Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Những Vấn Đề Của Con Người

Tác giả: DR.K.Sri Dhammananda

Dịch giả: Pháp Thông


PHẦN III

Bản Ngã Và Gia Đình

Tại Sao Chúng ta Không Có Quan Hệ Tốt Với Những Người Trong Gia Đình Của Chúng ta?

Chúng ta thử xét những thành viên trong gia đình của chúng ta xem. Có bao nhiêu người trong họ đang sống với sự hợp tác, đoàn kết, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau? Chúng ta đối xử với họ như thế nào? Và chúng ta đã cố gắng lẩn tránh họ nhiều bao nhiêu? Một điều lạ là chúng ta có thể mời cả thế gian này vào căn phòng của chúng ta qua chiếc máy vô tuyến truyền hình nhưng chúng ta lại không sẵn lòng mời người láng giềng sát bên cửa chúng ta vào nhà và nói chuyện với họ một cách tử tế. Dường như chúng ta không có thời gian để nhìn vào những khuôn mặt thân quen của những người trong gia đình chúng ta nữa.

Thay vào đó chúng ta lại dành nhiều thời gian để ngắm nhìn những khuôn mặt của người xa lạ trên màn ảnh vô tuyến. Thậm chí trong gia đình chúng ta cũng không có thì giờ để nhìn nhau với những khuôn mặt tươi vui mặc dù chúng ta sống chung trong một căn nhà. Đây là bản chất của cuộc sống hôm nay. Đôi khi, dính líu với người chúng ta yêu còn là nguyên nhân của bao khổ đau não nề. Một số người hoàn toàn không ngó ngàng gì đến những người trong gia đình của họ sau khi lấy vợ hoặc lấy chồng. Đó không phải là cách mà con người nên cư xử. Nói khác hơn đó là sự biểu hiện của một bản chất thú vật. Chúng ta có thể giữ gìn đời sống cộng đồng bằng cách giúp đỡ lẫn nhau và hỗ trợ đạo đức cho nhau lúc cần. Về nhiều phương diện chúng ta có thể nói rằng loài vật nhiều khi còn cư xử với nhau đàng hoàng hơn so với con người chúng ta vậy.

Mặc dù loài vật không giúp đỡ lẫn nhau theo cách mà con người được trông đợi phải làm trong gia đình và xã hội, song chúng rất thường chung sống với nhau.   Đôi khi chúng biết hy sinh để bảo vệ bầy đàn của chúng hay bảo vệ những đứa con của chúng tránh khỏi kẻ thù. Chúng không bao giờ tiêu diệt đồng loại của chúng, một điều mà con người dám làm!

Thú vật không giết con cái sau khi đã giao cấu với nó nhưng con người có thể nhẫn tâm làm điều đó. Chó không bao giờ quấy rầy những con chó cái con song con người lại quấy rối tình dục thậm chí với những đứa bé gái còn rất nhỏ. Có vẻ như rằng ngày nay chúng ta không còn sống như những con người thực sự nữa. Chúng ta đã đi quá xa lối sống tự nhiên của chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề, kể cả sự cô đơn và bất ổn.

Những Vấn Đề Ở Mức Gia Đình

Trong thời đại của những thay đổi văn hoá-xã hội cực kỳ to lớn này, có lẽ không thể chế nào thay đổi một cách triệt để như thể chế gia đình. Trong những xã hội nông nghiệp, các gia đình nông thôn lớn hơn các gia đình ở những vùng đô thị, bởi vì con cái là một nguồn lao động rẻ nhất trong trang trại. Người cha được xem là trụ cột chính và là người chủ không ai tranh chấp được của gia đình. Tình trạng ly dị rất hiếm, vì gia đình cung ứng hết mọi hoạt động kinh tế, tôn giáo và giáo dục thiết yếu.

Tất nhiên trong những xã hội ấy, cuộc sống diễn ra ở một nhịp độ chậm hơn, song lại có nhiều không gian cho người ta di chuyển. Vì thế có khuynh hướng ít va chạm hơn. Mỗi khi có điều gì không vừa lòng, cơ hội để người ta bỏ đi một mình, trò chuyện với thiên nhiên, và trở lại gia đình (sau khi đã) rửa sạch cơn giận và bất mãn của họ, cũng lớn hơn. Trong những trường hợp như vậy, sẽ ít có cơ hội cho những mối liên hệ gia đình bị đổ vỡ không cứu vãn được.

Trong khi ở những xã hội hiện đại hoá, rất nhiều hoạt động của gia đình bị chuyển sang những thể chế khác. Trường học đã thay thế hoạt động giáo dục và về cơ bản gia đình không còn là một đơn vị kinh tế nữa. Thành công trong đời sống vợ chồng được đo lường dưới dạng thỏa mãn tình cảm là chính và tiêu chuẩn kinh tế là phụ. Con người bây giờ lấy nhau vì ‘tình yêu lãng mạng’, ‘tình bạn’, và ‘hạnh phúc’ hơn là vì một tiêu chuẩn sống thoả đáng. (Thử hỏi nếu một người cưới vì ‘yêu’, điều gì sẽ xảy ra cho cuộc hôn nhân ấy khi tình yêu biến mất?) Được nuôi dưỡng bằng các chương trình TV và phim ảnh Hollywood, rất nhiều người trẻ hiện nay nghĩ rằng chỉ cần ‘yêu’ là đủ để bảo đảm một cuộc hôn nhân tốt rồi. Và những vụ ly dị xảy ra khi những người trẻ này thấy rõ   hôn nhân cần phải có một nền tảng vững chắc hơn tình yêu thể xác. Dĩ nhiên, phải có tình yêu, nhưng quan trọng hơn tình yêu là phải có một sự sẵn sàng để hy sinh, để hiểu biết và để nhẫn nhịn lẫn nhau.

Ly Dị

Trong quá khứ, một cuộc hôn nhân có thể chấm dứt với cái chết của một người phối ngẫu (vợ hay chồng) vào khoảng thời gian đứa con út rời bỏ gia đình (lập gia thất). Ly dị dường như không chỉ sai dưới con mắt xã hội, mà, đối với nhiều người, nó hầu như không đáng để bận tâm. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y khoa và mức sống nâng cao con người có khuynh hướng sống thọ hơn và tình trạng cô đơn dường như đã lẻn vào đời sống hôn nhân.

Phân nửa trong tổng số các cuộc ly dị ở các xã hội công nghiệp xảy ra sau tám năm lấy nhau và một phần tư trong số đố sau mười lăm năm. Nhiều người ly dị nhau rồi sau đó lấy vợ hay chồng trở lại, không chỉ một lần mà vài lần trong đời họ.

Những con số thống kê cho thấy tỷ lệ ly dị đối với những người dính dáng đến lĩnh vực sân khấu, điện ảnh là cao hơn rất nhiều. Một nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng, người đã từng tái kết hôn nhiều hơn bất kỳ người nào được kể, đã nói với thế giới rằng hôn nhân là chuyện cổ hũ, và rằng bất kỳ một con người khôn ngoan nào cũng có thể sống và yêu tốt hơn mà không cần hôn nhân. Còn một minh tinh màn bạc nổi tiếng nọ có lần hãnh diện loan báo trên TV, trước một đám thính giả vỗ tay một cách cuồng nhiệt, rằng cô có đến mười lăm người chồng!

Đối với những người ca tụng một người đàn bà vì những cố gắng sống và xây dựng một cuộc sống gia đình thất bại với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, cả thảy mười lăm người như vậy, chắc chắn sự suy đồi nhân phẩm đã đạt đến mức thấp nhất của nó rồi. Trong khi người ta luôn luôn trông đợi những mối liển hệ với gia đình gần gũi nhất của họ được kéo dài suốt kiếp sống, sự mong đợi này xem ra không trở thành sự thật tí nào. Nhiều người bước vào đời sống vợ chồng biết rằng những quan hệ ấy rất có thể sẽ chết yểu (không bền lâu). Họ bước vào cái mà các nhà xã hội học gọi là ‘hôn nhân từng kỳ’ ‘chế độ đa thê (hay đa phu) từng kỳ’, vì lẽ họ thay đổi vợ (chồng) giống như người ta đổi xe vậy.

Với sự gia tăng trong tỷ lệ ly dị, những vấn đề xã hội khác phát sinh. Con cái luôn luôn bị tác động xấu nhất trong một cuộc đổ vỡ hôn nhân. Về phương diện tình cảm và ngay cả về phương diện tâm lý, chính cái kinh nghiệm đau khổ của việc bị tách rời khỏi một người cha (hay mẹ) này thường để lại cho chúng một vết thương lòng day dứt. Tình trạng phạm tội của lứa tuổi vị thành niên luôn có thể được truy nguyên đến một kinh nghiệm thời thơ ấu và một cuộc sống gia đình bất hạnh. Ngoài ra những phương pháp người ta áp dụng để đáp ứng cho sự thiếu thoả mãn của họ cũng tạo ra những vấn đề không chỉ cho bản thân họ mà cả cho những người khác nữa.

Phá   Thai

Dường như để thoả mãn những dục vọng ích kỷ của mình con người sẵn sàng vượt qua mọi giới hạn. Mới đây, con số những vụ phá thai trên thế giới đã đạt đến những tỉ số báo động. Phá thai là tội giết người, và không ai có thể nói khác đi được. Trong tạp chí ‘Sự Thực Đơn Giản’ tiến trình phá thai này đã được mô tả bằng những từ ngữ sinh động. Khi cái dụng cụ của người làm công việc phá thai đầu tiên chạm vào thành tử cung, thai nhi lập tức co lại (vì sợ) và nhịp tim tăng nhanh. Đứa bé chưa sinh phản ứng lại bằng cách cố gắng thoát khỏi cái dụng cụ ấy.

‘Người làm công việc phá thai nắm lấy một cánh tay hay chân và xé nó khỏi đứa bé. Máu từ đứa bé bắt đầu rỉ ra. Kế đó người ấy tìm cánh tay hay chân khác để xé tiếp. Ông cứ tiếp tục như thế cho đến khi xong mọi việc’. ‘Cuối cùng, xác chết hay thai nhi đã xé hết chân tay ấy bị bóp nát đầu. Các bộ phận sau đó được hút ra. Tất cả được hoàn tất trong 15 phút.’  

Sự mô tả có tính cường điệu này làm nổi bật những điều khủng khiếp của sự phá thai mà nhiều người vẫn chưa biết đến. Đây không phải là trường hợp trục một vật lạ nào đó ra khỏi cơ thể mà nó là một sự sát nhân rõ ràng và đơn giản — giết một đứa bé-sắp thành đang còn sống.

Đạo Phật không chống lại việc kiểm soát sinh đẻ bao lâu phương pháp được áp dụng là nhằm ngăn không để cho việc mang thai xảy ra, và sự sống chưa bắt đầu. Nhưng một khi bào thai đã hình thành, ngay cả ở giai đoạn còn phôi thai nhất, sự sống đã có mặt. Bất cứ cố gắng nào nhằm loại bỏ nó là sát sanh. Những lý do (biện hộ) cho việc phá thai đều không quan trọng: sát sanh là sát sanh dù động cơ có thể là gì cũng vậy.

