thiền phải tuân giữ ngũ giới.

- Không sát sanh.

- Không trộm cắp.

- Không tà dâm.

- Không nói dối.

- Không uống các chất gây say.

Thiền

Mức tối thiểu phải có để duy trì việc thực hành:

- Một giờ vào buổi sáng, một giờ vào buổi tối.

- Năm phút trong lúc đang nằm trên giường trước khi rơi vào giấc ngủ và sau khi bạn đã thức dậy.

- Nếu có thể, mỗi tuần một lần ngồi hành cùng với các thiền sinh khác kỹ thuật vipassanā này.

- Tham dự khoá thiền mười ngày mỗi năm hoặc khoá tự hành mười ngày mỗi năm.

- Và những thời giờ rảnh rỗi khác đều dành cho việc hành thiền.

Làm Thế Nào Để Thiền Trong Đời Sống Hàng Ngày

Niệm hơi thở (Anāpānā)

Hành niệm hơi thở khi cảm thấy tâm cùn nhụt hoặc tháo động, nếu thấy khó cảm giác các cảm thọ hoặc khó mà không phản ứng lại với chúng (các cảm thọ). Hành giả có thể bắt đầu với niệm hơi thở và rồi chuyển sang vipassanā (minh sát các cảm thọ), hoặc, nếu cần, tiếp tục quan sát hơi thở cho đến hết giờ. Để hành niệm hơi thở, hành giả giữ sự chú tâm nơi vùng dưới mũi và trên môi trên (khoảng giữa nhân trung). Duy trì cái biết hay niệm từng hơi thở khi nó đi vào hoặc đi ra. Nếu tâm qúa cùn nhụt hoặc quá tháo động hãy thở một cách cố ý và hơi nặng hơn trong một lát (để dễ nhận biết hơi thở). Ngoài ra, hơi thở nên ở trạng thái tự nhiên.

Hành minh sát

Di chuyển sự chú tâm theo hệ thống từ đầu đến chân và từ chân lên đầu. Quan sát theo thứ tự từng phần một của thân bằng cách cảm giác mọi cảm thọ mà bạn gặp. Quan sát một cách khách quan, đó là, giữ thái độ xả (không thích cũng không ghét) với các cảm thọ mà bạn kinh nghiệm, dù đó là lạc, khổ hay trung tính, bằng cách hiểu tính chất vô thường của chúng. Giữ cho sự chú tâm của bạn di chuyển, không bao giờ dừng lại ở bất kỳ chỗ nào quá hai hoặc ba phút. Cũng đừng để cho việc thực hành trở nên máy móc quá. Làm việc theo những cách khác nhau tuỳ theo loại thọ mà bạn kinh nghiệm. Các vùng của thân có những cảm thọ thô khác nhau cần phải được quan sát riêng ra bằng cách di chuyển sự chú tâm lần lượt từ phần này đến phần khác. Các bộ phận đối xứng, như hai tay hoặc hai chân, có những cảm thọ vi tế như nhau, có thể được quan sát cùng một lúc với nhau. Nếu bạn đã kinh nghiệm được những cảm thọ vi tế khắp cấu trúc vật lý hay ở toàn thân rồi, bạn có thể thỉnh thoảng quét toàn thân và rồi lại quan sát từng phần một.

Rải tâm từ (Mettā)

Cuối giờ thư giãn, hãy để cho những lao xao của thân hoặc tâm lắng xuống, rồi tập trung sự chú ý của bạn vào những cảm thọ vi tế trên thân trong ít phút và làm tràn ngập tâm và thân bạn với những ý nghĩ và cảm xúc của từ ái đối với tất cả chúng sinh.

Ngoài giờ hành thiền

Chú tâm trọn vẹn vào bất kỳ công việc nào bạn đang làm, nhưng thỉnh thoảng cũng kiểm tra lại xem bạn có đang duy trì niệm và xả của mình hay không. Khi một vấn đề gì phát sinh, nếu có thể hãy niệm hơi thở hoặc các cảm thọ của bạn, ngay cả chỉ vài giây thôi, cũng sẽ giúp bạn giữ được quân bình trong mọi tình huống.