Sự kết hợp của người nam và người nữ trong chuyện sinh đẻ có một ý nghĩa sâu xa hơn chỉ là sự thỏa mãn những dục vọng của nhau. Nó phải được đi kèm với trách nhiệm. Tình dục không bị kết tội trong đạo Phật, tôn giáo vốn chấp nhận nó như một hoạt động tự nhiên của con người. Tuy nhiên đạo Phật không khuyến khích sự thỏa mãn đơn thuần của dục vọng mà không biết tự kiềm chế hợp lý. Không ai có quyền làm cha một đứa bé nếu họ không chuẩn bị trước trách nhiệm với nó. Và không một người phụ nữ nào nên mang trong bụng mình một đứa bé nếu cô ta không quan tâm tới nó.

Ngày nay, người ta tránh những trách nhiệm của việc làm cha mẹ bằng cách giết đứa bé chưa sanh của họ. Họ đổi con để lấy những hàng hóa vật chất và niềm vui thú của sự tiện lợi. Chính vì thế mà nạn phá thai đã trở thành một tập tục xã hội – chúng ta đã suy đồi, ít nhất cũng tới mức đó.

Ngược Đãi Trẻ Em

Các văn sĩ trong quá khứ đã hết lòng ca tụng tính thiêng liêng của người mẹ. Phải nói thiên chức làm mẹ được xem như một đặc ân hơn là một gánh nặng. Và văn chương thế giới đầy ắp những câu chuyện kể về những bà mẹ đã hy sinh cả đời mình cho con cái.

Thế giới vật chất ngày nay đã thay đổi hoàn toàn những chuyện đó. Khó kiếm được một ngày không có một bản tường thuật nào trên báo chí nói về tình trạng trẻ em bị ngược đãi hay bị bỏ rơi bởi chính những người mẹ của chúng. Trẻ em bị chính cha mẹ chúng hay những người giám hộ đánh đập, đả thương, và đối xử hung bạo. Ngay cả những đứa bé mới chập chững biết đi cũng không được tha. Một số đứa bé còn bị cha mẹ chúng đánh đập cho đến chết trong những cơn giận dữ và thất vọng của họ.

Đôi khi một người mẹ, do thất vọng chuyện gì, đã quyết định tống hết con cái ra khỏi nhà hay cho chúng uống thuốc độc trước khi tự kết liễu đời mình. Điều này thật là sai lầm. Không ai có quyền tự giết mình, huống nữa là giết người khác, cho dù động cơ là yêu thương. Chúng ta cũng thường nghe nói đến những đứa trẻ bị cha mẹ chúng đem vứt bỏ ở ngã tư đường hay trong đống rác!

Có lẽ cũng nên lưu ý ở đây là chỉ có loài người mới bỏ rơi những đứa bé vô tội (không tự mình lo liệu lấy cho bản thân) của họ vì những lý do ích kỷ. Hành động này dường như còn thấp kém hơn những gì mà một con vật sẽ làm đối với con cái của nó. Bởi thế, có thể nói trong khi chúng ta lấy làm hãnh diện vì sắc đẹp, thông minh, tài trí và những thành tựu kỹ thuật của chúng ta, đôi lúc chúng ta còn hành động thấp thỏi hơn cả những con vật hạ đẳng nhất nữa vậy.

Những Vấn Đề Ở Mức Xã Hội

Với sự nổi lên của nền công nghiệp hoá đưa đến một xã hội tiêu thụ khổng lồ và sự thúc đẩy để tạo ra những ham muốn không bao giờ thoả mãn trên mức toàn cầu. Những kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã cho phép người ta được hưởng thụ những hàng hoá mà một thời chỉ dành cho tầng lớp có đặc quyền và số ít người giàu có. Mỗi năm hàng triệu đô-la đã được người ta sử dụng cho việc nghiên cứu những động cơ mua sắm của những người tiêu dùng nhờ thế những phương pháp tinh tế và không-tinh tế đã được kết hợp để đưa vào những hoạt động quảng cáo nhằm đẩy mạnh sức bán. Những chiến lược tiếp thị này không chỉ tìm cách nhận dạng những nhu cầu chưa được thoả mãn mà chúng còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những nhu cầu mới trước đây chưa có.

Họ dùng những biểu tượng và hình ảnh có tính toán để đánh vào tâm tiềm thức của con người nhằm tạo ra một ý thức về sự thiếu thốn. Và người tiêu dùng được bảo rằng họ chỉ có thể hạnh phúc nếu như họ có một vật (chỉ món hàng) hay nếu họ biết thường xuyên lui tới một dịch vụ nào đó. Chúng ta thấy cách quảng cáo này được sử dụng rộng rãi trên TV, các tạp chí và màn ảnh Xi-nê ở đây những người mẫu xinh đẹp được dùng để bán các sản phẩm, từ son phấn và sữa bột cho đến các mặt hàng sơn nhà và vỏ xe v.v...

Tuổi trẻ và sắc đẹp của thân người đã được người ta ca tụng. Những màn quảng cáo còn gợi ý rằng bạn nên mua một nhãn kem đánh răng không chỉ để làm sạch răng, mà để gia tăng sức hấp dẫn (tình dục) của bạn. Hoặc bạn sẽ lôi cuốn được sự khâm phục của hai cô thiếu nữ trẻ bằng cách uống một nhãn rượu mạnh đặc biệt nào đó. Hoặc bạn có thể có một cơ hội lãng mạng nếu bạn được bay với một hãng hàng không nào đó. (Trong dịch vụ quảng cáo của đường hàng không, các nữ tiếp viên hàng không được chú trọng hơn yếu tố an toàn và tính đáng tin cậy của du lịch hàng không.)

Đây là những phương pháp nhằm gia tăng sự thèm khát của xã hội hiện đại. Bức thông điệp có tác dụng chi phối đã gõ vào tai bạn là: ‘Cho dù bạn có nhiều bao nhiêu, bạn cũng vẫn không bao giờ có đủ. Bạn không thể nào biết thoả mãn!’ Những phương pháp này luôn tạo ra cho người ta một cảm giác lan toả về sự nghèo nàn tương đối và một ý thức về sự thiếu thốn.

Dường như họ muốn nói rằng: ‘Bạn không thể nào hạnh phúc nếu bạn không có một chiếc đồng hồ đeo tay hay một chiếc xe thể thao đúng mốt đem đến (cho bạn) uy danh, và, có lẽ cả sự lãng mạng nữa.’ Người bình thường hoàn toàn không ngờ là mình đã bị mắc bẫy bởi những kiểu quảng cáo khiêu khích này. Dù bạn kiếm được bao nhiêu một tháng— 600$, 6.000$ hay 60.000$, cũng mặc, bạn vẫn được xem là ‘nghèo’ với nghĩa không thể có những thứ đồ nào đó. Có đáng ngạc nhiên không, ngày nay ở các nước giàu cũng như ở các nước nghèo có nhiều, nếu không muốn nói là quá nhiều những tội phạm?

Sự Kích Thích Quần Chúng

Ngoài ra, phương tiện thông tin đại chúng còn dội tới tấp vào người đọc và người nghe những lời tuyên truyền và luận điểm vốn khiêu khích lòng thù hận và sợ hãi đối với chủng tộc khác, hay đối với tôn giáo, văn hoá, và chính phủ khác. Liệu điều này có không phản ánh lòng ghanh tỵ, thù hằn, và sự ngu dốt của xã hội, nói chung, và của cá nhân, nói riêng? Ca nhạc, khiêu vũ, và biểu diễn nghệ thuật mà vốn có ý định để thoả mãn tình cảm và đem lại sự thư giãn cho con người ngày nay đã trở thành những thứ thuốc phiện để tạo ra sự phấn khích và hiếu động, làm trỗi dậy bản chất thú vật trong con người.

Sự kích thích lòng khao khát của đám đông đến mức cuồng nhiệt cao độ trong xã hội hiện đại có một tiềm lực khủng khiếp phá huỷ hoàn toàn cấu trúc xã hội và tạo ra những hỗn loạn như hệ quả của nó. Trong một bài pháp của Ngài, Đức Phật đã chỉ ra cho mọi người thấy sự nguy hiểm của tham ái vị kỷ:

‘Quả thực, do tham ái vị kỷ, do tham ái vị kỷ làm duyên (tạo điều kiện), do tham ái vị kỷ thúc bách, do tham ái vị kỷ tác động, vua đánh nhau với vua, hoàng tử đánh nhau với hoàng tử, giáo sỹ với giáo sỹ, công dân với công dân, mẹ cãi nhau với con, con cãi nhau với mẹ, cha cãi nhau với con, con cãi nhau với cha, và anh em với chị em, chị em với anh em, bạn bè với bạn bè. Như vậy, có thói quen bất hoà, cãi nhau và đánh nhau, chúng lao vào nhau với nắm đấm, với gậy gộc, hay khí giới. Và bằng cách ấy chúng bị chết hay bị đau đớn đến chết.’

Tình trạng căng thẳng của bất ổn tinh thần, tình trạng bị cuốn hút trong cơn lốc của tham và sân ở mức xã hội, đã tự thể hiện trong những hình thức khác nhau. Điều đáng báo động và khủng khiếp nhất hiện nay là người ta đang biến thế giới này thành một trái bom nổ chậm thực sự. Ngày nay, mối đe doạ của sự huỷ diệt toàn cầu bằng vũ khí hạt nhân là một khả năng thực sự có thể xảy ra. Nếu như có một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu, không thể có ở bất cứ nơi đâu dưới ánh mặt trời này một chỗ an toàn cho con người trốn thoát. Ôi, loài người đã tự đẩy mình vào một tình trạng rối ren như thế nào!

Sự thăng tiến của khoa học mà vốn đã làm cho việc gõ vào nguồn năng lượng khổng lồ bên trong nguyên tử (atom) trở thành khả dĩ cũng đã đem lại biết bao nguy tai cho loài người. Bao lâu con người còn bị thống trị bởi vô minh, ích kỷ, bất công và những năng lực ác mang tính huỷ diệt tương tự khác, sẽ không ai được an toàn với họ.

Lịch sử ghi lại rằng cái ‘loé sáng loá mắt’ của trái bom nguyên tử đầu tiên ở Hiroshima đã thay đổi dòng lịch sử thế giới. Cái loé sáng toả phát từ Hiroshima đã tạo ra khổ đau, sợ hãi, thù hận và bấp bênh cho hàng triệu sinh linh ở khắp nơi trên thế giới. Tương phản hoàn toàn, cái ánh sáng vinh quang ‘loé lên và toả chiếu’ với sự giác ngộ của Đức Phật dưới cội Bồ Đề hơn 2500 năm trước cũng có ý nghĩa to lớn đối với số phận của con người. Ánh sáng ấy đã soi sáng đường đi cho nhân loại để vượt qua thế gian tăm tối, ngập tràn với tham lam, sân hận và si mê đến một thế gian sáng sủa ngập tràn với tình yêu thương, nhân ái và hạnh phúc.

Nhẫn Nại và Khoan Dung

Những ai có thể giữ được tâm tính vui vẻ trong những lúc khó khăn mới thực sự đáng được ngưỡng mộ và là một nguồn khích lệ cho những người khác. Nhờ nhận ra khía cạnh sáng sủa của mọi vật họ có thể tránh được những xung đột. Một người có trí có thể tránh được chuyện bất hoà nhờ biết đáp lại bằng những lời nói đùa và bằng những nhận xét thẳng về mình với một lời nói đùa khác. Khi một người làm nhục chúng ta, chúng ta phải biết làm thế nào để đương đầu với họ một cách nhẹ nhàng bằng một lời nói đùa hay thái độ dung hoà trong tâm trạng vui vẻ.