Bố thí (Dāna)

Sẻ chia bất cứ điều tốt lành nào bạn có được với những người khác. Nhờ làm vậy, bạn sẽ diệt trừ thói quen cũ của việc tự xem mình là trung tâm hay thói ích kỷ. Người hành thiền hiểu rằng điều giá trị nhất họ có là chia sẻ Pháp (Dhamma), vì thế họ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp những người khác học kỹ thuật minh sát này. Với thiện chí trong sạch ấy họ đóng góp cho những phí tổn của các thiền sinh khác.

Danā hay hành động bố thí này là nguồn quỹ duy nhất cho các khoá thiền và cho việc điều hành các trung tâm thiền trên thế giới.

Vị tha phục vụ

Còn có một bố thí lớn hơn nữa là hy sinh thời gian và sức lực của mình để giúp đỡ trong việc tổ chức hoặc điều hành những khoá thiền hay bằng cách làm những công việc phổ biến Pháp (Dhamma) khác. Tất cả những ai (kể cả các vị thầy và các vị trợ lý) cống hiến sự phục vụ của họ như một hình thức bố thí sẽ không thọ nhận bất cứ vật gì đáp trả. Sự phục vụ này không chỉ đem lại lơị ích cho người khác, mà còn giúp cho những người có tâm cống hiến ấy diệt trừ được tính ích kỷ, hiểu được lời dạy (Pháp) ở mức sâu xa hơn. Và như vậy họ đã thăng tiến trên đạo lộ giải thoát.

Đạo lộ duy nhất

Không được pha trộn kỹ thuật này với các kỹ thuật khác. Nếu như bạn đang thực hành một pháp môn nào khác, bạn có thể tham dự hai hoặc ba khoá thiền minh sát để giúp bạn quyết định kỹ thuật nào bạn thích hơn. Lúc đó hãy chọn một kỹ thuật nào mà bạn thấy là thích hợp nhất và lợi ích nhất đống thời cống hiến toàn tâm toàn lực cho kỹ thuật ấy.

Nói cho người khác biết về thiền minh sát

Bạn có thể mô tả kỹ thuật (thiền này) cho người khác nhưng không được dạy họ. Bằng không, thay vì giúp, bạn có thể sẽ làm cho họ rối rắm, lầm lẫn thêm mà thôi. Hãy khuyến khích những người muốn hành thiền gia nhập một khoá thiền có tổ chức hẳn hoi, ở đây họ có được một người hướng dẫn đã được huấn luyện một cách thích đáng.

Nói một cách tổng quát thì tiến bộ (trong việc hành thiền) đến rất từ từ. Ai cũng buộc phải mắc sai lầm – hãy học hỏi từ những sai lầm ấy. Khi bạn nhận ra mình đã phạm một lầm lẫn, hãy mỉm cười và bắt đầu trở lại!

Việc rơi vào hôn trầm (buồn ngủ), trạo cử, phóng tâm và những khó khăn khác trong thiền là chuyện bình thường, nhưng nếu bạn duy trì được việc thực hành bạn sẽ thành công.

Bạn cứ việc tự nhiên đến gặp các vị thầy (thiền sư) hoặc các vị thầy trợ lý để dược hướng dẫn.

Hãy tận dụng sự hỗ trợ của các thiền sinh cùng hành thiền với bạn. Ngồi thiền chung với họ sẽ cho bạn thêm sức mạnh.

Tận dụng bầu không khí tĩnh lặng ở các thiền đường hay pháp đường bằng cách đi đến đó ngồi thiền bất cứ khi nào bạn có thể, ngay cả chỉ trong vài ngày hoặc vài giờ. Là một thiền sinh cũ bạn cũng được tự do đến tham dự các khoá thiền mười ngày, tuỳ thuộc vào điều kiện chỗ ở sẵn có, và bạn được xem là chỉ đang hành theo kỹ thuật minh sát này.