Bạn sẽ làm gì khi bạn bị thua trong một trò chơi? Bạn không nên bộc lộ tính khí nóng giận của bạn, vì khi làm thế không những bạn sẽ làm mất đi sự vui vẻ của trò chơi mà còn làm mất cả lòng kính trọng của bè bạn đối với bạn.

Mỗi người chúng ta ai cũng phải có trách nhiệm trong việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách gieo trồng những hạt giống kiên nhẫn, từ ái và chân thật tận sâu bên trong trái tim mình. Cuối cùng, một kỷ nguyên mới sẽ nở hoa và đem lại lợi ích cho chính thế hệ chúng ta và các thế hệ tương lai. Chỉ những con người có văn hoá như vậy mới biết cách làm thế nào để đương đầu với những khó khăn bằng sự cảm thông và hiểu biết. Biểu hiện của một con người vĩ đại nằm ở chỗ họ sẽ đương đầu với những khó chịu hàng ngày như thế nào với tâm bình thản. Kiên nhẫn thì cay đắng nhưng quả của nó lại ngọt ngào.

Tuy nhiên, cũng cần phải để ý, vì

‘Lười biếng thường bị hiểu lầm là kiên nhẫn.’ (Ngạn nữ Pháp)

Hãy kiên nhẫn với tất cả. Nóng giận sẽ dẫn bạn đi vào ngõ cụt. Trong khi nóng giận gây phiền phức và khó chịu cho người khác nó cũng làm tổn thương chính nó. Nóng giận làm suy yếu cơ thể và rối loạn tâm trí. Một lời nói lỗ mãng, giống như mũi tên đã buông ra khỏi cung, có thể không bao giờ lấy lại được, cho dù bạn có một ngàn lần xin lỗi.

Một vài sinh vật không thể nhìn thấy vào ban ngày trong khi số khác không thấy vào ban đêm. Nhưng một người bị sân hận kích động đến tột độ không còn thấy bất cứ thứ gì, dù là ban ngày hay ban đêm.

Thực ra khi bạn nóng giận, bạn tranh chấp với ai và với cái gì? Bạn tranh chấp với chính mình, vì bạn là kẻ thù tệ hại nhất của bạn đó vậy. Tâm là người bạn tốt nhất của chúng ta nhưng có thể nó cũng dễ dàng trở thành kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta nữa.

Một vài loại khác nhau của của bệnh tim, bệnh thấp khớp, và bệnh về da có thể được truy nguyên đến tình trạng bực bội, nóng giận và ganh tỵ kinh niên. Những cảm xúc có tính hủy diệt ấy đã đầu độc trái tim con người. Chúng giúp cho sự phát triển của những chứng bệnh tiềm tàng trong cơ thể chúng ta bằng cách làm suy giảm những chất đề kháng tự nhiên của cơ thể chống lại các vi trùng gây bệnh.

Hãy Cố Gắng Sống Tốt Một Cách Trí Tuệ

Chỉ một mình tri thức chắc chắn không thể cung cấp cách giải quyết cho nhiều vấn đề của chúng ta. Đôi khi tri thức tự nó còn có thể đẻ ra thêm nhiều vấn đề hơn nữa bởi vì những thái độ ích kỷ trong tâm con người. Lòng nhân từ, cảm thông, kham nhẫn, khoan dung, trung thực và quảng đại cũng không thể chặn đứng được một số vấn đề bởi vì những con người xảo quyệt, vô lương tâm có thể lợi dụng những đức tính tốt đó. Do đó chúng ta phải giữ gìn những đức tính tốt ấy một cách trí tuệ.

Có nhiều người tốt đã xúc động trước những nỗi khổ đau của nhân loại trên toàn thế giới. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhìn vào con số khổng lồ của các công trình phúc lợi mà nhiều tổ chức từ thiện xã hội đã làm. Những con người làm công việc phúc lợi xã hội này đang cố gắng để giảm bớt những vấn đề của con người song những đóng góp của họ cũng chỉ có thể làm giảm bớt được một vài vấn đề mà thôi.

Phân phát tài sản và bổ đồng lợi tức của quốc gia cho mọi người là cách họ giúp để ổn định những vấn đề của con người. Nhưng có vẻ như rằng phương pháp của họ cũng không hiệu quả mấy trong việc ổn định những vấn đề của con người bởi vì tính ích kỷ, xảo quyệt và những nhược điểm khác có thể làm đảo lộn tình thế. ‘Người có trí tìm được lợi ích từ kẻ thù nhiều hơn một người ngu nơi bạn bè của họ.’ (Baltasar Gracian)

Sự Nguy Hiểm Của Người Trí Không Tu Tập

Ngày nay chúng ta thậm chí xao lãng ngay cả sức khỏe của mình và sống cuộc sống hết sức buông thả,   nuông chiều các giác quan tới mức mà chúng ta đã trở thành những kẻ nô lệ cho việc tự thỏa mãn những ham muốn của mình. Trong một nghĩa nào đó tri thức không tu tập chính là nguyên nhân gây ra những vấn đề của chúng ta. Con người là sinh vật duy nhất trên hành tinh này phát triển được những khả năng tư duy của mình đến mức họ có thể hiểu được rằng một ngày nào đó họ sẽ phải giáp mặt với thần chết. Đó là lý do vì sao họ lại lo lắng một cách không cần thiết về việc chết. Tuy nhiên có lo lắng hay sợ hãi mấy cũng sẽ không làm cho cái chết lơ họ đi được. Thế thì tại sao chúng ta không điềm tĩnh mà chấp nhận nó?

Kịch tác gia Shakespeare đã buộc Julius Ceasar phải nói, ‘Trong tất cả những chuyện kỳ dị mà ta chưa được nghe và thấy, dường như đối với ta điều kỳ dị nhất là nỗi sợ (chết) của con người, biết rằng cái chết là một kết thúc tất yếu, nó sẽ đến, khi nào nó phải đến.’ Ngược lại, có những người rơi vào cực đoan khác và hoàn toàn không quan tâm tới đoạn kết của đời họ hay tới những gì sẽ xảy ra sau khi chết. Tuy nhiên, phần đông chúng ta không những biết lo đến những vấn đề đang khi còn sống mà cũng biết lo cho cả đời sau nữa.

Tất cả những sinh vật khác không hề biết lo đến vấn đề chết. Mặc dù chúng ta không thể dự đoán trước những gì sẽ xảy ra cho chúng ta trong tương lai, chúng ta cũng không cần phải lo lắng về điều ấy một cách thái quá. Khi một vài khó khăn và vấn đề phát sinh có một số cách và phương tiện giúp chúng ta củng cố vững chắc tâm của chúng ta để giảm bớt những nỗi khắc khoải và buồn đau.

Trước tiên và quan trọng hơn hết là chúng ta phải cố gắng để hiểu bản chất của thế gian trong đó chúng ta sống. Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta chẳng thể nào trông đợi mọi thứ trong đời này được hoàn hảo và diễn ra một cách êm xuôi trôi chảy. Phải nhớ rằng thế gian không phải lúc nào cũng ưu đãi chúng ta.

Trong thực tế thì không ai có thể thực hiện hạnh phúc và an lạc cho chúng ta được ngoài chúng ta. Biết rõ điều này chúng ta phải có trách nhệm đối với cuộc sống của chúng ta. Con người luôn luôn oán trách thế gian. Không phải có điều gì sai với thế gian mà chỉ có cái gì đó nơi chúng ta sai mà thôi.

Sợ Hãi và Lo Lắng

Sợ hãi và lo lắng thường phát sinh do trí tưởng tượng của một cái tâm bị ảnh hưởng bởi các pháp thế gian. Chúng bám rễ trong tham ái và chấp thủ. Thực sự, cuộc sống giống như một cuộn phim (xi-nê) trong đó mọi thứ chuyển động và thay đổi không ngừng. Không có gì trong thế gian này là thường hằng hay đứng yên. Người trẻ và khỏe mạnh thì mang nỗi sợ hãi về tuổi trẻ đang ngắn dần. Người già và đau khổ thì lo sao mà cuộc sống dài quá. Mắc kẹt giữa hai nỗi lo này là những người lúc nào cũng khát khao dục lạc. Những mong đợi đầy hân hoan về một niềm vui hay hạnh phúc nào đó dường như biến mất quá nhanh. Trong khi những chờ đợi đầy sợ hãi về một điều khó chịu nào đó tạo ra những nỗi lo hình như không chịu mất đi. Những cảm giác ấy là tự nhiên. Những thăng trầm của cuộc sống đùa chơi với cái ngã hay cái tôi ảo tưởng này giống như những con rối nhảy múa trên sợi dây vậy. Tuy nhiên tâm chúng ta vẫn cao siêu hơn. Việc luyện tập tâm, hay còn gọi là tu tập tâm, là bước đầu tiên để chế ngự tình trạng lo lắng không yên của tâm. Đức Phật đã giải thích trong kinh Pháp Cú:

‘Do ái sanh sầu ưu,

Do ái sanh sợ hãi,

Ai thoát khỏi tham ái,

Không sầu, đâu sợ hãi.’

Mọi chấp thủ rồi sẽ kết thúc trong sầu muộn. Không có giọt nước mắt nào cũng chẳng có lời từ biệt nào có thể chấm dứt được tính chất nhất thời hay vô thường của cuộc sống. Các pháp hữu vi vốn vô thường! Già và trẻ đều phải chịu khổ đau trong cuộc hiện hữu này. Chẳng ai được miễn trừ. Nhiều bạn thiếu niên đã sớm có những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Chẳng phải ếch cũng không phải nòng nọc (có lẽ muốn ám chỉ tình trạng của tuổi thiếu niên: không còn nhỏ dại (như nòng nọc) cũng chưa trưởng thành (như ếch) để có đủ kinh nghiệm đối đầu với cuộc sống. ND), có thể hiểu được là tuổi thiếu niên rất thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng những mối quan hệ bền vững với người khác phái. Họ cố gắng để phô bày cái đẹp của mình nhằm gây ấn tượng cho người khác phái vốn tự xem mình như những đối tượng để thỏa mãn tình dục. Cả hai đều cố gắng cư xử với nhau không như hiện thực họ đang là mà như những gì họ nghĩ mình là người lớn. Họ e rằng nếu họ cư xử với nhau một cách tự nhiên (như trẻ thơ) thì sẽ bị mọi người cười cho.

Tất nhiên cư xử như thế sẽ có khả năng bị lợi dụng. Tuổi trẻ thường có nỗi sợ hãi bị đào thải cũng như nỗi lo khi cái tôi bị đụng chạm. Tình yêu không được đáp trả luôn luôn làm ‘tan vỡ’ biết bao trái tim của tuổi thiếu niên bởi vì họ cảm thấy như mình đã xử sự một cách ngốc nghếch. Có số thậm chí còn bị đẩy tới chỗ tự tử. Tuy nhiên sự kích động ấy có thể tránh được nếu họ biết nhìn cuộc sống đúng như nó là. Vì vậy cần phải dạy cho người trẻ hôm nay cách tiếp cận cuộc sống theo tinh thần đạo Phật, để cho họ có thể trưởng thành đúng cách.