Trí tuệ thực sự nằm ở chỗ biết nhận ra và chấp nhận rằng mọi kinh nghiệm đều vô thường. Với tuệ giác này bạn sẽ không bị những thăng trầm của cuộc đời áp đảo, và nếu bạn duy trì được một sự quân bình nội tại, bạn có thể chọn cho mình cách hành động nào sẽ tạo được sự an vui cho bạn và cho người khác. Hãy sống từng khoảnh khắc an lạc với một cái tâm buông xả, chắc chắn bạn sẽ tiến tới được mục tiêu cuối cùng của sự giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Một số Điều Lệ Khác

Chấp nhận người thầy và kỹ thuật

Các thiền sinh phải tự xác nhận ý muốn tuân thủ đầy đủ sự hướng dẫn và những chỉ dạy của thiền sư trong suốt khoá thiền của mình, đó là, giữ gìn giới luật và hành thiền đúng như những yêu cầu của thiền sư, không được bỏ qua bất cứ phần nào của những chỉ dẫn, cũng không thêm bất cứ điều gì vào đó. Sự chấp nhận này phải được thực hiện trên cơ sở hiểu biết chứ không phục tùng một cách mù quáng. Chỉ với một thái độ tín nhiệm thiền sinh mới có thể hành thiền một cách chuyên cần và hết lòng, hết sức. Một sự tin tưởng nơi người thầy và kỹ thuật như vậy rất là cần thiết cho tiến bộ trong thiền quán.

Các kỹ thuật, các nghi lễ và hình thức tôn giáo khác

Trong suốt khoá thiền, điều quan trọng tuyệt đối là mọi hình thức cầu nguyện, lễ lạy hoặc các nghi thức tôn giáo – ăn kiêng, đốt nhang, lần xâu chuỗi, niệm chú, hát (thánh ca), v.v… phải được ngưng lại. Các kỹ thuật thiền khác và những pháp thực hành chữa bệnh cũng cần phải ngưng lại. Điều này không nhằm chỉ trích các kỹ thuật hay pháp hành khác mà để giúp hành giả thực hiện một cuộc thử thách công bằng đối với kỹ thuật minh sát này trong tính thuần khiết của nó.

Các thiền sinh được cảnh tỉnh rằng, cố ý pha trộn các kỹ thuật khác với thiền Vipassanā (minh sát) sẽ gây chướng ngại và thậm chí còn làm đảo ngược tiến bộ của họ. Mặc dù đã được các thiền sư cảnh báo thường xuyên như vậy, trong qúa khứ từng có những trường hợp ở đây một số thiền sinh đã cố ý pha trộn kỹ thuật này với một hình thức lễ nghi hay một pháp hành khác nào đó, và đã tự làm tốn hại lớn cho họ. Do đó, nếu có bất kỳ sự hoài nghi hay bối rối nào phát sinh trong lúc hành thiền, hãy thường xuyên gặp gỡ thiền sư để được làm sáng tỏ.

Trình pháp

Các vấn đề hay các câu hỏi liên quan đến vấn đề hành thiền chỉ được trình bày với thiền sư để làm sáng tỏ. Những câu hỏi cũng được hỏi công khai trong thiền đường từ 9:00 đến 9:30 mỗi tối.

Các lần trình pháp như vậy nhằm vào mục đích duy nhất là làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn liên quan đến kỹ thuật thiền. Không nên xem đó như cơ hội để thoả mãn những bàn luận mang tính triết lý hoặc tri thức. Tính chất độc đáo của thiền minh sát chỉ có thể được hiểu đầy đủ bằng cách đưa nó vào thực hành, và trong suốt khoá thiền, hành giả nên tập trung độc nhất vào công việc này.

Sự im lặng của Bậc Thánh

Mọi thiền sinh phải tuân thủ sự im lặng của Bậc Thánh từ đầu khoá thiền cho đến sáng ngày cuối cùng. Sự im lặng của Bậc Thánh có nghĩa là sự im lặng của thân, khẩu và ý. Bất cứ hình thức truyền đạt nào với các thiền sinh khác, dù bằng điệu bộ, ra dấu, ghi chép, v.v… đều bị cấm.