Đức Phật nói: ‘Chỗ nào sợ hãi sanh, nó sanh nơi kẻ ngu, chứ không nơi người trí.’ Thực ra sợ hãi chẳng qua chỉ là nỗi lo sợ của tâm. Do đó tâm phải được kiểm soát và đặt đúng hướng; dùng tư duy một cách tiêu cực sẽ tạo ra sợ hãi; dùng tư duy một cách tích cực sẽ biến niềm hy vọng và lý tưởng thành hiện thực. Sự chọn lựa hoàn toàn nằm nơi chúng ta.

Mỗi người chúng ta ai cũng có khả năng để kiểm soát tâm của mình. Thiên nhiên đã phú cho con người khả năng kiểm soát tuyệt đối tư duy hay ý nghĩ của họ. Mọi chuyện con người tạo ra đều bắt đầu dưới hình thức của một ý nghĩ. Đây chính là chiếc chìa khóa giúp người ta hiểu ra nguyên tắc mà qua đó họ có thể khắc phục được sự sợ hãi. Một nhà phẫu thuật lừng danh người Anh có lần   được một sinh viên hỏi thế nào là cách chữa tốt nhất cho sự sợ hãi, và ông đã trả lời: ‘Cố gắng làm một điều gì đó vì hạnh phúc của người khác.’

Người sinh viên rất kinh ngạc trước câu trả lời ấy, và đã hỏi lại để sáng tỏ thêm, nhân đó thầy anh mới nói, ‘Bạn không thể có hai loại tư duy đối nghịch nhau trong tâm cùng một lúc.’ Loại tư duy này sẽ luôn luôn đẩy loại tư duy khác ra. Chẳng hạn, nếu tâm bạn hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi một ý tưởng muốn giúp đỡ người khác, lúc đó bạn không thể giữ trong lòng nỗi sợ hãi được.

‘Lo lắng làm máu khô cạn sớm hơn tuổi già.’

‘Tôi không bao giờ đem một vấn đề nào đó lên giường với tôi khi đi ngủ.’ (Harry S Truman)

Sợ hãi và lo lắng chừng mực là những bản năng sinh tồn tự nhiên. Nhưng thường xuyên sợ hãi vô lý và lo lắng kéo dài là những kẻ thù nguy hại đối với cơ thể con người. chúng làm xáo trộn những chức năng bình thường của cơ thể. ‘Người ngu không chấp nhận mình ngu là ngu đích thực. Và người ngu biết chấp nhận mình ngu thì ít ra cũng là người trí tới mức đó.’ (Đức Phật)

Kiểm Soát Tâm

Tâm con người ảnh hưởng đến thân một cách sâu sắc. Tâm có nhiều khả năng là thuốc trị bệnh chẳng kém gì khả năng là thuốc độc của nó. Khi tâm xấu xa độc ác, nó có thể giết chết một người nhưng khi tâm vững vàng và cần chuyên nó có thể làm lợi ích cho mọi người. ‘Nổi khùng thì dễ, ai làm cũng được — nhưng giận dữ với đúng người, giận tới đúng mức, đúng lúc, với đúng mục đích, và bằng đúng cách —   điều đó không dễ và không phải ai cũng có thể làm được.’ (Aristotle)

Khi tâm được tập trung trên những tư duy chân chánh, được hỗ trợ bởi tinh tấn chân chánh và sự hiểu biết chân chánh, hiệu quả nó tạo ra là vô cùng. Một cái tâm với những tư duy trong sáng và hiền thiện sẽ đưa đến một cuộc sống lành mạnh và thư thái. ‘Thắng người là sức mạnh, thắng mình là (bản lĩnh) phi thường.’ (Lão Tử)

Đức Phật nói: ‘Không có kẻ thù nào có thể làm hại chúng ta nhiều như những tư duy tham ái, tư duy sân hận, tư duy ganh tỵ v.v... của chính chúng ta.’

Người không biết làm thế nào để điều chỉnh tâm mình cho phù hợp với hoàn cảnh thì không phải là con người đích thực. Hãy xoay tâm của bạn vào bên trong, và cố gắng để tìm sự bình yên trong chính bạn. Chỉ khi tâm được kiểm soát và đặt đúng hướng nó mới trở nên hữu ích cho người chủ của nó và cho xã hội. Một cái tâm bất trị kể như một món nợ không những cho chủ sở hữu của nó mà cho cả người khác nữa. Tất cả những hành động khủng khiếp trên thế gian này đều là sự sáng tạo của những con người không biết cách kiểm soát tâm.

‘Bên dưới rốn không có tôn giáo cũng chẳng có chân lý.’ (Ngạn ngữ Ý)

Điềm tĩnh không phải là nhu nhược. Một thái độ điềm tĩnh lúc nào cũng tỏ ra là một con người có văn hóa. Có lẽ không đến nỗi quá khó để chúng ta giữ được thái độ điềm tĩnh khi mọi việc diễn ra thuận lợi, nhưng giữ được thái độ này khi mọi việc xảy ra đến mức tồi tệ mới thực sự khó.

Song chính cái khó ấy mới đáng để thành tựu, vì nhờ rèn luyện sự điềm tĩnh và kiểm soát tâm như vậy, người ta xây dựng được sức mạnh của nhân cách. ‘Một người nóng giận, khi tỉnh trí, sẽ giận lại chính mình.’ (Publilius Syrus) ‘Cách chữa hữu hiệu nhất cho sự nóng giận là hãy nán lại một chút (trước khi giận).’ (Seneca)

Sống Theo Tự Nhiên

Con người hiện đại không sống thuận theo tự nhiên bởi vì họ cứ mãi bận tâm với những lợi lạc vật chất và các thú vui trần tục. Phải nói rằng những dục lạc thế gian ám ảnh hoạt động tâm trí của họ qúa mức đến độ họ xao lãng luôn cả những nhu cầu phát triển đạo đức.

Cách cư xử không tự nhiên của con người thời đại này đã lập tức đưa đến một thế giới quan sai lầm về kiếp nhân sinh và mục đích tối hậu của nó. Và đó cũng là nguyên nhân của mọi chán nản, thất vọng, sợ hãi, và bất ổn của thời đại chúng ta.

Nếu con người tàn nhẫn và độc ác, sống ngược với những quy luật của thiên nhiên và vũ trụ, những hành động, lời nói, và ý nghĩ của họ làm ô nhiễm toàn bộ môi trường này. Thiên nhiên bị lạm dụng sẽ không cung cấp những gì con người cần phải có cho sự sống của họ nữa; thay vào đó, những mâu thuẫn, xung đột, dịch họa, và thiên tai chắc chắn sẽ xảy tới cho con người.

Nếu con người sống thuận theo quy luật tự nhiên, sống một cuộc đời chánh trực, làm trong sạch môi trường bằng những công hạnh của mình và phát tỏa tâm từ bi đến với các chúng sinh khác, họ có thể đạt được chân hạnh phúc. Người thực sự yêu thích hoà bình sẽ không xâm phạm quyền tự do của mọi người. Thật là sai lầm khi gây rối và lừa đảo người khác vậy.

Bạn có thể là một con người rất bận rộn, nhưng ít nhất mỗi ngày hãy biết dùng vài phút vào việc tập trung (hành thiền) hay đọc một vài cuốn sách giá trị nào đó. Thói quen tốt này sẽ giải toả những lo lắng cho bạn và giúp cho tâm bạn phát triển. Tôn giáo có mặt là vì lợi ích của bạn. Do đó, bổn phận của bạn là phải tư duy về tôn giáo mà bạn đang theo. Dành một số thời gian để tham dự những cuộc hội họp với nhau, được tổ chức trong một bầu không khí thâm tình, đạo vị. Dù chỉ một thời gian ngắn sinh hoạt cùng với những người có khuynh hướng tâm linh như vậy cũng sẽ tạo ra những kết quả tốt đẹp.

Pythagoras nói, ‘Thế gian là một chuỗi những thay đổi, đôi lúc thuận lợi cho bạn và có khi trái ngược với những mong đợi của bạn. Khi bạn ở vào địa vị lãnh đạo, hãy làm tốt; khi bạn bị thống trị, hãy biết chịu đựng.’ Không ai sử dụng một phương pháp khác thường mà có thể thành công và tăng trưởng thực sự trên con đường tâm linh lành mạnh cả.

Hạnh Phúc và Khuynh Hướng Vật Chất

Đức Phật dạy rằng mọi khổ đau của chúng ta xuất phát từ tham muốn ích kỷ đối với những lạc thú mà tiền bạc có thể mua được, xuất phát từ những tham muốn quyền lực thống trị người khác, và, quan trọng nhất trong số đó, là muốn được trường tồn, ngay cả sau khi chết! Chính lòng tham đối với những điều này làm cho con người trở nên ích kỷ. Họ chỉ nghĩ đến bản thân họ, chỉ muốn chiếm mọi thứ cho bản thân họ, chứ không màng đến những gì xảy ra cho người khác. Khi những ước muốn của họ không thành sự thực họ trở nên bất mãn, ăn ngủ không yên. Cách duy nhất để tránh tình trạng bồn chồn, bất an này là làm sao loại trừ những tham muốn vốn là nguyên nhân của nó ấy. Tất nhiên, điều này rất khó; nhưng khi chúng ta thành công, chúng ta sẽ hiểu được giá trị của nó.

Nhiều người tin rằng chỉ cần có tiền là họ có thể giải quyết được mọi vấn đề. Song họ không nhận ra là tiền tự nó cũng có những vấn đề đi kèm theo nó. Tiền không thể giải quyết được mọi vấn đề. Và điều này hầu hết mọi người chưa bao giờ nghĩ đúng, vì thế mà suốt cuộc đời mình họ cứ như những con chó đua rượt đuổi theo con thỏ mồi vậy.

Khi cuộc rượt đuổi chấm dứt, mọi sôi nổi biến mất. Tình trạng này rất giống như bản chất của dục lạc trong thế giới thần tiên của chủ nghĩa vật chất. Ngay khi người ta đạt được điều mình mong ước, hạnh phúc liền chấm dứt và mong ước khác phát sanh. Đạt được mục đích có vẻ như không hoàn toàn thỏa mãn bằng chính sự rượt đuổi.

Khi chúng ta mất một vật gì, hãy nhớ đến lời khuyên sau:-

‘Đừng bảo cái này là của anh,

và cái đó là của tôi,

Phải nói, cái này đến với anh

và cái đó đến với tôi,

Nhờ thế chúng ta không hối tiếc

ánh nắng chiều tàn phai,

Của những vinh quang đã tắt.’

Của cải không phải là cái để bạn tích lũy vì lòng tham. Mục đích của nó là vì sự an sinh của bạn cũng như của những người khác. Hãy cố gắng biến thế giới chung quanh bạn thành một nơi tốt hơn để sống. Hãy sử dụng của cải của bạn một cách trí tuệ để giảm bớt những thống khổ của người nghèo, người bịnh, và người già. Hoàn thành những bổn phận của bạn đối với đồng bào, xứ sở và tôn giáo của bạn.

Khi đã đến lúc để bạn giã từ cuộc đời này, hãy hình dung sự bình yên và phúc lạc bạn có thể mang theo khi bạn nhớ tới những hành động vị tha và tốt đẹp mà bạn đã làm trong quá khứ. Tìm kiếm sự giàu sang bằng con đường cờ bạc chẳng khác nào trông đợi một đám mây bay qua che nắng cho chúng ta. Trái lại, mong mỏi tài sản qua sự cần cù làm việc cũng vững chắc như xây một chỗ che mưa che nắng lâu bền vậy.

‘Tài sản sẽ để lại đằng sau khi bạn chết. Thân bằng, quyến thuộc sẽ theo bạn ra tới nấm mồ. Song chỉ   những hành động (nghiệp) tốt hoặc xấu bạn đã làm lúc sinh thời sẽ theo bạn qua bên kia thế giới.’

Hoàn thành những giấc mơ giàu sang nghe có vẻ như trò ảo thuật, nhưng sợ hãi và lo lắng luôn nằm chờ cho những trò ảo thuật ấy tiêu đi. Lối sống giàu sang cũng mang lấy một phần rối loạn tinh thần của nó. Càng nhiều của cải bất chính, những việc đơn giản như tình bạn, sự tín nhiệm và niềm tin, mà trong một số trường hợp được xem như chuyện đương nhiên trong cuộc sống, trở thành bất khả đắc. Do đó khi một lối sống bắt đầu tạo ra sự bất ổn, nó đòi hỏi phải có trí tuệ để đưa mình vào trong chính đạo trở lại.

Của cải cũng có những cân đối của chúng; hạnh phúc của việc làm chủ tài sản sẽ giảm bớt theo sự   sợ hãi và lo lắng về chuyện mất chúng. Vì thế, để có được hạnh phúc chúng ta phải hoạch đắc tài sản một cách chính đáng. Đức Phật nói ‘Hạnh phúc thay ai kiếm sống không làm hại kẻ khác’. Hạnh phúc không thể nào trường cửu và có ý nghĩa nếu của cải kiếm được để lại bao sầu muộn và đau khổ cho kẻ khác. Giàu sang mà khinh người khơi dậy lòng ganh ghét; nhưng giàu sang khéo cư xử được người kính trọng.

Của cải chỉ có thể mở rộng nhà cửa của bạn chứ không mở mang (trí tuệ) bạn. Áo quần có thể trang hoàng cho thân xác bạn chứ không phải bạn. Chỉ có đức hạnh mới có thể trang hoàng cho bạn vậy.

Cuối cùng, thật là một niềm vui khi biết rằng ‘Hạnh phúc là một thứ nước hoa bạn không thể rưới lên người khác mà không dính được vài giọt cho mình.’ Thế gian có thể không được như những gì bạn mong muốn song bạn có thể hiệu chỉnh lòng mình để tìm được hạnh phúc trong ấy. Chỉ khi bạn biết chịu đựng đau khổ vì làm điều thiện bạn mới có thể vượt lên trên những người khác trong sự hiểu biết và hạnh phúc cá nhân.

‘Nếu chúng ta muốn mưu tìm hạnh phúc, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tri ân và vong ân, hãy đánh đổi lấy niềm vui tâm hồn bằng việc bố thí. Vong ân là (hiện tượng) tự nhiên — giống như cỏ dại. Tri ân tựa như bông hồng. Nó phải được nuôi dưỡng, tưới nước, vun bồi, yêu thương và bảo vệ.’ (Dale Carnegie)

Người trí không dung chứa những cảm xúc liên quan đến chuyện được-mất, hơn-thua. Theo cách này, họ luôn luôn sống trong niềm vui vì có được sự bình yên tâm hồn. Con người phải biết cách làm thế nào để sử dụng tuổi trẻ, của cải và kiến thức của mình đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách vì lợi ích của bản thân cũng như lợi ích của tha nhân. Nếu dùng sai những đặc ân ấy, họ sẽ chỉ đưa mình tới chỗ bại vong.

‘Con người phải đủ mạnh để biết khi mình yếu, đủ can đảm để đương đầu với sợ hãi, tự hào và bất khuất trong chiến bại, khiêm tốn và hòa nhã trong chiến thắng.’

Cuộc sống trong thời hiện đại đã trở nên vô cùng căng thẳng và bấp bênh. Mặc dù phải công nhận một sự thực là tiêu chuẩn sống nói chung đã được nâng cao, con người vẫn đau khổ triền miên dưới sức nặng của cuộc sống ngày nay. Thể trạng của con người ta suy giảm tới mức họ thường bị chết sớm bởi những chứng bệnh giết người như ung thư, suy tim, tiểu đường, v.v... ở một mức độ có thể nói là xưa nay chưa từng có.

Về phương diện tinh thần, con người bị căng thẳng ức chế đến nỗi họ quên mất cả nghệ thuật thư giãn, thậm chí không thể hưởng được những giấc ngủ ngon nếu không có sự trợ giúp của các loại thuốc an thần. Trong tình trạng này, những quan hệ giữa người và người trở nên dễ dàng đổ vỡ và tổn thương đến nỗi tỷ lệ li dị tăng cao một cách đáng lo ngại, dẫn đến một chuỗi những vấn đề xã hội khác như những trẻ em bơ vơ không ai chăm sóc, thiếu niên phạm pháp, tự tử, v.v... Như vậy cuộc sống đã trở thành một gánh nặng khó giải quyết và một giải pháp để làm cho cuộc sống tốt hơn và thú vị hơn là một nhu cầu vô cùng cấp bách.

‘Chúng ta sống, làm việc và mơ mộng,

Mỗi người có kế hoạch nhỏ của mình,

Đôi khi chúng ta cười;

Có lúc chúng ta khóc,

Và cứ thế tháng ngày trôi qua.’

Một số người có những phước báu được hưởng tài sản bất ngờ nhờ cơ hội thừa kế. Nhưng rất ít trong họ có đủ trí tuệ để bảo vệ, giữ gìn, hay sử dụng tài sản ấy một cách có ích. Có thể nói bất cứ cái gì không kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt của mình thường có khuynh hướng bị lãng phí do lạm dụng. ‘Một người nghèo có thể có hạnh phúc; nhưng một người hạnh phúc thì không nghèo.’

Trong thời đại thoả mãn khoái lạc vật chất này, con người không quan tâm nhiều đến đời sống sau khi chết. Chân lý của đạo Phật là con người sẽ gặt những gì họ gieo. Nếu một người sống một đời sống đạo đức, có ích và sống đến tuổi già với một ý thức về sự chu toàn (bổn phận), biết tri túc và buông xả, họ không có những hối tiếc. Một đời sống biết khéo sử dụng và vô lỗi, theo đạo Phật, sẽ mang lại niền an lạc, hạnh phúc qua cả đời sau. Một người như vậy được gọi là người từ ánh sáng đi đến chỗ sáng hơn (joti joti parayano, A. II,86).

Tự Điều Chỉnh Mình

Trong một bài kinh, Đức Phật đã giải thích cách làm thế nào để chuẩn bị cho mình một cái chết an lạc. Trước tiên người ta phải biết tổ chức cuộc sống của mình và trau dồi một thái độ thích hợp cho mục đích ấy. Những hướng dẫn mà Đức Phật đưa ra có thể tóm tắt như sau:

1. Không nên ưa thích đời sống bận rộn, dính dáng đến quá nhiều công việc.

2. Không nên ưa thích nói nhiều.

3. Không nên ưa thích ngủ nghỉ.

4. Không nên ưa thích bè bạn quá nhiều.

5. Không nên ưa thích giao tiếp xã hội nhiều.

6. Không nên ưa thích mơ mộng.

Phong tục và truyền thống là những ràng buộc quan trọng đối với việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nhân văn trong bất kỳ cộng đồng nào. Tình trạng lưỡng nan mà chúng ta phải đương đầu trong một thế giới hằng thay đổi này là nên chấp nhận quá khứ hay nên cắt đứt quá khứ. Sẽ luôn luôn có một ‘khoảng cách thế hệ’ giữa lớp người già và lớp người trẻ do nhận thức khác biệt về những hoàn cảnh và giá trị đang thay đổi. Lớp già thì sợ lớp trẻ có thể đánh mất đi những di sản của họ còn lớp trẻ thì lo rằng một quá khứ cổ điển có thể trở thành một chướng ngại trong cuộc sống hiện đại. Nói gì thì nói, mọi thay đổi phải luôn luôn được cân nhắc một cách thận trọng.

Văn hoá bình dân sáng tạo ra những thần tượng có tính nhất thời và những anh hùng dân gian miêu tả sinh động hình ảnh của những lối sống xung đột nhau. Phương tiện thông tin đại chúng giúp củng cố cho điều này và những tâm hồn trẻ dễ chấp nhận mọi thứ mà họ ủng hộ. Tất nhiên có thể có những bức thông điệp mang nội dung chính trị hay xã hội trong những phong trào của giới trẻ như phong trào Hippie hay phong trào Yuppie nhưng điều quan trọng hơn cả là giới trẻ phải có được trí tuệ của người già để tách bạch cái tốt từ cái xấu. Những giá trị cũ đã được thời gian thử thách và chứng tỏ là tốt đẹp sẽ không thay đổi. Những giá trị muôn thuở như tính cần kiệm, trung thực, khoan dung, nhân từ và cố gắng làm việc vì một cuộc sống xứng đáng luôn giữ được sự tươi mới của nó trong bất kỳ cộng đồng nào.

Trong một gia đình Á-châu, những truyền thống cũng như tục lệ cưới hỏi và tang lễ rất quan trọng. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên tiêu dùng thật nhiều tiền bạc và thời gian để thực hiện những phong tục và truyền thống này trong thời buổi hiện đại hay không. Liệu những phong tục ấy có thực sự cần thiết hay không? Có lẽ không có lời khuyên nào tốt hơn những gì Đức Phật đã đưa ra trong bài Kinh Kalama: ‘Khi các người tự mình biết, những ý tưởng này không đem lại lợi ích, có thể bị chỉ trích, bị lên án bởi những người có trí , nếu chấp nhận và áp dụng những ý tưởng đó sẽ đem đến tai hại và khổ đau, thời các người nên từ bỏ chúng… Khi các người tự mình biết, những điều này là thiện, không lỗi, được người có trí khen ngợi, nếu chấp nhận và đưa chúng vào sử dụng sẽ dẫn đến an lạc và hạnh phúc, thời các người nên thực hành chúng và tuân giữ chúng’.

Mỗi người là một sinh vật của vũ trụ. Bao lâu con người còn quan tâm đến xã hội loài người và sắp đặt lại trật tự của thế gian sao cho tốt hơn, thời gian sẽ luôn luôn lấp đi khoảng cách giữa người trẻ và người già. Lo lắng và sợ hãi về hướng thay đổi sẽ không giải quyết được tình thế.

Người già chỉ cần nhớ rằng chính các bậc cha mẹ của họ cũng đã từng chống đối một vài lối sống hiện đại thịnh hành vào cái thời mà họ còn trẻ. Khoan dung những dị biệt về một vấn đề nào đó là một đức tính tốt. ‘Hãy yêu thương kẻ thù (của bạn), vì họ đã nói cho bạn biết những lầm lỗi của bạn.’ (Benjamin Franklin)

Tộc trưởng của một ngôi làng nọ có một người cha rất nóng tính. Mỗi lần ông già nổi nóng, ông quát tháo vang nhà và la mắng con mình thậm tệ. Mặc dù tính tình của ông cả làng đều biết, song những cơn giận ấy cũng gây ra bao sự bối rối và thường quấy động tâm trí của những người khác.