Tuy nhiên, các thiền sinh có thể nói chuyện với vị thầy hướng dẫn bất cứ khi nào cần thiết và cũng có thể đi đến người quản lý về những vấn đề liên quan đến thực phẩm, chỗ ăn, chỗ ở, sức khoẻ, v.v… Nhưng ngay cả những cuộc tiếp xúc này cũng cần phải giữ ở mức tối thiểu. Các thiền sinh nên tạo cho mình cảm giác rằng họ đang độc cư hành thiền.

Nam nữ tách riêng

Sự tách riêng hoàn toàn giữa người nam và người nữ phải được duy trì tuyệt đối. Các cặp vợ chồng đã cưới hay chưa cưới, không được phép tiếp xúc với nhau bằng bất cứ cách nào trong suốt khoá thiền. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp bạn bè và những người trong cùng một gia đình.

Thân xúc

Do tính chất nội quan (xoay trở vào bên trong để quan sát) của việc hành thiền, tránh mọi hình thức tiếp xúc về thân, bất luận là với người cùng phái hay khác phái, là điều rất quan trọng.

Luyện tập yoga và thể dục

Mặc dù luyện tập yoga và thể dục về phương diện nào đó có thể dung hợp với thiền minh sát, các hình thức ấy cũng phải được ngưng lại trong suốt khoá thiền, vì những phương tiện thích hợp cho việc luyện tập không sẵn có ở nơi đây. Thiền sinh cũng không được phép chạy thể dục, ngoại trừ việc đi bộ như một hình thức thể dục vào những giờ nghỉ trong khu vực đã được định sẵn cho người nam hoặc người nữ.

Các vật liên quan đến tôn giáo, xâu chuỗi, quả lắc, bùa chú, v.v… không được phép mang vào khoá thiền. Nếu lỡ mang, những vật ấy phải được cất giữ lại dưới sự quản lý (của trường thiền) suốt thời gian thiền tập.

Các chất say và ma tuý

Ma tuý, rượu hay các chất gây say khác không được phép mang vào khu vực hành thiền. Điều này cũng áp dụng cho các loại thuốc giảm đau, thuốc ngủ và các thuốc an thần khác. Đối với những người đang dùng thuốc theo toa bác sĩ cần phải khai báo với người thầy hướng dẫn.

Thuốc lá

Vì sức khoẻ và sự thoải mái của mọi thiền sinh, việc hút thuốc, nhai thuốc, hít thuốc đều không được phép.

Thực phẩm

Trường thiền không thể thoả mãn những sở thích riêng về thực phẩm và những đòi hỏi đặc biệt của từng thiền sinh. Do đó, các thiền sinh được yêu cầu hãy làm quen với những bữa ăn chay giản dị do trường thiền cung cấp. Những người quản lý khoá thiền sẽ cố gắng sửa soạn một thực đơn lành mạnh quân bình thích hợp cho việc hành thiền, không tán thành bất kỳ một triết lý dinh dưỡng nào cả. Tuy nhiên, nếu có thiền sinh nào cần tuân thủ một chế độ ăn kiêng đặc biệt vì lý do bệnh hoạn, họ nên thông báo cho người quản lý biết vào lúc nộp đơn xin nhập khoá thiền.

Áo quần

Ăn mặc phải giản dị, khiêm tốn và thoải mái. Không nên mặc những loại quần áo bó sát người, mỏng manh, hở hang hoặc khêu gợi khác như quần ngắn, váy ngắn, áo không tay, v.v… Thực ra, một thái độ ăn mặc khiêm tốn lúc nào cũng đáng trân trọng. Việc ăn mặc nghiêm túc là điều quan trọng để giảm đến mức tối thiểu sự phân tâm của người khác.

Tắm và giặt

Do không có máy giặt hoặc máy sấy khô, vì thế các thiền sinh nên đem theo quần áo đầy đủ (trong thời gian 10 ngày). Khăn lau mặt và các đồ lót có thể giặt bằng tay. Việc tắm giặt chỉ được phép trong những giờ nghỉ, không thực hiện vào những giờ hành thiền.

Những tiếp xúc bên ngoài

Thiền sinh phải ở lại trong ranh giới của trường thiền cho đến hết khoá. Họ chỉ được phép rời với sự đồng ý đặc biệt của người thầy hướng dẫn. Không một sự truyền thông bên ngoài nào được phép trước khi khoá thiền chấm dứt. Điều lệ này gồm luôn cả thư từ, cuộc gọi (điện thoại) và khách khứa. Trong trường hợp khẩn, một người bạn hay thân quyến có thể tiếp xúc với người quản lý.

Nghe nhạc, đọc sách và viết sách

Việc chơi các nhạc cụ, nghe radio, v.v… đều bị cấm. Các tài liệu đọc hoặc viết không được phép mang vào khoá thiền. Các thiền sinh cũng không nên để mình bị phân tâm bằng cách chép ghi chú. Sự hạn chế đối với việc đọc và viết là để nhấn mạnh đến tính chất thực tiễn nghiêm ngặt của thiền niệm thọ này.

Máy thu băng và chụp hình

Không được phép sử dụng các loại máy này ngoại trừ có phép rõ ràng của người thầy hướng dẫn.

Tài chánh

Theo truyền thống minh sát thuần khiết, các khóa thiền được điều hành độc nhất trên căn bản hiến cúng. Những của hiến cúng hay bố thí này chỉ được chấp nhận từ các thiền sinh cũ, đó là, từ những người đã hoàn tất ít nhất một khoá thiền với thiền sư S.N Goenka hoặc một vị thầy trợ lý.

Theo cách này, các khoá thiền được hỗ trợ bởi người đã tự mình nhận ra những lợi ích của việc hành thiền. Ước muốn chia sẻ những lợi ích này với người khác, họ hiến tặng theo khả năng và thiện chí của họ. Đối với người mới tham dự khoá thiền lần đầu tiên cũng có thể đóng góp vào lúc kết thúc khoá thiền hoặc bất kỳ lúc nào sau đó.

Những của hiến tặng như thế là nguồn quỹ duy nhất cho các khoá thiền theo truyền thống (niệm thọ) này trên khắp thế giới. Không có tổ chức hay cá nhân giàu có nào bảo trợ cho các khoá thiền ấy cả. Các vị thầy hướng dẫn hay những người tổ chức (khoá thiền) cũng không nhận bất kỳ một loại thù lao nào cho việc phục vụ của họ. Như vậy, việc truyền bá thiền minh sát được thực hiện với mục đích trong sạch, không dính dáng đến tính thương mại.

Dù của hiến cúng lớn hay nhỏ, nó cần phải được cho với ước muốn giúp đỡ người khác: “Khoá thiền tôi đã tham dự là do lòng hảo tâm của các thiền sinh đi trước chi trả; giờ đây hãy cho tôi đóng góp phần nào cho phí tổn của một khoá thiền tương lai, nhờ thế người khác cũng có thể gặt hái được lợi ích từ kỹ thuật này.”

Tóm Tắt

Để làm sáng tỏ tinh thần nằm sau các luật tắc vừa nêu, ở đây có thể tóm tắt như sau:

Cẩn thận sao để những hành động của bạn không làm phiền người khác. Đừng chú ý đến những gì do người khác gây ra.

Cũng có thể có người không hiểu những lý do thực tiễn của một hay vài điều luật kể trên. Thay vì để cho tiêu cực và hoài nghi phát triển, hãy đến gặp vị thầy hướng dẫn ngay để được sáng tỏ.

Chỉ bằng cách chọn một phương pháp có kỷ luật và đầu tư nỗ lực tối đa vào đó, người hành thiền mới có thể nắm bắt đầy đủ pháp hành và những lợi ích từ pháp hành ấy. Điều quan trọng trong suốt khoá thiền là thực hành liên tục. Khuôn vàng thước ngọc ở đây là hành thiền như thể bạn đang ở một mình, với tâm xoay vào bên trong, phớt lờ hết mọi khó khăn và phiền hà mà bạn có thể gặp phải.

Cuối cùng, các thiền sinh phải lưu ý rằng, tiến bộ của họ trong thiền minh sát tuỳ thuộc độc nhất vào những phẩm chất tốt đẹp (ba-la-mật) và sự tu tập cá nhân của họ, và cũng còn tuỳ thuộc vào năm yếu tố: nhiệt tâm nỗ lực, niềm tin, sự thành thực, sức khoẻ và trí tuệ.