Một hôm, người tộc trưởng đem treo một cái chuông sắt bên ngoài căn nhà của anh ta và dặn đám trai tráng trong làng rằng mỗi lần cha anh có la mắng anh thì hãy đánh liên tục vào đó. Tiếng chuông lanh lảnh ầm ĩ đã thu hút sự chú ý của nhiều người, và chẳng bao lâu ông già nhận ra là mình đang xử sự như một thằng ngốc và thôi không còn la mắng con trai ông nữa.

Lấy Ân Báo Oán

Nếu bạn muốn loại bỏ những kẻ thù của mình, trước hết bạn phải giết chết kẻ thù lớn nhất bên trong bạn hay sự nóng giận của bạn. Nếu như bạn bị lo lắng bởi những lao xao từ phía kẻ thù, điều đó có nghĩa là bạn đang hoàn thành những mong muốn của kẻ thù bằng cách đi vào cái bẫy của họ mà không hay biết. Bạn không nên nghĩ rằng bạn chỉ có thể học hỏi từ những người khen bạn, giúp bạn, và có quan hệ mật thiết với bạn.

Thực sự bạn có thể học được nhiều điều từ nơi kẻ thù của bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng họ hoàn toàn sai chỉ vì họ vô tình là kẻ thù của bạn. Có thể họ cũng có một vài đức tính tốt trong đó. ‘Cho một kẻ thù mượn, bạn sẽ có thêm được anh ta; cho một người bạn vay, bạn sẽ mất anh ta.’

Bạn không thể loại bỏ kẻ thù bằng cách lấy oán báo oán; vì làm thế bạn sẽ chỉ mời vào nhiều kẻ thù thêm nữa mà thôi. Phương pháp tốt nhất để đánh bại kẻ thù của bạn là rải tâm từ ái của bạn đến cho họ. Bạn có thể cho rằng điều này là bất khả hay là một điều gì đó vô lý. Thế nhưng đó lại là cách đã được chứng minh (là có hiệu quả) của những người có văn hoá.

Khi bạn biết rằng có một người nào đó rất giận bạn, trước hết bạn nên cố gắng tìm ra nguyên nhân chính của nó. Nếu đó là do lỗi của bạn, bạn phải nhìn nhận nó và đừng ngại xin lỗi anh ta. Nếu đó là do một vài hiểu lầm giữa hai bên, bạn phải làm cho anh ta sáng tỏ bằng một cuộc nói chuyện thâm tình. Nếu đó là do lòng ganh tỵ, cố gắng rải tâm từ ái của bạn đến cho họ. Chắc chắn bạn có thể ảnh hưởng đến anh ta bằng những rung động từ ái của tâm bạn.

Có thể bạn không hiểu được việc rải tâm từ vận hành như thế nào nhưng kinh nghiệm của nhiều người đã chỉ ra cho thấy rằng nó là phương pháp dễ dàng, trí tuệ và có năng lực nhất để chiếm được tình bạn. Rải tâm từ hết sức được khuyên trong đạo Phật. Lẽ dĩ nhiên, để làm được điều này, bạn phải có niềm tin và sự kiên nhẫn. Nhờ rải tâm từ bạn có thể làm cho kẻ thù hiểu được rằng là họ sai. Ngoài ra, bạn cũng được lợi ích trên nhiều phương diện vì không chứa chấp oán thù trong tâm.

Điều mình không muốn chớ làm cho người khác. (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.)

Không Thành Kiến

Bạn không nên đi đến một quyết định vội vã liên quan đến bất kỳ vấn đề gì khi bạn đang trong tâm trạng khó chịu hay đang bị khiêu khích. Bất cứ một quyết định hay kết luận nào đưa ra trong giai đoạn như thế sẽ trở thành một vấn đề mà bạn có thể hối tiếc về sau. Trước tiên hãy để cho tâm bạn lắng xuống và suy nghĩ. Lúc ấy, sự phán xét của bạn sẽ là một sự phán xét không thành kiến, vô tư. Hãy trau dồi đức tính khoan dung, vì khoan dung giúp bạn cảm thông được với những phiền muộn của người khác. Tránh những lời chỉ trích, bình phẩm không cần thiết. Cố gắng nhận ra rằng ngay cả người được xem là tinh tế nhất cũng không thể không mắc sai lầm. Nhược điểm bạn tìm thấy nơi người láng giềng cũng có thể tìm thấy nơi chính bạn. Người ta nói rằng bạn không nên ném đá vào người khác khi bạn đang ngồi trong nhà kính. Khiêm tốn là biện pháp của người trí để biết được sự khác nhau giữa cái gì quan trọng và cái gì không.

‘Chính Đức Phật đã khởi sự sứ mạng (độ sanh) của Ngài bằng cách vứt bỏ mọi niềm kiêu hãnh hoàng thân của Ngài trong một hành động tự hạ thấp mình ôm bát đi xin ăn. Ngài chứng đắc giác ngộ ngay trong cuộc sống, nhưng không bao giờ đánh mất tính tự nhiên của Ngài, không bao giờ làm ra vẻ bề trên. Những câu truyện ngụ ngôn để răn đời của Ngài không có ý định để khoe khoang. Ngài dành thì giờ cho cả những người xuất thân hèn mọn nhất. Không bao giờ Ngài để mất tính khôi hài của Ngài.’

Phí phạm kiếp người để lo chuyện tương lai, tiếc nuối quá khứ, hay để ăn không ngồi rồi hoặc dễ duôi biếng nhác, là đã chứng tỏ sự không thích hợp của bạn đối với vị trí cao quý mà bạn đang giữ như một chúng sinh ưu tú trong muôn loài chúng sinh của địa cầu này (tối linh ư vạn vật). Và như vậy bạn đã tạo ra cho mình những thái độ tinh thần xấu mà chính thói xấu ấy sẽ hạ bệ bạn xuống một nơi thích hợp với tình trạng đáng khinh của bạn. Hãy nhớ trong tâm điều này, và cố gắng làm tốt khi cuộc sống hãy còn. Do hoang phí thời giờ, bạn không chỉ làm hại mình mà còn làm hại cả những người khác nữa, vì thời giờ của bạn là thời giờ của người khác và thời giờ của người khác cũng là thời giờ của bạn vậy.

Bao lâu còn có một đồng loại để bạn có thể an ủi hay khuyên giải bằng những lời ân cần của bạn, còn có một người để bạn có thể đem lại niềm vui và hân hoan bằng sự hiện diện của bạn, hay còn có một người để bạn có thể giúp đỡ bằng những sở hữu vật chất của mình, dù của từ thiện ấy có thể ít ỏi như thế nào, bạn vẫn là một sở hữu quý giá đối với nhân loại.

Bạn đừng bao giờ nên chán nản hoặc thất vọng. Có thể có lắm lần những người mà bạn yêu thương không quan tâm gì đến bạn, và bạn thường mang một tâm trạng đau buồn. Nhưng đó không phải là lý do chính đáng để chán chường. Bao lâu bạn biết rằng bạn còn chan chứa tình thương đối với đồng loại của mình thì những chuyện nhỏ nhặt ấy có thành vấn đề không? Chúng ta không nên lệ thuộc vào người khác cho hạnh phúc của mình.

Đời Sống Hôn Nhân

Trong một cuộc hôn nhân chân chính, người nam và người nữ thường nghĩ đến sự hợp tác (vợ chồng) hơn nghĩ đến bản thân họ. Một cảm giác an ổn và mãn nguyện xuất phát từ những nỗ lực hỗ tương. Thiếu kiên nhẫn và hiểu lầm là nguyên nhân của hầu hết những vấn đề gia đình từ trước đến nay.

‘Nhà khảo cổ là người chồng lý tưởng nhất mà một phụ nữ nên có. Vì bà càng già thì ông càng thích thú, quan tâm đến bà nhiều hơn.’ (Agatha Christie)

Một người vợ không phải là người đầy tớ của chồng nàng. Cô cũng đáng được kính trọng ngang nhau. Mặc dù người chồng có những bổn phận của người trụ cột trong gia đình, song giúp vợ làm những công việc lặt vặt trong gia đình cũng không hạ thấp tính chất đàn ông của người chồng xuống. Trong khi đó, một người vợ chì chiết và gắt gỏng chắc chắn không bù đắp được gì cho những thiếu hụt trong gia đình. Và sự ngờ vực của cô ta về người chồng cũng sẽ không giúp tạo nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

‘Nếu bạn muốn vợ bạn lắng nghe những gì bạn nói, hãy nói đến một người phụ nữ khác.’ Nếu chồng bạn có những khuyết điểm, chỉ những lời nói khoan dung và ân cần mới làm cho anh ta hiểu ra và chấp nhận. Hiểu biết chân chánh và đức hạnh là khía cạnh thực tiễn của trí tuệ.

‘Người phụ nữ phải lòng (ai) qua đôi tai (thích nghe lời đường mật) còn người đàn ông thì qua đôi mắt (thích sắc đẹp).’ (Woodrow Wyatt)

Hôn nhân là một phúc lành nhưng nhiều người đã biến đời sống hôn nhân của họ thành một tai hoạ. Nghèo không phải là nguyên nhân chính của một cuộc hôn nhân bất hạnh. Cả chồng lẫn vợ phải học cách chia sẻ mọi nỗi vui buồn lẫn nhau trong đời sống hàng ngày.

‘Người phụ nữ chẳng bao giờ mạnh hơn khi họ trang bị cho mình bằng sự yếu đuối của họ.’ (Madame du Deffand)

Sự hiểu biết lẫn nhau là bí quyết của một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tính cách nội tại của một người khó có thể thay đổi chỉ bằng sự trách móc hay đổ lỗi mà được.

‘Người đàn ông nghèo lấy một phụ nữ giàu kể như lấy được một người cai trị chứ không phải vợ.’ Chồng và vợ dù có những cá tính khác nhau, vẫn có thể sống chung với nhau nhờ hiểu biết những khác biệt của nhau và hành động một cách khôn ngoan.

‘Hôn nhân không phải là thiên đàng cũng chẳng phải là địa ngục; nó chỉ là nơi chuộc tội.’ (Abraham Lincoln)

Thời Gian Sẽ Chữa Lành Những Vết Thương

Phiền muộn nào rồi cũng qua đi. Những gì từng khiến cho bạn phải rơi nước mắt chẳng bao lâu sẽ bị lãng quên. Có thể bạn nhớ rằng mình đã khóc nhưng sẽ không nhớ tại sao bạn lại khóc như vậy! Khi chúng ta lớn tuổi và kinh qua cuộc đời, chúng ta thường lấy làm ngạc nhiên không hiểu vì sao chúng ta lại nằm trằn trọc cả đêm suy nghĩ ủ ê về một chuyện gì đó đã làm đảo lộn chúng ta trong ngày hôm ấy, hoặc vì sao chúng ta lại nuôi dưỡng sự tức giận đối với một ai đó bằng cách để cho những ý tưởng như thế chạy qua tâm chúng ta để tự làm khổ mình.

Có thể chúng ta không kiềm chế được sự tức giận của mình đối với một điều gì, rồi sau đó tự hỏi nó là cái gì mà chúng ta phải giận dữ về nó đến như thế, và lấy làm ngạc nhiên khi nhận ra rằng tất cả những gì mình đã làm thật là phí cả thì giờ và sinh lực. Thực ra chúng ta đã cố ý đế cho mình bị đau khổ trong khi chúng ta có thể chấm dứt được nó và để tâm nghĩ về một điều gì khác tốt đẹp hơn.

Dù những phiền muộn của chúng ta có là gì, và dù những phiền muộn ấy có làm chúng ta phải khổ sở bao nhiêu, thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương của chúng ta. Nhưng chắc chắn phải có một điều gì đó chúng ta có thể làm được để ngăn ngừa trước những đau thương không để cho xảy đến với mình. Tại sao chúng ta lại để cho những phiền muộn ấy làm tiêu mòn sinh lực của chúng ta và khiến cho chúng ta đau khổ? Chính chúng ta làm cho chúng ta đau khổ, chứ không phải những người khác.

Có thể bạn gặp một vài rắc rối ở sở làm của bạn nhưng, dù thế nào chăng nữa, bạn cũng không nên làm ô nhiễm gia đình bạn với một bầu không khí xấu. Bạn phải nhận ra rằng có một giới hạn cho những vấn đề ấy. Giải pháp nằm ở chỗ biết giải phóng khỏi những tham muốn ích kỷ của chúng ta bằng cách dứt trừ hết mọi hình thức của tính vị kỷ và si mê.

Khi chúng ta không tìm ra được một giải pháp cho vấn đề, chúng ta thường có khuynh hướng kiếm một người đưa đầu chịu tội nào đó để trút hết những bực bội của chúng ta lên họ. Chúng ta không sẵn sàng thừa nhận những khuyết điểm của chúng ta. Đổ lỗi cho người khác xem ra quá dễ. Thực sự là vậy, có số người thậm chí còn lấy làm thích thú khi làm công việc ấy. Đây là một thái độ hoàn toàn sai lầm. Chúng ta không nên lộ vẻ tức giận đối với những người khác mà phải cố gắng hết sức mình, một cách thận trọng và điềm tĩnh, để giải quyết những vấn đề của chúng ta. Lúc nào chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ mọi khó khăn mà chúng ta gặp.

Bí quyết của một cuộc sống hạnh phúc và thành công là biết làm những gì cần phải làm ngay trong hiện tại, không lo lắng về quá khứ hay tương lai. Chúng ta không thể uốn nắn lại quá khứ cũng như chúng ta không thể dự đoán trước được mọi việc trong tương lai. Chỉ có một khoảnh khắc thời gian qua đó chúng ta có được một vài kiểm soát ý thức, đó là hiện tại, mà thôi.

Nhiều người lúc nào cũng chỉ lo lắng về tương lai. Họ phải học cách tự điều chỉnh mình theo những hoàn cảnh. Bất cứ lâu đài nào chúng ta có thể xây dựng trên hư không, bất cứ giấc mơ nào chúng ta có thể có, luôn nhớ rằng chúng ta đang sống trong thế gian này, một thế gian xung đột và thay đổi không ngừng.

‘Không có những vì sao

để chúng ta nương tựa,

Cũng không có ánh sáng dẫn đường,

Nhưng chúng ta biết rằng,

Chúng ta phải,

SỐNG THIỆN, CÔNG BẰNG, CHÍNH TRỰC.

Một Bầu Không Khí Lành Mạnh

Có nhiều cách sửa sai một người khi họ lầm lỗi. Chỉ trích hay khiển trách anh ta giữa công chúng, bạn sẽ làm bẽ mặt anh ta chứ không sửa sai anh ta được. Cách chỉ trích như vậy chắc chắn sẽ tạo ra thêm nhiều kẻ thù. Nếu bạn có thể vì sự tốt đẹp trong tương lai của một người mà tỏ ra quan tâm bằng những lời lẽ ân cần, nhân ái thì một ngày kia anh ta sẽ biết ơn bạn về điều đó.

Khi bầy tỏ những quan điểm của mình về bất cứ vấn đề gì đừng bao giờ dùng những lời lẽ thô lỗ hay khó nghe. Ăn nói khéo léo, từ tốn và nhã nhặn không làm phật lòng ai cả. Thực sự chúng còn mở được nhiều cánh cửa làm nhẹ bớt tình thế (căng thẳng).

Đừng có cảm giác chống chế khi những lầm lỗi của bạn bị vạch ra. Hãy nhớ rằng lầm lỗi của bạn là những tấm biển chỉ đường để học ra sự hoàn thiện. Sự tức giận là một lối nguỵ trang tồi cho những khuyết điểm. Khi một người không kìm chế được cơn giận của mình họ sẽ buột miệng nói ra nhiều điều mà nếu không nói ra tốt hơn. Đừng bao giờ tiết lộ những bí mật tư riêng của bạn cũ cho dù hiện tại bạn có giận anh ta đến như thế nào. Bạn sẽ chỉ tự làm mất phẩm giá của mình khi làm điều ấy và những người khác có thể không bao giờ chấp nhận bạn như một con người thành thật sau đó. Tất nhiên họ sẽ nghĩ là bạn có thể tái diễn lại điều mà bạn đã gây tổn thương cho người bạn cũ: sẽ chẳng ai tin bạn.

Ngọt sanh bệnh, đắng dã tật. Lời khen là mật ngọt, thái quá gây ra bệnh; và lời chỉ trích cũng giống như một viên thuốc đắng nhưng có thể chữa lành bệnh của chúng ta. Vì thế chúng ta phải có can đảm để chịu đựng sự chỉ trích chứ không sợ hãi nó.

‘Cái xấu ta thấy nơi người

Nói lên bản chất con người của ta.’

Trong cuộc sống của một người, những hoàn cảnh và thế gian chỉ là sự phản ánh những ý nghĩ và niềm tin của họ. Có thể nói mọi người là những tấm gương phản ánh trung thực những hình ảnh của chính họ, buồn phiền, đau đớn và tất cả. Cái xấu của thể xác không phải là điểm bất lợi cho một nhân cách có sức hấp dẫn. Nếu một người xấu biết trau dồi đức hạnh từ ái, lòng từ ái ấy sẽ bộc lộ ra rất nhiều vẻ hấp dẫn – thanh thản, rạng rỡ, thân ái, dịu dàng. Loại hấp dẫn đó sẽ dễ dàng bù đắp cho bất cứ thiếu sót nào nơi vẻ bề ngoài. Nếu so sánh, một người đẹp với vẻ ta đây hay kênh kiệu, sẽ nhìn rất đáng ghét và không hấp dẫn. Vẻ duyên dáng bên trong là nét đẹp thực sự. Nó có một phẩm chất và sức hấp dẫn đặc biệt.

Kiến Thức và Trí Tuệ

Trí tuệ không phải là kiến thức. Chúng ta có được kiến thức sau khi nghe, đọc và quan sát nhiều sự việc trên đời này nhưng đó không phải là trí tuệ đúng nghĩa. Trí tuệ chỉ xuất hiện trong tâm khi những chướng ngại tâm lý (năm triền cái) và những bất tịnh khác không hoạt động trong tâm.

Ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có những người học rộng tài cao, chắc chắn là họ có kiến thức tuyệt vời song không may lại thiếu trí tuệ thích hợp. Nhiều người thông minh sáng dạ, nhưng hành vi cư xử của họ chẳng hề biết lẽ phải chăng, như chúng ta thấy một số trong họ rất nóng tính, ích kỷ, ganh tỵ, tật đố, tham lam và dễ kích động … Có thể nói những người thông minh thường xảo quyệt hơn người trí.

Trái lại, có những người rất nhân từ và mặc dù họ có lòng kiên nhẫn, khoan dung và nhiều đức tính tốt khác, trí tuệ họ lại rất nghèo nàn vì thế họ có thể dễ dàng bị những người khác đánh lừa. Nếu chúng ta có lòng quảng đại mà không có sự hiểu biết đúng (trí tuệ), chúng ta có thể rơi vào tình trạng rắc rối khi những người khác lợi dụng quá mức chúng ta. Do đó sự hiểu biết và những phẩm chất tốt đẹp phải đi cùng với nhau.

‘Một thằng ngốc thông thái ngốc hơn một thằng ngốc dốt nát.’ (Moliere)

Giáo Dục Hiện Đại

Nền giáo dục khoa học hiện đại thay vì đẩy mạnh kiến thức, hòa bình, hạnh phúc và an ổn đã vô tình tạo ra thêm nhiều vấn đề hơn nữa. Các chính phủ đang cố gắng duy trì hòa bình và trật tự bằng cách trừng phạt những người bất tuân pháp luật hiện hành của quốc gia. Nhưng ở khắp nơi trên thế giới những hành động ác và vô đạo đức vẫn lan tràn nhanh chóng vì chúng ta không thể diệt trừ hành vi phạm tội bằng cách tạo ra sự sợ hãi như vậy được.

Nếu một chính phủ tuyên bố luật pháp do chính phủ thi hành được bãi bỏ, chúng ta có thể thấy trong vòng 24 giờ người ta sẽ tiêu diệt toàn bộ đất nước ấy như thế nào. Những con người ác sẵn sàng sử dụng bạo lực và đổ máu để có được những gì họ cần và giải quyết những vấn đề của họ. Ngay cả các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng không thoát khỏi bị đổ lỗi trong vấn đề này, vì họ sử dụng những phương tiện khác để tiếp tục đánh lừa những tín đồ của họ.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã cố gắng làm cho mọi người phải chấp nhận những khổ đau của họ bằng cách dẫn chứng khái niệm về một cõi thiên đàng hay cực lạc để dụ dỗ. Hoặc răn đe mọi người làm lành tránh ác bằng cách đe doạ họ với lửa địa ngục. Tuy nhiên bất cứ phương pháp nào người ta áp dụng để tránh những vấn đề đó, sẽ chỉ làm tăng thêm những vấn đề mới mà thôi. Lý do tại sao những vấn đề lại không thể được giải quyết theo cách này là ở chỗ người ta không nhận ra căn nguyên của hầu hết những thiếu sót của họ. Nguyên nhân không ngoài một cái tâm không tu tập hay không biết luyện tập.

Khi chúng ta nghiên cứu đời sống của những con người kém ‘phát triển’ chúng ta có thể hiểu được rằng họ phải đương đầu với tương đối ít vấn đề hơn chúng ta, ít ra cũng ở mức tâm lý. Những vấn đề của họ phần lớn chỉ liên quan đến những nhu cầu đối với sự sinh tồn và những vấn đề về thể xác như đói và bịnh. Nhưng trong xã hội gọi là văn minh ngày nay nhiều vấn đề   không còn phát sinh từ nhu cầu bảo đảm sự sinh tồn của chúng ta nữa. Con người trong những xã hội này đã được bảo đảm đầy đủ về những nhu cầu vật chất như thực phẩm và nhà ở, nhưng họ vẫn không hạnh phúc, có lẽ còn không hạnh phúc hơn cả những con người được gọi là thời nguyên thuỷ nữa.