Mong rằng thông tin trên sẽ giúp các bạn đạt được lợi ích lớn nhất từ khoá thiền của bạn. Chúng tôi rất vui khi có được cơ hội để phục vụ, và cầu chúc các bạn được bình yên và hoà hợp từ kinh nghiệm vipassanā này.

Thời Khóa Biểu

Thời khoá biểu sau dành cho khoá thiền đã được định rõ nhằm duy trì tính liên tục của việc thực hành. Để có được những kết quả tốt nhất, các thiền sinh nên tuân thủ chặt chẽ đến mức có thể thời khoá biểu này.

4:00                          Chuông báo thức

4:30 đến 6:30         Thiền trong thiền đường hoặc tại phòng riêng của mỗi người

6:30 đến 8:00         Ăn sáng

8:00 đến 9:00         Thiền tập thể trong thiền đường

9:00 đến 11:00       Thiền trong thiền đường hoặc trong phòng riêng của mỗi người theo chỉ dẫn của người thầy hướng dẫn

11:00 đến 12:00     Ăn trưa

12:00 đến 1:00       Nghỉ ngơi và trình pháp với người thầy hướng dẫn

1:00 đến 2:30         Thiền trong thiền đường hay trong phòng riêng của mỗi người

2:30 đến 3:30         Thiền tập thể trong thiền đường

3:30 đến 5:00        Thiền trong thiền đường hay trong phòng riêng của mỗi người theo sự chỉ dẫn của người thầy hướng dẫn

5:00 đến 6:00         Nghỉ ngơi, uống trà

6:00 đến 7:00         Thiền tập thể trong thiền đường

7:00 đến 8:15         Trình pháp trong thiền đường

8:15 đến 9:00         Thiền tập thể trong thiền đường

9:00 đến 9:30         Giờ hỏi – đáp trong thiền đường

9:30                        Trở về phòng riêng để nghỉ ngơi - tắt đèn.

Các khách lữ hành trên Đạo Lộ của pháp (dhamma) thân mến!

Hãy vui lên!

Hãy giữ cho ngọn đuốc pháp sáng mãi! Hãy để cho ngọn đuốc ấy soi sáng cuộc sống hàng ngày của các bạn. Luôn luôn nhớ rằng, Pháp (Dhamma) không phải là một sự đào thoát. Pháp là một nghệ thuật sống: sống trong an bình và hoà hợp với chính mình và với mọi người. Vì thế, hãy cố gắng sống một cuộc sống đúng pháp.

Đừng quên những thời ngồi thiền hàng ngày vào mỗi sáng và mỗi chiều của bạn.

Bất cứ lúc nào có thể, hãy tham dự những buổi thiền chung hàng tuần với các thiền sinh vipassanā khác.

Mỗi năm dự một khoá thiền 10 ngày. Điều này chủ yếu để giúp cho các bạn tăng cường thêm sức mạnh. Với tất cả niềm tin, hãy đương đầu với những mũi nhọn quanh bạn một cách can đảm và vui vẻ.

Gạt bỏ lòng sân hận, ác cảm và oán thù; phát ra lòng từ ái và bi mẫn, đặc biệt đối với những ai không hiểu pháp và đang sống một cuộc sống bất hạnh. Cầu mong các hành vi cư xử đúng pháp của bạn sẽ chỉ cho họ thấy được con đường an bình và hoà hợp. Cầu mong vẻ rực rỡ của pháp trên khuôn mặt  bạn sẽ hấp dẫn ngày càng nhiều những người đang đau khổ đến với đạo lộ của hạnh phúc chân thực này.

Cầu mong tất cả chúng sanh được an vui, yên bình và giải thoát.

Với tất cả lòng từ (mettā) của tôi.

S.N Goenka



[1] Buddhadharma (hay buddhadhamma) một tạp chí Phật giáo ra ba tháng hay mỗi quý một kỳ. Địa chỉ http:/www.thebuddhadharma


[Ðầu trang][Trở về trang Mục Lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007