Những vấn đề của họ nằm ở chỗ họ quá chú trọng đến việc tìm kiếm sự hưởng thụ và dường như không biết đến ý nghĩa của sự tri túc hay biết đủ là gì. Nhiều người tin rằng mục đích của đời họ chỉ là để tìm kiếm sự hưởng thụ và thoả mãn những khát khao của năm giác quan. Do đó mà hệ thống giáo dục hướng nghiệp hiện đại đã sản xuất ra những sinh viên được trang bị với kiến thức thuần dựa vào thực tiễn để ‘thành công’ trong cuộc đời mà thôi.

Một sự giáo dục như vậy sẽ làm tăng thêm tính ích kỷ bởi vì họ được dạy rằng thành công vật chất có nghĩa là làm sao vượt qua được hết những người khác. Tất nhiên nó tạo ra được những con người tài giỏi nhưng không phát triển về mặt đạo đức. Người như vậy không quan tâm đến những gì xảy ra cho người khác, mà chỉ cốt sao kiếm được lợi nhuận và danh vọng vật chất cho mình mà thôi. Nhờ biết thích nghi với những kỹ thuật hiện đại, họ hoàn thành những tham vọng ích kỷ của họ bằng sự xảo quyệt và hiểm ác.

Thời kỳ nảy nở của đời người xảy ra trong suốt giai đoạn quá độ của sự phát triển từ đứa trẻ trở thành một người thanh niên. Chính trong thời kỳ phát triển đó người trẻ tuổi trau dồi được những phẩm chất nhân tính. Có thể nói giai đoạn này giúp cho người thanh niên kinh nghiệm được những lĩnh vực khác nhau trong sự tiến hóa của họ cả trên phương diện thể xác lẫn tinh thần. Và cũng chính trong thời kỳ này Đất Nước, Gia Đình và Tôn Giáo phải hợp tác với nhau nhiều hơn trong cố gắng lo toan chung để tạo ra một môi trường lý tưởng nhất cho họ nhằm đem lại những kết quả tối đa trong giai đoạn ngắn ngủi này.

Làm Thế Nào Để Đương Đầu Với Những Vấn Đề Của Chúng Ta

Ai không thể đối phó với những vấn đề của mình sẽ tạo ra thêm nhiều sự lo lắng hơn nữa. Khi một hiểu lầm nào đó nảy sinh trong gia đình của họ họ làm cho cuộc sống trở nên đau khổ hơn. Đôi khi bạo lực, đổ máu và tự tử cũng có thể xảy ra. Như vậy đâu là sự thoả mãn trong cuộc sống vật chất này?

Ngày nay người ta cần nhiều thu nhập không chỉ để cho cuộc sống hàng ngày như lo liệu sao cho có cơm ăn, áo mặc, thuốc men, chỗ ở và chu toàn những bổn phận của họ thôi mà còn để tổ chức một lối sống sao cho những đam mê nhục dục của họ được gia tăng. Và điều này đã trở thành một loại cạnh tranh.

Con người chú trọng nhiều hơn vào dục lạc thay vì những bổn phận và trách nhiệm của họ. Một số người thậm chí còn tiếp tục bồi dưỡng cho sự không thoả mãn của mình bằng cách lo lắng về tương lai dù lúc ấy họ đã có nhiều hơn là đủ. Họ lo đến chuyện ốm đau, già yếu, cái chết và cả chuyện lên thiên đàng cũng như xuống địa ngục trong kiếp kế nữa.

Hàng ngày họ nếm trải đủ mùi bất toại nguyện trong cuộc sống. Họ chạy đông chạy tây để tìm cách chữa cho dứt những vấn đề của họ trong cuộc đời. Họ cứ tiếp tục cuộc tìm kiếm bình yên và hạnh phúc này cho đến lúc chết nhưng không bao giờ tìm ra được một giải pháp đích thực. Tới lúc họ cảm thấy mình đã già thì họ lo sợ, họ lo đến lúc họ không thể có được những gì họ muốn, họ lo đến lúc phải mất, phải chia tay với những vật hay những người họ yêu mến. Điều này dẫn đến tình trạng thất vọng và sầu khổ tinh thần thậm chí sau đó còn có thể dẫn đến chứng loạn thần kinh. Chúng ta không biết bản chất thực của cuộc hiện hữu của chúng ta nhưng lại cố gắng để duy trì cuộc sống mà không muốn gặp những xáo trộn và đổi thay.

Đời là vô thường, nó là một tập hợp của những yếu tố và năng lượng vốn luôn luôn thay đổi. Kết quả là không một tình trạng nào cứ luôn là như thế theo sự mong đợi của chúng ta và chúng ta cảm thấy như đời làm việc không công bằng đối với chúng ta vậy. Khi những yếu tố và năng lượng không quân bình (tứ đại bất hoà) chúng ta cảm thấy khó chịu, bịnh hoạn, đau đớn và nhiều vấn đề khác. Khi năng lượng tâm bị xáo trộn chúng ta mắc những vấn đề tâm lý. Những vấn đề tâm lý này nếu bỏ mặc không kiểm soát một thời gian sẽ tự thể hiện như những vấn đề thuộc về thể xác bởi vì các cơ quan và hạch tuyến của chúng ta cũng thay đổi chức năng bình thường của chúng và tác động đến sự tuần hoàn của máu, nhịp tim và các tế bào não.

Ngày nay nhiều người còn sống một cuộc sống giả tạo không biết đến sự nguy hiểm của nó. Nhiều trong số những vấn đề của họ là do chính bản thân họ tạo ra từ vô minh và khát khao quá nhiều dục lạc một cách điên rồ. Có thể nói đa số những vấn đề và gánh nặng của chúng ta xuất hiện sau độ tuổi trung niên. Để hiểu được tại sao những vấn đề của chúng ta lại gia tăng với tuổi già, chúng ta hãy giả sử có một cái hố sâu khoảng ba chục mét với than đang cháy hồng dưới đáy. Nếu chúng ta bắc một cái thang và yêu cầu một số người lần lượt đi xuống, những người đi xuống trước sẽ không kêu ca gì về cái nóng cho tới khi họ xuống đến độ sâu mười lăm mười sáu mét, sau đó họ cảm thấy một sức nóng tương đối nào đó. Khi họ đi xuống sâu thêm đến hai mươi, hai lăm mét và gần với chỗ than đang cháy hơn họ sẽ kinh nghiện cảm giác nóng như lửa. Lúc này họ cố gắng cảnh báo những người đi sau về sự nguy hiểm ở phía dưới, nhưng không người nào lắng nghe cả. Cũng theo cách tương tự, những người trẻ thường nói không có gì sai với họ và họ không hề cảm thấy khổ. Chỉ khi chúng ta già hơn và có sự hiểu biết hơn về tuổi già, bệnh hoạn và cái chết sắp xảy đến chúng ta mới ‘bắt đầu cảm nhận được cái nóng’.

Đức Phật nói đời là khổ và đây là một bài học quý giá cho những người trẻ để hiểu được bản chất của hiện hữu. Người lớn tuổi cũng có trí tuệ này và nếu những người trẻ biết lắng nghe họ thì sẽ có thể tránh được rất nhiều lầm lỗi. Đây là một ví dụ khác để các bạn hiểu tại sao chúng ta nên nghe lời các bậc lớn tuổi. Một bầy cá thấy một vật cản nhỏ bất thường trên nước, đó thực sự là một cái bẫy do người đánh cá giăng ra để bắt cá. Một vài chú cá nhỏ muốn bơi vào trong vật cản ấy để khám phá song con cá già khuyên chúng không nên làm điều đó vì đó có thể là một cái bẫy rất nguy hiểm. Một con cá nhỏ hỏi, ‘Làm sao chúng ta biết được là nó có nguy hiểm hay không? Chúng ta chỉ có thể biết được nó là thế nào nếu chúng ta đi vào và nghiên cứu’. Thế là một số chú cá nhỏ bơi vào và liền bị tóm trong tấm lưới.

Ví dụ đơn giản này nói cho chúng ta biết rằng không nhất thiết phải có kinh nghiệm cá nhân trong một vài sự việc mới hiểu được là chúng tốt hay xấu. Chúng ta phải sẵn sàng để chấp nhận lời khuyên đưa ra bởi những người có trí như Đức Phật, người chắc chắn biết vô tận hơn chúng ta. Do đó chúng ta không nên nghĩ rằng chúng ta đã biết hết mọi thứ và không ai có thể dạy cho chúng ta về cuộc đời cũng như cách làm thế nào để tránh những vấn đề của nó được. Khi các bậc trưởng lão và cha mẹ của chúng ta khuyên chúng ta không nên làm một số việc chúng ta phải nghe lời họ, vì chắc chắn kinh nghiệm của họ già dặn hơn kiến thức có tính lý thuyết của chúng ta về cuộc sống trần tục nhiều lắm. Đó là lý do tại sao các bậc cha mẹ luôn luôn khuyên con cái của họ làm một số việc và không nên làm một số việc khác vậy.

‘Hãy cẩn thận đối với lầm lỗi nhỏ: Một lỗ nhỏ cũng có thể làm đắm một chiếc thuyền lớn!’ (Benjamin Franklin)

Khi người trẻ không chú ý đến những lời khuyên của các bậc trưởng lão, họ có khuynh hướng làm nhiều điều theo cách nghĩ của họ.

Một hôm, Đức Phật và các đệ tử của ngài đi tới một ngôi làng nọ. Một số người trong ngôi làng ấy rất ghét Đức Phật. Khi họ bắt đầu mắng nhiếc Đức Phật, các vị đệ tử liền đề nghị ngài đi qua một ngôi làng khác để tránh những lời lăng mạ của họ. Đức Phật hỏi, ‘Có gì bảo đảm là ở nơi mới đó sẽ không có những chuyện phiền nhiễu?’ Rồi Đức Phật nói: ‘Chạy trốn không phải là giải pháp để vượt qua những phiền nhiễu. Nếu chúng ta không có những cảm giác tội lỗi trong tâm, lời mắng nhiếc sỉ vả kia sẽ chẳng bao giờ đến được chúng ta. Do đó chúng ta phải nhẫn nại và cứ để họ mắng nhiếc cho đến khi nào họ chán thì thôi.’ Khi những người mắng chửi Đức Phật biết được rằng không có một sự phản ứng nào từ nơi Đức Phật và các đệ tử của Ngài, họ đã ngưng chửi sau vài ngày.

Chẳng hạn sau khi thấy hay nghe một chuyện gì đó xảy ra, một số người xem sự việc   nghiêm trọng như thể đó là một vấn đề. Số khác không quan tâm và phớt lờ nó. Một vài người sinh ra lo lắng và sợ hãi quá mức về việc đó. Một số khác ghi nhớ sự việc và nghĩ rằng đó là một bài học tốt để học. Trong khi một số khác thì gạt nó qua một bên xem như chuyện đùa. Còn vài người để lại những nhận xét và loại bỏ nó.

Ở đây bạn có thể hiểu được vì sao cùng sự việc xảy ra lại được người ta nhìn theo những cách khác nhau tùy vào khả năng trí óc của họ. Những vấn đề là do tâm chúng ta tạo. Nếu chúng ta đã tu tập tâm để giữ được sự nhẫn nại, khoan dung và hiểu biết, chúng ta sẽ không bao giờ xem một sự việc nào là quá nghiêm trọng để rồi tạo ra thêm những vấn đề nữa. Những vấn đề của chúng ta là do chính chúng ta tạo ra, nó không phải là công việc của người khác.

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2008